Đa số thành viên cộng đồng review điện thoại có một tiếng nói chung: chiếc iPhone XS không khác mấy chiếc iPhone X của năm ngoái. Vẻ ngoài tương tự, cách vận hành không có nhiều cải tiến và vẫn … đắt như thế. Nhưng thứ đánh giá được từ bên ngoài đã che khuất mất cải tiến Apple đặt ở bên trong chiếc iPhone: một cục pin có hình thù kì lạ.
iFixit mổ bụng iPhone XS, bất ngờ trước một cục pin duy nhất hình chữ L
iPhone X và cả iPhone XS Max đều mang hai cục pin. Về cơ bản, họ đặt hai miếng pin lithium-ion hình chữ nhật vuông góc với nhau để tạo ra một cục pin to hơn hình chữ L, được đặt gọn gàng bên trong cỗ máy đáng giá cả ngàn đô. Chẳng có gì đáng chú ý: smartphone thời nay thường có pin như vậy. Nhưng bên trong chiếc iPhone XS, người ta thấy một thứ khác.
Apple giới thiệu pin L của mình tới với thế giới
Câu hỏi hiển nhiên nhất bật lên trong đầu bất kì ai: Tại sao Apple lại làm vậy? Câu trả lời đơn giản: bằng việc hợp nhất hai pin lại, khoảng trống giữa hai pin vốn có sẽ biến mất, tối ưu hóa được diện tích bên trong chiếc máy. Bạn cứ tưởng tượng bạn đèo một cô gái phía sau, nếu như khoảng cách giữa hai người được lấp đầy bằng thứ gì đó: dở thì là cái túi xách của cô nàng, mà tuyệt vời thì là lấp đầy bằng tình yêu giữa hai người, thì bạn đã tối ưu hóa được diện tích yên xe. Bên trong chiếc iPhone XS cũng vậy.
"Họ đang cố thu nhỏ mọi thứ lại. Cố nhét vào cục pin này lượng năng lượng nhiều nhất có thể", Venkeat Srinivasan, phó tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lưu trữ Năng lượng nói. "Bạn cần liên tục đặt ra câu hỏi có thể bỏ được phần nào không cần thiết trong cục pin không? Có thể làm cái này cái kia mỏng hơn, khiến cho cả cục pin mỏng được đi không?"
Công ty sản xuất điện thoại nào cũng đau đáu một câu hỏi tương tự. Họ đều muốn thu nhỏ thiết bị điện tử, tăng thời lượng pin bằng cách tăng dung lượng cục pin. Trong cuộc đua này, Apple đã có một cú đánh lái bất ngờ. Một đường rẽ vuông góc, vẽ nên cục pin hình chữ L. Thiết kế này được tạp chí Wired đánh giá là "thủ thật khó nhất từng được Apple thực hiện".
Apple đã rục rịch thực hiện tái thiết kế pin iPhone từ hồi 2012, có thể thấy từ bằng sáng chế họ đăng kí hồi đó. Họ mô tả cách thức mới để gắn vừa một cục pin lithium-ion có bất kì hình dáng nào vào bất cứ chỗ trống nào. Lần đầu họ áp dụng thiết kế này là năm 2015 trên chiếc MacBook mới của năm đó. Cũng chính Wired lên tiếng hồi năm 2015: thiết kế pin này sẽ cách mạng hóa những sản phẩm Apple sau này.
Ảnh chụp X-quang bên trong iPhone X, iPhone XS và iPhone XS Max.
Họ đã đúng. Pin của chiếc iPhone XS cũng có đột phá tương tự và đây là chiếc điện thoại đầu tiên của Apple có đột phá pin với "công nghệ nhà trồng được" này. Trên lý thuyết, diện tích tăng thì sẽ tăng đượng dung lượng một cục pin. "Với thiết kế pin hình chữ L, bạn có thể tối thiểu hóa được tổng thành phần cục pin và có thêm được chút năng lượng".
Chắc Apple phải thay đổi chút thành phần hóa học pin, nhưng đó là việc của họ, ta không biết được.
Ngày iPhone X xuất hiện, cộng đồng bất ngờ trước thiết kế "tai thỏ" – một dải dài màu đen chứa một loạt camera. Chiếc iPhone XS cũng có "tai thỏ", dường như cáng đáng cả công việc giữ cho cục pin chữ L được toàn vẹn. Tại sao lại phải làm vậy? Pin thông thường với 4 góc 4 cạnh đã khó xử lý rồi, pin chữ L lại càng khó hơn. Càng nhiều góc cạnh, càng lắm vấn đề sẽ xảy ra.
"Có hai vấn đề chính khi có một cục pin nhiều góc cạnh như thế này. Đầu tiên, quá trình gập pin lại thành hình này đã rất phức tạp rồi", Taylor Dixon từ iFixit nói. "Nhưng khi đã gập được, bạn sẽ tạo ra góc gấp. Rất khó bắt chặt được các góc cạnh lại, và chất keo giữ cố định pin cũng sẽ dễ gặp vấn đề hơn khi pin nóng lên, phình ra trong quá trình sử dụng".
Đó là lợi ích của cái "tai thỏ". Khu vực đó hoạt động như một cái bẫy cát lún tại góc trên. Và bản thân cục pin chữ L cũng không hoàn toàn là những góc cạnh thẳng và cứng đơ: viền là những đường hơi cong chút, pin sẽ nở ra trong giới hạn cho phép trong quá trình sử dụng. Dixon cũng nhận định rằng "tai thỏ" cho phép Apple tạo ra một cái khung hợp lý cho pin, cho phép "nội thất" bên trong máy vẫn gọn gàng. Nước sông không phạm nước giếng.
Sau tất cả, ai cũng tưởng là dung lượng pin sẽ tăng nhưng không phải, thậm chí còn ngược lại. Pin iPhone X có 2.716 mAh, pin chiếc iPhone XS chỉ có 2.659 mAh thôi. Nhiều khả năng pin nhỏ hơn là để Apple đưa thêm vào chiếc XS những thành phần mới: XS có nhiều RAM hơn, cảm biến camera lớn hơn. Tuy nhiên Dixon nhận định rằng hai thứ bù trừ được cho nhau: điểm mạnh của cảm biến sẽ bù được cho việc kết hợp hai viên pin nhỏ thành một viên pin to. Tại sao họ lại không cho chiếc XS Max một cục pin chữ L thì ta không rõ, Apple từ chối bình luận về vấn đề này.
Tất cả không làm lu mờ việc Apple vừa có một thiết kế đột phá. "Tôi biết chắc rằng con đường phía trước của smartphone sẽ là pin lớn hơn trên thiết bị nhỏ hơn, ta đã hiện thực hóa được giấc mơ nhét vừa được viên pin vào cái khung bên trong máy", Dixon kết luận. Hiện tại ta chưa có công nghệ pin nào đột phá, nên tạm hài lòng với cách thức sắp đặt pin vừa vặn và thông minh của Apple.
"Tôi là một nhà khoa học nghiên cứu pin và luôn kiếm tìm nguyên liệu mới để chế tạo nó. Nhưng phải nói là công việc này cực kì khó", Srinivasan nói. "Trong thời điểm này, các công ty cũng đều đồng tình rằng trong khi chờ pin trở nên tốt hơn, liệu có thể nhét thêm pin vào bất kì diện tích trống nào ta có thể có không? Bạn đã có thể thấy câu trả lời rồi đó. Bạn có thể nhét vừa hơn thêm một chút rồi đó".
Tham khảo Wired, ảnh iFixit