Người phụ nữ giấu mặt trong tranh Monet

Kachi, Theo 14:00 06/01/2014

Cho đến khi cận kề cái chết, Camille Doncieux, người phụ nữ bất hạnh, đoản phận vẫn là “Nàng thơ” sáng giá nhất trong sự nghiệp của Claude Monet, họa sĩ người Pháp được nhân loại biết tới nhiều nhất.

Thời trẻ, họa sĩ Pháp, Claude Monet (1840-1926, một trong những người sáng lập trường phái Ấn tượng có sở thích sáng tạo rất khác người, đó là vẽ tranh ngoài trời, giữa thiên nhiên khoáng đạt, thay vì nhốt mình trong bốn bức tường phòng vẽ như các đồng nghiệp khác. Ông luôn ưa chuộng ánh sáng và màu sắc tự nhiên và thích vẽ trong khu vườn nhà ở Argenteuil, một ngôi làng xinh đẹp, nhộn nhịp kề bên thành phố Paris.

Người phụ nữ giấu mặt trong tranh Monet 1
Claude Monet vẽ trong khu vườn của gia đình ở Argenteuil (1873)

Người phụ nữ giấu mặt trong tranh Monet 2
Monet vẽ chân dung Camille trên chiếc thuyền giữa dòng sông Seine (1874)

Năm 1871, Claude Monet đã chuyển tới Argenteuil, quãng đẹp nhất của sông Seine, nơi lòng sông rộng và sâu nhất. Tại đây, ông mua một chiếc thuyền và biến nó thành một phòng vẽ cá nhân. Họa sĩ người Pháp thường neo thuyền gần nhà mình và vẽ những gì ông đang nung nấu. Sống chung với Monet ở Argenteuil là người vợ, Camille Doncieux  và con trai của họ, Jean. Camille đã trở thành người mẫu tranh của Monet từ khi họ gặp nhau vào năm 1865 và từ đó sống với nhau trong cảnh nghèo khó. Kể từ đó cho tới khi qua đời, Camille luôn là một “nàng thơ” mờ ảo trong tranh Monet. Nhiều bức tranh của “cha đẻ” trường phái ấn tượng vẽ vợ mình trong bối cảnh gương mặt được che kín hoặc giấu mặt.

Người phụ nữ giấu mặt trong tranh Monet 3
Camille trước cảnh sông nước Bennecourt (1868)

Người phụ nữ giấu mặt trong tranh Monet 4
Camille trên bãi biển ở Trouville (1870)

Người phụ nữ giấu mặt trong tranh Monet 5
Cả gia đình Monet trong vườn của họ tại Argenteuil (1874). Trong khi Camille và con trai Jean thư giãn, Monet chăm sóc cây cối

Không chỉ tận tụy trong tư cách người mẫu tranh cho chồng, Camille Doncieux còn rất hào phóng khi tự nguyện làm mẫu cho những đồng nghiệp của Monet, trong đó có họa sĩ Auguste Renoir, người đã nhiều lần vẽ Camille và gọi bà là La Monette. Một trong những lần hiếm hoi Monet vẽ rõ gương mặt của vợ, công chúng có thể trông rõ đôi mắt lớn, dáng điệu u sầu, buồn bã của Camille Doncieux.

Người phụ nữ giấu mặt trong tranh Monet 6
Camille Monet đọc sách - Tranh Auguste Renoir (1872)

Năm 1876, bà Camille ngã bệnh với căn bệnh nan y là ung thư cổ tử cung. Tình trạng sức khỏe xuống dốc của bà được thể hiện rõ trong bức tranh Camille Holding a Posy of Violets. Nàng thơ của Monet lộ vẻ xanh xao, mệt mỏi, già nua. Tuy nhiên, một số nhà phê bình lại cho rằng thái độ của bà thể hiện sự ghê tởm với hành động phản bội của Monet khi công khai tán tỉnh người bạn chung của hai người, Alice Hoschede. Người phụ nữ này sau đó đã đã ngang nhiên cùng hai con chuyển tới sống chung một nhà với vợ chồng Monet.

Người phụ nữ giấu mặt trong tranh Monet 7
Camille trên ghế dài (1873)

Năm 1878, Camille sinh con trai thứ hai, Michel. Lúc này, sức khỏe của bà đã yếu tới mức báo động nguy hiểm. Cuối cùng, kết thúc mọi đau đớn, Camille từ giã cõi đời vào ngày 5/9/1879. Những giờ phút cuối cùng của cuộc đời, Monet vẫn đam mê vẽ Camille. Ông đã vẽ bức chân dung cuối cùng của vợ ngày cuối cùng bà nằm trên giường bệnh. “Tôi chụp lấy khoảnh khắc bi thảm trên vầng trán của cô ấy, quan sát trình tự thay đổi của sắc thái cái chết trên gương mặt cứng đơ của vợ. Màu xanh, màu vàng, màu xám… phản xạ của tôi bắt buộc tôi phải hành động vô thức bất chấp chính bản thân tôi”. 

Người phụ nữ giấu mặt trong tranh Monet 8
Camille trên giường bệnh (1879)

Mặc dù không chăm chút vợ chu đáo nhưng Monet đã luôn yêu Camille. Ông cảm thấy vô cùng đau khổ sau cái chết của Camille và không còn tha thiết vẽ tranh suốt một thời gian dài. Ngày nay, công chúng rất ít biết tới các thông tin về bà Monet - Camille Doncieux hay Camille Monet. Nguyên do là tình nhân và là người vợ thứ hai của họa sĩ nổi tiếng người Pháp, kẻ đã ngang nhiên cướp chồng bạn thân - Alice Hoschede, đã ghen lồng ghen lộn với vợ trước của chồng. Bà yêu cầu Monet hủy hết tất cả những kỷ vật của “Nàng thơ” một thời, bao gồm những lá thư, hình ảnh, bất cứ điều gì là chứng thực sự tồn tại của Camille Doncieux.