Con trai bị cắn bầm tay vì cách dạy lạ đời của giáo viên, "mẹ hổ" đến trường đòi công bằng không ngờ đấm gãy xương sườn cô giáo

Song Kỳ, Theo Pháp luật và Bạn đọc 20:50 23/05/2021

Sự việc đang tạo ra luồng dư luận trái chiều, phân định xem trong câu chuyện này ai là người có lỗi.

Làm cha mẹ, ai cũng muốn con mình được hưởng nền giáo dục tốt nhất và sẽ có thể "xù lông" lên để bảo vệ con cái trước những điều vô lý, những kẻ hiếp đáp chúng. Cũng xuất phát từ mong muốn này, một bà mẹ sống ở Thành Đô, Tứ Xuyên, đã đến trường hỏi cho ra lẽ sau khi phát hiện ra con trai của mình bị cắn bầm cả tay. Diễn biến tiếp theo của câu chuyện gây ra nhiều sự tranh cãi.

Hôm 18/5 vừa qua, ông Lý đến trường mẫu giáo để đón cậu con trai 2 tuổi, bé Xuân Xuân, thì nhìn thấy trên tay con có một vết bầm lớn như dấu cắn. Ông Lý ngay lập tức gọi cho vợ thông báo sự việc. Người mẹ họ Mã nghĩ rằng con mình có thể bị bắt nạt trong lớp nên đã tức tốc đến trường cùng chồng để làm việc với giáo viên chủ nhiệm của con trai.

Con trai bị cắn bầm tay vì cách dạy lạ đời của giáo viên, mẹ hổ đến trường đòi công bằng không ngờ đấm gãy xương sườn cô giáo - Ảnh 1.

Bé Xuân Xuân bị giáo viên chủ nhiệm cắn bầm tay để dạy dỗ

Điều hai vợ chồng bà Mã không ngờ nhất chính là khi tìm hiểu sự việc, họ lại biết được rằng hóa ra bé Xuân Xuân không phải bị bạn cắn mà chính cô giáo chủ nhiệm đã cắn cậu bé đến bầm tay.

Theo sự giải thích của cô giáo, bé Xuân Xuân ở trường rất khó bảo, thích đánh bạn. Nhiều lần nhắc nhở nhưng cậu bé không thay đổi nên cô giáo đã quyết định cắn một phát vào tay học sinh để dạy cho bé biết rằng làm người khác đau là như thế nào.

Nghe đến cách giáo dục lạ đời của cô giáo, bà Mã càng nóng giận hơn. Trong lúc xảy ra giằng co với nhân viên nhà trường, cô giáo chủ nhiệm bé Xuân Xuân đã đứng ra ngăn cản liền bị bà Mã dùng chiếc điện thoại đang cầm trên tay đấm mạnh vào ngực.

Mãi cho đến chiều tối hôm đó, cô giáo cảm thấy tức ngực, khó chịu nên đã đến bệnh viện kiểm tra. Thật không ngờ cú đánh của "mẹ hổ" trong cơn thịnh nộ đã làm cô giáo gãy 1 chiếc xương sườn.

Con trai bị cắn bầm tay vì cách dạy lạ đời của giáo viên, mẹ hổ đến trường đòi công bằng không ngờ đấm gãy xương sườn cô giáo - Ảnh 2.

Trong lúc tranh cãi, phụ huynh đã đánh cô giáo bằng điện thoại khiến cô bị gãy xương sườn

Phương pháp giáo dục thiếu khoa học của giáo viên

Một đứa trẻ 2 tuổi chưa có sự phát triển nhận thức đầy đủ, cũng chưa học được cách thấu hiểu và đồng cảm. Trong quá trình phát triển tính cách, trẻ sẽ trải qua giai đoạn có các hành vi xấu như cấu, cắn, đánh những người xung quanh.

Trước những hành vi này, người lớn cần có một phương pháp tiếp cận để giúp trẻ hiểu được hành động đó là xấu, có thể làm tổn thương đến người khác và từ từ vượt qua được giai đoạn này.

Việc sử dụng bạo lực để trấn áp bạo lực chỉ mang đến hậu quả tồi tệ hơn. Nhất là đối với một giáo viên có trình độ và kỹ năng sư phạm lại sử dụng cách phản khoa học này để trừng phạt học sinh. Đó là một hành động sai trái.

Con trai bị cắn bầm tay vì cách dạy lạ đời của giáo viên, mẹ hổ đến trường đòi công bằng không ngờ đấm gãy xương sườn cô giáo - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Phụ huynh cũng không tránh khỏi trách nhiệm

Có ý kiến cho rằng bà Mã phản ứng bảo vệ con một cách thái quá. Họ cho rằng nếu tính xấu của bé Xuân Xuân không bị trừng trị sớm thì sau này lớn lên cậu bé sẽ càng hư hỏng và bạo lực hơn.

Thực chất, trong việc giáo dục trẻ, gia đình và nhất là phụ huynh phải là người chủ động và có phương pháp dạy dỗ tích cực chứ không thể ỷ lại hoặc đổ trách nhiệm hoàn toàn cho giáo viên và nhà trường.

Một số ý kiến khác nhận định, khi con em mình bị cắn, việc đầu tiên hlà bố mẹ phải thật bình tĩnh và lý trí trong khi giải quyết sự việc. Trong trường hợp bé Xuân Xuân, liên quan đến việc giáo viên có hành vi bạo hành học sinh, bà Mã đáng ra phải báo cảnh sát và thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định để đòi sự bồi thường xứng đáng.

Tuy nhiên, phản ứng nóng giận của người mẹ này cuối cùng lại gây ra tổn thương đối với giáo viên, giờ đây phía nhà trường lại trở ngược, đòi kiện lại phụ huynh để bảo vệ quyền lợi của nữ giáo viên.

(Nguồn: 163)