'Đặc vụ tuổi teen' kể về công việc tại Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ

Hoàng Trang, Theo Báo Tin tức 09:02 13/08/2019

Bạn bè cùng trường trung học với Summer cho rằng cô gái đang giám sát điện thoại của họ và nghe lén những gì họ nói. Họ đồn thổi đủ điều về những việc cô làm, công khai cáo buộc cô là một gián điệp.

"Họ thích đùa cợt về công việc của tôi", Summer nói với hãng CNN. Năm học vừa rồi, cô gái 18 tuổi không đến trường. Thay vào đó, cô đến trụ sở Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) ở khu phức hợp Fort Meade, Maryland làm việc.

Đặc vụ tuổi teen kể về công việc tại Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Nation of Change

Khi bất kỳ ai hỏi rằng những thanh thiếu niên như cô làm việc gì cho NSA, cô đều đáp vắn tắt là "chút việc trong lĩnh vực máy tính". NSA chính là nơi thu thập thông tin tình báo điện tử của cộng đồng tình báo Mỹ và phá mật mã.

Không kém phần bí ẩn trong "mặt trận" này đó là Brianna và Simon - hai học sinh trung học khác đang tập sự tại NSA. Hai em cho biết trong năm qua đã làm công việc dịch ngôn ngữ và liên quan đến máy tính. Họ của các em không được tiết lộ vì lý do an ninh.

Bộ ba thanh thiếu niên trên – đều 18 tuổi và vừa tốt nghiệp các trường trung học ở Maryland – nằm trong số trên 150 "đặc vụ tuổi teen" tham gia một chương trình nghiên cứu của NSA. Trong đó, các em được cấp quyền truy cập cũng như tiếp cận với một trong những kế hoạch bí mật và thông tin nhạy cảm nhất của nước Mỹ. Các em cần giữ bí mật thông tin tối đa, đồng thời gánh trách nhiệm nặng nề. Điều không hề dễ đối với một thế hệ quen chia sẻ mọi thứ trên mạng xã hội.

Cảm giác về lòng trách nhiệm

"Trước đó, bạn hoàn toàn không hiểu về công việc này, sau đó khi được nhận, bạn nhận ra kho tàng dữ liệu mà bạn được tiếp cận rộng lớn đến mức nào. Công việc này có thể đáng sợ, bởi vì bạn được biết chuyện gì đang xảy ra ngoài kia", Summer nói.

Cân bằng giữa học tập và công việc không hề gây khó dễ cho Simon, người đã đủ tín chỉ nên chỉ cần đến trường vào hai buổi sáng, sau đó chiều lại đi làm. Cậu gọi việc được trao quyền tiếp cận thông tin tuyệt mật chính là "chiếc chìa khóa vàng" có thể mở ra đủ cánh cửa trong tương lai.

Đặc vụ tuổi teen kể về công việc tại Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ - Ảnh 2.

Logo của NSA trên màn hình máy tính tại Trung tâm điều hành an ninh thuộc NSA tại Fort Meade, Maryland năm 2006. Ảnh: Getty Images

"Tôi cảm thấy có trách nhiệm về công việc này. Tôi thấy điều này thật thú vị, họ tin tưởng giao nhiệm vụ cho những học sinh trẻ tuổi và nhiều người có thể có bước tạo đà đầu tiên cho sự nghiệp tương lai. Tôi cho rằng đó là một cơ hội tốt".

Các nhà tuyển dụng tại NSA (và các cơ quan tình báo khác như CIA có chương trình hoạt động tương tự) biết rằng khi tuyển dụng những người trẻ tuổi thông minh, có chí tiến thủ và giỏi STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học), họ đang cạnh tranh với sự hào nhoáng và thù lao hậu hĩnh của Thung lũng Silicon.

