Chuyện nữ giảng viên Đại học Hutech với bộ sưu tập búp bê Nhật "cất giấu" suốt 20 năm

Khánh Nguyễn - Ảnh: Ngọc Hải, Theo Tổ Quốc 07:00 27/03/2021

Chị Hồ Tố Liên - thạc sĩ tiếng Nhật, trưởng khoa Nhật Bản học trường ĐH Hutech đã dành 20 năm để sưu tầm những búp bê Nhật Bản. Sự yêu thích và niềm đam mê với loại hình này đến từ sự say mê với văn hóa Nhật Bản và những giá trị tinh thần, văn hóa của người Nhật được truyền tải qua những con búp bê này.

Việc yêu thích và sưu tầm búp bê được chị Liên tóm gọn qua hai chữ "cơ duyên". Chị Liên cho biết: "Vào năm 2001, chị ruột của mình là Tố Phương đang học Tiến sĩ tại Paris (Pháp) thì tại Paris có tổ chức một hội chợ Hàn Quốc. Chị Phương tìm thấy một con búp bê và đoán chắc nó là búp bê Nhật và gửi về cho mình. Trong thời gian học năm 3 chuyên ngành tiếng Nhật, lúc này mình cũng chưa có một sự định hình về văn hóa hình nhân của Nhật, nên chị cũng rất hào hứng với món quà từ 'nửa vòng trái đất'".

Chuyện nữ giảng viên Đại học Hutech với bộ sưu tập búp bê Nhật cất giấu suốt 20 năm - Ảnh 1.

Chị Tố Liên cùng búp bê Kimekimo đã gắn bó hơn 15 năm với mình

Tuy nhiên, khi món quà được gửi về thì chị Liên "ngờ ngợ" và nhận ra rằng đây là búp bê Hàn Quốc vì bộ trang phục Hanbok. Dù vậy, vẻ đẹp của búp bê, những chi tiết cầu kỳ, công phu và tỉ mỉ trong bộ trang phục đã chinh phục và khiến chị bắt đầu có một niềm đam mê với búp bê. Cũng chính là tấm lòng của một người chị ở xa gửi cho cô em gái nên nó trở nên rất đặc biệt với chị.

"Tại thời điểm đó mình còn suy nghĩ rằng chị ruột của mình có sự nhầm lẫn về búp bê nên bản thân sẽ sưu tầm thật nhiều búp bê để chị mình biết búp bê Nhật Bản là như thế nào để tiếp tục mua tặng", chị hài hước chia sẻ về suy nghĩ thời sinh viên của mình.

Nhiều kỷ niệm gắn với búp bê Nhật Bản

Trong vòng 20 năm theo đuổi đam mê sưu tầm búp bê, chị Liên đã sở hữu gần 50 búp bê Nhật Bản với nhiều loại búp bê khác nhau. Mỗi búp bê mà chị sở hữu đều có những câu chuyện riêng và chị xem những búp bê này như những người bạn của mình. Với chị, mỗi búp bê đều gắn liền với một kỷ niệm của bản thân.

Đối với con búp bê Kimekomi, đây là con búp bê được chị sở hữu đã hơn 15 năm nay. Đây là búp bê mô phỏng một bé gái vào thời đại Heian - khoảng thế kỷ thứ 13-14, bên trong được cấu tạo từ đất nung và bên ngoài bọc vải kim sa. Cô gái Kimekomi với khuôn mặt bầu bĩnh, phúc hậu và phục sức như thế này mang ý nghĩa cầu phúc lành cho các em gái ở trong nhà.

Chuyện nữ giảng viên Đại học Hutech với bộ sưu tập búp bê Nhật cất giấu suốt 20 năm - Ảnh 2.

Búp bê Hina mô phỏng Hoàng hậu Nhật Bản trong bộ triều đình búp bê. Bộ triều đình búp bê này sẽ được trưng bày vào ngày hội dành cho bé gái, mang ý nghĩa cầu chúc cho bé gái ở trong nhà lớn lên xinh đẹp, khỏe mạnh

"Kỷ niệm đặc biệt với con búp bê này là nó được làm ra bởi nghệ nhân Kyoto, vì vậy giá trên thị trường rất là đắt đỏ, khoảng chừng vài trăm đô. Nhưng tình cờ hôm đó, khi chị Liên bước vào khu chợ cổ Osaka thì bắt gặp em búp bê này đang ngồi "hờ hững" ở một góc chợ. Mình thấy cô bé xinh quá nên mới đánh liều hỏi giá vì biết sẽ rất là đắt.

