Thập Nguyệt Vi Thành - Mãn nhãn & Bi tráng

Cobain P (Tổng hợp), Theo 00:00 18/04/2010

Vốn được thai nghén trong suốt 10 năm qua, bộ phim "Thập Nguyệt Vi Thành" đã không làm người xem thất vọng với một kịch bản chắc chắn và những màn đấu võ siêu đẹp mắt.<img src='/Images/EmoticonOng/09.png'>

Vệ Sỹ và Sát thủ - Thập Nguyệt Vi Thành



Đạo diễn: Trần Đức Sâm
Diễn viên: Chân Tử Đan, Lê Minh, Nhậm Đạt Hoa, Tạ Đình Phong, Lương Gia Huy, Phạm Băng Băng.
Thể loại: Hành động / Tâm lý / Lịch sử
Đánh giá: 4 / 5*

Sau 10 năm thai nghén, rốt cuộc thì dự án Thập Nguyệt Vi Thành của đạo diễn Trần Đức Sâm đã ra mắt khán giả vào cuối năm 2009 vừa qua. Kịch bản được xây dựng tốt, dàn sao nhập vai hoàn hảo, không thiếu những pha hành động đẹp mắt chính là những gì có thể nói về bộ phim.



Đầu thế kỷ 20, đất nước Trung Quốc lâm vào cảnh lầm than, triều đình Mãn Thanh không chống lại sự bành trướng xâm lăng của đế quốc phương Tây. Hồng Kông trở thành nơi lánh nạn của nhiều nhà chí sỹ lưu vong. Vào tháng 10 năm 1905, Tôn Trung Sơn rời Nhật Bản tới đất Hương Cảng để tìm đường cứu nước. Tại đây, ông có một giờ đồng hồ để họp bàn với các chiến sỹ cách mạng. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, Tôn Trung Sơn được bảo vệ bởi đội vệ sỹ, gồm nhiều tầng lớp trong dân chúng, trước âm mưu ám sát của triều đình Mãn Thanh.


Khác với những bộ phim hành động / lịch sử của Hồng Kông, Trung Quốc được sản xuất trước đây, yếu tố võ thuật thường diễn ra liên tục từ đầu tới cuối thì Thập Nguyệt Vi Thành lại có cấu trúc khác hẳn. Bộ phim được chia làm hai phần rõ rệt. Khoảng 1 giờ đồng hồ đầu phim, đạo diễn Trần Đức Sâm tập trung giới thiệu bối cảnh lịch sử vào thời điểm đó và chủ yếu xây dựng các tuyến nhân vật. Tính cách cũng như mối quan hệ giữa họ được hình thành đậm nét. Đặc biệt, thông qua cách đối nhân xử thế, bộ phim gây ấn tượng mạnh cho người xem bằng nhiều tình huống cảm động. Đó là tình cha con âm áp nhà họ , tình chủ tớ trung thành giữa thiếu gia Trọng Quang (Vương Bách Kiệt) và phu xe A Tứ (Tạ Đình Phong), tình nghĩa vợ chồng năm xưa giữa gã mê cờ bạc (Chung Tử Đơn) và người vợ lẽ (Phạm Băng Băng), sự chia sẻ cảnh ngộ giữa ông chủ Lý (Vương Học Kỳ) với kẻ hành khất (Lê Minh), tình bằng hữu lâu năm giữa ông với nhà Cách mạng kiên trung (Lương Gia Huy)… Chi tiết ông Lý làm mai cho phu xe A Tứ với người con gái bị thọt chân Chu Vận có thể coi là một trong những cảnh gây xúc động nhất cho khán giả. Người xem cũng thật khó có thể quên hình ảnh gã nghiện cờ bạc chay theo chiếc xe kéo để được nhìn thấy con trong đêm.


