Chuyện về đoàn lân đặc biệt phía sau những clip biểu diễn bị dân mạng ví như "đội quân yêu quái" mùa trung thu

Lê Ái, Theo Trí Thức Trẻ 00:02 05/10/2017

Hình ảnh về "đội quân yêu quái" với các đầu thú "hổ báo cáo chồn" được dân mạng đăng tải lên các Fanpage lớn đã thu hút nhiều bình luận cùng các phản hồi trái chiều. Và các bạn trẻ đang sống ở Buôn Hồ đã chia sẻ câu chuyện phía sau đoàn lân đặc biệt này.


Dân mạng "phát hoảng" vì đoàn lân có hình thù đáng sợ

Múa lân sư rồng trong đêm hội Trung thu là một nét đẹp truyền thống. Tiếng trống lân rộn rã khắp các đường làng, ngõ xóm chính là thanh âm báo hiệu đêm hội phá cỗ trăng rằm sắp sửa bắt đầu. Hình ảnh con lân sư rồng do người hóa trang thực hiện các màn nhảy múa nhào lộn mãn nhãn, màn chọc cười của ông địa vui tính lúc nào cũng phe phẩy chiếc quạt mo trên tay... là những kỷ niệm đẹp đẽ, khó phai trong ký ức Trung thu của nhiều người.

Ấn tượng ấy ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người đến nỗi khi nhắc đến Trung Thu, người ta lập tức nghĩ ngay đến múa lân và múa lân thì chắc chắn phải là người đội lốt một con lân hay con rồng.

Cũng vì lý do đó mà mới đây, người dùng MXH khá sốc khi nhìn thấy một "đội quân thú vật" nhảy múa tưng bừng, diễu hành trên đường phố đón Trung thu thay cho đoàn lân sư rồng quen thuộc.

"Đội quân" ấy gồm có sư tử, gấu trúc, đầu rồng (phiên bản tả thực), đầu báo đang nhe răng đã gây chú ý trong Trung thu năm nay, đến từ khu vực đèo Hà Lan (thuộc chợ thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk).

Chuyện về đoàn lân đặc biệt phía sau những clip biểu diễn bị dân mạng ví như đội quân yêu quái mùa trung thu - Ảnh 3.

"Đội quân thú vật" với đủ hình dáng, màu sắc thay cho lân sư rồng trong đêm Trung thu khiến nhiều người bị sốc.

Những hình ảnh và clip về "đội quân thú vật" sau được dân mạng chia sẻ lên nhiều Fanpage lớn đã thu hút hàng ngàn lượt like và nhiều bình luận chia sẻ trái chiều. Không khó để tìm thấy những ý kiến phản đối.

Các con vật lạ diễu hành trên đường phố bị dân mạng gọi là.... yêu quái.

"Dần dần mất đi nét đẹp truyền thống. Ngày xưa thấy lân vui bây giờ chẳng khác nào đám xiếc mới ra mắt mà mình chưa biết, coi cũng vui thôi chứ không có ý nghĩa gì cả", Hoàng Vũ bình luận.

Trần Thị Mỹ Lộc: "Tào lao hết sức à. Người lớn như mình còn thấy gớm nữa chứ nói gì các em bé nhỏ".

"Lân rồng giờ hóa trâu, chó, lợn, gà nhìn chả thấy thiện cảm tí nào. Toàn thú vật thế này thì còn ý nghĩa gì Trung thu cổ truyền gì nữa", Võ Thành Long chê bai.

"Chắc không hiểu ý nghĩa của trung thu nên nghĩ sao cũng được, thay lân sư bằng dê, chó cho mới lạ chăng?", Trần Ngọc ngao ngán.

Chuyện về đoàn lân đặc biệt phía sau những clip biểu diễn bị dân mạng ví như đội quân yêu quái mùa trung thu - Ảnh 5.

Có cả nhân vật trong các bộ phim hoạt hình nổi tiếng.

Các bạn trẻ ở Buôn Hồ: "Mỗi nơi có truyền thống khác nhau nên sẽ có một số khác biệt mà các vùng miền khác không thể hiểu hết"

Trước những bình luận chê bai "đội quân thú vật" đến từ người dùng mạng, cũng có rất nhiều bạn trẻ đã lên tiếng giải thích rằng đây là nét đẹp truyền thống trong mùa Trung thu ở quê họ - Buôn Hồ, Đắk Lắk.

Những người dân địa phương gọi đây là "nhảy lân" chứ không phải "múa lân". Người "nhảy lân" được quyền sáng tạo "đầu lân" theo sở thích và sự tưởng tượng của họ về con vật mà mình yêu thích, muốn được hóa trang trong đêm rước đèn phá cỗ Trung thu.

