Ký Sinh Vật - Phiên bản chuyển thể lôi cuốn đến từng khoảnh khắc

Phúc Logic, Theo Trí Thức Trẻ 20:00 21/11/2015

Sự lôi cuốn của live-action "Ký Sinh Vật" đến từ kỹ xảo đẹp, chất lượng cao cùng một kịch bản chỉn chu và khá bám sát nguyên tác.

Parasyte/Kiseiju (Tạm dịch: Ký Sinh Vật) dựa trên manga ăn khách cùng tên của tác giả Iwaaki Hiroshi và được chia thành hai phần trình chiếu tại Nhật vào năm 2014 – 2015. Phần đầu được đánh giá là một trong những live-action (phim chuyển thể từ truyện tranh) hay nhất trên mặt bằng chung, trong khi lại mang đến cho người xem sự phát triển câu chuyện hợp lý cùng một cái kết trọn vẹn.

Poster của phần đầu "Kiseiju"
 
Kí Sinh Vật là tên gọi của một dạng sống ngoài hành tinh trong một đêm ồ ạt rơi xuống Trái đất. Chúng tự cấy vào não người rồi chiếm quyền kiểm soát cơ thể của họ. Thế nhưng trường hợp của Izumi Shinichi lại khá đặc biệt, khi chàng học sinh cấp 3 thoát chết nhờ con kí sinh vật “chui hụt” vào tay phải của cậu. Tự xưng là Migi (tay phải), “người bạn mới” khá ôn hòa khi chỉ muốn cộng sinh cùng “vật chủ”. Ban đầu chỉ là dùng siêu sức mạnh để bảo vệ vật chủ, về sau Migi dần bị Sinichi cảm hóa mà cùng cậu dấn thân vào hành trình chống lại các kí sinh vật khát máu khác.


Ngay từ khi tung trailer, kí sinh vật ngay lập tức hút hồn các fan của bộ truyện lẫn fan kinh dị nói chung, với kỹ xảo đẹp mắt cùng tạo hình ấn tượng của các “Ký sinh thú”. Migi – kí sinh vật đầu tiên có hình dạng đôi mắt mọc ra từ bàn tay trông tương đối dễ thương và tinh nghịch, nhưng những đồng loại của cậu thì lại là câu chuyện khác. Các kí sinh vật có thể… tách phần đầu của vật chủ thành những chiếc xúc tu bén ngót cắt cả sắt thép, đặc biệt khi ăn thịt người thì “miệng” chúng mở rộng đầy nanh vuốt như cây nắp ấm bắt ruồi.

Các ký sinh vật có tạo hình rùng rợn

Khán giả sẽ không bao giờ kịp làm quen với những pha biến dạng đầy kinh tởm của các sinh vật ngoài hành tinh, cũng như sự dã man khi chúng nhai ngấu nghiến con người; như cách con người từng đối xử với loài gia súc. Chưa kể qua phần hai còn có sự xuất hiện của “Kí sinh Trùm” – Goto, vô cùng hùng mạnh do được hợp thành từ 5 kí sinh vật riêng biệt. 

Các cuộc chiến đấu giữa Sinichi – Migi với các kí sinh vật khác luôn khiến người xem choáng ngợp bởi tiết tấu nhanh, độ hoành tráng vượt ngoài mong đợi cùng nhiều diễn biến bất ngờ đầy ngẫu hứng. Không chỉ đơn thuần là màn đọ tốc độ của những “lưỡi đao thịt”, để chiến thắng những đối thủ mạnh hơn thì hai nhân vật chính còn phải vận dụng mưu mẹo chứ không chỉ cơ bắp.

Để tránh mạch phim “căng như dây đàn”, nhiều tình tiết gây cười được đan xen khéo léo nhằm giúp mạch truyện giãn nở ra, thông qua những mẩu đối thoại “bắt bẻ” nhau giữa Migi và Sinichi, đỉnh điểm là khi chàng kí sinh mọt sách thường xuyên gợi ý cho cậu học sinh làm "chuyện người lớn" với cô bạn học đáng yêu Satomi để mình… quan sát. Phim cũng có thêm điểm cộng nhờ khai thác một cách ý nhị, hợp lý mối tình đáng yêu giữa Sinichi và Satomi, khi cả hai cùng yêu đơn phương nhau mà không biết.

