Clip: Xa nhà từ 10 tuổi, nhà sư trẻ nghẹn ngào khi lần đầu nói yêu bố mẹ

Trí Thức Trẻ, Theo 16:23 28/06/2016

Khi câu nói "Con yêu bố mẹ..." được cất lên, đầu dây bên kia lặng đi trong vài giây còn ở bên này, đôi mắt nhà sư trẻ cũng nhòe đi vì xúc động.

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, như mọi năm, các bạn trẻ rầm rộ cập nhật trên mạng xã hội hàng loạt trạng thái và hình ảnh bày tỏ tình yêu thương, niềm kính trọng dành cho người thân, đặc biệt là với bố mẹ. Không giống như những bạn trẻ khác, Đại (nhà sư trẻ với pháp danh Thích Minh Hạnh) chọn cách bộc lộ tình cảm với gia đình thông qua chiến dịch "Tôi muốn được lắng nghe" được thực hiện bởi We Are Family & Humans Of Hanoi.

"Khi mình sống xa gia đình từ bé, mình đang sống trong tình yêu thương trong gia đình có bố mẹ và anh chị em. Bỗng một ngày tự dưng mình thức dậy với những người mình không quen biết, với những thứ rất xa lạ với mình. Lúc đấy mình không thể nào cảm nhận được tình cảm của gia đình, lúc đấy mình cảm thấy rất là tủi thân, rất cô đơn. Cho nên những khi mẹ gọi điện đến, mẹ hay nói rằng mình cần biết tự chăm sóc bản thân, lúc đấy mình cũng trả lời là "con cũng lớn rồi, tự chăm sóc được bản thân". Nhưng mẹ nói rằng lớn thì lớn nhưng từ bé đến lớn mẹ cảm thấy chưa chăm sóc đủ cho con, chưa bù đắp đủ tình yêu thương cho con. Mẹ gọi điện...

Những tâm tư tình cảm của Đại về bố mẹ, về gia đình đã khiến ekip của chúng tôi muốn gặp mặt để nghe anh chia sẻ sâu hơn về câu chuyện của mình. Trong quá trình ghi hình, Đại bẽn lẽn "thú nhận" với bố mẹ rằng anh rất nhớ và yêu họ. Dù cuộc nói chuyện chỉ diễn ra qua điện thoại nhưng nó cũng đủ khiến Đại bật khóc, bố của Đại "mất bình tĩnh" còn mẹ anh lặng đi vài giây, giọng nói lạc đi vì xúc động.

Clip: Xa nhà từ 10 tuổi, nhà sư trẻ nghẹn ngào khi lần đầu nói yêu bố mẹ - Ảnh 2.

"- Alô!

- Alô, con Đại đấy à, thế con học hành sao, thi xong chưa? 

- Con thi xong rồi ạ. 

- Thi xong rồi, đang ở chùa chứ gì?

- Dạ, vâng ạ.

- Ừ, thế sắp xếp xong rồi nghỉ hè, xin thầy ở đấy xong rồi về quê chơi nhé!

- Lúc nãy con nhớ bố, con điện cho bố, con nói với bố làm bố mất bình tĩnh đấy con ạ. 

- Sao mất bình tĩnh ạ?

- Đấy, nghe con nói vậy tự dưng bố mất bình tĩnh đi đấy. 

- Mẹ cứ bảo bố không có gì đâu ạ, con chỉ nói là con yêu bố thôi. Con yêu bố mẹ. 

- ...

- Mẹ nhớ con không?

- Mẹ nhớ chứ, thi thoảng gọi điện cho mẹ chứ.

- ...

- Có thế nào thì về nhé!"

Đúng vậy, "Có thế nào thì về nhé!" - câu nói mang nhiều sức mạnh nhất đối với bất kỳ người con nào, dù họ là ai, đang làm gì hay ở đâu không quan trọng. Cứ mỗi lúc thấy đầu nặng trĩu vì những bộn bề lo toan trong cuộc sống, chỉ cần được nghe câu nói này, thì chắc chắn nó sẽ khiến bạn cảm thấy nhẹ lòng đi rất nhiều. Bởi ai cũng có gia đình, và nhà là nơi để trở về.

Clip: Xa nhà từ 10 tuổi, nhà sư trẻ nghẹn ngào khi lần đầu nói yêu bố mẹ - Ảnh 3.

Chia sẻ với chúng tôi, Đại kể rằng mình xa gia đình từ năm lên 10, ít có cơ hội về thăm nhà, chỉ thỉnh thoảng gọi điện về cho bố mẹ. Nhà sư trẻ thật thà "thú nhận" rằng trước khi được We Are Familly & Humans Of Hanoi phỏng vấn, anh chưa bao giờ chủ động nói với bố mẹ những lời tình cảm, yêu thương. Gọi điện thoại để nói "Con yêu bố", "Con yêu mẹ" hoàn toàn không phải việc dễ dàng. Đại cảm thấy ngại ngùng và mất rất lâu mới có thể nói ra những điều đó.

"Mình ở xa bố mẹ nên hiếm khi có cơ hội nói yêu thương với người thân và càng ít có điều kiện hành động để thể hiện tình yêu đó. Nhưng các bạn thì khác! Các bạn được ở gần gia đình, vậy nên hãy thể hiện tình yêu với bố mẹ nhiều hơn, không chỉ qua lời yêu thương chân thành tự đáy lòng mà còn phải bằng những hành động cụ thể", Đại chia sẻ.

Clip: Xa nhà từ 10 tuổi, nhà sư trẻ nghẹn ngào khi lần đầu nói yêu bố mẹ - Ảnh 4.

Nếu bản thân bạn cũng đang có những trăn trở về gia đình mình, những tâm sự khó nói muốn chia sẻ với bố mẹ và người thân, những ký ức vui buồn trong quá khứ muốn trải lòng… vậy thì hãy kết nối với chúng tôi. "We Are Family 2016" mong muốn trở thành cầu nối của yêu thương. Hãy chia sẻ với chúng tôi câu chuyện của bạn, vì chúng xứng đáng được trân trọng và có người thấu hiểu. Hãy nói ra hôm nay, vì biết đâu ngày mai chúng ta sẽ chẳng còn cơ hội.