Cuộc đời bi kịch của “Công chúa có đôi mắt buồn” ở Iran: Hôn nhân cổ tích chóng tàn khi cô không thể mang thai

Kienzeratul Spiderum, Theo Helino 23:53 21/04/2018

Từng là hoàng hậu Iran kể từ năm 1951 đến năm 1958, công chúa Soraya Esfandiary Bakhtiari được biết đến với vẻ ngoài kiều diễm cùng với đôi mắt đượm buồn đã trở thành biểu tượng. Những tưởng cuộc sống chốn hoàng gia sẽ phồn hoa phú quý, ấy vậy mà đằng sau lại là một chuỗi bi kịch mà chính vị công chúa này cũng không thể ngờ tới.

Cơ duyên với vị vua của Iran

Công chúa Soraya Esfandiary Bakhtiari sinh ra vào ngày 22/06/1932 trong một gia đình quyền quý, với mẹ là người gốc Đức và bố là thành viên trong gia đình họ Bakhtiari đầy quyền lực. Thuở nhỏ, cô lớn lên ở thị trấn Isfahan tại Iran trước khi được đưa sang Châu Âu sinh sống và học tập. Cũng chính tại đây, cô đã gặp được công chúa Shams, chị ruột của vua Iran, trong một chuyến công du London. Đây có lẽ là bước ngoặt thay đổi hoàn toàn vận mệnh của Soraya.

Cuộc đời bi kịch của “Công chúa có đôi mắt buồn” ở Iran: Hôn nhân cổ tích chóng tàn khi cô không thể mang thai - Ảnh 1.

Công chúa Soraya Esfandiary Bakhtiari sinh ra vào ngày 22/06/1932 trong một gia đình quyền quý, với mẹ là người gốc Đức và bố là thành viên trong gia đình họ Bakhtiari đầy quyền lực.

Vua của Iran, Mohammad Reza Pahlavi, vừa mới chia tay người vợ đầu là công chúa Fawzia của Ai Cập, sau khi cả hai chỉ có với nhau một cô con gái duy nhất. Các thành viên Hoàng gia lúc này đều cảm thấy điều cần thiết nhất với Đức Vua chính là phải mau chóng tái hôn với một vị Hoàng hậu mới nhằm hạ sinh thế tử nối dõi, nhờ đó mà duy trì được ngôi báu cũng như sự ổn định và thịnh vượng của vương quốc. 

Chính vì lẽ đó mà ngay từ buổi đầu định mệnh được gặp mặt Soraya, công chúa Shams tin chắc rằng, đây sẽ là người phù hợp để làm vợ của em trai mình. Và thế là bà quyết định mời Soraya, khi đó mới tròn 18 tuổi, trở về thăm quê hương, về lại thủ đô Tehran, trong sự bất ngờ của cô gái trẻ.

Cuộc đời bi kịch của “Công chúa có đôi mắt buồn” ở Iran: Hôn nhân cổ tích chóng tàn khi cô không thể mang thai - Ảnh 2.

Soraya rạng rỡ trong ngày đầu gặp mặt Mohammad, Đức Vua của Iran thời đó và đồng thời cũng là người chồng tương lai của cô.

Hai ngày sau, một bữa tiệc tối được tổ chức dành riêng cho Soraya và Hoàng hậu Tadj ol-Molouk, mẹ ruột của Vua Mohammad. Trong lúc bữa tiệc diễn ra, vị vua của Iran cũng được mời đến tham dự. 

Đến ngày tiếp theo, cha của Soraya đã hỏi cô một cách rất thật rằng: "Đức Vua có vẻ rất thích con đấy. Con có sẵn sàng kết hôn với ông ấy không?" Không phải chờ đợi câu trả lời quá lâu, đôi uyên ương đã cùng nhau làm lễ đính hôn chỉ 1 ngày sau đó, và món quà đầu tiên mà Vua Mohammad tặng cho Soraya chính là một chiếc nhẫn kim cương tuyệt đẹp.

Cuộc đời bi kịch của “Công chúa có đôi mắt buồn” ở Iran: Hôn nhân cổ tích chóng tàn khi cô không thể mang thai - Ảnh 3.

Đôi uyên ương đã cùng nhau làm lễ đính hôn chỉ 1 ngày sau đó, và món quà đầu tiên mà Vua Mohammad tặng cho Soraya chính là một chiếc nhẫn kim cương tuyệt đẹp.

