Đầu năm, lại nói chuyện hàng quán tăng giá ngày Tết: Đã “mở” thì bán cho đàng hoàng

Nguyên Khôi, Theo Trí Thức Trẻ 00:02 10/02/2017

Thế mới biết cái sự ăn hàng ngày Tết nó căng thẳng lắm chứ chẳng đùa!

Mới sáng mùng Hai Tết đã nghe ông bạn chửi rộn trên Facebook. Thì ra hai vợ chồng với đứa con đi ăn ở khu Hà Đông, hẹn hò với bạn thế nào bước vào nhầm quán, kết quả là nguyên một đội nhân viên "trẻ trâu" cùng xông ra chửi vì làm cho quán họ… giông cả năm, cả phố kéo nhau ra xem. Rồi suốt từ ngày Tết cho đến hết ngày "mùng", newsfeed hôm nào cũng ngập tràn những lời than đi ăn hàng bị "chặt chém". Thế mới thấy cái sự ăn hàng ngày Tết nó căng thẳng thế nào!

Cái hên của quán là cái không vui của khách

Những ngày đầu năm mới gắn với những quan niệm kiêng đủ thứ. Nào thì kiêng quét nhà, kiêng đổ rác… kẻo "mất lộc". Làm gì cũng rón rén. Xem tuổi xông nhà đã đành, nhiều nhà cẩn trọng xuất hành đầu năm xem giờ, xem hướng. Các gia đình bình thường còn thế, các nhà kinh doanh thì càng kỹ tính. Xem ngày xem giờ đẹp để mở hàng lấy may, rồi chọn vía khách để đảm bảo năm mới kinh doanh thuận lợi.

Đầu năm, lại nói chuyện hàng quán tăng giá ngày Tết: Đã “mở” thì bán cho đàng hoàng - Ảnh 1.

Cũng vì thế mà không phải hàng quán nào mở ra cũng là sẵn sàng xởi lởi đón khách. Nhiều hàng mở cửa mà bước vào hỏi món gì cũng hết. Thì họ có định bán cho bạn đâu, họ chỉ mở để đó, còn thì đã dấm bà hàng xóm tốt vía, hợp mệnh sang mở hàng tượng trưng rồi. Nhưng cứ thử đi ra mà không mua gì xem, ánh mắt hình viên đạn kia có để yên cho bạn không. Thôi thì gọi đại món gì người ta có, dù không phải là món bạn thích cho yên chuyện. Gọi ra rồi, dở không được chê, đắt cũng không được kêu. Thế là cái hên của chủ quán thành cái không vui của khách. Nhưng đó là cái lẽ dĩ nhiên rồi, "Tết mà".

Cũng vì thế mà có chuyện dở khóc dở cười như nhà ông bạn kể trên. Mở cửa kinh doanh là phải chấp nhận có nghìn lẻ một tình huống xảy ra. Có những sự cố ngoài ý muốn nhưng chẳng phải lỗi của ai cả. Nhưng nhiều người làm kinh doanh mà cố tình không chịu hiểu chuyện đó, không vừa ý là bắt vạ khách.

Tết thì giá phải cao thôi!

Mấy ngày Tết, dọc quán xá dọc đường Bạch Đằng (Đà Nẵng), giáp sông Hàn nhất loạt tăng giá 20-25%. Có quán như B. còn nhã nhặn viết một tấm biển nêu lý do là để trả thêm cho nhân viên phục vụ ngày Tết, còn thì nhiều quán chả buồn giải thích lý do. Có quán kéo dài thời gian tăng giá đến tận mùng 9 Tết. Đà Nẵng đang nỗ lực thu hút khách du lịch, và khách tới đây đâu chỉ có khách trong nước và các quốc gia châu Á cùng đón Tết theo lịch âm. Khách du lịch phương Tây cầm tờ hóa đơn mà ngơ ngác với khoản phí phát sinh theo kiểu "tự hiểu". Món lợi nhỏ trong mấy ngày Tết này hẳn "ấn tượng" hơn nhiều với những chiến dịch quảng bá du lịch kinh phí triệu đô.

Trong khi đó, các chuỗi hàng quán thương hiệu quốc tế và các quán có chủ người nước ngoài không hề tăng giá. Điều đó hẳn lý giải khi chuỗi cafe H. dù Tết hay ra Tết lúc nào cũng kín chỗ. Hay nguyên dọc quán bên bãi biển An Bàng (Hội An) của các chủ nước ngoài như Luna D’Autumn, H’mong sister, Soul kitchen… vẫn kinh doanh với giá cả bình thường, dù nhân viên phục vụ cũng là người Việt Nam.

