Diễn viên tay ngang - Kém tài mà vẫn đắt sô!?

TGĐA, Theo 12:00 11/05/2011

Một thực tế không khó nhận ra của phim ảnh Việt hiện nay. <img src='/Images/EmoticonOng/18.png'>

Cách đây không lâu ca sĩ Mỹ Tâm được một phen đỏ mặt khi đạo diễn Khải Hưng chê: “Sao Mỹ Tâm đóng phim chối tỉ thế” – đó là nhận xét của ông về khả năng trình diễn của Mỹ Tâm trong phim Cho một tình yêu. Đạo diễn Khải Hưng lấy Mỹ Tâm làm ví dụ để minh chứng cho một ý của mình rằng: không phải ai, dù có tài trên các lĩnh vực khác cũng có thể làm diễn viên được. Mỹ Tâm đã chọn cách im lặng sau những ý kiến chê bai diễn xuất dở tệ của cô trong phim Cho một tình yêu. Vì với cô âm nhạc vẫn là nghiệp chính, điện ảnh có duyên với cô rất có thể chỉ duy nhất vai Linh Đan trong Cho một tình yêu.


Manequin trên màn ảnh nhỏ

Rất nhiều khán giả thẳng thắn nhận xét, phim truyền hình Việt Nam hời hợt về tất cả các mặt, đặc biệt là sự diễn xuất gượng gạo của đội ngũ diễn viên trẻ nhất là những diễn viên không chuyên hoặc bán chuyên nghiệp. Dĩ nhiên, trong nghệ thuật không ai phản đối chuyện có được đào tạo hay không qua đào tạo diễn xuất nhưng với thực trạng dùng quá nhiều diễn viên không có tài năng sẽ “vô tình” làm ảnh hưởng đến bộ mặt của điện ảnh nước nhà. Các nhà điện ảnh gạo cội quốc tế lẫn Việt Nam đã khẳng định, diễn viên góp sức tới 70% thành công của một bộ phim. Khi nhìn vào con số này có thể thấy sự thất bại của một bộ phim Việt đã chiếm tới ngưỡng gần 100% rồi!

Midu trong phim Tóc Rối

Những bộ phim truyền hình “made in Việt Nam” gây sóng gió các khung giờ vàng trên sóng các nhà đài trong năm 2010 có thể nhắc đến Bí thư tỉnh ủy, Nếp nhà, Cuộc gọi lúc không giờ, Anh em nhà bác sĩ, Lối sống sai lầm, Tóc rối… Chất lượng những phim này còn gây nhiều tranh cãi nhưng người ta không thể phủ nhận sức lan rộng của nó trong cộng đồng người xem Việt Nam. Dù hay hay dở thì những sản phẩm tinh thần của  người Việt đang khiến dân Việt phải dùng (Phim cứ phát sóng ai xem thì xem?!).

Trong những năm vừa qua, hàng loạt những bộ phim “nhào lại” từ kịch bản phim nước ngoài như Ngôi nhà hạnh phúc, Anh em nhà bác sĩ, Lối sống sai lầm, Tóc rối… được mua kịch bản từ các nước Hàn, Colombia… và dán mác “made in Việt Nam”. Các nhân vật quan trọng trong phim lần lượt được "phân bổ", mời những nghệ sĩ có tên tuổi trong giới showbiz Việt và trong số đó rất ít ai là diễn viên chuyên nghiệp. Chẳng hạn, bộ phim Ngôi nhà hạnh phúc tập hợp dàn diễn viên không qua trường lớp như Lương Mạnh Hải, Lam Trường, Thủy Tiên… đã khiến bộ phim “đơ” toàn tập, trở thành một khúc gỗ khó nhằn cho khán giả.

Bên cạnh những bộ phim dở về phần diễn viên vẫn có những tác phẩm gây ấn tượng về diễn xuất, Anh em nhà bác sĩ (đạo diễn Minh Cao) là một trong số đó. Vai nữ chính trong phim được giao cho siêu mẫu Trang Nhung và cô đã làm rất tốt vai trò của mình. Là một “chân dài” nhưng Trang Nhung đã bộc lộ được tài năng diễn xuất thông qua vai diễn vị bác sĩ nữ trong phim. Sự can qua của Trang Nhung qua nhiều dạng vai trong các phim trước đó đã tạo sự an toàn và kinh nghiệm cho lần nhập vai trong Anh em nhà bác sĩ.

