Chuyên gia: "Trẻ con có biết gì đâu" hay lời bao biện của cha mẹ, tự đánh tráo khái niệm nạn nhân và chối bỏ trách nhiệm dạy con?

Huỳnh Đức, Theo Trí Thức Trẻ 10:02 24/02/2023

Tư tưởng "trẻ con mà, có biết gì đâu" gây ra nhiều hệ lụy xấu cho sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi của trẻ.

Thời gian vừa qua, những câu chuyện liên quan đến lời bao biện "trẻ con có biết gì đâu" được rất nhiều người quan tâm. Từ câu chuyện chiếc laptop bị đổ nước ở quán cà phê đến chú mèo bị hành hạ... mỗi sự việc qua đi đều làm dấy lên những cuộc tranh luận trên mạng xã hội.

Sở dĩ những sự việc đáng lên án đó ngày càng trở nên phổ biến hơn bởi mỗi khi trẻ làm gì đó sai, chỉ cần nói "trẻ con có biết gì đâu" là mọi trách nhiệm sẽ được phủi bỏ nhanh chóng nhẹ như lông hồng. Không chỉ vậy, trong cuộc sống chúng ta vẫn không ít lần chứng kiến người lớn bênh vực con trước những lỗi lầm mà chúng gây ra bằng việc đổ lỗi cho hoàn cảnh, hoặc "trẻ con nó có biết gì đâu"...

"Con tôi ở nhà ngoan lắm"

Anh Hoàng Tiến Đạt (35 tuổi, Hà Nội) - ông bố của 2 người con 5 tuổi và 12 tuổi chia sẻ: "Là bậc làm cha làm mẹ mà, mỗi lần thấy con ngã đau thì như một phản xạ có điều kiện, mình lại vội chạy lại đỡ con lên, rồi 'đánh chừa' vào bàn, ghế... như là cách để an ủi con, để con bớt khóc. Không chỉ bản thân mình mà đa số những bậc phụ huynh khác cũng đều hành động như vậy. Theo mình nhận thấy cách làm này được truyền từ đời ông bà sang bố mẹ rồi, nên vì thế mà mình cũng chỉ biết làm theo thôi".

Còn theo chia sẻ của cô Lan Anh - giáo viên cấp 1 tại một trường tại Hà Nội, cô đã nhiều lần thấy các phụ huynh sử dụng những câu nói như: "Trẻ con mà, biết gì đâu", "Con tôi ở nhà ngoan lắm", "Cháu nó bình thường hiền như bột"... mỗi khi con mắc sai lầm với học sinh khác hay vi phạm nội quy của trường. Nhiều lúc cô cũng cố giải thích rằng cách dạy đó rất nguy hại cho sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh, nhưng tình trạng trên dường như vẫn cứ tái diễn.

Chuyên gia: Trẻ con có biết gì đâu hay lời bao biện của cha mẹ, tự đánh tráo khái niệm nạn nhân và chối bỏ trách nhiệm dạy con? - Ảnh 1.

Trước thực trạng trên, TS Vũ Thu Hương - chuyên gia tâm lí, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: "Cha mẹ là số phận con cái. Câu nói 'trẻ con không biết gì' không phải bao biện cho con trẻ mà cho chính bản thân cha mẹ, vì họ đã không hoàn thành trách nhiệm giáo dục con cái. Khi họ nói trẻ nhỏ không biết gì nghĩa là họ đang đồng tình với quan điểm trẻ gây ra chuyện gì cũng là không may. Chính vì thế, những ai bị trẻ làm phiền bắt buộc phải chấp nhận hoàn cảnh hoặc thông cảm cho họ. Với câu nói này, họ tự biến mình thành nạn nhân cũng như đổ trách nhiệm cho người khác.

