Đề thi môn Lịch sử THPT Quốc gia 2019 làm khó thí sinh, cần có tư duy phân tích, đánh giá, liên hệ các sự kiện

Team Học Đường, Theo Trí Thức Trẻ 13:48 27/06/2019

Đề thi môn Lịch sử năm nay bám sát ma trận đề minh họa và có độ phân hóa cao. Đối với năng lực chung của các bạn ôn thi THPT Quốc gia, ôn thi tốt nghiệp sẽ dễ dàng đạt điểm 5-6 trong kỳ thi.

Ngày 27/6, thí sinh cả nước bước vào ngày thi THPT Quốc gia 2019 cuối cùng với tổ hợp Khoa học xã hội. Môn thi đầu tiên là môn Lịch sử với hình thức trắc nghiệm 40 câu trong thời gian 50 phút.

Sau khi hoàn thành bài thi, nhiều thí sinh thấy đề môn Lịch sử năm nay dài và khó. Thí sinh Thanh Huy, học lớp 12A15 trường THPT Võ Thị Sáu (TP.HCM) chia sẻ: "Đề Sử khó quá, em nhắm em làm được tầm 5-6 điểm thôi. Nó khó vì có kiến thức rộng hơn mọi năm và không trọng tâm như những gì em từng ôn".

Cảm xúc của thí sinh và phụ huynh trong ngày thi cuối cùng tại điểm trường THPT Lương Thế Vinh (TP HCM). (Clip: Kingpro)

Thí sinh xem đề thi Lịch sử THPT Quốc gia 2019 tại ĐÂY!

Còn đáp án đề thi Lịch sử THPT Quốc gia 2019 tất cả mã đề tại ĐÂY!

Các giáo viên thuộc tổ Lịch sử - HOCMAI đánh giá đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình Lịch sử lớp 11 (10%), 12 (90%). Các câu hỏi phủ đều các cấp độ và bám sát định hướng Bộ đã công bố trước đó. Đề thi không yêu cầu học sinh ghi nhớ máy móc các sự kiện, mốc thời gian, hay nhân vật lịch sử mà thiên về khả năng đánh giá, phân tích hay khái quát vấn đề. Đề thi cũng xuất hiện các câu hỏi có sự liên kết giữa Lịch sử Việt Nam và Lịch sử thế giới, đặc biệt đề thi xuất hiện nhiều câu hỏi so sánh (6 câu).

Trong đó phần lịch sử thế giới có 12 câu hỏi (30%) bao gồm cả chương trình lớp 11 và lớp 12. Kiến thức trải đều các nội dung của lớp 12 và chuyên đề Liên Xô xây dựng chủ nghĩa xã hội từ năm 1917-1921 của lớp 11. Chuyên đề tập trung nhiều câu hỏi nhất là chuyên đề Các nước Á, Phi, Mĩ Latinh từ 1945 – 2000.

Còn lại là phần lịch sử Việt Nam có 28 câu hỏi (70%) có 3 câu thuộc chương trình lớp 11. Cũng như mọi năm, các câu hỏi Vận dụng cao chủ yếu thuộc phần Lịch sử Việt Nam. Để xử lí các câu hỏi này, học sinh cần nắm vững kiến thức SGK đồng thời cần có cái nhìn tổng quát, xuyên suốt các giai đoạn lịch sử theo chiều thời gian và mối quan hệ không gian (Lịch sử Việt Nam và thế giới) mới có thể giải quyết được những câu hỏi dạng này.

Nhìn chung, mặc dù đề thi năm 2019 có xu hướng giảm số lượng câu hỏi ở mức độ Vận dụng cao từ 12 câu xuống còn 8 câu nhưng độ khó của các câu hỏi này lại có xu hướng nhỉnh hơn. Đặc biệt, sự xuất hiện nhiều dạng câu hỏi so sánh cũng như các câu hỏi có mối quan hệ liên chuyên đề khiến cho đề thi đảm bảo được mức độ phân hóa ở mức tương đối tốt.

Đề thi môn Lịch sử THPT Quốc gia 2019 làm khó thí sinh, cần có tư duy phân tích, đánh giá, liên hệ các sự kiện - Ảnh 2.

Phạm vi kiến thức đề thi Lịch sử THPT Quốc gia từ năm 2017 cho đến nay.

Đề thi môn Lịch sử THPT Quốc gia 2019 làm khó thí sinh, cần có tư duy phân tích, đánh giá, liên hệ các sự kiện - Ảnh 3.

Nhận định độ khó đề thi Lịch sử THPT Quốc gia qua các năm.

Cô Lê Thu - GV Tuyensinh247.com cũng nhận xét đề thi môn Lịch sử năm nay bám sát ma trận đề minh họa và có độ phân hóa cao. Đối với năng lực chung của các bạn ôn thi THPT Quốc gia, ôn thi tốt nghiệp sẽ dễ dàng đạt điểm 5-6 trong kì thi.

Cô cho biết các câu hỏi trong đề thi vẫn thuộc chủ yếu vào phần kiến thức lớp 12, chiếm tới 80%. Hệ thống câu hỏi trong đề thi bao quát toàn bộ kiến thức lớp 12, yêu cầu học sinh phải nắm chắc toàn diện kiến thức. Đặc biệt, giai đoạn lịch sử từ 1930 đến 1975 tập trung nhiều câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao, không chỉ đơn giản là ghi nhớ máy móc các sự kiện lịch sử mà cần có tư duy phân tích, đánh giá, liên hệ các sự kiện. 

Các câu hỏi thuộc chương trình kiến thức lớp 11 vẫn chủ yếu ở mức độ Nhận biết, Thông hiểu và Vận dụng Nội dung chủ yếu của các câu hỏi xuất hiện ở Chuyên đề Việt Nam (1858 - 1918) và Tình hình nước Nga sau cách mạng tháng Mười (1917). Và các câu hỏi khó tập trung vào các chủ đề Cách mạng tháng 8 năm 1945, vấn đề hậu phương trong cuộc kháng chiến… thuộc giai đoạn Lịch sử Việt Nam từ 1945 đến 1975.

Với những thí sinh vào năm sau (2020), cô Lê Thu khuyên các em học sinh hãy ôn tập thật kĩ lưỡng, tự tin làm chủ kiến thức. Đặc biệt, cần nắm chắc kiến thức cơ bản nhất và không chủ quan để tránh "đánh rơi" điểm số. Trong quá trình học nên xác định mục tiêu học tập và đề ra thời gian biểu hợp lí để thực hiện bằng được mục tiêu đó. Đồng thời, sử dụng sơ đồ tư duy, bảng biểu, … và các phương pháp học tập hiệu quả khác hỗ trợ cho quá trình học tập. Thói quen học tập tốt sẽ tạo ra kết quả học tập tốt. Các kĩ năng làm bài từ câu hỏi ở mức độ Nhận biết, Thông hiểu đến Vận dụng và Vận dụng cao không phải tự nhiên mà có, đó là kết quả của quá trình rèn luyện không ngừng nghỉ. Chắc chắn, đây là sẽ cẩm nang quan trọng cho các em chủ động làm bài tốt dù ở bất cứ cấu trúc đề thi, hình thức thi nào.

Toàn cảnh kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019.

Cập nhật nhanh nhất đề thi và đáp án từ Bộ GDĐT. Tra cứu điểm thi THPT Quốc gia 2019 theo SBD chính xác nhất tại ĐÂY.

Đề thi môn Lịch sử THPT Quốc gia 2019 làm khó thí sinh, cần có tư duy phân tích, đánh giá, liên hệ các sự kiện - Ảnh 5.