Đời tư rắc rối của “Người khổng lồ trong văn đàn Mỹ”

, Theo 00:01 17/11/2013

Thích gây gổ, thường xuyên gây rắc rối, nhân vật chính của các cuộc bút chiến, có tới 8 đứa con với 6 người vợ khác nhau, “Người khổng lồ của văn đàn Mỹ” - Norman Mailer, được coi là một trong những “bad boy” tiếng tăm trong làng văn.

Sinh thời, Norman Mailer luôn ấp ủ ước ao trở thành Hemingway của thế hệ mình và chính báo chí đã giúp tên tuổi của ông nổi như cồn. Tuy nhiên, ông luôn chế giễu, tỏ ra thiếu thiện cảm, căm thù báo chí. Sinh ở New Jersey trong một gia đình Do Thái, Norman Mailer lớn lên ở Brooklyn, khác với những cây bút người Do Thái cam chịu khác, Norman Mailer sớm thể hiện một tính cách cương quyết, ương ngạnh. Ông luôn nói rằng mình có “tính khí của người Do Thái ... một tâm trí của người Do Thái ... trong mọi hoàn cảnh chỉ nhận bản thân mình là người Do Thái”. Đồng thời với tính cách này, Norman Mailer có một sự ích kỷ rất lớn, một cá tính mạnh mẽ, quyết liệt. Nguyên do là người mẹ của Norman Mailer quá chiều chuộng con trai và người cha thì quá hiền lành. Từ nhỏ, ông đã quyết tâm không sống trong khuôn mẫu. 

 Đời tư rắc rối của “Người khổng lồ trong văn đàn Mỹ” 1
Sinh thời, Norman Mailer luôn ấp ủ ước ao trở thành Hemingway của thế hệ mình

Trên danh nghĩa rời quê hương để theo học ngành kỹ thuật hàng không tại Harvard năm 16 tuổi, Norman Mailer viết những tiểu thuyết mà ông đã ngấm ngầm thai nghén từ năm 11 tuổi. Tại đây, ngoài giờ học và viết cho tờ The Advocate Harvard, Norman Mailer còn viết truyện ngắn và giành chiến thắng trong một cuộc thi truyện ngắn cấp quốc gia. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1943, Norman Mailer gia nhập quân đội, tới mặt trận Thái Bình Dương và vẫn không ngừng trau chuốt ngòi bút. Những ngày tháng gian lao của một xạ thủ trong quân đội đã tạo cảm hứng cho Norman Mailer viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên và nổi tiếng nhất của ông - The Naked and the Dead (Kẻ trần truồng và người chết) xuất bản năm 1948. 

Thành công đến sớm khiến Norman Mailer nhanh chóng trượt khỏi đường ray chuẩn mực của đời sống. Ông nhanh chóng ly dị người vợ đầu tiên, kết hôn với nữ diễn viên Adele Morales, sa vào nghiện ngập thuốc lá, cần sa, rượu chè. Thậm chí, có lần, nhà văn nổi tiếng còn đánh một thủy thủ trên phố vì anh này nói rằng con chó của ông là giống lạc loài. Năm 1960, khi trở về nhà lúc nửa đêm và say rượu ông còn dùng dao nhíp để đâm vợ, nữ diễn viên Adele Morales tới hai lần và bị người vợ thứ tư, Beverly tố cáo về hành vi bạo hành. Vì hành động này, vợ chồng ông đã ly hôn sau đó và danh tiếng của Norman Mailer cũng vì thế mà bị ảnh hưởng, nhiều cuốn sách của ông được xuất bản nhưng chỉ nhận lại sự hờ hững của công chúng. 

 Đời tư rắc rối của “Người khổng lồ trong văn đàn Mỹ” 2
Armies of the Night và The Executioner's Song - Hai tác phẩm giúp Norman Mailer giành giải Pulitzer 

Mailer luôn bị ám ảnh bởi định nghĩa về sự nam tính. Ông từng nói: “Trở thành người đàn ông đích thực quan trọng hơn là một nhà văn nổi tiếng”. Năm 1967, cùng với với nhà thơ Robert Lowell và các nhà bình luận Dwight Macdonald, Norman Mailer tham gia cuộc biểu tình 3.000 người nhằm phản đối chiến tranh Việt Nam. Ngập trong những rắc rối của cuộc sống riêng, Mailer vẫn viết tiểu thuyết và có được những tác phẩm để đời như Armies of the Night (Đội quân bóng đêm – Pulitzer 1968 ), Miami and the Siege of Chicago (Miami và việc vây hãm thành Chicago - 1969), The Executioner's Song (Tạm dịch: Khúc ca của người đao phủ - Pulitzer 1979). Nét đặc sắc trong tác phẩm Norman Mailer là lấy cảm hứng từ những sự kiện báo chí đương thời. Mặt khác, ông thường sử dụng nhân vật thứ ba để phát biểu quan điểm, hành động của bản thân, một cách cải trang văn chương rất thâm thúy. Sau đó, ông chuyển sang thể loại phi hư cấu để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống, hỗ trợ nuôi con.

Khác với những cây bút tên tuổi thường thích ẩn danh, dù đời tư ồn ào, Norman Mailer ưa xuất hiện trước công chúng. Ông từng hai lần tự ứng cử vị trí thị trưởng thành phố New York, đồng sáng lập tờ báo New York The Village Voice, viết kịch bản và đạo diễn một số bộ phim. Norman Mailer còn nhận lời trả lời vô số các cuộc phỏng vấn, xuất hiện trên nhiều chương trình đối thoại truyền hình quốc gia và hăng hái tham gia các cuộc tranh luận công cộng. Tuy vậy, phụ nữ không mấy ưa Norman Mailer vì thái độ khinh thị nữ giới. 

 Đời tư rắc rối của “Người khổng lồ trong văn đàn Mỹ” 3
“Trở thành người đàn ông đích thực quan trọng hơn là một nhà văn nổi tiếng” - Norman Mailer 

Ngay cả khi đã có tuổi, Norman Mailer vẫn tham vọng viết lách để trở nên nổi tiếng hơn nữa. Kết quả là ông cho ra đời những cuốn sách được liệt vào hàng thảm họa. The Castle in the Forest (Lâu đài trong rừng rậm), cuốn tiểu thuyết cuối cùng viết về Adolf Hitler của ông xuất bản năm 2007 cũng bị chê bai không tiếc lời. Nhưng dường như tất thảy mọi sự phê bình, mổ xẻ tác phẩm và cuộc đời không hề làm cho Norman Mailer nao núng. Ông vẫn miệt mài viết mà không hề biết rằng thời hoàng kim của mình đã qua từ rất lâu. May mắn là đến cuối đời, ông được sống những ngày bình yên bên người vợ thứ 6 - Norris Church và con út, John Buffalo, một nhà viết kịch, nhà báo khá thành đạt ở New York. Dường như càng có tuổi ông càng tai quái và tỉnh táo. Trong cuộc phỏng vẫn cuối cùng, Norman Mailer khẳng định rằng ông “chưa bao giờ ngừng làm việc, chưa bao giờ ngừng cố gắng, chưa bao giờ bị mất năng lượng”.