Có hot đến mấy, Victoria's Secret Show 2016 vẫn thất bại trong mắt người Trung Quốc

Đại Ngọc, Theo Trí Thức Trẻ 15:02 09/12/2016

Câu hỏi là, điều gì khiến Victoria's Secret không được lòng của đất nước tỷ dân trong khi họ đã có những thay đổi vô cùng ngỡ ngàng?

Trung Quốc là một đất nước tỷ dân, một thị trường rộng mở với độ tiêu thụ hàng đầu thế giới, đích đến của hàng loạt thương hiệu từ bình dân lẫn cao cấp. Victoria's Secret cũng không là ngoại lệ. Trong Victoria's Secret Show 2016 vừa qua, thương hiệu nội y này đã hướng đến một số thay đổi nhất định nằm chiều lòng giới mộ điệu của đất nước tỷ dân.

Chưa bao giờ có Victoria's Secret Show nào xuất hiện nhiều gương mặt châu Á như show 2016 vừa qua, và cả 4 đều đến từ Trung Hoa Đại Lục. Đó là Liu Wen (Lưu Văn), Ming Xi (Mộng Dao), Sui He (Hà Tuệ) và Xiao Wen Ju (Thư Hiểu Văn). Bạn nghĩ rằng cả 4 được Victoria's Secret Show 2016 trao cơ hội vì đẹp, tài năng và nổi tiếng? Điều này cũng đúng. Nhưng sự thực thì cả 4 chỉ là những "mồi câu" để Victoria's Secret câu kéo sự chú ý từ đất nước tỷ dân. Tuyệt nhiên không có một gương mặt Á Đông nào khác từ Hàn Quốc hay Nhật Bản, mặc dù đây cũng là hai quốc gia có số lượng mẫu quốc tế hàng đầu châu Á.

Có hot đến mấy, Victorias Secret Show 2016 vẫn thất bại trong mắt người Trung Quốc - Ảnh 1.

Từ trái qua phải: Ming Xi, Sui He, Xiao Wen Ju và Liu Wen.

Tất nhiên không thể không kể đến BST mở màn Victoria's Secret Show 2016 mang tên "The Road Ahead". Thiên thần Elsa Hosk mở màn với thiết kế nội y mang âm hưởng Á Đông. Có cả một chú rồng uốn lượn quanh hình thể gợi cảm của nàng chân dài này.

Có hot đến mấy, Victorias Secret Show 2016 vẫn thất bại trong mắt người Trung Quốc - Ảnh 2.

Elsa Hosk với thiết kế mở màn Victoria's Secret Show 2016. Rồng vốn là linh vật thiêng liêng nhất của Trung Quốc, nên Elsa Hosk cũng vì thế mà trở thành "bia ném đá" của netizen đất nước tỷ dân này.

Bên cạnh đó còn hàng loạt chi tiết khác đã được Victoria's Secret "cài cắm" âm hưởng Trung Quốc trong đó như đôi cánh phượng hoàng của Kendall Jenner, đôi boots thêu hoa đẹp mắt mà Sui He mang... đây quả là một nỗ lực chưa từng có của thương hiệu nội y xứ cờ hoa.

Nhưng điều mà Victoria's Secret không ngờ tới là, họ đã châm ngòi cho một cuộc tranh cãi trên thế giới mạng. Netizen Trung Quốc thẳng thừng bỉ bai rằng: "Ừ thì các cô người mẫu đẹp đấy, nhưng đồ lót thì xấu chết!". Họ còn mỉa mai rằng mấy cái bộ rồng phượng mà Victoria's Secret làm ra chỉ hợp cho mấy chương trình tạp kỹ như Gala Mùa Xuân trên đài CCTV - một chương trình lỗi thời. Chưa kể, làm sao có thể mang hình ảnh rồng & phượng - những linh vật thiêng liêng nhất của Á Đông vào những bộ đồ lót hở hang như thế?

Tệ hại hơn, một số ý kiến cho rằng phương thức Victoria's Secret thực hiện không những không đề cao giá trị Trung Hoa mà còn làm vấy bẩn những vẻ đẹp truyền thống của đất nước này. "Các giá trị văn hóa của Trung Hoa rất tôn nghiêm, không thể khai thác nó trên những bộ đồ hở hang rẻ tiền như thế được!!!", một ý kiến cho biết.

Tuy mang Kendall Jenner và Elsa Hosk ra làm "bia tập ném đá", thì bù lại, netizen Trung có cái nhìn cởi mở hơn với các thiết kế do chính người mẫu nước họ biểu diễn. Theo họ thì các thiết kế mà Liu Wen hay Sui He trình diễn có cái nhìn đúng đắn hơn về Trung Hoa.

Có hot đến mấy, Victorias Secret Show 2016 vẫn thất bại trong mắt người Trung Quốc - Ảnh 3.

Sui He trình diễn một thiết kế mang âm hưởng Trung Hoa với những hoa văn đặc trưng, không quá phô trương.

Được biết, Victoria's Secret mở cửa hàng đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 2015, nhưng chỉ dừng lại ở các sản phẩm làm đẹp và phụ kiện. Đến năm nay thì thương hiệu này mới mang hết tiềm lực của mình để khai thác thị trường béo bở hàng đầu thế giới. Chẳng trách vì sao họ phải tìm mọi cách để "tôn vinh" giá trị Trung Hoa.

Victoria's Secret không phải là thương hiệu đầu tiên tìm cách lấy lòng người dân Trung Quốc nhưng thất bại. Trước họ đã có nhiều bài học, chủ yếu là khiến người Trung Quốc cảm thấy buồn cười, hoặc tệ hại hơn là tức giận căm phẫn.

Chẳng hạn như Dior từng ra mắt chiếc vòng cổ với biểu tượng con khỉ vào đúng năm Thân, và ngay lập tức, giới mộ điệu Trung Quốc xem đây như một món đồ ngớ ngẩn dành cho người ngoài hành tinh. Burberry cũng thất bại khi thử áp dụng thư pháp vào những chiếc khăn, và kết quả nhận được là cái lắc đầu ngao ngán vì lý do chữ nghĩa sai toe toét.

Có thể nói, Victoria's Secret Show 2016 như giọt nước làm tràn ly, khiến các thương hiệu sẽ phải nhìn nhận một cách nghiêm túc về chuyện thâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Cái họ cần suy xét là quan điểm của Tây phương về văn hóa phương Đông, hoặc đừng rập khuôn những hình tượng một cách máy móc. Bởi đối với khách hàng Trung Quốc, các thương hiệu mà đã không thể hiểu họ thì đừng hòng họ bỏ ra 1 xu nào.

Nguồn:  Jingdaily