Điểm chuẩn ngành Truyền thông đa phương tiện vài năm gần đây cao chót vót, năm nay sẽ thế nào?

Đỗ Hợp, Theo Tiền Phong 22:00 07/09/2022

Trong những năm gần đây, ngành Truyền thông đa phương tiện là một trong những ngành “hot” và điểm chuẩn cao chót vót. Học phí cũng có chiều hướng tăng mà điển hình như nhóm ngành truyền thông của ĐH RMIT học phí lên đến 321,284 triệu đồng/năm.

Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) là đại học có điểm chuẩn ngành Truyền thông đa phương tiện cao nhất cả nước.

Trong những năm gần đây, điểm chuẩn ngành Truyền thông đa phương tiện của trường liên tục tăng . Năm 2021, điểm trúng tuyển ngành Truyền thông đa phương tiện của Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM là 27,7 điểm, cao hơn năm 2020 là 0,7 điểm và hơn năm 2019 tới 3,4 điểm.

Tại học viện Báo chí và Tuyên truyền, điểm chuẩn ngành Truyền thông đa phương tiện ở mức cao. Chỉ riêng năm 2020, mức điểm chuẩn ngành này của trường 26,57, chênh gần 4 điểm so với năm 2019. Năm 2021, điểm chuẩn ngành Truyền thông đa phương tiện của Học viện Báo chí và Tuyên truyền là là 27,6.

Năm 2021, ngành Truyền thông đa phương tiện của trường Học viện Bưu chính Viễn thông có mức điểm chuẩn là 26,55 điểm.

Điểm chuẩn ngành Truyền thông đa phương tiện của Trường ĐH Hà Nội cũng liên tục tăng đều qua các năm. Năm 2021, điểm chuẩn của ngành Truyền thông đa phương tiện là 26,75, trong khi mức điểm tương ứng của năm 2019 và năm 2020 lần lượt là 22,8 và 25,4.

Tại ĐH Thăng Long, điểm chuẩn ngành Truyền thông đa phương tiện luôn ở mức cao nhất trong khối ngành Khoa học xã hội và nhân văn của trường và tăng mạnh trong 4 năm qua. Năm ngoái, ngành Truyền thông đa phương tiện có mức điểm chuẩn là 26, cao hơn 2 điểm so với năm 2020 (24 điểm) và hơn 6,3 điểm so với năm 2019 (19,07).

Tương tự, mức điểm chuẩn ngành Truyền thông của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM dao động từ 17-21 điểm.

Học phí nhiều trường tăng

Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đưa ra dự kiến mức học phí năm 2022. Các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị (Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh) được miễn học phí.

Học phí hệ đại trà của trường tăng từ 276.000 đồng/tín chỉ lên 440.559 đồng/tín chỉ; hệ chất lượng cao tăng từ 771.200 đồng/tín chỉ lên 1.321.677 đồng/tín chỉ.

Áp dụng với khoá 42 (2022-2026), mức học phí ngành Truyền thông Marketting (hệ chất lượng cao) là 1.090.900 đồng/tín chỉ; ngành Báo truyền hình, báo mạng điện tử (hệ chất lượng cao) là 1,058,800 đồng/tín chỉ.

Học phí dự kiến đối với sinh viên chính quy ĐH Hà Nội năm 2022-2023 dao động trong khoảng 600.000-1,3 triệu đồng/tín chỉ đối với nhóm ngành dạy chuyên bằng ngoại ngữ và 600.000-940.000 đồng/tín chỉ đối với nhóm ngành Ngôn ngữ.

Cụ thể, ngành Truyền thông đa phương tiện (tiếng Anh) với học phí là 85,4 triệu đồng/khóa, ngành Truyền thông doanh nghiệp (tiếng Pháp) với học phí là 73,920 triệu đồng/khóa.

Năm 2022, mức học phí dự kiến của ngành Truyền thông đa phương tiện ĐH Thăng Long là 29,7 triệu/năm, các ngành còn lại dao động từ 24,2-27 triệu/năm.

Điểm chuẩn sẽ không vượt quá năm 2021?

Phân tích phổ điểm, thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán ở Hà Nội cho rằng, điểm chuẩn nói chung không vượt quá năm 2021.

Cụ thể, theo thầy Tùng, các ngành hot có điểm chuẩn tương đương 2021. Các ngành khác giảm.

“Các tổ hợp có môn Tiếng Anh, Sinh điểm chuẩn sẽ giảm từ 1 - 1.5 điểm. Các tổ hợp có môn Sử, Địa, GDCD điểm sẽ tăng từ 1 - 1.5 điểm”- thầy Tùng nhận định

Cũng theo thầy Tùng, điểm chuẩn của các trường top 1 (tầm 24 - 27 điểm) không có biến động so với 2021.

Các trường top 2 (dưới 24 điểm): Điểm chuẩn tăng nhẹ từ 0.5 - 1 điểm.

“Năm nay, theo tôi dự đoán điểm chuẩn chủ yếu nằm trong dải 19 - 26 điểm. Khó có chuyện 29, 30 điểm vẫn trượt đại học”- thầy Tùng nói.

Dự đoán điểm chuẩn theo khối, thầy Tùng cho rằng, ở khối A00 (Toán- Lý-Hóa) sẽ tương tự năm ngoái. Khối A01 (Toán- Lý- Anh): điểm chuẩn giảm; dải trên 24 điểm: giảm 0.5 - 1 điểm

Khối D01 ( Toán- Văn- Anh) sẽ giảm mạnh. Cụ thể: Dải trên 24 điểm: giảm 0.5 - 1 điểm; dải dưới 24 điểm: giảm 1 - 1.5 điểm

Với khối B00 (Toán – Hóa- Sinh), thầy Tùng cho rằng điểm chuẩn sẽ giảm. Dải trên 24 điểm dự đoán giảm khoảng từ 0.25 - 0.75 điểm và dải dưới 24 điểm có thể giảm 0.75 - 1.25 điểm.

Sẽ công bố điểm chuẩn vào ngày 15/9

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, trước 17 giờ ngày 17/9, các cơ sở đào tạo thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến công bố kết quả xét tuyển đại học năm 2022 vào ngày 15/9.

Còn Trường Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến công bố kết quả xét tuyển đại học năm 2022 vào ngày 17/9.