Kiệt tác Bữa trưa trên cỏ và sự ghẻ lạnh của công chúng

Kachi, Theo 00:00 24/12/2013

Cùng với Olympia, Le déjeuner sur l'herbe (Bữa trưa trên cỏ) đã phá vỡ những thành kiến cực đoan, mở cánh cửa nặng nề của nghệ thuật hiện đại và trở thành những kiệt tác trong sự nghiệp của danh họa Manet.

Edouard Manet (1832-1883) sinh ra trong một gia đình danh giá, một gia thế có thể đảm bảo để ông trở thành một chính trị gia tầm cỡ nhưng ông đã lựa chọn một cuộc sống lang thang, viễn du cùng những con tàu, tự do tự tại. Năm 18 tuổi, Manet chính thức bước chân vào hội họa. 

Năm 1863, danh họa người Pháp đã cho ra mắt một trong những bức tranh mang tính biểu tượng trong lịch sử hội họa, Le déjeuner sur l'herbe (Bữa trưa trên cỏ). Bức tranh miêu tả một phụ nữ khỏa thân đang ngồi cạnh hai người đàn ông ăn vận chỉnh tề, xa xa là một phụ nữ khác dường như đang chơi đùa với cây cỏ và giỏ trái cây bên cạnh.

Bữa trưa trên cỏ cùng với một bức tranh khác vẽ cùng năm của Manet, Olympia đã làm công chúng choáng váng vì sự táo bạo trong ý tưởng. Nhiều người cho rằng Manet quá liều lĩnh khi miêu tả một vị nữ thần và hình ảnh hình thể của phụ nữ y như những gái điếm. Thậm chí, Napoleon III cũng nói rằng bức tranh của Manet “thiếu đứng đắn”. Tuy nhiên, danh họa người Pháp bác bỏ các cáo buộc. 

Kiệt tác Bữa trưa trên cỏ và sự ghẻ lạnh của công chúng 1
Bữa trưa trên cỏ (1863)

Bữa trưa trên cỏ không được các Salon đón nhận, Manet đã mang bức tranh tới cuộc triển lãm chung với các đồng nghiệp Pissarro, Jongkind, Fantin-Latour. Hàng ngàn người đã tới chiêm ngắm các tác phẩm trong triển lãm và bức tranh "thiếu đứng đắn" của Manet là một điểm nhấn khó quên. Bữa trưa trên cỏ sau đó đã trở thành biểu tượng thể hiện sự rạn nứt giữa hội họa kinh viện (Với các chủ đề cơ bản là lịch sử, tôn giáo, chân dung) và sự phóng khoáng của hội họa hiện đại còn Manet thì trở thành anh hùng trong mắt các nghệ sĩ trẻ. 

Bữa trưa trên cỏ được Manet vẽ vào những năm 1862 – 1863, tên ban đầu là Bathe (Tắm). Ông có ý định sẽ mang bức tranh tới hội chợ của Học viện mỹ thuật nhưng bị chối từ. Chính những người đầu tiên có vinh dự thưởng lãm đã gọi bức tranh một cách nhạo báng là Le déjeuner sur l'herbe (Bữa trưa trên cỏ) và Manet đã lấy luôn cái tên này để đặt cho bức tranh.

Hai người đàn ông xuất hiện trong bức tranh, một người là Eugenia (Bên trái), anh trai của Manet, người còn lại là anh vợ tương lai của ông, Ferdinand Leenhoff (Người đội mũ). Còn người phụ nữ khỏa thân nhìn thẳng vào người thưởng tranh là sự kết hợp giữa Victorine Meurent, một người mẫu tranh nổi tiếng của Manet và đường nét cơ thể vợ tương lai của danh họa, Suzanne Leenhoff. 

Kiệt tác Bữa trưa trên cỏ và sự ghẻ lạnh của công chúng 2
Olympia  (1863)

Victorine Meurent (1844-1927), nhân vật chính trong Bữa trưa trên cỏ từng bị những công chúng cực đoan nhục mạ là một gái điếm. Trên thực tế, Victorine Meurent sinh trưởng trong một gia đình làm nghề thủ công và sau này cũng là một họa sĩ thành công, một tác phẩm của bà có giá trị ước tính 5000 USD. Bà bắt đầu làm mẫu cho Thomas Couture, thầy dạy của Manet từ năm 16 tuổi và bắt đầu làm mẫu cho Manet từ năm 1862 trong một bức tranh miêu tả một cô gái tóc đỏ hát rong trên đường. Với vóc dáng mảnh mai và mái tóc đỏ cuốn hút, Victorine vẫn tiếp tục là “nàng thơ” của Manet đến năm 1873. Năm 1879, Victorine trở thành thành viên của Viện Hàn lâm Nghệ thuật. Có tin đồn rằng Victorine là một người đồng tính vì bà không lập gia đình và sống với một nữ giáo viên dạy dương cầm những năm cuối đời ở ngoại ô Paris. 

Bữa trưa trên cỏ của Manet đóng một vai trò quan trọng trong việc giải phóng hình ảnh nghiêm cẩn, cứng nhắc giả tạo của phụ nữ, phủ nhận định kiến chỉ có các nữ thần trong thần thoại mới có thể khỏa thân mà vẫn tự nhiên, không chút nhục cảm. Với biểu cảm bình thản của hai người đàn ông, bức tranh như một sự khẳng định chắc nịch rằng hình ảnh phụ nữ khỏa thân không có gì đáng xấu hổ. 

Kiệt tác Bữa trưa trên cỏ và sự ghẻ lạnh của công chúng 3
Manet A La Palette, kiệt tác tự họa của Manet được bán với giá 22.441.250 bảng Anh vào năm 2010

Chủ đề khỏa thân từng xuất hiện trong hội họa thời Phục Hưng nhưng Manet lại gây nên một cuộc tranh cãi về chủ đề này. Nguyên do là vì sự táo bạo trong ánh mắt nhìn thẳng của người phụ nữ trong bức tranh. Không cần “đội lốt” hình ảnh của một nữ thần nào, cô như chiếu thẳng ánh mắt thách thức tới công chúng. Bất chấp những chỉ trích về chủ đề tầm thường của bức tranh “trị giá ba xu”, Bữa trưa trên cỏ vẫn “đạp lên dư luận”, trở thành bức tranh nổi tiếng nhất thế kỷ XIX.