Chuyện về người vợ cao thượng của Ernest Hemingway

Nuage, Theo Trí Thức Trẻ 00:02 09/11/2013

Với Ernest Hemingway, trước sau Pauline Pfeiffer Marie đều thể hiện một tình yêu nồng cháy, cao thượng. Bà tập trung chăm chút cho ông chồng nhà văn còn hai con trai, Patrick và Gregory thì phó mặc cho bảo mẫu, ông bà ngoại ở Piggott, hoặc người dì Virginia.

Sinh ngày 22/7/1895 ở Parkersburg, Iowa, năm 6 tuổi, Pauline Pfeiffer Marie theo gia đình tới St Louis, St. Louis, bang Missouri, Mỹ và theo học tại học viện Visitation Academy. Tại đây, Thế vận hội năm 1904 đã mở mang đầu óc, bàn đạp cho tư duy hiện đại của cô gái nhà Pfeiffer. Tốt nghiệp hệ trung học của học viện vào tháng 6/1913 cũng là lúc mở ra một chương mới trong cuộc sống gia đình Pauline Pfeiffer Marie. Chưa đầy một tháng sau khi tốt nghiệp, cô nữ sinh theo  gia đình tới Piggott, Arkansas (Mỹ). Tại đây, Pauline Pfeiffer Marie tốt nghiệp khoa báo chí tại Đại học Missouri vào năm 1918. Sau một thời gian làm việc cho tờ báo địa phương Press Cleveland ở Ohio, Pauline liều lĩnh đánh đường tới New York và nhờ cả may mắn lẫn sự giúp đỡ của những người bà con tại đây lần lượt được nhận vào nhiều tờ báo danh tiếng Daily Telegraph, Vanity Fair và Vogue. 

Sự xuất sắc trong kỹ năng biên tập cũng như văn phong thời thượng giúp Vanity Fair và Vogue nhanh chóng thăng tiến. Cô gái trẻ được đề nghị đến Paris để làm biên tập viên cho trụ sở tờ Vogue tại đây. Vào thời điểm đó, Pauline đã đã dự tính kết hôn với một người anh em họ xa, Matthew Herold và vì thế chuyến đi tới Paris là khoảng thời gian để cô suy nghĩ và chắc chắn hơn về quyết định của mình. Nhưng rồi tại thành phố hoa lệ của nước Pháp, người đồng hương đồng thời là nhà văn mới khởi nghiệp Ernest Hemingway đã tình cờ bước vào cuộc sống của cô biên tập viên trẻ tuổi. Lúc này, nhà văn người Mỹ là một phần của cộng đồng những người xa xứ ở Paris trong thập niên 20 của thế kỷ XX, đã yên bề gia thất với phu nhân Hadley Richardson và cuộc gặp tại một bữa tiệc ở Paris vào năm 1925 đã kết nối ba người thành bạn bè, nhưng dường như trong thế chân kiềng, Hadley vẫn là chân yếu nhất. 

Chuyện về người vợ cao thượng của Ernest Hemingway 1
Ernest Hemingway và Pauline Pfeiffer Marie gặp và phải lòng nhau trong một bữa tiệc ở Paris vào năm 1925

Mùa thu năm 1926, lúc này Ernest Hemingway và Pauline Pfeiffer Marie đã gần như công khai mối quan hệ, họ đã phải chấp nhận một điều kiện của Hadley để bà đồng ý ký vào đơn ly hôn: phải xa nhau trong khoảng thời gian 100 ngày, sau quãng thời gian đó, nếu họ còn cảm thấy yêu và cần nhau, Hadley sẽ chấp nhận giải thoát cho ông chồng đào hoa. Pauline đồng ý và trở lại Piggott vào giữa tháng 10 để tách rời người tình, bắt đầu quãng thời gian thử thách. Tuy nhiên, bất ngờ là 1 tháng sau, giữa tháng 11, người vợ khốn khổ của Ernest Hemingway quyết định hủy bỏ các điều kiện, “dọn đường” cho tình nhân của chồng quay trở lại Paris vào tháng giêng năm sau. Ngày 10/5/1927, đám cưới giữa Ernest Hemingway và Pauline Pfeiffer Marie diễn ra, ngay sau khi nhà văn nổi tiếng hoàn tất thủ tục ly dị với vợ cũ. 

Nam nhà văn mới nổi và nữ biên tập viên thời thượng đã có một khoảng thời gian hạnh phúc đáng nhớ sau khi kết hôn. Họ đã cùng nhau đi khắp mọi nơi, châu Âu, châu Phi, Havana (Cuba), Wyoming và Piggott (Mỹ) trước khi dừng chân ở Key West, nơi bác của Pauline mua tặng đôi vợ chồng trẻ một căn nhà vào năm 1931. Với tư duy thẫm mỹ vượt trội, Pauline đã mất nhiều công sức để biến căn nhà này trở thành một không gian tuyệt vời với nội thất châu Âu và nhiều tác phẩm nghệ thuật. 