Tuy nhiên khi người bán nói giá thì khiến mình rất bất ngờ. Đó là một cô gái rất trẻ và nói với mình rằng: "Đây là búp bê mà cô gái ấy rất yêu thích, nếu bạn đưa con búp bê này về thì hãy yêu quý nó như người bạn đồng hành nhé. Đây là một cái duyên vì gặp được một bạn búp bê dễ thương, xinh xắn và với một giá cả rất 'tình cảm', không hề có tính chất thương mại", chị Liên chia sẻ.

Những búp bê sau này mà chị Liên sưu tầm được cũng đến rất tình cờ và rất tự nhiên. Một búp bê gắn bó với chị trước cả Kimekomi là Hina - mô phỏng cô dâu của Nhật Bản. Những cô dâu ở nước Nhật khi làm hôn lễ sẽ mặc một áo kimono màu trắng, bên trong màu đỏ và đội mũ chiếc mũ trắng trên đầu. Màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết, khởi đầu cho cuộc sống hôn nhân sau này và màu đỏ là để chúc phúc cho cuộc hôn nhân đó.

Chuyện nữ giảng viên Đại học Hutech với bộ sưu tập búp bê Nhật cất giấu suốt 20 năm - Ảnh 3.

Búp bê Hina mô phỏng vị Vua rất tinh xảo

Con búp bê này đặc biệt ở chỗ được chị Liên và mẹ mình cùng mua tại Việt Nam. Đó là một dịp mua sắm tình cờ mà bình thường hai mẹ con ít có dịp đi cùng với nhau. Chẳng ngờ lúc đó lại bắt gặp một "cô nàng" búp bê lại cũng nằm "lạc lõng" tại một gian hàng trên một khu phố không mấy sầm uất.

"Sau đó thì mình và mẹ quyết định đưa "cô ấy" về và hai mẹ con đều rất thích. Mình và mẹ đều ấn tượng bởi tạo hình của con búp bê, từ khuôn mặt, cử chỉ duyên dáng và áo vải kim sa với chi tiết các con hạc. nếu những tạo hình này được bày bán tại Nhật Bản hoặc tại thành Kyoto thì giá trị sẽ rất lớn, khoảng chừng 5000 Yên", chị Liên nhớ lại.

Vì vậy, những búp bê của chị không chỉ là niềm đam mê với văn hóa Nhật mà còn gắn liền với những kỷ niệm của chị với những người thân của mình.

Búp bê đối với người Nhật là sự chúc phúc, may mắn và sức khỏe cho gia đình

Vì là người có chuyên môn về ngôn ngữ và văn hóa Nhật, chị Liên điều tìm hiểu rất kỹ khi sở hữu bất cứ búp bê Nhật Bản nào. Cho đến hiện nay, bộ sưu tập của chị Liên đa dạng các loại hình nhân Nhật Bản. Chị Liên cho biết: "Các hình nhân Nhật Bản rất đa dạng, phong phú, truyền tải những thông điệp văn hóa Nhật Bản đến người xem".

Nói về loại búp bê mang ý nghĩa chúc phúc lớn nhất, cô Liên cho biết đó là búp bê Hina và búp bê Gogatsu.

Chuyện nữ giảng viên Đại học Hutech với bộ sưu tập búp bê Nhật cất giấu suốt 20 năm - Ảnh 4.

Doujouji - búp bê lâu đời nhất trong bộ sưu tập của cô Liên. Theo cô Liên, búp bê này được làm từ những năm 1990

Vào ngày 3/3 hàng năm tại Nhật Bản sẽ diễn ra ngày hội bé gái. Vào ngày này, người Nhật sẽ bày biện một truyền đình búp bê. Một triều đình sẽ gồm có vua và hoàng hậu, sau đó là một triều đình ở phía dưới ngồi theo các bậc thang, sẽ có 5 tầng cơ bản và 3 tầng để trang trí. Bộ búp bê Hina này khi được bày trong nhà sẽ mang ý nghĩa cầu chúc cho bé gái ở trong nhà lớn lên xinh đẹp, khỏe mạnh.

