Côn trùng đang dần biến mất và hệ quả của nó nghiêm trọng hơn những gì bạn có thể tưởng tượng

J.D, Theo Helino 00:35 27/02/2019

Đặc biệt là các ảnh hưởng của hiện tượng này đến con người.

Loài vật đông đảo nhất trên thế giới, danh hiệu ấy thuộc về các loài côn trùng. Dù khó có thể nói chính xác vì có đến 80% lượng côn trùng trên thế giới chưa được xác nhận, nhưng các chuyên gia ước tính có khoảng... 5,5 triệu loài côn trùng đang tồn tại trên Trái đất này. Thậm chí, con số có thể lên đến 7 triệu nếu gộp cả các loài chân đốt.

Tốc độ sinh sản nhanh cùng khả năng sinh tồn cực lớn, tưởng như côn trùng sẽ là các sinh vật cuối cùng còn sót lại trên Trái đất vào ngày Tận thế. Nhưng thực tế thì theo như nghiên cứu gần đây tốc độ giảm sút của của các loài côn trùng đang là quá nhanh. Ước tính, sẽ có khoảng 40% côn trùng có thể tuyệt chủng trong vòng vài thập kỷ kế tiếp.

Vấn đề ở đây là chúng ta chưa biết lý do chính xác khiến số lượng côn trùng trên thế giới giảm sút. Các giả thuyết được đưa ra có liên quan đến hoạt động nông nghiệp của con người và việc lạm dụng thuốc trừ sâu, nhưng mọi chuyện thực chất còn phức tạp hơn thế khi có liên quan đến biến đổi khí hậu và mất đi môi trường sống.

Và khi côn trùng biến mất, hệ quả sẽ là rất lớn. Đơn giản là bởi vai trò trong hệ sinh thái của côn trùng là cực kỳ quan trọng, và ảnh hưởng khi chúng biến mất sẽ khiến con người cũng phải khổ sở.

Một Trái đất của sâu bọ

Côn trùng đang dần biến mất và hệ quả của nó nghiêm trọng hơn những gì bạn có thể tưởng tượng - Ảnh 1.

Quay trở lại với số lượng các loài côn trùng, thực sự rất khó để nắm được con số chính xác. Trên thực tế, con số 7 triệu có lẽ vẫn còn ít, bởi có nhiều loài côn trùng dù nhìn giống nhau nhưng thực chất là 2 loài khác hẳn - còn gọi là cryptic - và chỉ có thể phân biệt dựa trên ADN.

Ước tính, trung bình mỗi loài côn trùng có thêm 5 cryptic, và áp dụng nó vào con số trên, chúng ta sẽ có tới 41 triệu loài côn trùng.

Nhưng chưa hết! Mỗi loài côn trùng lại có thêm nhiều loài ký sinh khác trên từng vật chủ, và trong số đó có nhiều loài cũng được xếp vào lớp côn trùng. Cộng thêm vào, chúng ta có khoảng... 82 triệu loài. Nếu so với con số 600.000 ở các loài có xương sống, tỉ lệ sẽ rơi vào khoảng 1:137.

Vậy khi xảy ra tuyệt chủng hàng loạt, sẽ có bao nhiêu côn trùng diệt vong? Câu trả lời không rõ ràng, nhưng nếu xét về mặt khối lượng, chúng còn lớn hơn cả tổng số các loài động vật khác trên thế giới.

Thông tin này không hề vô lý. Theo tiến sĩ E.O. Wilson từ ĐH Harvard, mỗi hecta rừng Amazon chỉ có vài chục loài chim và thú, nhưng có đến... hơn 1 tỷ cá thể côn trùng. Dù có kích cỡ nhỏ bé nhưng khi tập hợp lại, khối lượng của chúng là rất lớn.

Ảnh hưởng là rất lớn

Côn trùng đang dần biến mất và hệ quả của nó nghiêm trọng hơn những gì bạn có thể tưởng tượng - Ảnh 2.

Côn trùng là thành phần quan trọng trong chuỗi thức ăn tại mọi vùng lãnh thổ trên thế giới. Chỉ riêng chuyện ăn thôi, chúng cũng kéo theo nhiều hiệu ứng lớn lao hơn rồi.

Sâu bọ và châu chấu ăn lá, rệp hút nước, ong trộm phấn, hút mật, trong khi bọ cánh cứng tấn công quả. Các thân cây lớn thì bị mối mọt tấn công. Nhưng đổi lại, chúng cũng bị tấn công và tiêu diệt bởi các loại côn trùng ký sinh. Và lũ kí sinh này cũng bị các loài khác xử lý, tạo thành một chuỗi gắn kết chặt chẽ.

Cây cối bị sâu bọ tấn công và chết đi, tạo điều kiện để nấm và vi khuẩn phát triển. Rồi lại xuất hiện côn trùng chuyên ăn nấm.

Ở bậc cao hơn là các loài ăn côn trùng - bao gồm nhóm chân đốt, chim và một số loài thú. Trong khi côn trùng ăn cỏ thường chỉ ăn được 1 loại cây, nhóm này không quan tâm thứ chúng ăn là gì. Đó là lý do vì sao số lượng các loài côn trùng luôn nhiều hơn chim và thú - đơn giản vì tạo hóa đã "tính toán" hết rồi.

Tất cả tạo thành một chuỗi thức ăn khép kín, nên rõ ràng là khi côn trùng suy giảm một số lượng lớn, các loài vật ở bậc cao hơn trên chuỗi thức ăn cũng sẽ bị ảnh hưởng. Sự thật là chúng ta tưởng là mình quan trọng, nhưng bản chất thì côn trùng mới là quan trọng nhất.

"Chúng ta cần côn trùng, nhưng chúng chẳng cần chúng ta" - Wilson cho biết.

Phần đông giới khoa học, trong đó có cả đồng nghiệp của Wilson là nhà sinh học Thomas Eisner cũng có chung nhận định. "Côn trùng không cần phải thừa kế Trái đất từ con người. Lúc này chúng vẫn đang là chủ." - Eisner từng chia sẻ như vậy.

Hay nói cách khác, liệu rằng con người có thể quản lý được hành tinh này mà không có côn trùng? Có lẽ là không.

Tham khảo: Science Alert