Vì vậy, họ nhắm mục tiêu trẻ tuổi và cố gắng làm "choáng váng" các thanh thiếu niên bằng công việc chứ không phải là tiền lương. "Một khi họ gia nhập NSA, họ sẽ hiểu rằng những việc ở đây hoàn toàn không thể bắt gặp ở bất cứ nơi nào khác. Chúng tôi muốn họ say mê công việc từ sớm nên họ có thể có sự nghiệp lâu dài tại đây", bà Courtney, một nhà tuyển dụng của NSA nói.

Lòng trách nhiệm chính là một trong những chìa khóa chính khiến các "đặc vụ tuổi teen" say mê công việc tại NSA. Với Summer, điều này đồng nghĩa với việc gia nhập đội ngũ để cho ra đời một sản phẩm mới, sau đó để các quan chức dày kinh nghiệm truy cập để kiểm nghiệm nó.

Thù lao ở Thung lũng Silicon sẽ rất tuyệt vời nhưng Summer cho biết một trong những mục tiêu của cuộc đời cô chính là có một công việc giống như ở NSA.

NSA sử dụng trang web, mạng xã hội và hội chợ việc làm để tuyển dụng học sinh, sinh viên. Họ không đến trường của Brianna phát thông báo nhưng cha của ông đề nghị cô bé vào trang intelligencecareers.gov để nộp đơn tuyển dụng. Quá trình nộp hồ sơ trên website rất lâu với đủ loại đơn và thông tin cần điền.

Bà Courtney cho biết đa số học sinh họ muốn mời vào làm việc là những người học các ngành liên quan đến STEM. Người phỏng vấn đang tìm kiếm "rất nhiều kinh nghiệm, một số dự án nhất định, các câu lạc bộ loại robot. Nhà phỏng vấn đang tìm kiếm các ứng viên giàu kinh nghiệm, từng tham gia một số dự án nhất định hay câu lạc bộ chế tạo robot.

Hiện nay, Brianna tham gia một dự án lâu năm, người ta sẽ còn thấy cô đến Fort Meade tập sự suốt thời kỳ học đại học. Cô gái trẻ sẽ được nhận thù lao ổn định và chắc chắn sẽ có một vị trí toàn thời gian tại NSA sau khi tốt nghiệp.

"Ban đầu, cảm giác thật kỳ lạ, khi bạn bước vào, những nhân viên ở đây rất tin tưởng bạn. Bây giờ, thật thú vị khi biết tôi đang giúp đỡ mọi người, giúp mọi người được an toàn, bảo vệ thông tin của họ và làm những việc rất cần thiết".

Không phải việc làm thêm thông thường

Nhà hàng, cửa tiệm và phòng khám của bác sĩ là nơi mà bạn bè của các "đặc vụ tuổi teen" trên tìm được việc làm thêm. Điều này khiến họ không thể trao đổi về công việc của mình với bạn bè, ngay cả khi họ được phép nói về nó.

"Tôi cảm thấy chút gì đó cô độc khi họ bắt đầu kể về những câu chuyện phục vụ khách hàng của họ. Họ biết tôi làm việc cho chính phủ và tôn trọng những điều có thể hoặc không thể chia sẻ", Simon kể.

Thậm chí, họ cũng không thể chia sẻ với chính phụ huynh của mình. Điều này ban đầu khiến Summer rất lúng túng. Bố mẹ là người thúc đẩy cô tham gia chương trình nghiên cứu, sau khi nhận thấy những cơ hội xán lạn mà chị gái cô nhận được khi là thực tập sinh ở NSA. Cô gái trẻ nói: "Tôi về nhà và muốn kể với bố mẹ rằng tôi đang làm việc này, việc kia. Nhưng sau đó, tôi phải tự nhủ bản thân phải làm quen với việc giữ bí mật".

Summer, Brianna và Simone đều đang học đại học. Các em chưa biết mình muốn làm cụ thể công việc gì trong tương lai nhưng đều muốn gắn bó với NSA thêm nhiều năm. "Bắt kẻ xấu. Tôi trông chờ việc này", Summer háo hức chia sẻ.