"Quê mình cứ phải chơi hàng độc thế đấy, lắm lúc nghĩ lại cũng là nét đặc trưng của Buôn Hồ. Nhớ ngày nhỏ tầm 4 đến 5 tuổi, mình với anh chị nghe tiếng lân là phóng đi như chớp. Nhiều người xem cứ nói lân gì mà như quỷ ma các kiểu, nhưng mỗi nơi có một phong tục khác nhau. Lân quê mình không như những nơi khác mua hàng theo khuôn mẫu. Tất cả từ người lớn đến trẻ nhỏ trước Trung thu cả tháng cùng ngồi lại chuốt từng cọng bì để làm lông cho lân, rồi chặt tre tạo hình tạo dáng các con vật khác nhau. Tất cả được làm bằng tâm huyết cho trẻ em có Trung thu ý nghĩa", Nguyễn Yến mong mọi người tìm hiểu và chấp nhận phong tục theo từng vùng miền trước khi lên án.

Chuyện về đoàn lân đặc biệt phía sau những clip biểu diễn bị dân mạng ví như đội quân yêu quái mùa trung thu - Ảnh 6.

Người dân Buôn Hồ thay nhau sáng tạo mỗi dịp Trung thu.

Bạn có nickname PiNi, cũng là một người con của mảnh đất Buôn Hồ, đồng ý với Yến.

Cô bạn cho biết thêm: "Chỉ có những ai ở Hà Lan, Buôn Hồ thì mới cảm nhận được niềm vui mỗi khi Trung thu đến thôi. Đây là cả một đầu óc sáng tạo của họ. Khó khăn lắm, người dân mới làm ra được những con lân như vậy. Và con nít ở đây chúng nó rất thích thú chứ không hề sợ hãi. Muốn cảm nhận Trung thu ở đây ra sao, hãy một lần đến với Đắk Lắk. Chắc chắn suy nghĩ của mấy bạn sẽ thay đổi".

"Thực sự mình cũng như các bạn trẻ ở đây cảm thấy rất buồn khi người nơi khác lên án, chê bai đoàn lân quê mình. Truyền thống ở đây là đến ngày Trung thu, mọi người sẽ làm các con lân thú để chung vui. Mọi nhà trong giáo xứ (khoảng hơn 10.000 nhà) sẽ cùng đội lốt các con vật và nhảy suốt 3 đêm mừng Trung thu.

Mỗi nơi có truyền thống khác nhau nên sẽ có một số khác biệt mà các vùng miền khác không thể hiểu hết. Khi hình ảnh này xuất hiện trên mạng, có người thì nói đây là quái thú, siêu nhân rồi quái vật... Thật sự, mình cảm thấy như đang xúc phạm đến truyền thống của mình và người dân nơi đây.

Chuyện về đoàn lân đặc biệt phía sau những clip biểu diễn bị dân mạng ví như đội quân yêu quái mùa trung thu - Ảnh 7.

Chuột Mickey cũng góp vui.

Còn việc các đoàn lân chặn xe tải, xe khách kiếm tiền thì mình nói thật là không bao giờ có", Nguyễn Gia Phú (sinh năm 2002, sống tại phường thống nhất (Hà Lan A) thị xã Buôn Hồ giãi bày.

Chuyện về đoàn lân đặc biệt phía sau những clip biểu diễn bị dân mạng ví như đội quân yêu quái mùa trung thu - Ảnh 8.

Sinh hoạt dân gian thì vui là chính!

"Người ta thích đội lốt con gì đó để múa là quyền của họ"

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Dân tộc học Nguyễn Đệ nói: "Múa lân có nguồn gốc từ người Hoa. Múa lân là một hình thức múa lốt (tức là đội lốt một con gì đó để nhảy, múa). Vì thế, người ta thích đội lốt con gì đó để múa là quyền của họ, không ai bắt ép được và cũng chẳng có chuyện đúng hay sai ở đây.

Cho đến bây giờ, người Việt thường đội lốt 4 con phổ biến là lân, sư, rồng, hổ. Ngoài ra trong một số lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số, người ta cũng có thể hóa trang các con vật như con khỉ, con chuột... Đó là những con vật gần gũi mà trong cuộc sống thường ngày mà họ vẫn thấy trên rẫy, trên rừng, hóa trang vào múa cho vui.

Người miền xuôi hay chọn con lân vì nó tượng trưng cho điềm lành, hạnh phúc, may mắn. Cũng chính vì lẽ đó mà múa lân không chỉ xuất hiện vào dịp Trung thu mà bạn còn có thể bắt gặp trong các dịp quan trọng như năm mới, nhà mới khi gia chủ muốn cầu sự thái bình, thịnh vượng, hạnh phúc. Tôi mong các bạn trẻ hãy nhìn nó thoáng hơn một chút, vì suy cho cùng, đội lốt con gì để vui Trung thu thì đó cũng chỉ là một hình thức sinh hoạt dân gian thôi mà".