“Đế chế” SM: Thủ phạm “bóp chết” sự sáng tạo của “gà nhà” hay kẻ độc tài hùng mạnh?

KLinh, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 07/03/2019

Dù nhiều người hâm mộ luôn than vãn SM có phần hạn chế sự sáng tạo của nghệ sĩ, nhưng không thể phủ nhận vinh quang thần tượng gặt hái được tạo nên một phần từ sự “độc tài” của công ty.

Là công ty có "niên đại" cao nhất trong Big 3, suốt 24 năm hoạt động SM Entertainment là cái nôi sinh ra hàng loạt nhóm nhạc đỉnh cao thay nhau dẫn dắt làn sóng Hallyu trong từng thời kì. Sự thành công của nghệ sĩ dưới trướng công ty cũng giúp SM luôn giữ vững vị thế người dẫn đầu của nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc.

Thế nhưng, nếu là người hâm mộ nghệ sĩ của SM Entertainment, chắc hẳn bạn không dưới một lần than vãn rằng công ty giới hạn tự do sáng tạo của nghệ sĩ quá nhiều.

Là fan SM, ai cũng biết công ty không quá khuyến khích nghệ sĩ tham gia vào quá trình sản xuất âm nhạc. Thậm chí nếu cần, công ty còn sẵn sàng "gạt phăng" các sáng tác của "gà nhà". Em út Seohyun của SNSD từng cay đắng kể các thành viên của nhóm đều rất cố gắng để các ca khúc của mình được góp mặt trong album"Lion Heart" nhưng đều bị SM từ chối bởi lý do đơn giản là "không đủ hay".

“Đế chế” SM: Thủ phạm “bóp chết” sự sáng tạo của “gà nhà” hay kẻ độc tài hùng mạnh? - Ảnh 1.

SNSD từng bị từ chối các ca khúc tự sáng tác trong album "Lion Heart" vì không đạt yêu cầu

Đến những tiền bối kì cựu như SNSD còn bị SM Entertainment thẳng tay từ chối nhạc thì những nhóm nhạc có tuổi đời chập chững lại càng "không có cửa" tham gia quá trình sản xuất album. Hiếm lắm "gà" SM mới được quyền "nhúng tay" vào khâu sản xuất khi đã có chỗ đứng hoặc bộc lộ tài năng đặc biệt trong lĩnh vực này. Tuy vậy, đa số sự tham gia của họ chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa" như viết lời, đồng sản xuất… Hoạ chăng nếu sáng tác cả bài thì cũng chỉ được đặt làm B-side, bài chủ đề vẫn được "đặt hàng" từ những nhà sản xuất chuyên nghiệp.

“Đế chế” SM: Thủ phạm “bóp chết” sự sáng tạo của “gà nhà” hay kẻ độc tài hùng mạnh? - Ảnh 2.

EXO-L từng vui mừng khi nghe tin Chanyeol và Chen tham gia sáng tác trong sản phẩm repackage "Love Shot" nhưng rồi "tiu nghỉu" khi biết thần tượng chỉ đảm nhiệm viết lời

Tuy nhiên, SM cũng có một vài ngoại lệ. Chẳng hạn như cố nghệ sĩ Jonghyun (SHINee) và Amber (f(x)) từng nhiều lần phát hành sản phẩm do chính tay mình nhào nặn. Dù vậy, những ví dụ này vẫn là quá ít so với dàn nghệ sĩ đông đảo của công ty và trong những năm đầu hoạt động, Jonghyun và Amber cùng nhóm của mình vẫn phải biểu diễn các ca khúc do producer chuyên nghiệp sản xuất.

“Đế chế” SM: Thủ phạm “bóp chết” sự sáng tạo của “gà nhà” hay kẻ độc tài hùng mạnh? - Ảnh 3.

Jonghyun (SHINee)…

“Đế chế” SM: Thủ phạm “bóp chết” sự sáng tạo của “gà nhà” hay kẻ độc tài hùng mạnh? - Ảnh 4.

… và Amber (f(x)) là những nghệ sĩ SM hiếm hoi được phát hành ca khúc do mình sáng tác

Thế nhưng, sự độc tài và bảo thủ tưởng chừng có thể "giết chết" tính sáng tạo của nghệ sĩ kia thực ra đều là tính toán nằm trong bộ máy đã được chuyên môn hoá "đến tận răng" của SM Entertainment và cũng là yếu tố giúp công ty luôn là người dẫn đầu nền công nghiệp Kpop.

Là tập đoàn giải trí lớn nên hiển nhiên SM Entertainment hoạt động y như một tập đoàn đa ngành, có văn hoá công ty, đề cao tính kỉ luật và truyền thống, đích đến của công ty xét cho cùng vẫn là doanh thu và lợi nhuận. Công việc ở SM được phân chia và chuyên môn hoá cao, chẳng hạn nếu thuộc bộ phận sản xuất, việc của bạn là dồn sức cho sáng tác, còn một khi đã là idol bạn sẽ được tập trung rèn luyện khả năng hát, nhảy, trình diễn thật nhuần nhuyễn để làm tốt vai trò của một thần tượng trên sân khấu.

