"Dành Cho Tháng Sáu": Vẫn là ly nước tinh khiết của phim thanh xuân vườn trường Việt Nam!

Bảo Anh, Theo Trí Thức Trẻ 10:41 27/05/2018

Không quá nổi tiếng trong phân khúc phim học đường, nhưng nếu để giới thiệu một bộ phim thanh xuân vườn trường đáng xem của Việt Nam thì "Dành Cho Tháng Sáu" chính là thứ mà các mọt phim nên biết.

Trong ba năm học cấp III, quãng thời gian đẹp nhất có lẽ chính là năm học lớp 11. Chúng ta khi ấy đã vừa kịp thích nghi và hoà được với nhịp sống của thời thiếu niên sôi nổi, lại có một mùa hè "chơi nốt", để chuẩn bị phải gồng mình với những bài học cho kì thi cuối cấp. Và Dành Cho Tháng Sáu đã thật tinh tế khi chọn đúng thời điểm này để khắc họa lại một phần bức tranh tuổi trẻ.

Nếu điện ảnh Việt chúng ta đang sôi nổi với những phim thanh xuân vườn trường như Tháng Năm Rực Rỡ, các series phim tuổi teen triệu view La La School, La La Love, Phim Cấp 3, hay sắp tới là Em Gái Mưa thì cách đây 6 năm, có một phim điện ảnh đã từng làm xiêu lòng các học sinh lẫn những nhà phê bình khó tính: Dành Cho Tháng Sáu.

Trailer "Dành Cho Tháng Sáu"

Bộ phim là câu chuyện xoay quanh bộ ba Kiên (Huỳnh Anh), Minh (Thiên Tú) và Hoàng (Quốc Trung). Họ là bạn thân và cùng nhau sinh hoạt trong Đội tuyển bóng rổ của trường. Kiên là chủ chốt, Hoàng là trung vệ còn Minh là quản lý đội. Mọi chuyện tưởng như đang rất tốt đẹp và yên bình, nhưng bỗng một ngày Kiên chủ động thổ lộ tình cảm mà mình dành cho Minh khiến cô bạn rất bối rối. Minh nói lời từ chối đã dẫn đến việc Kiên bỏ lại tất cả để về quê ở ẩn, trong đó có cả giải bóng rổ học sinh quan trọng trước mắt.

Dành Cho Tháng Sáu: Vẫn là ly nước tinh khiết của phim thanh xuân vườn trường Việt Nam! - Ảnh 2.

Bộ ba nhân vật chính với những cá tính khác nhau

Kiên bỏ đi khiến cả đội hoảng loạn, tinh thần tập luyện rệu rã đi nhiều phần. Trước tình cảnh đó, Hoàng đã quyết tâm đi tìm cậu bạn để hỏi cho ra nhẽ. Nguồn cơn của sự mất tích này là Minh cũng đòi Hoàng cho đi theo mặc dù quê của Kiên ở khá xa. Khi ở nhà, Hoàng đã chuẩn bị rất nhiều viễn cảnh để mắng như tát nước vào mặt thằng bạn thân, nhưng rồi cuối cùng lại chẳng thể nói được gì khi thấy gương mặt như bánh đa nhúng nước của bạn.

Chuyến đi không thành công, hai người bạn lại lủi thủi bắt xe trở về Hà Nội mà không thể thuyết phục được Kiên quay lại đội bóng. Nhưng sau cùng, một cái kết hoàn chỉnh vẫn tới.

Một bộ phim đúng nghĩa, đúng chất về tuổi học trò Việt Nam

Dành Cho Tháng Sáu không xuất hiện những cô cậu học sinh mặc đồng phục thiết kế riêng, không có những lớp học quá hiện đại và không có cả những buổi prom hay party tưng bừng. Nó chỉ là một cuộc sống đơn giản và dung dị của hầu hết những cô cậu học trò Việt Nam. Có lẽ bởi vì thế mà nó có một sức hút cho riêng mình. Tất cả chúng ta, ai cũng có thể tìm thấy bản thân ở một nhân vật nào đó. Cuộc sống của những cô cậu học sinh ấy chỉ gói gọn trên quãng đường từ nhà đến trường, ra sân bóng hay la cà quán game.

Dành Cho Tháng Sáu: Vẫn là ly nước tinh khiết của phim thanh xuân vườn trường Việt Nam! - Ảnh 3.

Hình ảnh những tấm áo đồng phục chẳng chịu là đã quá quen với học sinh

Phải nói, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn đã thực sự thành công khi định hình được lối đi như vậy cho đứa con tinh thần của mình. Xem phim, chúng ta chợt nhớ lại những khoảnh khắc bối rối và cái nhìn rụt rè khi phải gọi crush là "chị". Hay thậm chí là sự đố kị và hờn giận trẻ con vì mình bị từ chối tình cảm còn cậu bạn thân và cô ấy lại dính như sam. Những xúc cảm ấy, ai cũng đã từng một lần trải qua.