Đầu năm, lại nói chuyện hàng quán tăng giá ngày Tết: Đã “mở” thì bán cho đàng hoàng - Ảnh 2.

Họ chấp nhận giảm lợi nhuận để bù đắp cho chi phí nhân viên nhưng làm hài lòng lượng khách du lịch lớn đổ về trong dịp Tết, những người khách hẳn sẽ không băn khoăn chút nào khi quay lại với họ trong những chuyến du lịch tiếp theo.

Có lẽ vì phương thức kinh doanh nhất quán ấy mà từ dãy quán nhỏ và mấy ngôi nhà homestay của một nhóm nhỏ người nước ngoài đã khiến An Bàng chỉ sau vài năm đã trở thành dấu mốc mới trên bản đồ du lịch biển miền Trung, khiến các khách sạn sang trọng khu Cửa Đại phải giảm giá liên tục để giữ khách.

Nhưng đây không chỉ là câu chuyện của Đà Nẵng.

Đã từ nhiều năm nay, cứ đến Tết, chúng ta lại được dịp "bơi" trong những ý kiến, những câu chuyện về dịch vụ ngày Tết. Cứ vào mấy ngày 30 cho đến mùng 3, mùng 4 - đa số các hàng quán đều... tự cho mình cái quyền được tăng giá, được chảnh hơn thường ngày. Lý do vì sao? Vì tôi mở cửa khi các ông khác nghỉ lễ, vì tôi đi làm khi người khác ở nhà. Nghe thì cũng có lý, cũng thuyết phục. Nhưng gượm đã nào, chấp nhận đánh đổi những giá trị riêng có của mình, đánh đổi nụ cười và sự thoải mái của khách hàng - để ùa theo cách làm ăn chộp giật với lợi nhuận nhất thời như vậy có thật sự là một cách hay?

Tôi còn nhớ cốc chocolate của mình trong một quán cafe cũng gọi là đẹp đẽ, mở trong đêm Giao thừa ở Hà Nội. Cốc Chocolate nhạt toẹt, nguội ngắt được bán với giá 90 nghìn, để đổi lấy 1 chỗ ngồi trong cái đêm tất cả mọi người ùa ra phố. Tôi chấp nhận mức giá này để ngồi đây, nhưng không thể cảm thấy thoải mái cho nổi khi nhấp một ngụm nước. Một quán cafe chấp nhận hứng chịu sự không vui và thậm chí là khó chịu, giận dữ của khách hàng vì một ly nước dở tệ và đắt đỏ - chỉ để thu về vài đồng lãi vào ngày Tết. Đó gọi là chộp giật, là quên đi việc xây dựng tình cảm và lòng tin với khách, là chấp nhận rằng từ bây giờ - cái tên quán của mình sẽ gắn liền với những cảm xúc tiêu cực.

Hay những hàng bún/ miến/ phở được mở xuyên Tết, với một bát bún lèo tèo dăm ba miếng thịt, được bán với giá 50, 100 nghìn đã trở thành một cái gì đấy quen với nhiều người. Cảm giác bị hớ, cảm giác phải chấp nhận mua một thứ không xứng đáng với mức tiền, hoặc đắt gấp đôi/ gấp ba ngày thường nhưng chất lượng vẫn không thay đổi - là một sự hụt hẫng, khó chịu và thậm chí là... như bị lừa.

Có một thực tế là nhiều người kinh doanh dịch vụ của Việt Nam tin rằng sự "buôn may bán đắt" của mình là do thần thánh phù hộ. Họ cúng kính rất cẩn thận, làm bàn thờ Thần Tài to oạch trong quán nhưng lại coi thường khách, những người bỏ tiền ra để mua sản phẩm dịch vụ của mình. Họ có thể bỏ ra rất nhiều tiền dâng lễ cầu lộc nhưng lại tham chút lợi nhỏ ngày Tết khiến khách hàng lắc đầu lè lưỡi.Họ không hiểu một lẽ giản đơn là, chừng nào còn đặt lợi ích của mình đối lập với lợi ích của khách thì họ vẫn mãi mãi là một hộ kinh doanh nhỏ lẻ, với một thương hiệu phập phù sống dựa vào khách qua đường.

Mở hàng một cách tử tế ngày Tết cũng là chữ tín, chữ tâm trong kinh doanh. Và chỉ có sự hài lòng của khách hàng trong ngày mở cửa đầu năm mới là cái hên thực sự của chủ quán, củng cố sự bền vững của thương hiệu trong năm mới.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày