Việt Nam "không thèm" giải Oscar?

TT&VH, Theo 09:20 26/10/2010

Vào những ngày đầu tháng 10 vừa qua, Cục Điện ảnh thông báo rằng năm nay Việt Nam sẽ không gửi phim tham dự Oscar dù có khá nhiều phim chất lượng. Phải chăng chúng ta không "mặn mà" với giải thưởng điện ảnh này?

6 năm kể từ lần đầu tiên Việt Nam chính thức được Viện Hàn lâm Khoa học & Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ gửi thư mời tham dự Oscar (Hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất), điện ảnh Việt đã để lỡ 2 cơ hội. Bỏ lỡ những cơ hội dù mong manh này, xem ra cũng nhiều nuối tiếc…



Vào những ngày đầu tháng 10 vừa qua, Cục Điện ảnh thông báo rằng năm nay Việt Nam sẽ không gửi phim tham dự Oscar. Theo đó, lý do được đưa ra là sau khi xem tất cả phim đáp ứng yêu cầu về thời gian và phương thức phát hành, Hội đồng quốc gia Tuyển chọn phim tham dự Oscar Hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất đã không chọn được phim đủ tiêu chuẩn đại diện điện ảnh Việt Nam tranh giải lần này.


Trăng nơi đáy giếng

Chỉ vài % cơ hội, vẫn tiếc...

Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam bỏ lỡ cơ hội tham dự Oscar. Năm 2008, “ứng cử viên” duy nhất là Rừng đen đã không được chấp nhận cũng đã khiến “cuộc chơi” này... đứt đoạn. Sự đứt đoạn này sau đó gây ra tranh luận xung quanh khái niệm “chiếu thương mại” khá gay gắt.


Rừng đen

Nhiều năm, trong “đường đua” tuyển chọn phim dự Oscar, điện ảnh Việt chỉ có... 1 ứng viên duy nhất. Năm nay, có tới 9 phim đạt tiêu chuẩn về thời gian và kỹ thuật: Trăng nơi đáy giếng, Chơi vơi, Để Mai tính, Bẫy rồng, Giao lộ định mệnh, Nhật ký Bạch Tuyết, Khi yêu đừng quay đầu lại, Những nụ hôn rực rỡ, Công Chúa Teen và Ngũ Hổ Tướng để hội đồng lựa chọn. Không hiểu vì sao, đáp án chỉ là con số 0?


Từng nhiều lần ra về trắng tay ngay từ vòng đầu, nên sự dè dặt khi đến với “cuộc chơi” này là dễ hiểu nhưng phải chăng các nhà hoạt động điện ảnh Việt không “mặn mà” với Oscar. Trong khi thời gian này ngành văn hóa đang bận rộn với hai sự kiện lớn liên tiếp là Đại lễ và sau đó là LHP Quốc tế Việt Nam tại Hà Nội lần thứ nhất? Có thông tin bên lề cho biết, nhiều thành viên hội đồng còn đang tất bật với hàng loạt công việc để chuẩn bị cho LHP Quốc tế Việt Nam nên không có thời gian xem phim? Không biết những thông tin ngoài lề này xác thực đến đâu, song nếu cử phim đi tham dự, điện ảnh Việt Nam gần như... chẳng mất gì, mà vẫn có ít nhất vài % cơ hội, dù mong manh...


Bẫy Rồng


Giao Lộ Định Mệnh

“Chuẩn” của Việt Nam và “chuẩn” của Oscar

Những năm gần đây, phim Việt đã chu du hầu khắp thế giới, đều đặn tham dự các hạng mục tranh giải và giành giải tại những Liên hoan phim (LHP) danh tiếng thế giới: LHP Cannes, LHP Venice... hay uy tín trong khu vực: LHP Châu Á - Thái Bình Dương, LHP Busan... Tuy vậy, có vẻ Oscar vẫn được xem là cái đích quá xa.


Nhật ký Bạch Tuyết


Những nụ hôn rực rỡ

Quả thật, trước kia, phim Việt không dám mơ tới Oscar bởi lẽ, trước năm 2005, Viện Hàn lâm Khoa học & Nghệ thuật Điện ảnh Hoa kỳ quy định, phim dự tranh Hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất phải được chiếu thương mại tại Mỹ ít nhất 7 ngày. Cơ hội hiếm hoi cho phim Việt đã từng thuộc về Vua bãi rác của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn, song không trở thành hiện thực vì VN đã chậm trễ trong việc làm thủ tục gửi phim...


Vua bãi rác

Sau năm 2005, quy định khắt khe nói trên được sửa thành: “Chiếu thương mại ít nhất 7 ngày liền tại nước sở tại, trong khoảng thời gian từ 1/10 của năm trước đến 30/9 của năm tiếp theo”. Và cũng từ Oscar 2006, Việt Nam chính thức nhận được thư mời tham dự tranh giải ở Hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Năm 2006, Mùa len trâu, bộ phim hợp tác Việt - Bỉ - Pháp, đã được lựa chọn với “trích ngang” là hàng loạt giải thưởng tại các LHP quốc tế.


Chơi vơi

Năm đó, Mùa len trâu “trắng tay”. Trong khi đó phim Tsotsi - đại diện điện ảnh Nam Phi trở thành Phim nước ngoài xuất sắc. Bộ phim kể về tay anh chị giết người không gớm tay bỗng nhận thức được ý nghĩa của cuộc sống con người, khi anh ta buộc phải chăm sóc một đứa trẻ sơ sinh do mình bắt cóc. Theo lý giải thì “tuy là phim nói tiếng nước ngoài, nhưng câu chuyện trong Tsotsi không khác chuyện xảy ra tại Mỹ là bao. Đây là tiếng nói của tình cảm và trái tim con người”.


Chơi vơi

Nếu chiếu theo “chuẩn” này thì có vẻ câu chuyện của Mùa len trâu lại quá xa lạ! Sau đó, lần lượt các phim: Chuyện của Pao, Áo lụa Hà Đông, và Đừng đốt đã được Việt Nam gửi tham dự Oscar 2007, 2008 và 2010. “Mẫu số chung” của các phim là từng giành rất nhiều giải thưởng tại các LHP quốc tế và kể những câu chuyện Việt Nam. Nhưng những câu chuyện Việt này đều chưa đủ sức thuyết phục các nhà làm phim Mỹ để đến với bức tượng vàng Oscar.


Khi yêu đừng quay đầu lại

Trong khi đó, Quy chế Tuyển chọn phim tham dự Oscar Hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất được ban hành năm 2007 nêu rõ: “Phim tham dự tuyển chọn quốc gia phải được các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thẩm định và cho phép phổ biến rộng rãi trong và ngoài nước; Phim thể hiện tính nhân văn sâu sắc và có những tìm tòi, sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật thể hiện; Ưu tiên cho những bộ phim đậm đà bản sắc dân tộc...”. Như vậy, với “cuộc chơi” Oscar, liệu “chuẩn” của ta đã phù hợp với “chuẩn” của Oscar dành cho hạng mục giải này?