Fritz Kahn – “Bố già” của infographic

Kachi, Theo Pháp luật xã hội 14:01 21/11/2013

Làm thế nào một bác sĩ phụ khoa người Đức lại có thể đặt nền tảng cho đồ họa thông tin hiện đại?

Thời điểm Otto Neurath đang xây dựng ngôn ngữ hình ảnh Isotype nền tảng cho infographic, Fritz Kahn vẫn đang đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau như nhà thiên văn học nghiệp dư, đào tạo y tế và là bác sĩ phụ khoa. Bên cạnh đó, ông còn viết văn, cố gắng mềm mại hóa những lĩnh vực khoa học cứng nhắc. Tác phẩm infographic nổi tiếng nhất của Fritz Kahn, Man as Industrial Palace ra đời năm 1926 lấy cảm hứng từ thế hệ họa sĩ khoa học với đại diện tiêu biểu là Irving Geis.

Giống như Otto Neurath, Fritz Kahn xuất thân không phải là một nghệ sĩ nhưng bù lại ông có khả năng tư duy logic mạnh mẽ. Nhờ đó, từ một nhà nghiên cứu khoa học xuất sắc, với trí tưởng tượng và sở thích thiết kế đồ họa, Fritz Kahn đã trở thành một nhân vật tầm cỡ trong dạng thức thể hiện các thông tin, dữ liệu hoặc kiến thức bằng hình ảnh trực quan. Nghệ thuật tương đồng là sở trường của Fritz Kahn. Bằng cách sử dụng các phương pháp như hình ảnh cắt dán, sơn, vẽ và phong cách như truyện tranh, siêu thực, dada… bằng bất cứ những hình ảnh có tính liên tưởng nào, ông sáng tạo nhằm kích hoạt trí tưởng tượng của đại chúng.  

Fritz Kahn – “Bố già” của infographic 1
Fritz Kahn – “Bố già” của infographic

Trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20, Berlin là một trong những trung tâm chính trị, xã hội và văn hóa của châu Âu, cũng là nơi tương tác của các hình thức thẩm mỹ mới. Và Fritz Kahn như cá gặp nước đã sử dụng các thiết kế  ngắn gọn, rõ ràng, hiệu quả và đầy đủ nhằm minh họa cho những thông tin phức tạp. Nổi bật nhất trong các sáng tạo của ông phải kể đến công trình nghiên cứu The Life of Man (Cuộc sống con người - 1922-1931). Bằng infographic, ông đã khai sáng cho cả những người chậm hiểu nhất. Là một nhà khoa học, Fritz Kahn hiểu rõ tầm quan trọng của hình ảnh đồ họa với nhận thức của con người cũng như trong giáo dục. Ông là người tích cực cổ động việc sử dụng Infographic trong sách giáo khoa và các tạp chí khoa học, trong các tình huống đời sống hàng ngày. Ông đã phát triển phong cách sừ dụng trên kiến trúc và công nghiệp hình ảnh ẩn dụ mô tả cơ thể con người với môi trường làm việc hiện đại. 

Fritz Kahn – “Bố già” của infographic 2
Man as Industrial Palace (Con người như hệ thống công nghiệp - 1926)

Fritz Kahn cũng là người tiên phong của phong cách kể chuyện tương tác trước khi công nghệ tương tác ra đời. Từ hình ảnh tĩnh, thụ động, ông khiến chúng hoạt động và kết nối, tạo ra không gian tưởng tượng, thách thức công chúng khám phá những không gian độc lập, tìm ra điểm tâm đắc. Từ kinh nghiệm cá nhân cũng như kỹ năng y tế, Fritz Kahn biết được tác dụng chữa lành của trí tưởng tượng. Hình ảnh biết nói sẽ giúp con người kết nối với chính mình, với hội nhóm, thế giới và vũ trụ để tìm ra vị trí của bản thân. 

Tài năng và thức thời là thế nhưng giống như số phận của nhiều trí thức Do Thái khác, Fritz Kahn buộc phải trốn chạy khi Đức quốc xã lên nắm quyền. Cuốn sách của ông bị tịch thu và tiêu hủy còn những sáng tạo Infographic thì đứng tên người khác, một thành viên của Đức quốc xã, một hành động ăn cắp trắng trợn. May mắn là sau khi kết thúc Thế chiến II, Fritz Kahn đã có quyền khởi kiện bản quyền và được đứng tên dưới những sáng tạo của mình. 

Fritz Kahn – “Bố già” của infographic 3
The cycle of matter and energy (Chu kỳ của vật chất và năng lượng - 1926)

Ngày nay, khi Infographic thật sự trở thành tâm điểm chú ý như một cách để truyền những ý tưởng và thông tin phức tạp, công chúng càng thấm thía hơn vai trò tiên phong của Fritz Kahn. Ông chính là một một phép lạ của trí tưởng tượng của con người.