Đằng sau vẻ đẹp lộng lẫy của những màn bắn pháo hoa là nhiều mặt tối không mấy người biết

Lily Spiderum, Theo Helino 10:04 06/05/2018

Được phát minh bởi người Trung Quốc từ 2000 năm trước, pháo hoa được xem là một yếu tố không thể thiếu trong mỗi dịp năm mới hoặc các lễ hội quan trọng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Song đằng sau vẻ đẹp hào nhoáng và niềm cảm xúc hân hoan của nó, ngành công nghiệp sản xuất pháo hoa được cho là cũng có nhiều mặt tối.

Tại Trung Quốc, việc bắn pháo hoa nhằm xua đuổi yêu ma là một tục lệ đã được tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trên thực tế, đất nước này đã sản xuất trên 90% lượng pháo hoa được sử dụng trong ngày Quốc Khánh của nước Mỹ, tương đương với giá trị xuất khẩu khoảng gần 308 triệu USD (năm 2016). 

Đằng sau vẻ đẹp lộng lẫy của những màn bắn pháo hoa là nhiều mặt tối không mấy người biết - Ảnh 1.

Tại Trung Quốc, việc bắn pháo hoa nhằm xua đuổi yêu ma là một tục lệ đã được tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Trước khi được bắn lên và toả sáng rực rỡ trên bầu trời, pháo hoa được sản xuất vô cùng cầu kỳ và tỉ mỉ. Theo ông Wu Hongyong, giám đốc kỹ thuật của doanh nghiệp sản xuất pháo hoa Jiangxi Zhongsen Fireworks, công ty này đã xuất khẩu hơn 30.000 hộp pháo hoa ra thế giới mỗi năm, và mỗi quả pháo ở trong đó đều được làm thủ công bằng tay. 

"Chúng tôi nghĩ rằng pháo hoa là một nghệ thuật. Đó là một quá trình cầu kỳ và phức tạp, từ việc mua nguyên vật liệu cho tới sản xuất đều rất tốn thời gian." - ông Wu cho biết. 

Đằng sau vẻ đẹp lộng lẫy của những màn bắn pháo hoa là nhiều mặt tối không mấy người biết - Ảnh 2.

Chính phủ Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm pháo hoa tại hơn 400 thành phố, với lý do quan ngại về chất lượng không khí ở những nơi này.

Tuy nhiên, pháo hoa ngày nay đang trở thành mối bận tâm lớn đối với các nhà hoạt động môi trường. Trong khói của pháo hoa khi đốt có chứa những hạt kim loại nhỏ, mà theo nhiều nghiên cứu đã chỉ ra là có liên hệ mật thiết tới việc gây suy giảm chất lượng không khí trong ngắn hạn. Chính phủ Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm pháo hoa tại hơn 400 thành phố, với lý do quan ngại về chất lượng không khí ở những nơi này. 

Trong khi đó, một nghiên cứu của Mỹ cũng đã chỉ ra rằng, cứ 24 giờ sau màn trình diễn pháo hoa trong ngày Lễ Độc lập, mức độ tập trung của các hạt kim loại trong không khí đã tăng lên hơn 370%. Những hạt này vẫn tồn tại trong không khí và hoàn toàn có thể bị hít phải. Sự gia tăng hàm lượng kim loại trong không khí thậm chí sẽ gây nên những vấn đề về hô hấp hay thậm chí là tim mạch. 

Đằng sau vẻ đẹp lộng lẫy của những màn bắn pháo hoa là nhiều mặt tối không mấy người biết - Ảnh 3.

Một nghiên cứu của Mỹ cũng đã chỉ ra rằng, cứ 24 giờ sau màn trình diễn pháo hoa trong ngày Lễ Độc lập, mức độ tập trung của các hạt kim loại trong không khí đã tăng lên hơn 370%.

Những nhà máy sản xuất pháo hoa, nơi tích trữ nhiều vật liệu gây nổ cũng là một nguy cơ lớn đối với những nhân công trực tiếp tham gia sản xuất. Năm 2014, một vụ cháy nhà máy pháo hoa thương tâm tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã khiến cho 12 công nhân thiệt mạng. Năm 2016, một tai nạn tương tự xảy ra tại tỉnh Giang Tây của nước này cũng đã khiến 3 người thiệt mạng và buộc một số lượng lớn cư dân ở khu vực lân cận phải di tản. 

Công cuộc kiểm tra an toàn cho những nhà máy như Jiangxi Zhongsen Fireworks cũng đòi hỏi nhiều công sức, và liên quan tới khoảng xấp xỉ 300 người. Theo ông Wu, mỗi khối pháo sau khi sản xuất sẽ phải được kiểm tra nội bộ bởi 6 phòng ban trước khi được gửi tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền để rà soát thêm. 

Pháo hoa thực sự là một phát minh có ý nghĩa đối với con người. Song lần tới khi tận hưởng những màn trình diễn pháo hoa lung linh, bạn cũng hãy cân nhắc tới những yếu tố bất lợi mà nó gây ra nhé! 

Nguồn: Tổng hợp từ CNN và Compoundchem