Dịch cúm đang có nguy cơ lan mạnh, Bộ Y tế cảnh báo người dân nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống

ĐOAN TRANG, Theo Helino 22:53 13/02/2018

Số lượng ca nhiễm cúm đang gia tăng và có nguy cơ bùng phát thành dịch nên bất cứ ai cũng phải chủ động phòng ngừa ngay.

Chiều 13/2, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế đã triệu tập cuộc họp khẩn để triển khai và quán triệt 7 chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế về chủ động các biện pháp phòng, chống dịch cúm mùa đang có dấu hiệu gia tăng, không để bùng phát dịch bệnh trong mùa đông xuân, mùa Lễ hội và đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Dịch cúm đang có nguy cơ lan mạnh, Bộ Y tế cảnh báo người dân nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống - Ảnh 1.

Theo tin tức từ đài VTV thì số ca nhiễm virus cúm mùa đang có xu hướng gia tăng ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Nguy hiểm hơn là đã xuất hiện nhiều ca bệnh có biến chứng nặng hoặc trường hợp nhiễm cúm A ở thai phụ.

Theo thông tin báo cáo thì hiện tại chỉ tính riêng tại khoa Virus - Ký sinh trùng ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thì mỗi ngày khoa đã tiếp nhận từ 7 - 10 bệnh nhân bị nhiễm virus cúm mùa. Và số lượng bệnh nhân đến khám do mắc bệnh cúm cũng đang ngày càng gia tăng, trong đó có không ít ca mắc bệnh trong tình trạng nặng.

Dịch cúm đang có nguy cơ lan mạnh, Bộ Y tế cảnh báo người dân nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống - Ảnh 2.

Theo các chuyên gia, loại cúm đang bùng phát ở Việt Nam bao gồm 4 loại, đó là chủng virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B và cúm C. Đây là 4 loại cúm có khả năng lây nhiễm rất cao và rất nhanh bởi nó có thể truyền bệnh qua đường hô hấp, qua nước bọt hoặc dịch tiết mũi khi người bệnh ho khạc hoặc hắt hơi. Dấu hiệu bị nhiễm cúm thường là biểu hiện sốt, đau đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho.

Dịch cúm đang có nguy cơ lan mạnh, Bộ Y tế cảnh báo người dân nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống - Ảnh 3.

Do đó, để phòng, chống dịch cúm mùa đang có nguy cơ bùng phát mạnh, bất cứ ai cũng nên tuân thủ nguyên tắc cần thiết sau:

- Tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, thực hiện ăn chín, uống chín và an toàn trong vệ sinh thực phẩm.

- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân đang bị cúm hoặc nghi ngờ bị cúm.

- Mang khẩu trang đầy đủ khi đi ra đường hoặc đến những nơi đông người như bến xe, bệnh viện, chợ, xe buýt...

- Giữ ấm cơ thể thật tốt, đồng thời cũng nên tăng cường bổ sung dinh dưỡng để sức đề kháng của cơ thể được tăng cường.

- Chủ động tiêm phòng vaccine phòng bệnh cúm với các chủng cúm đã có vaccine.

Đặc biệt, đối với người có dấu hiệu cúm hoặc nghi ngờ bệnh cúm thì cũng nên đi khám chữa ngay. Ngoài ra, cũng cần lưu ý hạn chế tiếp xúc với người khác, mang khẩu trang đầy đủ, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi để virus cúm không tấn công những người xung quanh cũng như dịch cúm không lan rộng hơn trong cộng đồng.