Chuyện tuyển thủ nữ 2 tháng chưa được phẫu thuật, tuyển thủ nam 1 tuần đã xong xuôi: VFF có phân biệt đối xử?

NHÂN VĂN, Theo Trí Thức Trẻ 21:13 23/03/2020

Việc trung vệ Chương Thị Kiều chưa thể đi phẫu thuật có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, vai trò của VFF bị đặt dấu hỏi khi so sánh trong sự hỗ trợ giữa tuyển thủ nữ và nam của đội tuyển quốc gia.

Chương Thị Kiều là thành viên quan trọng của đội tuyển nữ Việt Nam. Cô được xác định bị đứt dây chằng đầu gối phải từ giữa tháng 2/2020 nhưng đến hiện tại vẫn chưa được ra nước ngoài phẫu thuật. Chấn thương của Kiều được xác định là khi tập luyện và thi đấu ở ĐTQG.

Cũng với chấn thương ấy, Xuân Trường gặp phải vào ngày 30/9/2019 cũng ở ĐTQG nhưng chỉ 1 tuần sau anh đã được sang Hàn Quốc phẫu thuật.

Chuyện tuyển thủ nữ 2 tháng chưa được phẫu thuật, tuyển thủ nam 1 tuần đã xong xuôi: VFF có phân biệt đối xử? - Ảnh 1.

Khoảng thời gian được đi chữa trị chấn thương của Xuân Trường và Chương Thị Kiều gặp phải trên ĐTQG là rất chênh lệch. Ảnh: Đỗ Linh.

Một trường hợp khác cần nhắc đến là Duy Mạnh. Anh cũng bị đứt dây chằng đầu gối vào ngày 1/3, tức diễn ra sau cả Chương Thị Kiều, nhưng Duy Mạnh đã được sang Singapore phẫu thuật vào ngày 8/3. Hiện tại, anh đã về Việt Nam nghỉ ngơi, chờ tập hồi phục. Dĩ nhiên, trường hợp này do Hà Nội FC và VPF (BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam) phụ trách, thay vì VFF.

Theo cảm tính, ai cũng nhận thấy rằng cầu thủ bóng đá nam luôn được quan tâm hơn ở mọi vấn đề so với đồng nghiệp nữ. Tuy nhiên, những diễn biến kể trên khiến câu hỏi về cách đối xử của VFF với cầu thủ nữ và nam có khác biệt hay không được đặt ra?

Ai phải chịu trách nhiệm cho chấn thương của Chương Thị Kiều?

Ở trường hợp này là VFF bởi lẽ, Chương Thị Kiều đang tập trung cùng đội tuyển nữ Việt Nam. Giống như trường hợp Xuân Trường năm trước. VFF phải chịu mọi phí tổn điều trị thay vì CLB chủ quản. Đấy là luật lệ không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới.

Chương Thị Kiều là nhân tố chủ chốt của hàng phòng ngự đội tuyển nữ Việt Nam. Ảnh: Hiếu Lương.

Nguyên nhân của sự chậm trễ đưa Chương Thị Kiều ra nước ngoài là gì?

Theo VFF, Chương Thị Kiều dự kiến được đưa sang Hàn Quốc chữa trị như Xuân Trường. Nguyên nhân khách quan bắt nguồn từ đây khi Hàn Quốc bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Điều ấy khiến VFF không thể đưa trung vệ này đi phẫu thuật như dự kiến. Nguyên nhân này là điều có thể thông cảm và thấu hiểu.

Tuy nhiên, với những ca chấn thương dây chằng, cầu thủ Việt Nam có 3 điểm đến. Một là bệnh viện quân y 108 (Hà Nội). Hai và ba lần lượt là Hàn Quốc và Singapore, cũng là hai phương án được lựa chọn nhiều hơn cả.

Dấu hỏi tiếp tục được đặt ra về việc tại sao VFF không chuyển hướng cho Kiều sang Singapore phẫu thuật, bởi lẽ, Duy Mạnh cũng vừa được điều trị tại đây an toàn dù dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ tới "đảo quốc sư tử".

Chuyện tuyển thủ nữ 2 tháng chưa được phẫu thuật, tuyển thủ nam 1 tuần đã xong xuôi: VFF có phân biệt đối xử? - Ảnh 3.

Chương Thị Kiều hiện tại đang ở quê nhà Kiên Giang, chờ được gọi đi chữa chấn thương. Ảnh: Hiếu Lương.

VFF có thiếu trách nhiệm hay không? 

Theo HLV Mai Đức Chung, VFF đã có ý định chuyển Chương Thị Kiều sang Singapore phẫu thuật. Tuy nhiên, trục trặc về lựa chọn bệnh viện khiến kế hoạch không thể diễn ra. Từ đó, VFF trung thành với quyết định chọn Hàn Quốc.

Có quan điểm cho rằng, nguyên nhân của việc này là do tiền chữa trị ở Hàn Quốc đắt hơn Singapore. Thế nhưng, thực tế qua nhiều trường hợp cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài, chi phí phẫu thuật ở Singapore cho chấn thương kiểu này là khoảng 500 - 600 triệu đồng, còn Hàn Quốc lại là 600 – 700 triệu đồng. Chính vì vậy, nguyên nhân này có thể bỏ qua.

Vấn đề có lẽ nằm ở sự thiếu quyết liệt, chậm chạp trong xử lý từ VFF, bởi lẽ, họ hoàn toàn có thể phối hợp với Hà Nội FC để Chương Thị Kiều đi cùng Duy Mạnh sang Singapore chữa trị vào ngày 8/3, thay vì để mọi thứ trong đợi chờ như hiện tại. Thật khó để bày tỏ sự thông cảm cho VFF trong trường hợp này.

Sự "phân biệt đối xử" giữa cầu thủ nam và nữ nói đến ở đầu bài dù cảm tính nhưng thành hình chính từ đây. Chưa hết, đó còn là sự phân biệt về tầm quan trọng giữa đội tuyển nam (được nhiều người quan tâm) so với nữ. Điều ấy đã được cảm nhận từ lâu nhưng với VFF, dù muốn hay không họ vẫn phải là nơi công bằng nhất.

Rất khó để tìm ra lý giải hợp lý hơn khi Duy Mạnh chấn thương sau nhưng lại phẫu thuật xong trước, còn Chương Thị Kiều vẫn phải ở quê nhà "chờ thêm thông tin". Dĩ nhiên, việc phẫu thuật nối dây chằng có thể được trì hoãn nhưng nhân vật chính là cầu thủ khó tránh khỏi cảm giác bất an. Thông tin Chương Thị Kiều có ý định giải nghệ (dù đã được chính cô phủ nhận) cũng là 1 chi tiết cần chú ý.

Ở sự việc này, đơn vị chủ quản của Chương Thị Kiều là Trung tâm huấn luyện Thể dục Thể thao quận 1 (TPHCM) cũng đã lên tiếng. Lãnh đạo trung tâm đã gửi công văn đề nghị VFF đưa Chương Thị Kiều đi phẫu thuật càng sớm càng tốt trong tháng 4 hoặc 5 với điều kiện, không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Lúc này, tháng 4 đã cận kề rồi.

Trung vệ Chương Thị Kiều tự rửa và sát trùng vết thương gặp phải ở trận chung kết SEA Games 2019. Nguồn: Sport5.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày