Từ Kung Fu Panda đến Châu Tinh Trì, những lần võ thuật Trung Hoa chạm ngõ Hollywood

Minh Phúc, Theo Trí Thức Trẻ 17:00 10/03/2016

Không ngoa khi nói rằng hầu hết võ thuật trong phim Hollywood chịu ảnh hưởng nhiều từ Kung fu Trung Hoa.

Hiện nay, phần thứ 3 của loạt phim Kung Fu Panda đang làm mưa làm gió tại bảng xếp hạng doanh thu phòng vé. Sự kết hợp giữa võ thuật và gấu trúc tưởng chừng không liên quan nhưng nó đã tạo nên một series hoạt hình ăn khách nhất của hãng Dreamworks. Thêm nữa, nền điện ảnh Mỹ cũng không hiếm những tựa phim lấy chủ đề tương tự.

Loạt phim của Lý Tiểu Long

Từ Kung Fu Panda đến Châu Tinh Trì, những lần võ thuật Trung Hoa chạm ngõ Hollywood - Ảnh 1.

Tinh võ môn (1972), Mãnh long quá giang (1973), Tử vong du hý (1978)… là những tựa phim để đời, là di sản điện ảnh mang tầm ảnh hưởng toàn thế giới của huyền thoại võ thuật

Với những pha quyền cước vô cùng đẹp mắt trên màn ảnh, Lý Tiểu Long được mệnh danh là bậc thầy của thể loại phim hành động võ thuật. Không chỉ là nguồn cảm hứng bất tận cho các đạo diễn, anh còn là người mở đường cho các diễn viên gốc Hoa đến với thiên đường điện ảnh Hollywood.

Dù qua đời khi chưa đầy 33 tuổi nhưng với những cống hiến cho điện ảnh và võ thuật, Lý Tiểu Long được xem như một huyền thoại trong lịch sử điện ảnh Trung Hoa.

Loạt phim của Thành Long

Từ Kung Fu Panda đến Châu Tinh Trì, những lần võ thuật Trung Hoa chạm ngõ Hollywood - Ảnh 2.

Là thế hệ diễn viên võ thuật hậu bối của Lý Tiểu Long, Thành Long tạo tiếng vang tại Hollywood qua những tựa phim hành động – hài Rumble in the Bronx (1995), Drunken Master II (2000), Forbidden Kingdom (2008)

Khác với một vị võ sư họ Lý có vẻ mặt uy nghiêm và cương nghị, Thành Long mang đến cho khán giả những pha võ thuật gay cấn đan xen nhiều tình tiết hài hước. Với diễn xuất tự nhiên và tài năng võ thuật xuất chúng của mình, anh được tờ Los Angeles Times mệnh danh như là đại diện cho sự hội tụ của hai nền điện ảnh Đông -Tây.

The Matrix (1999)

Từ Kung Fu Panda đến Châu Tinh Trì, những lần võ thuật Trung Hoa chạm ngõ Hollywood - Ảnh 3.

Xếp thứ 34 trong danh sách 250 bộ phim hay nhất mọi thời đại do trang IMDb bình chọn, tác phẩm của chị em nhà Wachowski là một cái bóng quá lớn cho những bộ phim hành động phát hành sau năm 1999.

Sự thành công vang dội của nó đã đưa tên tuổi của đạo diễn Viên Hòa Bình và diễn viên võ thuật Chân Tử Đan (cả hai đều đóng vai trò biên đạo võ thuật cho phim) lên hàng "tầm cỡ" ở Hollywood.

Bộ phim vẽ ra câu chuyện về cuộc chiến sinh tử của "Người được chọn" Neo (Keanu Reeves) và những người bạn chống lại đế chế người máy nổi loạn để cứu thế giới loài người thoát khỏi ma trận do bọn chúng tạo ra. Những pha hành động võ thuật gay cấn, phức tạp và đầy biến hóa trong phim này gần như trở thành "quy chuẩn" mà các đạo diễn Hollywood ngày nay mong muốn.

Ngọa hổ tàng long (2000)

Từ Kung Fu Panda đến Châu Tinh Trì, những lần võ thuật Trung Hoa chạm ngõ Hollywood - Ảnh 4.

Với tổng doanh thu toàn cầu lên đến 230 triệu USD và giải thưởng "Phim nước ngoài hay nhất" tại lễ trao giải Oscar 2001, "Crouching Tiger Hidden Dragon" đã trở thành một hiện tượng trong làng điện ảnh thế giới

Sức ảnh hưởng mạnh mẽ và dai dẳng của bộ phim này là không thể nào chối cãi khi mà nó được xếp thứ 4 trong danh sách "10 bộ phim kinh điển nhất thế giới" do tạp chí The Time bình chọn vào năm 2012. Crouching Tiger Hidden Dragon không chỉ là một thiên truyện về hành trình tranh giành một thanh kiếm quý trong chốn giang hồ khốc liệt, mà còn là một bản tình ca đẹp về tình yêu sâu sắc giữa các nhân vật trong phim.

Phần 2 mang tên Mệnh Kiếm cũng đang được trình chiếu rộng rãi trên hệ thống Netflix, tuy nhiên, dù có sự trở lại của Dương Tử Quỳnh và sự góp mặt của ngôi sao võ thuật Chân Tử Đan, Ngọa Hổ Tàng Long 2 vẫn dừng lại ở mức một phim võ thuật bình thường không quá đặc sắc. Một phần có lẽ do kinh phí của phim chỉ nằm ở mức 31 triệu USD và thiếu đi bàn tay ma thuật của đạo diễn Lý An.

The One (2001)

Từ Kung Fu Panda đến Châu Tinh Trì, những lần võ thuật Trung Hoa chạm ngõ Hollywood - Ảnh 5.

Lý Liên Kiệt tỏa sáng khi nhận vai The Rock trong tác phẩm "The One"

The One là bộ phim khá đặc biệt khi đánh dấu sự kết hợp của võ thuật Trung Hoa với yếu tố du hành không gian. Phim nói về Gabriel Yulaw (Lý Liên Kiệt), một kẻ đi qua nhiều thế giới khác nhau để tiêu diệt bản thể song song của mình. Cứ mỗi lần làm như vậy, hắn lại mạnh mẽ hơn, cho đến khi vấp phải sự kháng cự của bản thể cuối cùng là Gabriel Law ở Trái đất. Khán giả hâm mộ dòng phim võ thuật sẽ vô cùng mãn nhãn khi được chứng kiến Lý Liên Kiệt giao đấu với… chính mình trong tác phẩm này.

Anh hùng (2002)

Từ Kung Fu Panda đến Châu Tinh Trì, những lần võ thuật Trung Hoa chạm ngõ Hollywood - Ảnh 6.

Kung fu không ngừng khẳng định vị trí "đẳng cấp" của mình tại Hollywood khi "Hero" lại tiếp tục thành công và mang về doanh thu 54 triệu USD cho đạo diễn Trương Nghệ Mưu vào năm 2004 khi phim ra rạp tại Mỹ.

Tác phẩm là một khúc tráng ca bi hùng kể về câu chuyện của một kiếm sĩ tên là Vô Danh (Lý Liên Kiệt) cùng hành trình trả thù Tần Vương, trong bối cảnh Trung Hoa thời chiến quốc. Quy tụ dàn sao sáng giá của điện ảnh Trung Hoa thời bấy giờ như Lý Liên Kiệt, Chương Tử Di, Chân Tử Đan,… kết hợp cùng những màn biểu diễn võ thuật đẹp mắt, Anh hùng đã trở thành một "điểm nhấn" sáng giá cho phim ảnh châu Á tại đấu trường Quốc tế.

Kill Bill (2003)

Từ Kung Fu Panda đến Châu Tinh Trì, những lần võ thuật Trung Hoa chạm ngõ Hollywood - Ảnh 7.

Phim kể về quá trình nhân vật The Bride (Uma Thurman) trả thù Bill (David Carradine), kẻ đã biến đám cưới của cô thành một chiến trường đẫm máu, khiến cô mất đi đứa con và phải hôn mê suốt 4 năm ròng

Kung fu vốn là một đề tài đã được đạo diễn Quentin Tarantino ấp ủ từ lâu và Kill Bill là một trong những tác phẩm đặc sắc thể hiện rõ nhất hoài bão của vị đạo diễn Hollywood tài ba nhưng không kém phần lập dị. Những màn giao đấu vô cùng đẹp mắt và những cảnh máu me dữ dội trong phim đến nay vẫn gây ấn tượng và ám ảnh cho nhiều thế hệ khán giả.

Sau The Hatefule Eight, nhiều nguồn tin cho rằng Quentin Tarantino sẽ chính thức quay trở lại với Kill Bill 3, tiếp tục nói về câu chuyện trả thù không hồi kết của nhân vật The Bride và những kẻ còn sống sót từ hai phần phim trước.

Kung Fu Hustle (2004)

Từ Kung Fu Panda đến Châu Tinh Trì, những lần võ thuật Trung Hoa chạm ngõ Hollywood - Ảnh 8.

Phim kể về xã hội Trung Quốc những năm 1940 đầy loạn lạc và Tinh (Châu Tinh Trì), một chàng trai lưu manh nhờ cơ duyên đã học được Như Lai Thần Chưởng và đối đầu với băng nhóm xã hội đen Lưỡi búa khét tiếng.

Pha trộn kỹ xảo ngang tầm Hollywood, một câu chuyện đậm chất võ hiệp cùng những mảng miếng hài hước đậm chất Tinh gia, không ngạc nhiên khi Kung Fu Hustle trở thành phim không nói tiếng Anh được công chiếu rộng rãi nhất tại Mỹ vào thời điểm ấy.

Kung Fu Panda (2008)

Từ Kung Fu Panda đến Châu Tinh Trì, những lần võ thuật Trung Hoa chạm ngõ Hollywood - Ảnh 9.

Được Hollywood Repoter đánh giá là "một bộ phim hoạt hình 3D hoàn hảo nhất của hãng Dream Works", "Kung fu gấu trúc" đã mang về tổng doanh thu hơn 600 triệu USD cho hãng phim nổi tiếng này.

Phim nói về gấu trúc tham ăn, dễ thương tên là Po (Jack Black lồng tiếng). Po rất mê kung fu nhưng không được cha đồng ý cho đi học. Và rồi, cơ duyên cũng đến với cậu khi cậu gặp được một bậc thầy về kung fu cùng nhóm hảo hán ngũ hùng. Hành trình diệt trừ cái ác cũng chính là hành trình giúp Po trả lời cho câu hỏi mà cậu đã luôn canh cánh trong lòng: "Tôi là ai?"

The Man with the Iron Fists (2012)

Từ Kung Fu Panda đến Châu Tinh Trì, những lần võ thuật Trung Hoa chạm ngõ Hollywood - Ảnh 10.

Phim có một cách xây dựng bối cảnh khá "quái", xoay quanh câu chuyện về một tráng sĩ da màu đi tìm công lý, chống lại các cao thủ Trung Hoa.

Tuy không được đánh giá cao về mặt kịch bản, nhưng nhiều khán giả vẫn cho rằng phim khá thú vị khi có sự phối hợp giữa phong cách kiếm hiệp của Trung Quốc xưa và phong cách cao bồi viễn Tây.

Pride and Prejudice and Zombie (2016)

Từ Kung Fu Panda đến Châu Tinh Trì, những lần võ thuật Trung Hoa chạm ngõ Hollywood - Ảnh 11.

Bộ phim kinh dị của đạo diễn Burr Steers là một chuyển thể "phá cách" từ quyển tiểu thuyết nổi tiếng "Kiêu hãnh và Định kiến và Xác Sống" của nhà văn Seth Grahame Smith. Phim dùng lại cốt truyện gốc, nhưng thêm vào yếu tố… xác sống

Một điểm đặc biệt trong bối cảnh giả định của phim là vì muốn sống còn, người Anh phải rèn luyện cho con họ võ thuật của phương Đông. Bốn cô con gái của nhà Bennets thì được luyện kung-fu Thiếu Lâm, trở thành những nữ chiến binh mạnh mẽ chứ không nhu mỳ như nguyên tác nữa.