Con buồn vì phải học trường công, bố mẹ “ngậm đắng” sang tư thục, đầu tư bao nhiêu mới đủ?

Xuân Phương, Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị 21:37 09/08/2021

Với những phụ huynh không cho con học trường công, các lý do đưa ra là bọn trẻ sẽ không phải chịu áp lực sách vở từ chương trình học quá tải tại các trường công lập; chương trình học của các trường công thường nặng về lý thuyết và thiếu hụt những giờ học thiết thực.

Từ khi chuyển sang học lớp 2 tại một trường tiểu học tư thục trên phố Vọng (Hà Nội), con gái của chị Khánh Lan rất vui và luôn mong được đến lớp mỗi ngày. Cô bé sẽ khoe với bất kì ai về ngôi trường mới của mình: con thích cô chủ nhiệm mới, con thấy môn này rất hay, quà chiều có món này ngon lắm…

Chị Khánh Lan như trút được một mối lo.

"TRƯỜNG CÔNG NẶNG VỀ LÝ THUYẾT, KHÔNG PHÂN BIỆT SỞ THÍCH CÁ NHÂN TỪNG BÉ"

"Năm lớp 1, tôi cho cháu học một trường công gần nhà, vì tài chính chỉ cho phép như vậy. Nhưng con bé không vui và nhiều khi còn không muốn đi học," chị Lan cho biết.

Sau một năm tìm hiểu thêm và cân nhắc tài chính, chị và chồng quyết định cho bé chuyển trường.

"Tôi nghĩ đó là quyết định đúng đắn. Đúng là tôi sẽ phải sắp xếp lại chi tiêu vì học phí của con bây giờ chiếm khoảng 30% thu nhập của vợ chồng tôi, nhưng nhìn con đi học vui rồi hứng thú, tôi nghĩ là rất xứng đáng. Thôi thì cố một chút," chị Lan nói.

Chia sẻ một trải nghiệm tương tự, chị Thanh Hương (Quận Đống Đa, Hà Nội), cho biết vì yêu cầu công việc, gia đình chị có vài năm sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Khi quay trở về Việt Nam, cậu con trai lớn của chị, lúc đó đang học lớp 4, được bố mẹ xin cho vào một trường công lập có tiếng ở quận Ba Đình.

Cậu bé trải qua một học kì ở đó nhưng thường nói không muốn đi học.

"Con về và nói các thầy cô nghiêm quá làm con thấy sợ khi đi học," chị Hương cho biết.

Thường xuyên phải nhìn cảnh con ủ rũ, chị đành cân nhắc việc chuyển con về một trường tư gần nhà. Cậu bé đi học tại đây thì vui vẻ, hồ hởi trở lại.

Con buồn vì phải học trường công, bố mẹ “ngậm đắng” sang tư thục, đầu tư bao nhiêu mới đủ? - Ảnh 1.

Nhiều phụ huynh sợ con rơi vào tình trạng "học điên cuồng" nếu học tại trường công lập (Ảnh minh họa)

Với những phụ huynh không cho con học trường công như chị Lan và chị Hương, các lý do đưa ra là bọn trẻ sẽ không phải chịu áp lực sách vở từ chương trình học quá tải tại các trường công lập; giáo viên trường tư có cách tiếp cận mới và hiện đại hơn trong phương pháp giáo dục để các con có thể phát triển tốt phù hợp nhất với năng lực của từng cá nhân.

Trong khi đó, chương trình học của các trường công thường nặng về lý thuyết và thiếu hụt những giờ học thiết thực cho quá trình phát triển của các con và không được thiết kế để phân biệt năng lực và sở thích của từng các nhân các bé.

Nhưng niềm vui nào cũng có cái giá của nó.

KHI CHI PHÍ HỌC TƯ THỤC GẤP 7 LẦN CÔNG LẬP

Chị Hương có hai cháu, và nếu cả hai cháu đều theo học các trường công lập, vấn đề tài chính không có gì phải lo lắng. Tuy nhiên, chi trả học phí cho hai đứa con đi học trường tư lại là một vấn đề khác.

"Bây giờ tôi vẫn đang cố gắng được, nhưng ai nói trước được công việc có thuận lợi mãi không, trong khi việc học của bọn trẻ sẽ là quãng đường dài 12 năm," chị Hương không giấu nỗi lo lắng.

Khi con theo học tại trường tiểu học công lập, chị Hương chỉ phải chi trả chưa tới 1 triệu một tháng cho các khoản ở trường, nhưng tại trường tư con chị đang theo học, con số là hơn 7 triệu.

"Và còn thêm một vấn đề khác là với việc thi vào đại học công lập ở Việt Nam, các cháu học trường tư có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với khi học trường công, nên con đường của các bé học trường tư ở 3 cấp phổ thông thường là đi du học hoặc tiếp tục vào một trường đại học tư/quốc tế trong nước," chị Hương chia sẻ.

Chị Hương cho biết theo như chị tìm hiểu, thì mức đầu tư hợp lý cho giáo dục là 10%-15% tổng thu nhập, nhưng với vợ chồng làm công chức như gia đình chị, để các con được đi học trường tư thì con số này sẽ lớn hơn.

Luật giáo dục năm 2019 quy định tất cả học sinh tiểu học công lập được miễn học phí. Các khoản phí khác như phí bán trú, đồng phục, đồ dùng học tập… do các trường tự quyết định. Với nhiều trường tiểu học công lập trên địa bàn Hà Nội, phụ huynh thường chỉ phải đóng góp trên dưới 1 triệu đồng/tháng. Với các trường tư thục, con số dao động từ 5 triệu – 12 triệu/tháng, và có thể cao hơn nhiều với các trường song ngữ hay quốc tế.

Con buồn vì phải học trường công, bố mẹ “ngậm đắng” sang tư thục, đầu tư bao nhiêu mới đủ? - Ảnh 2.

Với nhiều trường tiểu học công lập trên địa bàn Hà Nội, phụ huynh thường chỉ phải đóng góp trên dưới 1 triệu đồng/tháng. Với các trường tư thục, con số dao động từ 5 triệu - 12 triệu/tháng (Ảnh minh họa)

Là người cho con theo học trường tư thục từ cấp mẫu giáo, chị Thu Nguyệt, Hà Nội, không có nhiều trải nghiệm với trường công ở thời điểm hiện tại, cho rằng việc chọn trường phụ thuộc nhiều vào khả năng tài chính của gia đình.

"Tôi không nghĩ có thể nói là trường công hơn hẳn trường tư hay ngược lại, mà đó là quyết định dựa trên sự phù hợp với hoàn cảnh từng gia đình," chị nói.

Với sự ổn định về tài chính, gia đình chị cho con theo học trường tư thục từ cấp mẫu giáo. Khi thấy con đi học về vui vẻ, tính cách phát triển tốt, anh chị yên tâm cho con học các cấp tiếp theo của hệ thống trường tư thục đó.

"Tất nhiên một trường tư tốt, đàng hoàng, sẽ có nhiều ưu điểm, như sự đầu tư về tiếng Anh, chương trình học, sự chăm sóc về vệ sinh, dinh dưỡng cho các con, nhưng kèm theo đó phải là một sự tính toán về mặt đầu tư lâu dài chứ bố mẹ không nên cho con học trường tư một vài năm rồi chuyển con về trường công vì không theo được về mặt tài chính. Như vậy sẽ rất khó để các con thích nghi được với sự thay đổi về môi trường vì chúng ta đều biết có sự khác biệt khá rõ ràng giữa hai mô hình giáo dục này," chị nói.

QUẢN LÝ CHI PHÍ GIÁO DỤC RA SAO?

Nếu đang đứng trước lựa chọn trường công hay trường tư bởi vấn đề chi phí, các bậc cha mẹ nên tính toán dựa trên cơ sở như thế nào? Có một phương pháp nổi tiếng trong việc quản lý Tài chính cá nhân là phương pháp 6 hũ tài chính.

Theo đó, tổng thu nhập của gia đình được chia thành 6 phần, chi cho các mục tiêu khác nhau, tương ứng với các tỷ trọng khác nhau.

Hũ 1 - Chi phí thiết yếu, chiếm 55% tổng thu nhập: Ăn uống, di chuyển, thuê nhà, điện nước, internet, chi phí GIÁO DỤC CHO CON CÁI (bao gồm học phí, học ngoại khóa, các khoản liên quan đến giáo dục…)

Hũ 2 - Tiết kiệm để tiêu dùng, chiếm 10%: mua nhà, mua xe...

Hũ 3 - Giáo dục cho bản thân người đang kiếm tiền, chiếm 10%: các khóa học rèn luyện bản thân, tài liệu, sách, tham gia hội thảo, workshop

Hũ 4 - Hưởng thụ, chiếm 10%: ăn uống cùng bạn bè, du lịch, xem phim, giải trí

Hũ 5 - Cho đi, chiếm 5%: từ thiện

Hũ 6 - Tự do tài chính: đầu tư

Ngoài 6 hũ tài chính thì một phương pháp quản lý tiền trong gia đình được nhiều người áp dụng là 50/20/30. Theo cách này, thu nhập được chia thành 3 phần:

50% cho chi tiêu thiết yếu: tiền ăn uống, tiền thuê nhà, chi phí đi lại, các loại hóa đơn, tiền mua sắm các vật dụng cần thiết trong gia đình, CHI PHÍ GIÁO DỤC CHO CON CÁI

20% cho các khoản tài chính: tiền tiết kiệm mua nhà/mua xe, tiền quỹ dự phòng, tiền trả nợ hàng tháng,…

30% cho chi tiêu cho việc tận hưởng cuộc sống: du lịch, giải trí hoặc mua sắm,…

Với các gia đình đã có con nhỏ, việc chi tiêu nhiều hơn, phần chi tiêu thiết yếu có thể tăng lên 70 – 80%, giảm 2 mục còn lại để cân đối ngân sách.

Con buồn vì phải học trường công, bố mẹ “ngậm đắng” sang tư thục, đầu tư bao nhiêu mới đủ? - Ảnh 3.

6 hũ tài chính - Một trong những phương pháp nổi tiếng để xác định mức chi tiêu

Như vậy, chi phí giáo dục con cái luôn ít hơn 50% tổng thu nhập của cả gia đình và được tính toán sau khi đã trừ đi các chi phí thiết yếu để tồn tại và đảm bảo mức sống chấp nhận được. Dẫu sao, nếu để áp lực tài chính làm ảnh hưởng quá lớn đến đời sống tinh thần của cha mẹ thì ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của con cái và cả gia đình.