Không có cao trào, nhưng vẫn khiến người xem phải chăm chú

Cốt truyện của Dành Cho Tháng Sáu thực ra rất đơn giản, nếu không muốn nói là quá phổ biến. Đối với những ai tư duy nhanh chỉ cần xem vài phút đầu là có thể đoán được diễn biến tiếp theo là gì. Thế nhưng bằng diễn xuất rất thật, bộ ba nhân vật chính đã kéo khán giả ở lại với bộ phim. Kiên, Minh và Hoàng như thể tấm gương phản chiếu lại chúng ta ở mỗi cung bậc cảm xúc.

Dành Cho Tháng Sáu: Vẫn là ly nước tinh khiết của phim thanh xuân vườn trường Việt Nam! - Ảnh 4.

Hẳn cái nét mặt tỏ ra giận dỗi và thái độ khước từ đối thoại của Kiên sẽ khiến nhiều bạn nam ái ngại khi nghĩ lại bản thân. Thực ra, đó chỉ là phản ứng vô điều kiện của một đứa con trai bị từ chối tình cảm khi tưởng mình đã nắm chắc phần thắng trong tay. Thế nhưng khi được nhìn thấy mình ở một hiện thân khác, chúng ta sẽ thấy vừa buồn cười lại vừa thương.

Dành Cho Tháng Sáu: Vẫn là ly nước tinh khiết của phim thanh xuân vườn trường Việt Nam! - Ảnh 5.

Hay là Hoàng với bộ mặt tỉnh bơ trước mọi sóng gió mà các bạn đang vướng vào chẳng hạn. Đây tuy không phải nhân vật chính trong truyện phim, nhưng lại là người được khán giả yêu thích nhất. Nét ngố tàu mà cậu bạn này trưng ra khiến khán giả thấy nhẹ đầu hơn phần nào giữa diễn biến căng như dây đàn của Kiên và Minh.

Dành Cho Tháng Sáu: Vẫn là ly nước tinh khiết của phim thanh xuân vườn trường Việt Nam! - Ảnh 6.

Cậu bạn vô tư nhất nhóm

Và một yếu tố khác làm nên sức hút của Dành Cho Tháng Sáu, ấy chính là những cảnh phim đánh bóng rất ngầu. Có lẽ vì đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn là một tay chơi bóng rổ khá ngầu thời trung học, nên giờ đây anh rất biết cách lấy góc máy ra sao hay sắp xếp diễn biến thế nào để phù hợp với một trận đấu quan trọng. Chưa kể, theo như anh từng tiết lộ thì chi phí dựng phim bỏ ra cao hơn những phim khác chỉ vì muốn có trận đấu bóng cuối cùng thật hoàn hảo. 

Dành Cho Tháng Sáu: Vẫn là ly nước tinh khiết của phim thanh xuân vườn trường Việt Nam! - Ảnh 7.

Tuổi trẻ - Tình bạn và tình yêu

Có thể (có thể thôi nhé) Minh cũng thích Kiên. Nhưng như bao đứa con gái khác, cô luôn muốn giữ một hiện tại đẹp đẽ thay vì tiến thêm một bước. Hơn ai hết, Minh hiểu rằng mối quan hệ giữa mình và Kiên đang quá đẹp để có thể thay đổi. Nếu không vì quý cậu bạn này, Minh đã chẳng phải dằn vặt sau khi nói lời từ chối, chẳng phải lo lắng vì cậu ấy đột nhiên biến mất, cũng chẳng việc gì lặn lội đường sá xa xôi chỉ để mong níu lại một tình bạn đứng trên bờ rạn vỡ.

Dành Cho Tháng Sáu: Vẫn là ly nước tinh khiết của phim thanh xuân vườn trường Việt Nam! - Ảnh 8.

Còn Hoàng, trước sự biến mất đột ngột của thằng bạn chí cốt, làm sao Hoàng có thể ngồi im đợi bạn về được. Trong khi cả đội trách Kiên thiếu trách nhiệm, Hoàng chỉ nói nhẹ nhàng: "Mọi người cứ tập luyện đi, còn lại để anh giải quyết". Trong chuyện bỏ lại đội, Kiên sai rõ ràng nên Hoàng không thể nào bênh vực được, nhưng để bạn bị mọi người trách móc thì Hoàng không cam tâm. Và đúng, hành động là câu trả lời ngắn gọn nhất. 

