Điểm thi thấp, điểm sàn giảm, sĩ tử cân não không biết thay đổi nguyện vọng như thế nào

Thảo Linh, Theo Trí Thức Trẻ 10:26 19/07/2018

Sau 3 ngày “tập duyệt”, các sĩ tử chính thức thay đổi nguyện vọng xét tuyển Đại học, Cao đẳng từ ngày 19/7 đến 28/7. Việc này đòi hỏi phải cân nhắc kĩ lưỡng vì nó trực tiếp quyết định ngôi trường tương lai các sĩ tử sẽ theo học.

Khi lợi thế đi đôi với bất lợi

Nếu so sánh với những thế hệ trước, khoảng 2 năm trở lại đây, thí sinh rõ ràng sở hữu lợi thế vượt trội về khoản đăng kí nguyện vọng: không còn phải đăng kí trước khi thi và không được thay đổi, không còn bị giới hạn số lượng nguyện vọng cho từng khối, thậm chí, chỉ cần ngồi nhà và đăng kí online,… 

Quy định mới của Bộ GD&ĐT đối với việc đăng kí nguyện vọng xét tuyển làm tăng khả năng đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng lên rất cao. Thí sinh vẫn tiến hành đăng kí trước khi tham gia kì thi THPT Quốc gia, nhưng ngay sau khi biết kết quả thi, thậm chí, biết điểm sàn của hầu hết trường Đại học trên toàn quốc, thí sinh có quyền thay đổi nguyện vọng, thứ tự nguyện vọng hoặc bổ sung thêm nguyện vọng nếu muốn trong khoảng thời gian đủ dài cho việc cân nhắc và lựa chọn. 

Tính đến thời điểm này, sĩ tử 2000 cả nước đã biết rõ điểm thi từng khối của mình cũng như điểm sàn của gần 300 trường Đại học, đã thử thay đổi nguyện vọng để quen với các thao tác, vậy nên việc còn lại chỉ là chờ đến ngày 19/7.

Điểm thi thấp, điểm sàn giảm, sĩ tử cân não không biết thay đổi nguyện vọng như thế nào - Ảnh 1.

Nhưng sĩ tử 2000 cũng gặp phải bất lợi khá lớn, đó là kết quả thi THPT Quốc gia 2018 thấp hơn hẳn năm 2017. Do đó, mức điểm xét tuyển của các trường Đại học, Cao đẳng năm 2017 khó có thể trở thành điểm tham khảo cho các sĩ tử 2000. 

Tuy nhiên, thí sinh, đặc biệt là phụ huynh vẫn hết sức lo lắng vì chênh lệch điểm so với điểm chuẩn năm ngoái, họ không rõ điểm có "thấp chung" thật hay không khi vẫn có rất nhiều thí sinh đạt điểm từ khá đến xuất sắc ở tất cả các tỉnh thành. Thêm vào đó, việc biết trước mức điểm sàn các trường rồi mới thay đổi nguyện vọng cũng khiến nhiều thí sinh hoang mang.

Bạn Diệp Thảo (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Mình đăng kí nguyện vọng 1 vào khoa Hệ thống thông tin quản lí của trường Học viện Tài chính vì khá thích khoa đó trường lại gần nhà, nhưng giờ điểm sàn của khoa lại vừa bằng đúng điểm thi Đại học của mình nên cũng không dám mạo hiểm, hiếm khi nào khoa đó lại lấy đúng điểm sàn làm điểm xét tuyển Đại học lắm". 

Thảo cũng nói rằng mình còn khá may mắn khi chưa rơi vào trường hợp như mấy bạn cùng lớp, điểm thi thật thậm chí còn thấp hơn điểm sàn trường nguyện vọng 1, buộc lòng phải tìm hiểu và đăng kí các trường khác nếu muốn chắc suất đậu Đại học.

Chọn con tim hay là nghe lí trí

Trước khi bước vào kì thi THPT Quốc gia, thí sinh đã đăng kí xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng dựa trên điểm chuẩn năm 2017, thực lực của bản thân và quan trọng nhất là sở thích cá nhân đối với từng ngành nghề. 

Bất cứ cô cậu học trò nào cũng đều có những giấc mơ ấp ủ từ tấm bé, ngày đêm hết lòng ôn luyện chỉ với mong muốn được biến ước mơ ấy thành sự thực. Nhưng khi điểm đã có thì mọi mơ ước phải nhường chỗ cho sự chắc chắn mà lí trí phân tích.

