Hướng dương - “Bó hoa nghệ thuật” của riêng Van Gogh

Nuage, Theo Pháp luật xã hội 14:00 25/01/2014

Nguồn cảm hứng sâu nặng và bền bỉ bậc nhất trong sáng tạo của thiên tài hội họa Van Gogh, cũng là ngọn nguồn của bộ tứ kiệt tác nổi tiếng, đó là hoa hướng dương.

Trong số hơn 5 triệu lượt người ghé thăm Bảo tàng Hội họa Quốc gia Anh quốc hàng năm có lẽ rất ít người biết rằng 4 bức tranh vẽ hoa hướng dương của Van Gogh được nghệ sĩ tài năng hoàn thành trong vòng chưa đầy 1 tuần vào mùa hè năm 1888 trong phòng vẽ ở miền nam nước Pháp, vì những cơn gió lạnh không cho phép ông làm việc ngoài trời. 

Hướng dương - “Bó hoa nghệ thuật” của riêng Van Gogh  1
Tháng 3/ 1987 là một trong bức tranh vẽ 15 đóa hoa hướng dương của Van Gogh đã được bán với giá khoảng 40 triệu đô la

Bức tranh đầu tiên vẽ 15 đóa hướng dương chưng trong một chiếc bình đất nung đơn giản, tương phản với màu vàng rực rỡ của những đóa hoa. Bên cạnh những đóa tươi nguyên đang e ấp, một số đóa đã rũ xuống, báo hiệu sự lụi tàn. Đó là một ẩn dụ về quy luật thời gian, khác với quy chuẩn tuyệt đối sặc sỡ trong các bức tranh vẽ hoa đã được định hình từ thế kỷ 17. Kể từ khi được đưa vào bộ sưu tập của Bảo tàng Hội họa Quốc gia ở London từ năm 1924, bức tranh đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Bức họa nổi tiếng này được in lên bưu thiếp và con số bán ra vào khoảng 26.110 tấm, hơn bất kỳ những bức tranh nổi tiếng nào trong bộ sưu tập của Bảo tàng Hội họa Quốc gia ở London.

Riêng bức tranh vô danh vẽ ba bông hoa hướng dương màu vàng cam chưng trong một chiếc bình tráng men màu xanh lá cây trên nền ngọc lam được bảo tàng Nghệ thuật Cleveland mượn lại từ một bộ sưu tập cá nhân và được chứng minh là của Van Gogh vào năm 1948. Một bức tranh khác trong bộ tứ, cũng vẽ ba đóa hướng dương đã bị phá hủy trong cuộc oanh tạc của Mỹ xuống thành phố Ashiya (Nhật Bản) năm 1945. Bức tranh cuối cùng có tới 14 đóa hướng dương được vẽ trên nền ngọc lam, nay thuộc sở hữu của Neue Pinakothek, một phòng tranh ở Munich (Đức).

Hướng dương - “Bó hoa nghệ thuật” của riêng Van Gogh  2
Bức tranh vô danh vẽ ba bông hoa hướng dương màu vàng cam chưng trong một chiếc bình tráng men màu xanh lá cây trên nền ngọc lam được bảo tàng Nghệ thuật Cleveland mượn lại từ một bộ sưu tập cá nhân
 
Không lâu sau khi hoàn thành bộ tứ hoa hướng dương, Van Gogh tiếp tục vẽ các bức tranh cùng chủ đề cũng như các biến thể dựa trên hình ảnh hoa hướng dương, một trong số các bức tranh được trưng bày ở Bảo tàng Van Gogh, Amsterdam (Hà Lan). Điều kỳ quặc là một số rất ít công chúng nhận ra nguồn cảm hứng về hoa hướng dương được tiếp nối rất liền mạch và dồi dào trong hội họa của Van Gogh, một nguồn cảm hứng được xem như một “bó hoa của nghệ thuật”. 

Van Gogh vẽ hoa hướng dương lần đầu tiên vào mùa hè năm 1886. Hai năm sau đó, niềm đam mê với loài hoa mặt trời của danh họa người Hà Lan lại bùng cháy mãnh liệt khi ông định cư tại Arles (Provence), phía bắc Marseille (Pháp). Để “lôi kéo” Paul Gauguin, thần tượng và là  họa sĩ hàng đầu của trào lưu hậu ấn tượng tới thăm mình thường xuyên hơn, Van Gogh vẽ và treo hai trong bốn bức tranh của bộ tứ trong phòng ngủ của Paul Gauguin. Từ đó, danh họa người Hà Lan đã thuyết phục thần tượng về tài năng có một không hai của ông. Paul Gauguin liên tục ngợi khen và cũng bắt đầu vẽ một bức tranh về hoa hướng dương để cảm ơn lòng mến khách cũng như ảnh hưởng của Van Gogh. 

Hướng dương - “Bó hoa nghệ thuật” của riêng Van Gogh  3
Một bức tranh khác trong bộ tứ, cũng vẽ ba đóa hướng dương đã bị phá hủy trong cuộc oanh tạc của Mỹ xuống thành phố Ashiya (Nhật Bản) năm 1945

Từ một hành động có ý thức nhằm khẳng định bản năng nghệ sĩ với thần tượng của mình, những bức tranh vẽ hoa hướng dương của Van Gogh không còn đơn thuần vì mục đích bản thân nữa. Ngắm nhìn màu vàng tươi sáng và cách tạo hình nhuần nhị của một cây cọ chuyên nghiệp cho thấy tình yêu, niềm vui, sự tự tin và năng lượng tràn trề của danh họa người Hà Lan khi vẽ những bức tranh này. Trong bức thư gửi em trai vào tháng 8/1888, danh họa viết: “Anh vẽ với sự thích thú y như một người Marseille được ăn món cá hầm khoái khẩu”. Tháng giêng năm 1889, cũng trong một bức thư gửi em trai, Van Gogh khẳng định “Dù theo cách này hay cách khác, hướng dương vẫn là loài hoa của anh”. Rõ ràng, Van Gogh đã sớm nhận ra rằng hoa hướng dương là một motif duy nhất có tính cộng hưởng mà ông có thể sáng tạo”. Những bức tranh hoa hướng dương cũng giống như một tốc ký trực quan của Van Gogh, với những bế tắc trong cuộc sống, mà đỉnh điểm là viên đạn tự sát thương vào năm 1890.

Hướng dương - “Bó hoa nghệ thuật” của riêng Van Gogh  4
Bức tranh cuối cùng của bộ tứ có tới 14 đóa hướng dương được vẽ trên nền ngọc lam, nay thuộc sở hữu của Neue Pinakothek, một phòng tranh ở Munich (Đức)

Hình tượng hoa hướng dương trong tranh Van Gogh lan truyền với tốc độ chóng mặt trong thế kỷ 20, cũng là một phương tiện thể hiện cái nhìn của danh họa vĩ đại về cảm xúc, tính chủ quan trong sáng tạo, như ông từng nói: “Thay vì cố gắng làm chính xác những gì trông thấy trước mắt, tôi sử dụng màu sắc tùy tiện hơn để thể hiện bản thân một cách sâu sắc”. Van Gogh cũng bất cần nói thêm: “Tôi muốn vẽ theo cách mà tất cả mọi người có mắt đều có thể hiểu được”.