Với Ernest Hemingway, trước sau Pauline Pfeiffer Marie đều thể hiện một tình yêu nồng cháy, sự hi sinh, tấm lòng vị tha đầy cao thượng. Biên tập viên của tờ Vogue tập trung chăm chút cho ông chồng nhà văn còn hai con trai, Patrick và Gregory, Pauline gần như phó mặc cho bảo mẫu, ông bà ngoại ở Piggott, hoặc người dì Virginia. Sau này, con trai út của Ernest Hemingway và Pauline Pfeiffer Marie, trong một nỗi mặc cảm từ thời thơ ấu đã nói rằng ông thường cảm thấy mình như một đứa trẻ bị bỏ rơi và không bao giờ có thể gần gũi mẹ. Còn tình cảm vợ chồng của Ernest Hemingway và Pauline Pfeiffer Marie cũng rạn nứt dần, nhất là tâm trạng rối bời của nhà văn sau cái chết do tự vẫn của người cha vào năm 1928.

Chuyện về người vợ cao thượng của Ernest Hemingway 2
Ernest Hemingway và con trai thứ hai, Gregory Hemingway 

Sau khi ly dị với cây đại thụ của văn chương Mỹ vào năm 1940, Pauline Pfeiffer Marie vẫn ở lại ngôi nhà ở miền tây nước Mỹ, mở một cửa hàng bán các tặng phẩm làm từ vài, vải bọc ghế đồng thời hợp tác kinh doanh với người bạn thân lâu năm, Lorine Thompson. Vợ cũ của Ernest Hemingway cũng dành nhiều thời gian lưu lại căn hộ ở San Francisco và thường xuyên ghé thăm thăm em gái, Virginia Pfeiffer, tại nhà riêng ở Hollywood.

Ngày 1/1/1951, Pauline Pfeiffer Marie qua đời, bà bị nghi xuất huyết não vì cú điện thoại thông báo con trai Gregory bị bắt do bị tình nghi quấy rối tình dục và cuộc gọi không rõ nội dung tiếp theo của Ernest Hemingway. Tuy nhiên, Gregorym, sau đó trở thành một bác sí y khoa giải thích các báo cáo khám nghiệm tử thi và tuyên bố rằng mẹ ông vốn có khối u trên khối thượng thận, cuộc gọi bất ngờ của Ernest Hemingway khiến các khối u tiết ra quá nhiều adrenalin, mất cân bằng huyết áp gây nên cú sốc giết chết bà. Pauline Pfeiffer Marie đã được chôn cất ở Nghĩa trang Tưởng niệm Hollywood để em gái Virginia Pfeiffer có điều kiện chăm sóc phần mộ. 
Sau khi kết hôn với Pauline Pfeiffer Marie, Hemingway cũng rửa tội và theo Công giáo. Có lẽ tình yêu và sự săn sóc tận tình của Pauline cũng góp một phần vào thành quả văn chương đơm hoa kết trái của nhà văn lừng danh trong khoảng thời gian chung sống với nhau, những Tuyển truyện ngắn Đàn ông không đàn bà, Giã từ vũ khí,  Chuông nguyện hồn ai, Chết vào lúc xế trưa…

Chuyện về người vợ cao thượng của Ernest Hemingway 3
Ernest Hemingway và Pauline Pfeiffer Marie gặp nhau khi đã về già

Trong khi những người viết tiểu sử Ernest Hemingway và kể cả bản thân nhà văn thường coi Pauline Pfeiffer Marie như một kẻ thứ ba tệ hại, người phụ nữ đã đeo đẳng và phá hoại cuộc hôn nhân êm đẹp với người vợ Hadley, có rất nhiều bằng chứng cho kết quả ngược lại. Thời điểm hai người gặp nhau, Ernest Hemingway chưa nổi như cồn, phong thái phong thái lãng tử khiến các quý cô mê mệt chưa thực sự rõ rệt, đang sống yên lành với vợ và con trai. Trong khi đó Pauline Pfeiffer Marie là một phụ nữ có học thức, sùng đạo, có một gia thế, công việc mơ ước, một chỗ dựa lý tưởng và rất nhiều điều kiện tuyệt vời khiến nhiều người ngưỡng mộ. Vì thế, không có lý do gì để buộc tội tư cách cũng như vị trí thấp của Pauline Pfeiffer Marie khiến cô phải bám đuổi Ernest Hemingway. Mặt khác, chính Ernest Hemingway đã phản bội Pauline Pfeiffer Marie khi có quan hệ với Martha Gellhorn trong chuyến đi tới Tây Ban Nha vào năm 1937. Và chỉ sau khi ly dị mẹ của hai con trai được ba tuần, ông kết hôn với tình nhân.

Tuy nhiên, vị trí của nữ biên tập viên tờ Vogue trong cuộc đời của cây bút lừng danh từng đoạt giải Nobel văn chương vẫn chưa được quan tâm và đánh giá đúng thực chất. Dường như những người viết tiểu sử vẫn chưa thể phá vỡ định kiến về quan niệm người thứ ba của Pauline Pfeiffer Marie dù xét trên bình diện chung, bà là một phụ nữ tuyệt vời, ít nhất là với học thức và tình yêu vô bờ bến dành cho người đàn ông của đời mình - Ernest Hemingway.