Cha mẹ hiện nay rất lười dạy con vì dạy trẻ rất mất thời gian và công sức, lười cho con trải nghiệm vì họ phải trông coi. Những đứa trẻ bị bao bọc quá mức, không được dạy dỗ nghiêm túc chắc chắn sẽ gây ra những sự phiền hà cho người xung quanh. Do đó, câu nói 'trẻ con không biết gì' giúp những người có trách nhiệm nuôi dạy trẻ phủi sạch trọng trách của họ và ăn vạ theo hướng những nạn nhân của con họ là kiểu người lớn đi chấp nhặt mấy đứa trẻ".

Chuyên gia: Trẻ con có biết gì đâu hay lời bao biện của cha mẹ, tự đánh tráo khái niệm nạn nhân và chối bỏ trách nhiệm dạy con? - Ảnh 2.

TS Vũ Thu Hương

Hệ lụy từ tư tưởng "trẻ con có biết gì đâu"

Chị Nguyễn Thị Nga (32 tuổi, Sơn La) - người mẹ có con trai 5 tuổi kể lại, có lần con chị làm vỡ một chậu hoa ở một quán cafe, thay vì cảm thấy hối lỗi thì con cứ khóc toáng lên khiến nhiều người trong quán tỏ rõ sự khó chịu. Vì xấu hổ nên chị đành phải tự mình xin lỗi chủ quán rồi nhanh nhanh chóng chóng ra về.

Khi về nhà, chị cũng đã nói chuyện với con và dần dần cũng nguôi cơn giận. Cứ tưởng là con đã nhận ra lỗi lầm của mình cho đến khi đi cafe ở một quán khác, con chị tiếp tục quậy phá và làm đổ cốc nước của bàn đối diện. Lúc này bé cũng nằm lăn ra khóc ăn vạ. Khi mẹ được nhắc nhở, thì con lại mất bình tĩnh lên và ném bất cứ thứ gì có thể cầm được vào người mẹ. Lúc này, chị Nga mới nhận ra cách giáo dục con của mình đã sai. Hệ lụy từ những lần "xấu hổ" khi thấy con mắc lỗi của chị đã sinh nhiều thói hư cho con. "Mình cảm thấy rất hối hận vì những lần bao che lỗi lầm cho con", chị Nga thở dài.

Chuyên gia: Trẻ con có biết gì đâu hay lời bao biện của cha mẹ, tự đánh tráo khái niệm nạn nhân và chối bỏ trách nhiệm dạy con? - Ảnh 3.

Thực ra, chị Nga chỉ là một trong số những bậc phụ huynh còn giữ thái độ bao che mỗi khi con mắc sai lầm. Dĩ nhiên, hệ quả của những lần bao che đó sẽ khiến trẻ có những hành vi, thái độ lệch chuẩn. Điều đó đã được TS Vũ Thu Hương nói rõ trong phần chia sẻ dưới đây:

"Khi được bố mẹ bênh vực, trẻ sẽ cảm thấy làm phiền thậm chí làm hại người khác là việc bình thường, không phải trả giá. Dù làm gì sai, bố mẹ cũng sẵn sàng bênh vực mình. Trẻ có thể trêu bạn nhưng không được làm phiền hay gây hậu quả xấu. Dưới bất kỳ hình thức nào, làm phiền người khác là hành vi không chấp nhận được. Bố mẹ có thể nuông chiều, bỏ qua cho hành động làm phiền của trẻ nhưng xã hội thì không. Không phải lúc nào trẻ mắc sai lầm cũng gặp được người sẵn sàng bỏ qua cho chúng.

Hậu quả nhãn tiền của những việc làm quá tự do của trẻ không chỉ ảnh hưởng đến sự an toàn của mọi người mà còn của chính con. Con có thể cũng khiến mâu thuẫn giữa những người lớn xảy ra. Người xưa có câu 'Đừng để trẻ con làm mất lòng người lớn'. Nếu mối quan hệ của người lớn xấu đi, tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng, thậm chí đã không ít những vụ án mạng xảy ra từ những chuyện nhỏ nhặt do con trẻ gây ra.

