Đào tiền ảo "giết" Trái đất nhanh hơn đào than

Phương Anh, Theo VTC News 19:58 31/10/2018

Với lượng điện khổng lồ cần cho việc khai thác tiền mã hóa (cryptocurrency), chấp nhận bitcoin trên quy mô xã hội sẽ làm tăng nhiệt độ toàn cầu lên 2 độ C với thời gian chỉ 15 năm, nghiên cứu mới cho biết.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Hawaii tính toán lượng điện các máy tính sử dụng để đào bitcoin và lượng khí thải tạo ra do sản xuất lượng điện này, ước tính hoạt động đào tiền ảo năm 2017 thải ra môi trường 69 triệu tấn CO2 – tương đương sức phát thải của 15 nhà máy năng lượng đốt than.

Đào tiền ảo giết Trái đất nhanh hơn đào than - Ảnh 1.

Đào tiền ảo giết Trái đất nhanh hơn đào than. (Ảnh: Reuters)

Trong khi bitcoin không tồn tại trong thế giới vật lý, việc khai thác đồng tiền này yêu cầu một lượng điện đáng kể cần cung cấp cho hệ thống máy tính phức tạp cho mỗi “khối” mã hóa trong “chuỗi” tiền ảo, theo RT.

Các tính toán xa hơn cho thấy nếu bitcoin và các loại mã hóa khác được chấp nhận trên quy mô toàn cầu, dù chỉ với tỷ lệ thấp nhất, lượng phát thải carbon từ khai thác loại tiền này có thể khiến trái đất ấm lên 2 độ C trong 22 năm. Nếu được áp dụng ở tỷ lệ trung bình, thời gian sẽ rút ngắn xuống còn 16 năm. Xét đến sự phổ biến ngày càng tăng của những người khai thác tiền ảo, phần nào do niềm tin giảm sút đối với các đồng tiền do chính phủ hỗ trợ, một số nhà nghiên cứu dự đoán công nghệ này sẽ còn phát triển nhanh hơn nữa.

Vẫn chưa rõ nghiên cứu đã xem xét đến các tiến bộ công nghệ thông tin có thể xuất hiện hàng năm hay chưa, vì những phát triển này khó có thể bao trùm chỉ trong một mẫu nghiên cứu, theo RT.

Đầu tháng 10, phiên họp liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc đưa ra báo cáo cảnh báo con người cho đến năm 2030 nên giảm lượng phát thải CO2 xuống còn một nửa mức của năm 2010 để tránh những thảm họa môi trường xảy ra.

Tháng 1/2018, các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích 15 bộ dữ liệu khác nhau, bao gồm theo dõi nhiệt độ trung bình bề mặt toàn cầu từ năm 1850-2016, nhiệt độ đại dương từ năm 1955-2016, ghi chép về mực nước biển từ năm 1948-2016 và tài liệu về chu kỳ hiện tượng El Nino.

Báo cáo cho biết, nhiệt độ trung bình bề mặt Trái Đất đã tăng khoảng 0,9 độ C từ năm 1900-2013.

Với mức tăng kỷ lục trong giai đoạn 2014-2016, nhiệt độ bề mặt toàn cầu đã tăng hơn 25% kể từ năm 1900 đến nay.

Các nhà nghiên cứu cho biết chỉ 5 độ C nữa tăng lên có thể làm dâng 40cm mực nước biển và điều này sẽ gây ra những thảm họa môi trường không thể tưởng tượng được.