 Đăng kí nguyện vọng 1, 2 vào ngành Quản trị kinh doanh và Marketing của trường ĐH Thương Mại vì yêu thích kinh doanh, bạn Diệu Linh (THPT Ngô Thì Nhậm, Hà Nội) không khỏi thất vọng khi điểm thi chưa đầy 20 điểm, trong khi điểm chuẩn hai ngành này của trường Thương Mại năm ngoái lần lượt là 23,5 và 24,5. Vì muốn chắc chắn cho bản thân một tấm vé vào Đại học, bạn Diệu Linh có dự định đổi nguyện vọng 1 sang khoa quản trị kinh doanh trường Đại học Công đoàn, cũng như tìm hiểu khá chi tiết các khoa của một số trường khác như Đại học Thăng Long. 

Điểm không như mong muốn và phải từ bỏ ngôi trường mình thích nhưng bạn vẫn hết sức lạc quan chia sẻ: "Mình nghĩ rằng dù ở bất kì ngôi trường nào, bất cứ môi trường nào, miễn là được học ngành mình thích để hỗ trợ cho công việc mình đam mê thì mình sẽ phát huy được hết thế mạnh của bản thân".

Điểm thi thấp, điểm sàn giảm, sĩ tử cân não không biết thay đổi nguyện vọng như thế nào - Ảnh 2.

Diệu Linh (THPT Ngô Thì Nhậm, Hà Nội)

Cùng chung mức điểm là 19 như Linh, bạn Bùi Thị Thu Hà (THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) lúc đầu đăng kí nguyện vọng 1 là Học viện Ngân hàng và nguyện vọng 2 là Học viện Báo chí và tuyên truyền. Vốn là một học sinh năng động, Hà cũng muốn chọn một môi trường Đại học năng động, hợp với tính cách cá nhân để thể hiện hết khả năng của mình. Với điểm thi trên, Hà cho biết sẽ chỉ "thay đổi thứ tự các nguyện vọng và đăng kí thêm một số ngành của trường đã đăng kí, nếu sửa sẽ để nguyện vọng 1 không là Học viện Ngân hàng nữa mà thay vào đó là khoa Báo truyền hình của Học viện Báo chí và tuyên truyền".

Điểm thi thấp, điểm sàn giảm, sĩ tử cân não không biết thay đổi nguyện vọng như thế nào - Ảnh 3.

Bùi Thị Thu Hà (THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội)

Có thể thấy, các thí sinh đều suy nghĩ và cân nhắc rất kĩ trước khi thay đổi nguyện vọng, hầu hết đều lựa chọn phương án an toàn cho nguyện vọng 1, ít có trường hợp nào muốn "mạo hiểm" thử vận may. Thậm chí cả khi được quyền đăng kí không giới hạn nguyện vọng (cá biệt có trường hợp đăng kí đến 50 nguyện vọng) thì sĩ tử 2000 vẫn rất tỉnh táo lựa chọn, vì suy cho cùng, chỉ cần đỗ nguyện vọng 1 thì tất cả nguyện vọng phía sau đều trở nên vô nghĩa. Cho nên họ hiểu, nguyện vọng 1 đóng vai trò quyết định nhất, thậm chí, chọn nguyện vọng 1 cũng đồng nghĩa với việc chọn ngôi trường mình gửi gắm ít nhất 4 năm thanh xuân.

Thế mới thấy, biết kết quả thi chỉ là một phần nhỏ trên chặng đường sĩ tử 2000 phải đi trước khi chính thức trở thành "tân sinh viên", trong đó, việc thay đổi nguyện vọng xét tuyển thực sự đóng vai trò quyết định. Một số trường Đại học như Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Thăng Long, Đại học Kinh tế tài chính TP HCM,… đã tổ chức Ngày hội tư vấn tuyển sinh nhằm hỗ trợ các em thí sinh trong việc hiểu rõ các ngành đào tạo cũng như tư vấn ngành, khoa phù hợp với điểm của thí sinh, từ đó giúp thí sinh và phụ huynh bớt bối rối trước vô vàn thông tin và các sự lựa chọn.

Điểm thi thấp, điểm sàn giảm, sĩ tử cân não không biết thay đổi nguyện vọng như thế nào - Ảnh 4.

Cuối cùng, nếu các bạn đã nghiên cứu kĩ lưỡng cho các nguyện vọng ngay từ đầu thì cũng không nên làm xáo trộn, hãy cứ xếp nguyện vọng phù hợp nhất thành nguyện vọng 1, không chỉ là với điểm số mà còn là với sở thích của bản thân, rồi xếp các nguyện vọng sau thấp dần lần lượt.