Lễ cưới tương lai

Những tưởng đám cưới sẽ được diễn ra sau đó chỉ vài ngày. Ấy vậy, điều không may đã xảy ra khi Soraya bỗng chốc phải nằm liệt giường một thời gian do mắc phải bệnh thương hàn quái ác. Nhiều người chứng kiến từng kể rằng, Vua Mohammad ngày nào cũng lặng lẽ đặt 1 viên ngọc lên gối chỗ Soraya nằm ngủ, với mong ước cầu cho người vợ sắp cưới của mình mau chóng khỏi bệnh. May mắn là cuối cùng thì lễ cưới cũng được cử hành, chính xác là vào ngày 12/02/1951. Tuy vậy, đó cũng là cả một sự thử thách lớn với vị Hoàng hậu tương lai.

Sau nhiều tuần phải chống chọi và vật lộn với bệnh tật, sức khỏe của Soraya giảm sút rõ rệt. Cô gần như không thể đứng thẳng được, chứ đừng nói là đi lại nổi. Thời tiết lúc này ở Tehran cũng vô cùng khắc nghiệt khi mưa tuyết bao phủ cả ngày. Đức Vua lúc này phải ra lệnh cho tùy tùng liên tục bố trí hàng chục bếp củi bên trong cung điện, nhằm giữ ấm cho Soraya.

Cuộc đời bi kịch của “Công chúa có đôi mắt buồn” ở Iran: Hôn nhân cổ tích chóng tàn khi cô không thể mang thai - Ảnh 4.

Soraya là hoàng hậu của Iran kể từ năm 1951 đến năm 1958

Sau khi cân nhắc thật kỹ, thái y quyết định sẽ mặc cho công chúa một tấm áo len bên trong bộ váy cưới, kèm theo đó là đôi tất dệt từ len dày, nhằm đảm bảo cho cơ thể của Soraya không bị nhiễm lạnh khi cử hành hôn lễ. Không ai khác mà chính là Christian Dior, người sau này sáng lập ra thương hiệu thời trang Dior danh tiếng, được mời thiết kế bộ váy cưới cho công chúa. Tiếc rằng, đó lại là một tác phẩm ngoại cỡ, do được dệt từ gần 20 mét lụa trắng và đính kèm không biết bao nhiêu chỉ lụa vàng. Tổng khối lượng của bộ váy cưới lên tới 30 kg, bị coi là quá nặng nề cho cơ thể yếu ớt của Soraya.

Vài phút trước khi cử hành hôn lễ, Đức Vua và tùy tùng phải tự tay dùng kéo cắt bớt 8 cm tà váy áo cho Soraya, để công chúa có thể dễ dàng mặc lên người. Và điều tuyệt vời là cô vẫn có thể trụ vững trong suốt khoảng thời gian đó để hoàn thành những nghi lễ hoàng gia cuối cùng.

Cuộc sống hôn nhân bỗng chốc trở thành một tấn bi kịch

Những tháng đầu của cuộc sống hôn nhân nơi cung vua tràn ngập tiếng cười và niềm hạnh phúc. Được sống trong cung điện nguy nga tráng lệ, cảm giác Soraya được tận hưởng không khác gì trong một câu chuyện cổ tích. Và tất cả các thành viên hoàng gia đều nhìn vào đó với một ước nguyện, rằng sẽ có điều kì diệu xảy ra: một hoàng tử kháu khỉnh sẽ chào đời, kết tinh của tình yêu đẹp như mơ giữa cặp uyên ương trời định. Tiếc rằng, điều đó mãi mãi không bao giờ xảy ra.

Cuộc đời bi kịch của “Công chúa có đôi mắt buồn” ở Iran: Hôn nhân cổ tích chóng tàn khi cô không thể mang thai - Ảnh 5.

Cuộc sống hôn nhân của công chúa Soraya trong cung điện tráng lệ không khác gì chuyện cổ tích có thật

Vào tháng 10 năm 1954, khi Soraya bước sang tuổi 22, bác sĩ riêng của Hoàng hậu đã mang đến một tin rất xấu, rằng Soraya gặp phải hội chứng hiếm muộn, tức là phải mất hàng năm trời thì cô mới có khả năng có thai. Điều này như một đòn mạnh giáng vào niềm tin của toàn bộ hoàng thất Iran. Cùng thời điểm đó, Đức Vua Mohammad, người vốn dĩ đã cảm thấy mệt mỏi sau khi biết tình trạng sức khỏe của vợ, bỗng nổi cơn thịnh nộ khi biết rằng em trai, hoàng tử Ali Reza, cũng là người kế vị ngai vàng, không kịp trở về Iran để tham dự một bữa tiệc của hoàng gia, với lý do đang tham gia một chuyến đi săn gần bờ biển Caspi. Và chỉ khi nghe tin chiếc máy bay chở hoàng tử Ali không may gặp nạn trên đường trở về Tehran, mọi người mới bàng hoàng nhận ra một sự thật rằng: Vua Mohammad sẽ không có người kế vị.

