Cuộc sống người dân trong khu phố đi bộ quanh hồ Gươm sẽ thay đổi thế nào?

Thu Hường - Ảnh: Mai Lân, Theo Trí Thức Trẻ 07:02 01/09/2016

Đa số người dân đều đồng tình với quy định mới của TP, cho rằng việc quy hoạch TP không làm ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của họ vì bên cạnh các phố đi bộ, phố cổ vẫn còn rất nhiều tuyến đường được lưu thông xe cộ, các bãi gửi xe thuận tiện và hoàn toàn miễn phí, y tế, viễn thông, PCCC... được đảm bảo.

Mới đây, TP Hà Nội đã quyết định xây dựng không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Theo đó, từ 19h ngày thứ 6 đến 24h chủ nhật hàng tuần và các ngày Tết, ngày lễ lớn, 16 tuyến phố theo quy định sẽ trở thành phố đi bộ. Người dân sinh sống tại các phố đi bộ sẽ được cấp giấy ra vào nhưng buộc phải dắt xe qua các đoạn đường cấm ngắn nhất để trở về nhà.

Thông tin này hiện đang nhận được sự hưởng ứng của nhiều người, nhất là khách du lịch. Tuy nhiên, không ít người lại thắc mắc rằng liệu cuộc sống của người dân ở khu phố cổ có bị ảnh hưởng nhiều không, từ việc di chuyển đến nhu cầu y tế, dịch vụ mua sắm, gửi xe... có bị đảo lộn.

Chỉ trong một buổi chiều dạo quanh 16 tuyến phố nằm trong diện quy hoạch, chúng tôi đã nghe được nhiều tâm tư tình cảm khác nhau. Rất nhiều người lo lắng, bỡ ngỡ nhưng trên hết vẫn là thái độ chung hết sức đồng tình khi đã tìm hiểu và nắm rõ thông tin.

Người dân yên tâm, khẳng định cuộc sống không hề bị đảo lộn

Chị Trần Thị Thùy (Tràng Tiền, Hoàn Kiếm) chia sẻ, gia đình chị hiện đang sinh sống tại tuyến phố nằm trong diện bị cấm toàn bộ các phương tiện cơ giới, thô sơ. Vì thế, mấy ngày gần đây, vợ chồng chị liên tục đọc báo và cập nhật các thông tin mới nhất về việc xây dựng không gian phố đi bộ. "Thế nên tôi thấy nhiều người hoang mang, chắc là bởi họ chưa đọc kỹ thông báo thôi".

Cuộc sống người dân trong khu phố đi bộ quanh hồ Gươm sẽ thay đổi thế nào? - Ảnh 1.

Sau hôm nay, việc đi bộ vào cuối tuần ở khu vực quanh hồ Gươm sẽ diễn ra thường xuyên.

Cuộc sống người dân trong khu phố đi bộ quanh hồ Gươm sẽ thay đổi thế nào? - Ảnh 2.

Rất nhiều bãi gửi xe thuận lợi sẽ đi vào hoạt động.

Cuộc sống người dân trong khu phố đi bộ quanh hồ Gươm sẽ thay đổi thế nào? - Ảnh 3.

Người dân khu vực phố đi bộ sẽ được miễn phí gửi xe.

Cuộc sống người dân trong khu phố đi bộ quanh hồ Gươm sẽ thay đổi thế nào? - Ảnh 4.

Giá gửi xe cho khách nơi khác được niêm yết rất rõ ràng.

Chị Thùy tâm sự, vì các bãi gửi xe đều miễn phí cho người dân sống tại khu phố đi bộ nên chị thấy rất yên tâm. Theo chị, bình thường nhà trên phố cổ cũng khá chật chội. Dù không bị cấm, nhiều người vẫn phải dắt xe đi gửi và tốn kém không ít tiền. Bên cạnh đó, những ai không muốn gửi xe, TP cũng cho phép họ dắt bộ về nhà hoặc cơ quan.

Theo chị Thùy, chỉ cần nắm rõ bản đồ các phố bị cấm, tìm đường có thể di chuyển trên xe gần nhà nhất rồi dắt bộ qua quãng bị cấm ngắn nhất thì sẽ không gây ra xáo trộn nào đáng kể. "Phố cổ cũng không phải quá rộng lớn nên tôi nghĩ chuyện đi vòng thêm 1-2 đoạn đường, dắt bộ một tí cũng không phải chuyện không làm được".

Chị Thùy lấy ví dụ gia đình chị sống ở phố Tràng Tiền, cả nhà đều di chuyển bằng xe máy. Vì thế, chị có thể chọn cách đi lên phố Ngô Quyền rồi dắt bộ xe từ đoạn giao cắt Ngô Quyền - Tràng Tiền về nhà hoặc gửi xe miễn phí tại phố Ngô Quyền.

Cuộc sống người dân trong khu phố đi bộ quanh hồ Gươm sẽ thay đổi thế nào? - Ảnh 5.