Ngoài ra, thái độ thiếu văn hóa của trẻ khi đón nhận sự bênh vực của người lớn còn làm hỏng tính cách của trẻ và liên quan trực tiếp đến sự tự tin của trẻ sau này. Trẻ không phép tắc sẽ không được người khác tôn trọng, thậm chí phải nhận thái độ khó chịu hoặc khinh thường. Lâu dần, trẻ sẽ mất đi sự tự tin, dễ bị cô lập trong tập thể".

Cha mẹ nên làm gì khi con mắc lỗi?

TS Vũ Thu Hương cho rằng, con người khi sinh ra, khả năng duy nhất có được là mút, để bú sữa, uống nước. Mọi thứ khác đều phải học, quan trọng nhất là học nguyên tắc "được - cấm - phải". Cái gì được làm, cái gì cấm làm và cái gì phải làm. Trẻ cần được dạy dỗ từ sớm những nguyên tắc này để biết cách tôn trọng người khác, cũng như để chính bản thân chúng được an toàn.

Ví dụ: Nếu chúng ta không CẤM trẻ chạy chơi ở ven sông hồ hay dưới đường ô tô, tính mạng của chính trẻ bị đe dọa. Nếu chúng ta không yêu cầu trẻ PHẢI giữ trật tự khi người khác đang nói chuyện thì trẻ sẽ làm phiền tất cả mọi người. Giáo dục trẻ về "được, cấm, phải" sẽ giúp trẻ điều chỉnh hành vi của chính mình để hòa nhập với cộng đồng.

Chuyên gia: Trẻ con có biết gì đâu hay lời bao biện của cha mẹ, tự đánh tráo khái niệm nạn nhân và chối bỏ trách nhiệm dạy con? - Ảnh 4.

Cha mẹ nên dạy con cái gì được làm, cái gì cấm làm và cái gì phải làm!

Ngoài ra, theo quan điểm của chuyên gia, nếu bố mẹ chưa dạy con những quy tắc tránh làm phiền người khác, không nên để con tiếp xúc với cộng đồng. Khi con buộc phải tiếp xúc, bố mẹ cần có sự quản lý, giám sát để trẻ không gây ảnh hưởng đến mọi người. Còn một khi trẻ đã gây phiền hà cho người khác, đầu tiên phải dạy cách xin lỗi, tiếp theo là nghiêm khắc xử lý hành vi của con để trẻ nhận ra sai lầm và tránh lặp lại.

Khi đến nơi công cộng, bố mẹ phải có quy định chặt chẽ hơn với trẻ nhỏ. Ví dụ con phải ngồi cạnh bàn của bố mẹ, tuyệt đối không đi ra khỏi chỗ, không được nói to, không được phá phách... gây ảnh hưởng đến mọi người. Dạy con các quy tắc "được - cấm - phải" từ sớm để chúng biết việc gì được làm và việc gì không được làm, đặc biệt ở nơi công cộng.

Trẻ nhỏ là cái cây non dễ uốn, càng lớn càng khó dạy dỗ. Khi chúng ta bỏ qua những khoảng thời gian quý giá của tuổi mầm non, các con sẽ gây ra vô số các hệ lụy và kèm theo đó là hình thành những tính cách vô cùng khó chịu. Chúng ta luôn biết xây mới thì dễ, sửa chữa khó hơn nhiều. Vậy vì lý do gì mà chúng ta lại để con hình thành tính cách xấu rồi lo đi sửa chữa? Khi đó hiệu quả giáo dục vừa rất thấp vừa có thể kéo dài khoảng cách của cha mẹ và con cái. Chỉnh sửa những hành vi và tính cách xấu của con sẽ khiến cha mẹ mất kiên nhẫn, khi đó việc đánh mắng sẽ diễn ra. Rõ ràng bỏ qua thời gian tuổi nhỏ của con là chúng ta đã làm khó chính mình và gây hại cho con mình.