Cuộc đời bi kịch của “Công chúa có đôi mắt buồn” ở Iran: Hôn nhân cổ tích chóng tàn khi cô không thể mang thai - Ảnh 6.

Ngày 14/03/1958, Soraya và chồng quyết định thuận tình ly hôn, chấm dứt 7 năm hôn nhân ngắn ngủi giữa hai người.

Trước tình cảnh nguy khốn đó, cuộc hôn nhân của Soraya bỗng rơi vào bế tắc cùng cực. Sức ép của toàn bộ nội các cũng như các thành viên hoàng gia trở nên quá sức chịu đựng của cả hai người. Và điều gì đến rồi cũng phải đến. Ngày 14/03/1958, Soraya và chồng quyết định thuận tình ly hôn, chấm dứt 7 năm hôn nhân giữa hai người.

Trở về cuộc sống của một cô gái bình thường sau khi hôn nhân đổ vỡ

Sau khi ly hôn, Soraya bị trục xuất khỏi Iran và phải tìm kiếm tị nạn tại Thụy Sĩ, nơi mà cô liên tục trở thành tâm điểm của cánh báo chí. Cũng chính tại đó, biệt danh "công chúa có đôi mắt buồn" được gán cho Soraya. Trước khi chia tay, Vua Mohammad vẫn tỏ ra rất rộng lượng với người vợ cũ của mình, bằng việc chu cấp để Soraya có một cuộc sống đủ sung túc. Từ Rome, Munich cho đến Paris tráng lệ, không nơi nào Soraya không từng đi qua và ở đó, cô trở thành một biểu tượng, một nhà hoạt động xã hội nổi bật.

Cuộc đời bi kịch của “Công chúa có đôi mắt buồn” ở Iran: Hôn nhân cổ tích chóng tàn khi cô không thể mang thai - Ảnh 7.

Từ Rome, Munich cho đến Paris tráng lệ, không nơi nào Soraya không từng đi qua và ở đó, cô trở thành một biểu tượng, một nhà hoạt động xã hội nổi bật.

Soraya không tái hôn với bất cứ ai, kể từ thời điểm cô rời khỏi Iran. Số trang sức mà Soraya có được, gồm kim cương, đá ruby, hạt sa-phia và cả đá cẩm thạch đều do chính Đức Vua Iran thân tặng, và chúng luôn đến từ những thương hiệu nổi tiếng, như Cartier, Bulgari, Harry Winston hay Van Cleef & Arpels. Nhưng kể từ đợt chính biến tại Iran, lật đổ chế độ quân chủ và lập nên nước Cộng hòa Hồi giáo Iran vào những năm 1980, Soraya quyết định bán bớt số nữ trang của mình. Trong đó, nổi bật nhất là chiếc vòng nạm kim cương của Harry Winston, được đấu giá công khai tại Geneva vào ngày 17/11/1988.

Cuộc đời bi kịch của “Công chúa có đôi mắt buồn” ở Iran: Hôn nhân cổ tích chóng tàn khi cô không thể mang thai - Ảnh 8.

Hai trong số những chiếc vòng nữ trang mà Soraya được Vua Iran ban tặng, trong đó chiếc vòng kim cương được đem ra đấu giá tại Geneva vào năm 1988

Soraya qua đời vào ngày 25/10/2001 tại Paris, 21 năm kể từ sau cái chết của Vua Mohammad khi cuộc chính biến giai đoạn 1978-1979 nổ ra ở Iran. Kể từ khi ly hôn cho đến lúc chia lìa cuộc đời, cả hai chưa được gặp lại nhau, dù chỉ một lần. Toàn bộ gia tài để lại được người em trai của Soraya là Bijan nhận quyền thừa kế, nhưng anh này cũng qua đời không lâu sau đó vì một cơn trụy tim. 

Hiện tại, tất cả tài sản của Soraya để lại đang được lưu giữ và trưng bày bởi Chính phủ Đức tại thành phố Munich. Cuốn tự truyện của cô, lấy nhan đề ''Le Palais des Solitudes'' (tạm dịch là Cung điện của sự bình yên) được xuất bản tại Paris vào năm 1991, trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất nước Pháp thời bấy giờ.

Nguồn: Daily Mail, New York Times, CNN