Thập Nguyệt Vi Thành có tới 12 nhân vật chính nhưng tính cách của họ được xây dựng hoàn toàn khác nhau, số phận của mỗi người được khắc hoạ rất rõ ràng. Thậm chí, ngay trong hàng ngũ vệ sỹ, không phải ai cũng có lý tưởng cách mạng, không phải ai cũng có lòng cứu quốc. Họ tham gia bảo vệ Tôn Trung Sơn vì những lý do và mục đích riêng.


Nếu như nửa đầu phim, đạo diễn Trần Đức Sâm khai thác rất tốt diễn biến tâm lý các nhân vật thì nửa cuối phim, khán giả sẽ được thưởng thức màn đối đầu đầy kịch tính giữa đội vệ sỹ và đội sát thủ. Chỉ trong hơn một tiếng đồng hồ đặt chân lên đất Hồng Kông, Tôn Trung Sơn phải trải qua vô số cạm bẫy, đương đầu với muôn vàn hiểm hoạ rình rập khắp nơi. Để cuộc họp được diễn ra, đội vệ sỹ đã phải liên tục hoá giải trùng trùng lớp lớp mai phục của triều đình nhà Thanh. Người này ngã xuống, người khác lại đứng lên, những cuộc đấu trí, đấu sức liên miên như sóng biển không ngừng.


Do có quá nhiều mặt mạnh nên bộ phim lại sinh ra điểm yếu chí tử. Vì tập trung khai thác tính cách các nhân vật rất tốt vào đầu phim mà đến nửa cuối Trần Đức Sâm bị xa lầy vào việc nhấn mạnh số phận bi tráng của họ. Có người quá mù quáng vì cách mạng, có người vì nước diệt thân vô nghĩa, thậm chí có người còn chẳng biết Tôn Trung Sơn là ai. Nhưng khi nhìn về mặt tổng thể, khán giả có thể bỏ qua sự vô lý trên để theo dõi xuyên suốt toàn bộ diễn biến bộ phim.


Thập Nguyệt Vi Thành là sự kết hợp giữa thể loại hành động, lịch sử, tâm lý, chính vì vậy võ thuật không phải là yếu tố ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, khán giả vẫn có thể hài lòng với những pha chiến đấu mãn nhãn trong phim. Trường đoạn Chung Tử Đơn đọ cước lực với Lê Cung giữa phố xá đông nghịt người, trường đoạn Lê Minh sử dụng thiết quạt áp chế gần 20 sát thủ trong không khí ngột ngạt, tâm trí của mỗi người khi ấy đều căng như dây đàn, chính là những cảnh “đinh” làm thoả mãn về mặt thị giác người xem.


Dàn sao đến từ Hồng Kông lẫn Trung Quốc đại lục gồm Chung Tử Đơn, Lê Minh, Nhậm Đạt Hoa, Tạ Đình Phong, Lương Gia Huy, Phạm Băng Băng, Vương Học Kỳ… đều nhập vai xuất sắc. Mỗi người có những sở trường khác nhau nhưng dưới bàn tay chỉ đạo của Trần Đức Sâm, sở trường của họ được khai thác đến tột bậc. Một Vương Học Kỳ khi cương khi nhu, hết lòng vì con, vì bạn bè, một Chung Tử Đơn ban đầu bệ rạc, yếu hèn cuối cùng quyết tâm đứng lên trở thành vị anh hùng, một Tạ Đình Phong nhất mực trung thành với chủ, một Lương Gia Huy kiên trung vì cách mạng, một cao thủ đại nội Hồ Quân sát khí toả ra toàn thân.


Trong một năm mà phim dở thì nhiều (Bạch Ngân Đế Quốc, Phong Vân 2, Thích Lăng, Lang Tai Ký, Mạch Điền) phim hay thì ít (Phong Thanh, Thiết Thính Phong Vân, Nam Kinh! Nam Kinh!), Thập Nguyệt Vi Thành xem ra là điểm sáng gỡ gạc lại cho nền điện ảnh Hoa Ngữ cuối năm 2009.

* Phim đang được chiếu trên toàn quốc.