Ngoài điểm trông giữ xe máy, xe đạp, TP cũng có tới 21 điểm gửi xe ô tô.

Cuộc sống người dân trong khu phố đi bộ quanh hồ Gươm sẽ thay đổi thế nào? - Ảnh 6.

Diện tích các bãi đỗ thường khá rộng.

Cuộc sống người dân trong khu phố đi bộ quanh hồ Gươm sẽ thay đổi thế nào? - Ảnh 7.

Công tác an ninh sẽ được siết chặt hơn.

Cuộc sống người dân trong khu phố đi bộ quanh hồ Gươm sẽ thay đổi thế nào? - Ảnh 8.

Sau hôm nay, vào mỗi dịp cuối tuần, ngày lễ, Tết, tại các khu phố đi bộ, hình ảnh xe đỗ ngổn ngang như thế này sẽ không còn xảy ra.

Cuộc sống người dân trong khu phố đi bộ quanh hồ Gươm sẽ thay đổi thế nào? - Ảnh 9.

Cũng chẳng còn cảnh xe cộ chạy vèo vèo.

Cuộc sống người dân trong khu phố đi bộ quanh hồ Gươm sẽ thay đổi thế nào? - Ảnh 10.

Vì rất đơn giản, tất cả sẽ đều phải đi bộ.

Cuộc sống người dân trong khu phố đi bộ quanh hồ Gươm sẽ thay đổi thế nào? - Ảnh 11.

Nhắc đến điều này, rất nhiều người dân tỏ ra phấn khởi, vui mừng.

"Tôi cũng thấy nhiều người phàn nàn rằng nếu đi bộ hết thì cấp cứu kiểu gì nhưng thực tế là xe cứu thương vẫn được phép hoạt động, ngoài ra còn cả các chốt trạm y tế nữa".

Bên cạnh đó, chị Thùy còn cho rằng khi tổ chức phố đi bộ, công tác an ninh, cứu thương... còn được TP siết chặt hơn. "Ví dụ tôi thấy các đường dây nóng của các trạm y tế, chốt an ninh hiện đã được công khai, minh bạch trên các trang mạng, rất tiện lợi cho mọi người".

Đồng tình với ý kiến của chị Thùy, ông Ngọc (Hàng Đào) cho rằng, dịch vụ ở phố cổ rất tiện lợi, các cửa hàng, quán ăn, siêu thị mọc lên "như nấm" nên người dân có thể hoàn toàn đi bộ để mua sắm. "Nếu không thích đi bộ, tôi nghĩ người dân có thể đi xe điện. Theo tôi được biết thì xe điện chỉ bị cấm chạy vòng quanh hồ thôi nhưng vẫn có thể xuất phát từ bãi đỗ đi vào các tuyến phố trung tâm".

Ông Ngọc cũng cho rằng, không gian phố đi bộ quanh hồ Gươm rất thuận lợi do chỉ có khu vực phía bắc, phía nam đan xen nhà dân, khu vực còn lại là cơ quan, khách sạn.

Cuộc sống người dân trong khu phố đi bộ quanh hồ Gươm sẽ thay đổi thế nào? - Ảnh 12.

Xe xích lô không được phép hoạt động trong khu vực cấm.

Cuộc sống người dân trong khu phố đi bộ quanh hồ Gươm sẽ thay đổi thế nào? - Ảnh 13.

Xe điện sẽ hoạt động theo hướng quy hoạch của TP.

Riêng anh Lê Thanh Trung (Tạ Hiện) lại tỏ ra rất háo hức: "Phố Tạ Hiện từ lâu, dù không cấm xe nhưng cũng rất ít phương tiện di chuyển nổi qua đây vào tối ngày cuối tuần. Vì thế, tôi thấy việc đưa nó vào quy hoạch là rất hợp lý".

Anh Trung còn tỏ ra rất háo hức với việc TP sẽ lắp đặt wifi miễn phí. Như vậy, thực khách uống bia của gia đình anh sẽ hoàn toàn có thể đến đây trải nghiệm bia hơi vỉa hè mát lạnh và truy cập mạng với tốc độ cao, không lo bị các phương tiện giao thông làm phiền... Với những điều này, anh Trung rất kỳ vọng gia đình mình sẽ thu hút thêm nhiều khách hàng ghé đến.

... Nhưng vẫn còn đó những trăn trở

Ngoài tâm trạng phấn khởi, không ít người dân lại cảm thấy khá bỡ ngỡ, lo lắng vì vẫn còn nhiều điều chưa hiểu. "Ví dụ tôi ở sâu trong phố Hàng Ngang, bình thường chỉ bị cấm các tối cuối tuần là thứ 7, chủ nhật nhưng bây giờ lại bị cấm liên tục từ 19h tối thứ 6 đến 24h ngày chủ nhật thì thực sự rất bất tiện", chị Ngọc (28 tuổi) tâm sự.