Chính Heechul – thành viên của nhóm Super Junior kì cựu từng lý giải về việc SM Entertainment không khuyến khích idol sáng tác như sau: "Quan điểm của Lee Soo Man là, nếu bạn không thể giỏi hơn những nhạc sĩ lão làng, hãy chấp nhận các ca khúc và hát chúng. Mục đích là để việc sáng tác lại cho các nhà chuyên môn và vui vẻ trên sân khấu thôi".

“Đế chế” SM: Thủ phạm “bóp chết” sự sáng tạo của “gà nhà” hay kẻ độc tài hùng mạnh? - Ảnh 5.

Ở SM, nếu không giỏi hơn các nghệ sĩ thì "đừng mơ" đến việc được tự sáng tác

Có thể thấy quan điểm của SM là "một nghề cho chín còn hơn chín nghề". Nhờ phân chia mỗi người một việc, cứ thế từng nhân tố ở SM làm việc tựa như những mắt xích nhỏ nằm trong bộ máy lớn, giúp cho cả hệ thống vận hành trơn tru, không chồng chéo. Mỗi người chỉ cần làm tốt việc của mình là đủ, bởi tất cả đã được công ty định hướng từ trong trứng nước.

Dù máy móc nhưng cách vận hành của SM đảm bảo mọi thứ đều được trau chuốt nhất có thể, không có sự cố nào xảy ra vì hoạt động chồng chéo để đích đến cuối cùng vẫn là kết quả công ty thu về.

Cách làm của SM tuy độc đoán nhưng lại là thước đo đảm bảo thành công cho từng thế hệ nghệ sĩ công ty. Hãy nhìn từ DBSK, Super Junior, SNSD cho đến EXO, Red Velvet,… họ không mấy khi nhúng tay vào quá trình sản xuất nhưng chỉ cần làm tốt nhiệm vụ được giao của một thần tượng, những sản phẩm âm nhạc tung ra đều gây tiếng vang, giúp công ty thu về một khoản lợi kếch xù. SM hiểu rõ rằng họ là một công ty thương mại và mặt hàng kinh doanh chính là hình ảnh nghệ sĩ, vậy cần gì hệ thống idol cái-gì-cũng-biết trong khi đã xác định rõ "mặt hàng" và chỉ cần bồi đắp và khai thác đối tượng khách hàng vô cùng chịu chi và "máu chiến" là các fandom cũng đủ để thu về lợi nhuận cao?

“Đế chế” SM: Thủ phạm “bóp chết” sự sáng tạo của “gà nhà” hay kẻ độc tài hùng mạnh? - Ảnh 6.

DBSK, SNSD hay EXO đều là những "cỗ máy kiếm tiền" khổng lồ của SM

“Đế chế” SM: Thủ phạm “bóp chết” sự sáng tạo của “gà nhà” hay kẻ độc tài hùng mạnh? - Ảnh 7.

Tính riêng trong quý 3 năm 2018, lợi nhuận của SM là 12.1 tỉ won, tăng 162.9% so với năm 2017

Tuy nhiên, hạn chế "gà nhà" nhúng tay vào các sản phẩm âm nhạc không có nghĩa là SM "giết chết" sự tự do sáng tạo của người nghệ sĩ. Họ vẫn được thử sức sáng tạo ở những không gian mang tính thử nghiệm, và SM Station là một nơi như vậy.

Ở không gian mang nặng tính thử nghiệm như SM Station, idol ít bị công ty bó hẹp vào khuôn mẫu. Rất nhiều nghệ sĩ SM có cơ hội toả sáng và thử sức với dòng nhạc mình yêu thích tại "trạm SM" và đây cũng là nơi một số thần tượng có cơ hội giới thiệu những sản phẩm do mình tự tay sáng tác như Lay (EXO) với "Monodrama" hay Amber (f(x)) cùng "Borders"… Dù số lượng còn hạn chế nhưng đây chính là cơ hội để "gà" công ty được phát hành những sản phẩm khó có khả năng được trưng dụng trong album chính thức.

Lay - Monodrama

Nói đi cũng phải nói lại, cũng nhờ cách chuyên môn hoá trong đào tạo và định hướng idol, nghệ sĩ của SM luôn được đánh giá có cơ sở nghề nghiệp vững chắc, kĩ năng thuộc hàng tốt nhất nhì Kpop  và có thể phát triển ở nhiều hướng khác nhau khi qua phía bên kia đỉnh cao sự nghiệp.

“Đế chế” SM: Thủ phạm “bóp chết” sự sáng tạo của “gà nhà” hay kẻ độc tài hùng mạnh? - Ảnh 9.

Super Junior dù không còn đỉnh cao nhưng vẫn là "cỗ máy kiếm tiền" nhờ hoạt động đa năng của các thành viên

Đương nhiên trong thời điểm Kpop đang dậy sóng bởi sự trỗi dậy của những thế hệ nhóm nhạc ngoài hát, nhảy còn tham gia vào sáng tác như BTS, SEVENTEEN hay iKON, WINNER… thì "gà" SM không tránh khỏi bị đặt lên bàn cân so sánh. Tuy nhiên, một khi tập đoàn giải trí lọc lõi như SM xác định xét cho cùng thứ mình bán ra là hình ảnh idol và mục đích cuối vẫn là lợi nhuận thì chắc chắn ít nhất là trong tương lai gần, công ty này vẫn chọn con đường chuyên môn hoá và chỉ để nghệ sĩ tự do sáng tạo trong khuôn khổ của mình.