Covid-19: Thiếu miễn dịch, Trung Quốc có nguy cơ bùng phát dịch lần 2

Bảo Hạnh, Theo Người Lao Động 15:39 17/05/2020

Chuyên gia về hô hấp hàng đầu của Trung Quốc cảnh báo nước này vẫn đối mặt với "thách thức lớn" về làn sóng Covid-19 thứ 2 vì sự thiếu miễn dịch trong cộng đồng.

Viện sĩ Chung Nam Sơn, cố vấn y tế cấp cao của chính phủ Trung Quốc và là gương mặt đại diện trong cuộc chiến chống Covid-19 của nước này, xác nhận trong cuộc phỏng vấn với đài CNN ngày 16-5 rằng cơ quan chức năng tại TP Vũ Hán, nơi virus được báo cáo xuất hiện lần đầu hồi tháng 12, đã che giấu những chi tiết quan trọng về mức độ bùng phát ban đầu.

Theo số liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC), nước này có hơn 82.000 ca nhiễm Covid-19 và ít nhất 4.633 ca tử vong. Số lượng các ca nhiễm mới tăng nhanh hồi cuối tháng 1, buộc các thành phố phải phong tỏa và cấm du lịch nội địa.

Đến đầu tháng 2, số lượng ca nhiễm mới mỗi ngày của Trung Quốc tăng kỷ lục 3.887 ca/ngày. Tuy nhiên, một tháng sau đó, số ca mới giảm chỉ còn 2 con số trong khi tình hình ở Mỹ lại trái ngược hoàn toàn khi tăng từ 47 ca mới vào ngày 6-3 lên 22.562 ca vào cuối tháng.

Sau khi đã kiểm soát phần lớn đại dịch, cuộc sống tại Trung Quốc đang dần trở lại bình thường. Lệnh phong tỏa được nới lỏng, một số trường học và nhà máy đã mở cửa trở lại trên khắp nước.

Covid-19: Thiếu miễn dịch, Trung Quốc có nguy cơ bùng phát dịch lần 2  - Ảnh 1.

Viện sĩ Chung Nam Sơn. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, ông Chung cảnh báo giới chức Trung Quốc không nên mất cảnh giác vì nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 2 vẫn rình rập. Những ổ dịch mới vừa xuất hiện rải rác trong các tuần gần đây cả ở TP Vũ Hán lẫn các tỉnh Đông Bắc như Hắc Long Giang và Cát Lâm.

"Vào thời điểm này, phần lớn người dân Trung Quốc vẫn dễ bị nhiễm Covid-19 vì thiếu miễn dịch. Chúng ta đang đối mặt với một thách thức lớn" - trích lời ông Chung. Ông được gọi là "người hùng SARS" tại Trung Quốc nhờ công lao rất lớn trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh hội chứng hô hấp cấp tính vào năm 2003. Lần này, ông đã lãnh đạo công tác chống virus SARS-CoV-2 tại Trung Quốc, đặc biệt là trong những giai đoạn trọng yếu đầu tiên của sự bùng phát.

Vào ngày 20-1, ông Chung là người xác nhận trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) rằng Covid-19 có thể lây từ người sang người sau khi giới chức y tế Vũ Hán khẳng định trong nhiều tuần rằng không có bằng chứng rõ ràng về việc này và dịch bệnh "có thể được ngăn chặn và kiểm soát".

Dẫn đầu một nhóm các chuyên gia do NHC cử đi điều tra ổ dịch ban đầu, ông Chung đến TP Vũ Hán vào ngày 18-1. Khi đến nơi, ông nhận được vô số cuộc gọi từ các bác sĩ và học sinh cũ cảnh báo rằng tình hình tại thành phố này tệ hơn rất nhiều so với các báo cáo chính thức.

Covid-19: Thiếu miễn dịch, Trung Quốc có nguy cơ bùng phát dịch lần 2  - Ảnh 2.

TP Vũ Hán yêu cầu xét nghiệm diện rộng 11 triệu cư dân sau khi ổ dịch mới được phát hiện hồi đầu tháng 5. Ảnh: Reuters

"Chính quyền địa phương không muốn nói sự thật vào thời điểm đó. Lúc đầu, họ cứ giữ im lặng và tôi nói có lẽ chúng ta có rất nhiều người nhiễm bệnh" - ông Chung cho biết. Ông bắt đầu nghi ngờ khi con số báo cáo chính thức về các ca nhiễm tại TP Vũ Hán duy trì ở mức 41 ca trong hơn 10 ngày dù tình trạng lây lan đang tăng ở nước ngoài.

"Tôi không tin kết quả đó nên liên tục truy hỏi và sau đó họ phải đưa cho tôi con số thật. Tôi cho rằng họ rất lưỡng lự khi trả lời câu hỏi của tôi" - viện sĩ Chung kể lại. Ngày 20-1, tại Bắc Kinh, ông được thông báo tổng số ca ở TP Vũ Hán là 198 với 3 người tử vong và 13 nhân viên y tế mắc bệnh.

Trong cuộc họp với các quan chức chính phủ cùng ngày, ông Chung đề xuất phong tỏa TP Vũ Hán để ngăn chặn sự lây lan của virus. Đây là động thái chưa từng có tiền lệ. Chính quyền trung ương liền phong tỏa thành phố vào ngày 23-1, hủy bỏ toàn bộ chuyến bay, tàu lửa và xe buýt ra vào thành phố cũng như chặn các lối vào đường cao tốc lớn. Sau 76 ngày, lệnh phong tỏa mới được gỡ bỏ.

Trong cuộc phỏng vấn với CCTV ngày 27-1, Thị trưởng TP Vũ Hán Chu Tiên Vượng thừa nhận chính quyền của ông đã không thông báo về Covid-19 với công chúng "một cách kịp thời" vì "là một chính quyền địa phương, chúng tôi chỉ có thể tiết lộ thông tin sau khi được ủy quyền".

Hồi tháng 2, Trung Quốc sa thải rất nhiều quan chức cấp cao trong bối cảnh chính quyền địa phương bị chỉ trích rộng rãi vì cách ứng phó với đại dịch. Theo hãng tin Tân Hoa Xã, những người bị sa thải bao gồm 2 quan chức phụ trách ủy ban y tế tỉnh ủy cũng như các lãnh đạo của TP Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc.

(Theo CNN)