\
Trang Nhung trong Anh em nhà bác sĩ

Trang Nhung là một trong số ít những người có tiềm ẩn và tố chất trở thành diễn viên. Nhưng vẫn còn rất nhiều những diễn viên dù đóng nhiều phim nhưng vẫn chưa bộc lộ được khiếu diễn xuất của mình. Họ như một “khúc gỗ” thường rất hay “đơ” trong mỗi cảnh diễn. Phim truyền hình Việt Nam ngày càng dày đặc, sản xuất kiểu “chạy sô”, càng xuất hiện những diễn viên “không cần giỏi chỉ cần xinh” lại càng nhiều.

Tuy nhiên, việc “chạy bổ” qua nhiều phim cùng một lúc khiến bộ mặt diễn viên chưa kịp “chuyên nghiệp” và hiểu nghề đã vội vàng “chết yểu”. Tham gia càng nhiều phim trong thời gian cực ngắn, người diễn viên ấy càng không có thời gian để nghiên cứu kịch bản và chuẩn bị tâm lý cho mỗi cảnh quay. Chuyện diễn viên ra phim trường diễn thiếu cảm xúc, “đơ” không khác gì một bình hoa di động, diễn thoại như máy… đã thành cơm bữa. Lúc này đây, ê-kíp làm phim mới cần đến sự chuyên nghiệp trong cách làm việc của mỗi người diễn viên chứ chưa cần nói đến tài năng diễn xuất.

NSƯT – diễn viên Minh Châu: “Diễn viên trẻ hôm nay chưa ý thức sâu sắc về nghề diễn viên. Ý thức nghề nghiệp rất quan trọng. Có hiểu và ý thức về nghề thì người diễn viên mới thể hiện tốt nhân vật mà mình đảm nhận. Ý thức về nghề cũng là tác phong của sự chuyên nghiệp.”

Ngơ ngác màn ảnh rộng 

Khi ba bộ phim chiếu tết 2011 Cô dâu đại chiến, Bóng ma học đường, Thiên sứ 99 ra rạp khiến không ít người ngỡ ngàng, ngơ ngác về đội ngũ diễn viên… “lạ hoắc”. Sự “lạ” ở đây chính là “kinh nghiệm nghề nghiệp”, sự trưởng thành về nghề của các diễn viên.


Đội ngũ diễn viên trong ba bộ phim trên đa phần là những nghệ sĩ đã từng đóng phim nhưng chưa kịp ghi dấu ấn trên màn ảnh. Họ vẫn điềm nhiên ra rạp, hình phóng to cỡ lớn trên các poster… Không biết khi ngắm nhìn những tấm hình ấy, có diễn viên trẻ chuyên nghiệp nào chạnh lòng, tủi thân một chút không?! Là diễn viên được đúc nặn qua những giờ học kỹ năng chuyên sâu về diễn xuất và hình thể nhưng rất ít ai bon chen chiếm được một vai nhỏ trong phim màn ảnh rộng. Đó là sự thực (không biết nên buồn hay không?) tồn tại trong nền điện ảnh Việt Nam những năm vừa qua.

Lý giải điều này cũng rất đơn giản: những người được mời đóng phim đa phần là các ngôi sao ca nhạc có tầm ảnh hưởng nhất định trong showbiz Việt. Sự có mặt của họ trong mỗi bộ phim là bảo chứng an toàn cho doanh thu phòng vé. Thêm một lý do, muốn đóng phim kiểu thần tượng, các diễn viên phải đáp ứng được về sự trẻ đẹp của ngoại hình và quan trọng phải có ông bầu gánh vác chuyện “xây dựng nước non.” 


Có thể nói, bộ phim tết Cô dâu đại chiến (đạo diễn Victor Vũ) là tác phẩm “đinh” về sự an toàn của dàn diễn viên trong những phim màn ảnh rộng ra mắt năm 2010. Với đội ngũ diễn viên nhập vai ấn tượng như “Lãng tử màn ảnh” Huy Khánh, “Da nâu” Phi Thanh Vân, “Công chúa sân khấu kịch” Lê Khánh, diễn viên Ngân Khánh, Đinh Ngọc Diệp đã chứng minh họ là những diễn viên có tài dù xuất thân từ nghề nào đi chăng nữa. Thời gian và sự coi trọng nghề nghiệp đã giúp những tên tuổi trên khẳng định mình.

Tuy nhiên, những bộ phim hướng tới lứa tuổi teen như Thiên sứ 99, Bóng ma học đường lại là những bộ phim nên “đau đớn” về dàn diễn viên. Đa phần họ là những diễn viên “lạ”, chưa được công chúng đón nhận về khả năng diễn xuất. Họ được biết đến qua những nghề như ca sĩ, thậm chí đơn giản qua cụm từ hotboy, hotgirl. Thiên sứ 99 của đạo diễn Minh Cao tập hợp những diễn viên trẻ mới vào nghề như ca sĩ Khổng Tú Quỳnh, ca sĩ Ngô Kiến Huy, ca sĩ Miu Lê, hotboy Huỳnh Anh… Một dàn diễn viên chưa có nhiều kinh nghiệm diễn xuất và dĩ nhiên họ không được đánh giá cao trong bộ phim này.


Lấn sân trái nghề còn phải kể đến các gương mặt trong bộ phim Bóng ma học đường. Đó là ca sĩ Tim, Wanbi Tuấn Anh, Trương Quỳnh Anh, hotboy Thiên Minh… Bộ phim gắn mác 3D đầu tiên của điện ảnh Việt Nam ngay lập tức thu hút khán giả khi chuẩn bị mon men ra rạp. Hiệu ứng 3D hút khán giả nhưng sự diễn xuất thiếu chuyên nghiệp, gượng gạo… làm khán giả chán ngán.

Kém tài mà vẫn đắt sô!?

Đạo diễn “lắm chuyện” Vũ Ngọc Đãng từng khẳng định và hết lòng khen ngợi tài năng tuyệt vời cho “trai cưng” trong phim của mình - Lương Mạnh Hải. Anh cũng từng ca ngợi Minh Hằng diễn xuất không thua kém tài nữ Á Châu Song Hye Kyo. Đạo diễn họ khen vẫn cứ khen nhưng ai công nhận tài năng của những diễn viên trên. Có tài hay không, qua vai diễn khán giả không khó để nhận ra. Lương Mạnh Hải diễn dở ẹc, Minh Hằng tệ hại trong mỗi cảnh quay… là những nhận xét người ta thường hay nghe thấy. Ấy vậy họ vẫn trở thành thần tượng của giới trẻ, vẫn đi đóng phim đều đều và vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”! Lạ!

Minh Hằng, Lương Mạnh Hải trong Ngôi nhà hạnh phúc

Hoặc như Danh Tùng – MC quen thuộc của VTV “đắt khách” đến mức đóng hết phim này đến phim kia mà chẳng lên nổi đời hạng A, vẫn bị gắn mác “diễn viên tay ngang”. Từ phim Những cánh hoa bay, Bà nội không ăn Pizza đến bộ phim tai tiếng gần đây Xin thề anh nói thật, Danh Tùng không biết biến hóa, vẫn “ngựa quen đường cũ”, rập khuôn từng biểu hiện…

Những tên tuổi “tiêu biểu” khác như Thủy Tiên, Lam Trường, Nam vương Tiến Đoàn, Don Nguyễn, Vũ Thu Phương, Midu, Wanbi Tuấn Anh… có “cày nát” nhiều phim cũng chỉ mãi mãi là diễn viên thường thường bậc trung nếu cứ tình trạng diễn xuất như “ma đi chơi”.

Người ta thường hay nói: “Đẹp đến đâu cũng cần phải đặt đúng chỗ”. Nhưng biết đến khi nào phim Việt đủ độ chín về mọi góc cạnh, diễn viên diễn xuất đủ mạnh và đặt đúng chỗ để hút khách… Chẳng lẽ, một bộ phim hút khách chỉ đơn thuần chọn một vài tên tuổi tiếng tăm ở lĩnh vực khác để lăng xê, gây chú ý. Việc lạm dụng quá nhiều diễn viên nghiệp dư kém tài, diễn xuất non nớt chỉ dẫn đến tình trạng phim Việt khó ngoi mà diễn viên cũng khó coi.