Do đặc thù làm công việc bán hàng online nên dù cuối tuần, chị Ngọc vẫn thường xuyên phải di chuyển đến nhiều nơi, nhất là quanh khu vực phố cổ. "Nhu cầu đi lại của tôi rất lớn. Thay vì chỉ buổi tối, tôi mới phải gửi xe như mọi khi thì bây giờ, cả ban ngày tôi cũng phải tìm chỗ gửi hoặc nếu không phải dắt bộ khá xa".

Cuộc sống người dân trong khu phố đi bộ quanh hồ Gươm sẽ thay đổi thế nào? - Ảnh 14.

Một số lái xe xích lô lo sợ việc thất nghiệp vào cuối tuần.

Cuộc sống người dân trong khu phố đi bộ quanh hồ Gươm sẽ thay đổi thế nào? - Ảnh 15.

Số khác lại tỏ ra ái ngại khi các tuyến xe buýt cũng sẽ bị thay đổi lộ trình.

Cuộc sống người dân trong khu phố đi bộ quanh hồ Gươm sẽ thay đổi thế nào? - Ảnh 16.

Tuy nhiên, trên hết mọi người đều kỳ vọng cùng với việc xây dựng phố đi bộ, không gian quanh hồ Gươm sẽ trở nên thoáng đãng, xanh, sạch và đẹp hơn.

Đồng tình với quan điểm của chị Ngọc, anh Thông, một người hàng xóm của chị cũng cho rằng, TP chỉ nên cấm đường vào buổi tối còn ban ngày, nên để cho người dân được tự do đi lại.

Riêng bà Nguyễn Thị Xuân (60 tuổi, phố Cầu Gỗ) lại tâm sự: "Tôi hay di chuyển bằng xe buýt nhưng tới đây lộ trình các tuyến chạy quanh hồ Gươm cũng bị thay đổi, tôi phải đi bộ xa hơn để về nhà nên thấy khá bất tiện".

Trong khi đó, ông Tài (lái xe xích lô) lại rất buồn vì biết TP sẽ cấm toàn bộ xe xích lô hoạt động trong các tuyến phố đi bộ. "Tôi rất mong TP sẽ xem xét, cho chúng tôi được chở khách vì nếu bị hạn chế, chúng tôi có thể mất khá nhiều khách bởi đa phần, mọi người đều đi chơi lên phố cổ, đi xích lô dịp cuối tuần".

Theo kế hoạch, UBND thành phố sẽ tổ chức phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận gồm: phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Lê Thái Tổ (1/2 đường Lê Thái Tổ phía bên hồ Hoàn Kiếm, đoạn từ Hàng Trống đến Hàng Khay), Lê Lai (đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Lê Thạch, phố Trần Nguyên Hãn (đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), phố Đinh Lễ, phố Nguyễn Xí, phố Tràng Tiền (đoạn từ Ngô Quyền đến Hàng Bài), phố Lò Sũ (Đinh Tiên Hoàng đến Nguyễn Hữu Huân), phố Hàng Dầu (Đinh Tiên Hoàng đến cầu Gỗ), phố Hồ Hoàn Kiếm, Lương Văn Can (đoạn từ Hàng Hành đến Lê Thái Tổ), phố Hàng Bài (đoạn từ Hai Bà Trưng đến Hàng Khay), Bảo Khánh (đoạn từ Ngõ Bảo Khánh đến Lê Thái Tổ).

Từ 19h ngày 1/9, TP sẽ thực hiện thí điểm phố đi bộ. Công tác này sau đó sẽ được duy trì vào 19h ngày thứ 6 đến 24h chủ nhật hàng tuần và các ngày lễ lớn, ngày Tết.

Người dân sống tại các phố đi bộ được cấp thẻ ra vào, có thể dắt bộ xe về nhà, cơ quan riêng ô tô buộc phải gửi từ bên ngoài. Hiện TP có tất cả 78 bãi trông xe được phân thành nhiều loại dành cho ô tô, xe đạp, xe máy, xe khách... Tất cả các bãi trông xe đều miễn phí cho người dân. Đối với khách bên ngoài, TP sẽ có mức thu theo quy định chung.

Để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, TP cũng tăng cường thu gom rác, rửa đường và duy trì hoạt động của 6 khu nhà vệ sinh công cộng trên các tuyến phố Hoàn Kiếm, Lê Thái Tổ, Hàng Khay, Lê Lai....

Duy trì an ninh, TP tăng cường thực hiện 12 chốt cứng về an ninh và các lực lượng chốt trực, tăng cường trực PCCC.

TP cho phép di chuyển qua phố đi bộ các loại xe cứu thương, cứu hỏa, xe công an đi làm nhiệm vụ, phương tiện của Bưu điện Hà Nội, Điện lực hoàn kiếm...

Về y tế, đảm bảo cho xe cứu thương hoạt động, bố trí các chốt trực y tế quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm tại: 13 Bà Triệu, 101 Hàng Bạc, 52 Lý Quốc Sư và trực y tế tại chỗ đặt tại trụ sở sân Sở VHTT&DL 1 xe cấp cứu.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày