Làm sao để gia tăng quỹ tiết kiệm hàng tháng là điều mà nhiều vợ chồng quan tâm. Với gia đình chưa tìm được cách tăng thu nhập thì thay đổi thói quen chi tiêu để giảm chi phí sinh hoạt hàng tháng là cách để họ làm tăng quỹ tiết kiệm của mình.
Mới đây, trong hội nhóm chia sẻ về kinh nghiệm quản lý tài chính và đầu tư, bài đăng của một cô vợ về cách chi tiêu hàng tháng trong gia đình đã nhận về nhiều chú ý. Gia đình cô có 5 người (gồm 2 vợ chồng và 3 con), tổng thu nhập là 40 triệu đồng/tháng.
Cả hai vợ chồng sống ở quê, không mất tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt cũng không đắt đỏ như ở thành phố lớn. Trước kia, cặp đôi không đặt nặng áp lực phải sống tiết kiệm, nên mỗi tháng họ sẽ tiêu khoảng hơn 10 triệu cho chi phí sinh hoạt.
Tuy nhiên, dạo gần đây cặp đôi đã thay đổi 1 cách chi tiêu nên có thể tiết kiệm thêm 1-2 triệu/tháng, đồng thời nhận ra bản thân trước kia tiêu xài hoang như thế nào. Đó là đặt quy định mỗi ngày chỉ được tiêu tối đa 200 ngàn cho các khoản chi tiêu cần thiết hàng ngày như mua thực phẩm, đồ gia dụng.
"Ngày nào tiêu quá thì hôm sau tiêu ít bù lại. Ví dụ, nay mình mua gạo hết 180 ngàn thì không mua linh tinh gì nữa. Mai mua sữa hết 400 ngàn thì coi như tiêu cả hai ngày rồi. Tiền hiếu hỉ và tiền học cho con tính riêng nhé! Thế là cứ mỗi lần định mua linh tinh gì (đồ ăn vặt, trà sữa, quần áo…) mình lại ngó sổ chi tiêu, thấy không còn tiền là lại thôi, hoặc có mua thì cũng chỉ mua trong cữ đó. Tháng rồi thay vì hết hơn chục triệu mình hết có 9 triệu thôi. Mỗi tháng cũng tiết kiệm được 1, 2 triệu rồi, thế mới thấy trước mình tiêu hoang thật", cô nàng chia sẻ.
Chị vợ cho biết thêm, nhờ cách chi tiêu hiện tại mà gia đình 5 người của cô có thể tiết kiệm được 15 triệu đồng/tháng.
Bên dưới bài đăng, nhiều người đã dành lời khen cho nỗ lực thay đổi trong cách chi tiêu để có thêm tiền tiết kiệm mỗi tháng của cặp đôi này. Bên cạnh đó, nhiều người cũng chia sẻ về cách quản lý chi tiêu, đầu tư để làm đầy thêm quỹ tiết kiệm của họ.
Một số bình luận bên dưới bài đăng:
- Mình cũng đang áp dụng theo cách của bạn và thấy hiệu quả lắm. Chỉ là nhà mình ở thành phố, nên khoản tiền tiêu hàng tháng cao hơn là 500 ngàn đồng/ngày. Mỗi tháng, gia đình mình tiết kiệm được thêm 5-6 triệu. Năng nhặt chặt bị thì cũng mua được thêm vài chỉ vàng.
- Lương 40 triệu mà tiêu 200 ngàn/ngày. Bạn vén khéo quá ạ.
- Phải cố định chi tiêu thì mình mới không xài tiền phung phí được.
- Phải công nhận là bạn tính toán khéo quá. Chỉ tiêu 200 ngàn đồng/ngày cho gia đình 5 người là hiếm đấy bạn.
- Mình cũng vào dạng không tính toán chi tiêu nên đang áp dụng cách nhận lương xong trích tiền mua vàng luôn, còn lại thì tiêu. Vàng mua rồi ngại bán nên cũng ngại động vào, lâu lâu nhìn lại thấy cũng ổn.
- Chắc mình cũng phải học hỏi bạn thôi. Thu nhập hai vợ chồng bình quân cũng kha khá mà cứ chi tiêu xả láng thôi, chẳng tích trữ được gì hết.
Người vợ chia sẻ, nhờ việc đặt hạn mức chi tiêu trong ngày chỉ 200 ngàn đồng, cô không chỉ để dành được nhiều tiền hơn mà còn nhận thấy bản thân từng tiêu xài phung phí như thế nào. Nếu bạn không bao giờ muốn rơi vào tình trạng chi tiêu quá mức, hoặc phá vỡ kế hoạch tài chính thì việc đặt hạn mức chi tiêu hàng ngày là thói quen tốt, cần được duy trì lâu dài
Hạn mức chi tiêu là số tiền mà bạn cho phép bản thân có thể giao dịch trong một khoảng thời gian nhất định, và một ngày là thang đo thời gian dễ dàng nhất mà bạn có thể dùng để theo dõi thói quen chi tiêu của mình. Đặt hạn mức chi tiêu không chỉ giúp bạn kiểm soát kế hoạch tài chính mà còn tránh chi tiêu quá mức.
- Giảm mua sắm theo cảm tính: Thường xuyên mua sắm theo cảm tính có thể phá vỡ kế hoạch tài chính và mục tiêu tiết kiệm của bạn. Đặt ra hạn mức chi tiêu rất quan trọng vì chúng giúp bạn tránh mua sắm theo cảm tính, không mua sắm quá khả năng chi trả của mình.
- Giúp bạn duy trì kế hoạch tài chính: Đặt ra giới hạn về số tiền bạn chi tiêu mỗi ngày/tuần/tháng là điều quan trọng nhất khi lập kế hoạch tài chính. Vì nó giúp bạn duy trì tính kỷ luật bằng cách tuân thủ các thói quen chi tiêu đã nêu, ví dụ không mua đồ ăn bên ngoài và đồ chơi không cần thiết...
- Kiểm soát dòng tiền của bạn tốt: Khi bạn đặt hạn mức chi tiêu và cam kết tuân thủ chúng, bạn sẽ thuận lợi cưỡng lại cám dỗ từ việc tiêu tiền. Đặt hạn mức chi tiêu cũng giúp bạn dễ dàng tính toán số tiền đã tiêu - còn lại trong ví, từ đó lên kế hoạch sử dụng chúng tốt hơn.