Vào ngày 5/5 hàng năm cũng tại Nhật Bản sẽ diễn ra ngày hội bé trai. Ở ngoài cổng hoặc ngoài cửa, người Nhật sẽ treo cờ cá chép (mà bạn nào đọc Doraemon có lẽ sẽ biết ). Trong nhà sẽ bày những búp bê bé trai, được gọi là Gogatsu. Khuôn mặt tạo hình của bé trai này được mô phỏng theo vị tướng Samurai dũng mãnh để cầu chúc cho bé trai lớn lên được cường tráng, khỏe mạnh.

Chuyện nữ giảng viên Đại học Hutech với bộ sưu tập búp bê Nhật cất giấu suốt 20 năm - Ảnh 5.

Chị Tố Liên đang giảng giải về lịch sử hình thành của các loại búp bê trong văn hóa Nhật Bản

Một hình ảnh Gogatsu quen thuộc đó là cậu bé Momotaro - cậu bé quả đào. Theo truyền thuyết, cậu bé nằm trong một quả đào lênh đênh trôi sông và được ông bà lão đem về nuôi. Lớn lên, Momotaro đi trừ gian diệt quỷ cho nước Nhật. Trên đường đi, cậu mới đưa lá cờ lên cao thì lá cờ của cậu có hình ảnh quả đào. Trên hành trình của mình, cậu kết bạn với ba người bạn là một con chó, con khỉ và chim trĩ.

Chuyện nữ giảng viên Đại học Hutech với bộ sưu tập búp bê Nhật cất giấu suốt 20 năm - Ảnh 6.

Búp bê Daruma - lấy hình tượng từ Đức Bồ Đề Đạt Ma, người sáng lập ra Thiền Tông, thể hiện tinh thần kiên cường, không gục ngã của người Nhật

Đại diện cho sự may mắn trong văn hóa Nhật Bản, theo chị Liên chính là búp bê Daruma mang màu đỏ. Đặc trưng của Daruma chính là cấu tạo của một chú lật đật, biểu hiện cho tinh thần kiên cường, không gục ngã của người Nhật. Daruma ban đầu không có mắt, khi được đem về sẽ được người Nhật vẽ một mắt, mắt còn lại sẽ chỉ được vẽ khi họ thực hiện thành công một điều ước, dự định nào đó trong cuộc sống. Daruma còn có các màu sắc khác nhau tượng trưng những mong muốn khác nhau của gia chủ.

Chuyện nữ giảng viên Đại học Hutech với bộ sưu tập búp bê Nhật cất giấu suốt 20 năm - Ảnh 7.

Daruma ban đầu không có mắt, khi được đem về sẽ được người Nhật vẽ một mắt, khi một điều ước, dự định nào đó trong cuộc sống được thiện hiện thành công thì sẽ vẽ lên con mắt còn lại

Ngoài ra, còn có búp bê Kokeshi (búp bê gỗ). Đây là loại búp bê ra đời ở vùng Đông Bắc Nhật Bản. Loại búp bê này làm từ một khối gỗ đặc, được làm bằng tay sau đó tiện bằng máy. Búp bê này được tạo hình không có chân tay, chỉ có đầu và thân. Sau đó người ta mới bắt đầu trang trí thêm. Ý nghĩa của Kokeshi theo truyền thuyết của Nhật Bản là từ việc hiếm muộn ngày xưa, người ta muốn có hình nhân này ở trong nhà để gia đình có được thêm con cháu. Hình thù của Kokeshi cũng rất vững vàng, trái với sự tráng lệ của các loại hình hình búp bê Nhật Bản khác.

Chuyện nữ giảng viên Đại học Hutech với bộ sưu tập búp bê Nhật cất giấu suốt 20 năm - Ảnh 8.

