Đi tìm "minh chủ" cho bóng đá Việt Nam

Tùy Phong, Theo Thể Thao & Văn Hóa 11:59 27/09/2017

Như một điệp khúc quen thuộc, khi hoàng hôn nhiệm kỳ gõ cửa là lúc một cuộc vận động hành lang ("lobby") lại nổi lên ở ngôi nhà chung của bóng đá Việt. Khó kỳ vọng vào một cuộc cách mạng vào lúc này, nếu cái điệp khúc cũ ấy lại vang lên...

Đi tìm minh chủ cho bóng đá Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Trần Quốc Tuấn vẫn là người thạo việc nhất ở VFF. Ảnh: V.S.I

Tích Tàu xưa ghi lại đoạn thoại giữa Hán Cao Tổ - Lưu Bang và Hàn Tín, thì mối quan hệ quân thần mang tính quyết định, chứ không phải tài cầm quân. Minh chủ có thể không giỏi điều binh, nhưng khiển được tướng, tức chỉ cần quản lý tốt, thu phục được nhân tâm, vận nước có thể hưng, phần còn lại có thiêng là nhờ bộ hạ.

Trong khoảng 2-3 nhiệm kỳ VFF gần nhất, có thể nói bóng đá Việt Nam dưới thời ông Nguyễn Trọng Hỷ là hưng nhất. Ông Hỷ trước khi hưu và đảm nhận vai trò Chủ tịch VFF (khoá V và VI), từng mang hàm Thứ trưởng, thừa kinh nghiệm quản lý và nghệ thuật dùng người. 

Dưới thời ông, Tổng thư ký trẻ tuổi nhất trong lịch sử Trần Quốc Tuấn được biết đến như một mãnh tướng, sát cánh bên minh chủ. Tả có phó soái Lê Hùng Dũng (nắm tài chính), hữu là đàn anh Lê Thế Thọ (sau đó Phạm Ngọc Viễn) phụ trách chuyên môn, thêm truyền thông có nhà báo Vũ Quang Vinh, rồi nhà giáo Nguyễn Lân Trung. 

Khi mô hình "người Nhà nước" lãnh đạo một tổ chức xã hội nghề nghiệp như bóng đá Việt Nam, bị cho là lỗi thời, thì dân doanh nghiệp - giới ngoại đạo được hướng tới. Trước có ông Đoàn Văn Xê, Mai Liêm Trực, và ngay lúc này, là Chủ tịch Lê Hùng Dũng. Nhưng những người "ngoại đạo" này đều không thể phát huy hết năng lực "điều binh khiển tướng" vì nhiều lý do. Và đáng ra, vai trò của các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký..., tựu chung là đội ngũ giúp việc, cần phải tính tới, thì...

Tóm lại, người Nhà nước hay doanh nghiệp ngồi ghế Chủ tịch VFF không quan trọng, mà quan trọng là năng lực, uy tín của nhân vật được tín nhiệm. Tất nhiên, vị này phải sẵn đam mê bóng đá và không vụ lợi. Mẫu người như vậy trong xã hội đâu có hiếm!.

Rồi ngoài cái ghế Chủ tịch còn là nhiều cái ghế khác cũng rất quan trọng ở Liên đoàn. Trong mối quan hệ công việc ở VFF, tổ chức cao nhất là Hội đồng thường trực (gồm các ủy viên và tất nhiên, Chủ tịch giữ 1 ghế). Tổng thư ký nói riêng và Ban Tổng thư ký nói chung, chỉ là bộ phận giúp việc cho Chủ tịch và Hội đồng thường trực. 

Nói là giúp việc, nhưng họ có vai trò rất quan trọng trong việc tư vấn, điều hành và phát triển tổ chức. Ông Tuấn "Tổng" từng được ý thức rất cao khi ngồi ghế Tổng thư ký, nhưng khi làm Phó Chủ tịch (thường trực), phụ trách chuyên môn và phải quyết thay nhiều vấn đề, lại bể.

Mỗi con người đều mang sẵn một thiên chức, một sở trường. Làm chuyên môn tốt, chưa chắc quản lý tốt và ngược lại. Người ta e rằng, nếu khóa tới "lấy đi" ông Trần Quốc Tuấn ngồi ghế minh chủ, thì Liên đoàn sẽ mất đi một đại đô đốc tài năng, nhưng đấy là sự lo lắng thừa thãi. 

Ông Tuấn như đã nhắc, nổi lên là ở vị trí Tổng thư ký, chứ không phải Phó hay Chủ tịch (nếu có) VFF. Nhân tài trong nhân gian còn nhiều lắm, những người giỏi chuyên môn, muốn cống hiến cho bóng đá Việt Nam, cũng đâu thiếu.

Ngoài ra, các ông Nguyễn Công Khế, Trần Anh Tú..., cũng là những nhân vật có uy tín, tầm ảnh hưởng, có nhiều đóng góp trong bóng đá nói riêng và xã hội nói chung, nên được cất nhắc.

Còn đừng kỳ vọng quá lớn vào các doanh nhân, với túi tiền không đáy của họ để làm giàu cho VFF, bởi nó không bền và không hiệu quả. Doanh nhân, họ bận lắm. Bất cứ ai cũng có thể tiến cử hoặc tự tiến cử, bởi VFF là tổ chức xã hội nghề nghiệp. VFF khóa VIII sẽ trải qua các cuộc chuẩn bị, bầu bán và nên nhớ, còn đến hơn 6 tháng nữa, Đại hội nhiệm kỳ mới diễn ra.

57. Tiền thân của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là Hội Bóng Đá Việt Nam - Vietnam Football Association (VFA) thành lập năm 1960, cách đây 57 năm. Năm 1964, Việt Nam được FIFA, AFC công nhận là thành viên chính thức.

6. Nếu không có gì biến động, Đại hội VFF nhiệm kỳ VIII dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 3/2018. Tức là còn 6 tháng nữa cho công tác chuẩn bị.

9. Dù VFF đã có 7 nhiệm kỳ, nhưng lại có đến 10 Chủ tịch và quyền Chủ tịch. Lý do là vì biến động về nhân sự nên các kỳ I, IV và VI có thêm quyền Chủ tịch.