Chuyện tình giữa hai nhân vật trong phim khá đáng yêu

Được xuất bản từ những năm 1988 – 1995 nên tinh thần, cách kể chuyện của phiên bản truyện gốc đã có đôi chỗ lỗi thời, điển hình như nhân vật chính Shinichi chỉ là học sinh nhưng lại mang phong thái gan lì không biết sợ cùng tấm lòng trượng nghĩa kiểu rập khuôn như các nhân vật chính trong truyện tranh hành động lúc bấy giờ. Thay vào đó, Izumi Shinichi trong bản điện ảnh lúc ban đầu nhút nhát hơn, vô tâm hơn, cậu ta chỉ thực sự thay đổi từ cuối phần một, sau khi đánh bại tên kí sinh Mr.A đã sát hại mẹ mình. Nhiều tình tiết, kể cả cái kết của phim cũng khác biệt so với bản manga.

Thế nhưng, nhân sinh quan độc đáo của kí sinh vật vẫn được giữ trọn vẹn từ truyện lên phim. Đây vốn dĩ không đơn giản là một câu chuyện về người hùng diệt quái vật, bởi bản thân loài ký sinh cùng có tôn chỉ sống riêng. Chúng đơn thuần chỉ bị thôi thúc bởi cơn đói khát, chứ không vì một sở thích bệnh hoạn nào cả. “Chúng ta đều là những sinh vật yếu đuối, thế nên đừng hành hạ nhau nữa”. Một số kí sinh vật, như Tamiya Ryoko, chỉ muốn theo đuổi giấc mơ rằng một ngày giống loài của cô ta và con người có thể sống hòa hợp cùng nhau. Đứng giữa lưng chừng của cuộc chiến, việc tiến hay lùi, chiến đấu vì nhân loại hay những kẻ xa lạ không còn là câu trả lời đơn giản đối với Sinichi. 

Một chi tiết khá thú vị trong phần hai, đó là khi Tamiya sinh ra một đứa bé loài người. Vốn ban đầu chỉ xem “sản phẩm” này là một thí nghiệm, nhưng bản năng làm mẹ dần lấn át sự lạnh nhạt cố hữu của loài Ký sinh, cô ta thậm chí sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ nó. Đứa bé ấy như cầu nối, như chìa khóa dẫn đến hòa bình mà cả hai giống loài đã tìm kiếm từ lâu. Chi tiết này từ truyện lên phim đều được khai thác một cách đầy cảm xúc.

Kể cả là phe phản diện, loài kí sinh vật vẫn có lý do sinh tồn đáng trân trọng

Nếu đánh giá dựa trên độ nổi tiếng của nguyên tác, người xem sẽ dễ liên tưởng đến một “bom tấn hóa bom xịt” của Nhật Bản ra rạp trong năm nay – Attack On Titan. Điểm mạnh của kí sinh vật là trung thành hết mức có thể đối với nguyên tác, chính xác hơn là phim giữ nguyên những tình tiết lôi cuốn trong truyện và truyền cho nó chất điện ảnh. Ngược lại, sai lầm của Attack on Titan là quá tự tin vào việc biến tấu kịch bản, khiến phim chiếu rạp trở thành một phiên bản lạ lẫm cả với khán giả đại chúng lẫn “fan cứng”. Kí sinh vật cũng có thêm may mắn là sản xuất khi bộ truyện đã hoàn tất, còn trường hợp Attack on Titan thì kịch bản từ phần 2 gần như được “tự biên” hoàn toàn.

So với "Attack On Titan" ra mắt trong năm nay, "Kí sinh vật" thỏa mãn người xem hơn

Nếu nói cho công bằng, thì thời lượng của hai phần phim vẫn chưa đủ truyền tải hết sự hấp dẫn của bộ truyện. Dù vậy, phần 1 và 2 đủ khiến các fan thỏa mãn, đồng thời đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả phổ thông. Hơn hết, phim kết thúc mà không tạo cảm giác “hẫng”, khi mọi vấn đề đều được giải quyết, mỗi nhân vật cũng có một cái kết có hậu cho riêng mình.

Tóm lại, có thể xem Kí Sinh Vật là một trong những bộ phim chuyển thể từ manga thành công và đáng xem nhất trong vài năm trở lại đây.

(Tổng hơp)