Một búp bê Hina được làm tinh tế, sắc sảo từ cử chỉ đến những chi tiết trên áo kim sa

Đặc biệt hơn, chị Liên còn cho biết các nghệ nhân đã sáng tạo ra các loại búp bê giấy, lấy cảm hứng từ nghệ thuật gấp giấy Origami. Chia sẻ về những chất liệu thô sơ khi tạo hình búp bê, chị Liên còn giới thiệu búp bê Hakata được làm từ chất liệu là gốm, sứ. Tạo hình chủ yếu của búp bê này làm em bé gái, con cú,. Các búp bê sẽ được được chế tác trong vòng 10 ngày, tiếp đến nung trong vòng 8 tiếng với nhiệt độ trên 900°C, sau đó các búp bê "trắng tinh" sẽ được nghệ nhân mới bắt đầu tô màu để phủ lên và dùng dụng cụ chuyên dụng để mài.

Chuyện nữ giảng viên Đại học Hutech với bộ sưu tập búp bê Nhật cất giấu suốt 20 năm - Ảnh 9.

Hai giảng viên người Nhật đang giải thích về một trong những loại búp bê truyền thống của Nhật Bản

Trong bộ sưu tập của mình, búp bê Doujouji là búp bê lâu đời nhất của chị Liên. Búp bê này được làm từ những năm 1990, với tạo hình một nàng vũ công trong kịch Kabuki với điệu múa 7 chiếc nón (nanagasa). Ngoài ra, búp bê Fuji Musume - Cô gái với điệu múa hoa Tử Đằng là một hình ảnh thường xuyên xuất hiện trong các tạo hình búp bê Hina của Nhật Bản.

Phá bỏ định kiến rằng búp bê là một điều gì đó ghê rợn, ám ảnh

Theo chị Liên, nhiều người ít tiếp xúc với búp bê sẽ có phần e dè, sợ hãi nhất định bởi vì họ bị ảnh hưởng bởi những câu chuyện, bộ phim về búp bê ma chẳng hạn. Tuy nhiên, nếu mọi người tìm hiểu và có một sự am hiểu nhất định thì sẽ hiểu giá trị văn hóa của búp bê. Không chỉ đối với Nhật Bản mà các dân tộc khác thì văn hóa Hình Nhân vói tạo hình của những con búp bê luôn chứa đựng ý nghĩa văn hóa, nghệ thuật.

Một số con búp bê trong bộ sưu tập của chị Liên

Tại Nhật Bản, hình nhân là một loại hình nghệ thuật được phát triển từ thế kỷ thứ 7-8. Ban đầu, các hình nhân được coi như thay thế cho con người, dùng cho các nghi lễ truyền thống để trừ tà ma, xua đuổi ma quỷ, cầu phúc lành. Dần dần, búp bê nghi lễ trở thành búp bê trang trí trong nhà, biểu thị cho sự cầu phúc, mong muốn sức khỏe cho gia đình và may mắn.

Theo thời gian, các nghệ nhân bằng tài nghệ của mình, đặt lòng mình vào những mũi dao khắc trên thớ gỗ, những mảnh vải kim sa, những tượng gốm sứ… để thổi hồn vào những búp bê này. Nghệ thuật văn hóa và cảm thức thẩm mỹ thể hiện sự tinh tế trong từng chi tiết nhỏ của các búp bê. "Các bạn có thể thấy các búp bê với ý nghĩa cầu phúc lành, chúc phúc đều có khuôn mặt tròn trịa đầy đặn, phúc hậu", chị chia sẻ.

Chuyện nữ giảng viên Đại học Hutech với bộ sưu tập búp bê Nhật cất giấu suốt 20 năm - Ảnh 11.

Chị Tố Liên trong triển lãm về búp bê Nhật Bản

Suốt quá trình sưu tập 20 năm, chị Liên luôn được sự ủng hộ, chia sẻ của gia đình mình. Trong tương lai, chị dự định sẽ tiếp tục mở rộng bộ sưu tập của mình. Ngoài các loại búp bê mang ý nghĩa chúc phúc, cô sẽ tiếp tục tìm những búp bê thể hiện đậm chất kịch Kabuki, kịch Noh và mong muốn đưa những búp bê này đến cho các đồng nghiệp, sinh viên cùng nhìn ngắm, thưởng lãm, chia sẻ giá trị văn hóa.