Việc cậu quyết định lấy hết số tiền tiết kiệm để về Thái Nguyên một chuyến chính là minh chứng cho tình bạn giữa hai người. Hoàng đi tìm Kiên một phần là vì đội, nhưng lý do lớn hơn, ấy là Hoàng hiểu bạn của mình thường thích chui vào vỏ ốc trước những biến cố. Nếu như không kịp thời mà lôi Kiên ra, chắc chắn vỏ ốc sẽ đóng nắp, để lại một đứa con trai cô độc bên trong.

Dành Cho Tháng Sáu: Vẫn là ly nước tinh khiết của phim thanh xuân vườn trường Việt Nam! - Ảnh 9.

Còn về phần Kiên, tình yêu mà cậu dành cho Minh thực sự trong sáng và hồn nhiên. Nếu lựa chọn một hình ảnh để ví von, có lẽ phù hợp nhất chính là chuyện đứa trẻ con khi chưa đi học luôn tò mò và khao khát được vẽ lên trang giấy trắng một nét dù là nguệch ngoạc. Tình yêu đó ngây ngô nhưng cũng mãnh liệt vừa đủ để thành hình. Ấy là sự bối rối khi đang định nói lời đặc biệt thì chiếc xe đạp bỗng phản chủ mà đổ lăn kềnh ra đất. Ấy là cái nhìn lén lút và nụ cười ngượng ngùng khi phải hô: "Em yêu chị Minh" cùng cả đội. Và đó còn là thái độ bỏ trốn bất cần chỉ để thử xem mình có được đi tìm hay không.

Dành Cho Tháng Sáu: Vẫn là ly nước tinh khiết của phim thanh xuân vườn trường Việt Nam! - Ảnh 10.

Những cử chỉ quan tâm tinh tế

Dành Cho Tháng Sáu: Vẫn là ly nước tinh khiết của phim thanh xuân vườn trường Việt Nam! - Ảnh 11.

Chỉ cần ở bên cạnh Minh là Kiên đủ vui rồi

Những chi tiết nhỏ nhưng có võ

Mặc dù chỉ mượn bóng rổ để làm mối dẫn dắt và định hình tính cách nhân vật, nhưng phải nói ekip làm phim Dành Cho Tháng Sáu cũng không để chi tiết này bị bỏ lửng. Theo dõi từ đầu phim, hẳn khán giả sẽ nhận ra sự kiên cường và ý chí của đội bóng trường Duy Tân nói riêng, hay là toàn bộ chúng ta cũng vậy. Dù gắp thăm phải đấu với một đội mạnh, dù gặp bất lợi khi nhân vật chủ chốt không tham gia, nhưng chưa một phút nào đội bóng trường Duy Tân ngừng cố gắng và hy vọng điều kì diệu.

Dành Cho Tháng Sáu: Vẫn là ly nước tinh khiết của phim thanh xuân vườn trường Việt Nam! - Ảnh 12.

Và đúng là điều kì diệu cũng đã xảy đến. Trong một phút khi trách nhiệm quay trở lại, Kiên đã không thể nào ngồi ở hàng ghế khán giả được nữa. Cậu thậm chí còn gạt bỏ cái "tôi", quyết định nghe theo người đội trưởng đương nhiệm để thực hiện nốt phần còn lại của trận đấu. Các thành viên đội Duy Tân không chỉ thắng trong trận bóng, mà còn thắng bản thân, thắng cả trong lòng của toàn bộ các thành viên đã dốc sức tập luyện. Bóng rổ là môn thể thao đồng đội, và không có tấm huy chương nào sáng hơn nụ cười của những người anh em.

Dành Cho Tháng Sáu: Vẫn là ly nước tinh khiết của phim thanh xuân vườn trường Việt Nam! - Ảnh 13.

Hãy tua ngược lại phim để nhớ tới hình ảnh người anh lái tàu của Kiên. Anh ấy đã từng là thành viên của một ban nhạc, nhưng vì điều kiện gia đình nên không thể ở lại Hà Nội với các bạn được nữa. Anh bị cuộc sống cuốn vào công việc, vào vòng xoáy lo toan bộn bề ở tuổi trưởng thành. Thế nhưng "chất nghệ sĩ" trong anh thì chưa bao giờ mất. Dù chỉ là một đoạn phim rất ngắn, không chiếm đến 1/10 thời gian bộ phim, nhưng có lẽ không ít khán giả đã như được đọc lại hồi kí về chính mình.

Kết

Tất nhiên Dành Cho Tháng Sáu không phải một bộ phim hoàn hảo. Nội dung không lắt léo, không có những cảnh "nóng"; nhạc phim có được đầu tư nhưng lại kén người nghe. Thế nhưng nó đích xác là một bộ phim dành cho những ai đang tìm kiếm cảm xúc trọn vẹn của một thời tuổi trẻ. Nhất là khi tháng Sáu cũng đang đến, mùa chia tay của những học sinh cuối cấp, cũng là mùa hè bên nhau cuối cùng của những học sinh lớp 11.