Chuyện của nữ bác sĩ ở khoa "không ngủ": Sự sống và cái chết gói gọn trong 2 tiếng "yêu thương"

Văn Tiên, Theo Tổ Quốc 09:01 27/02/2022

20 năm làm nghề, theo đuổi chuyên ngành hồi sức sơ sinh, chưa một ngày nào bác sĩ Thiện cho phép bản thân mình ngơi nghỉ. Có sai lầm, có tiếc nuối và có câu chuyện đã trở thành hồi ức, làm động lực để chắp đôi cánh cho những mầm xanh có cơ hội sống tiếp với cuộc đời.

Từ sợ tiếng khóc trẻ con đến yêu thương vô điều kiện…

14h chiều, tiếng máy thở, bình oxy xen lẫn tiếng bước chân vội vã chốc chốc lại vang lên trong căn phòng của khoa Hồi sức Sơ sinh – BV Nhi đồng 2, TP.HCM.

Bên cạnh mớ dây nhợ chằng chịt, mũi kim tiêm là những thiên thần nhỏ đang nằm ngoan ngoãn trên giường bệnh, cố gắng chạy đua từng phút cùng các y bác sĩ trong cuộc chiến với tử thần. Áp lực khủng khiếp đè nặng lên đôi vai của những nhân viên y tế, khi mà sự sống và cái chết của những đứa trẻ mong manh hơn bao giờ hết.

Nữ trưởng khoa Hồi sức Sơ sinh luôn tất bật với công việc chăm sóc, cứu sống các em nhỏ trước lưỡi hái tử thần

Đưa tay quệt mồ hôi trên trán, BS.CK2 Nguyễn Thanh Thiện – Trưởng khoa Hồi sức Sơ sinh thở phào nhẹ nhõm khi vừa cấp cứu kịp thời cho một em bé qua cơn nguy kịch. Mặc dù đã gắn bó với công việc 20 năm nhưng 24 giờ mỗi ngày với bác sĩ Thiện là một cuộc chiến mới. Chỉ cần sơ sẩy một chút, cái giá phải trả đôi khi là cả tính mạng của một đứa trẻ hay sự dằn vặt suốt cả một đời.

"Ban đầu khi thấy con nít khóc, chị sợ lắm, không có thích đâu, nhưng đến khi chị đi thực tập lâm sàng, thấy các em bé sơ sinh ngủ, nó rất ngoan. Trẻ chỉ khóc khi nào có nhu cầu ăn, vệ sinh chứ không nhõng nhẽo như mình nghĩ. Tiếp xúc hoài với các bé, chị lại thấy bình yên chứ ban đầu chị tính chọn lão khoa rồi. Đặc biệt, giai đoạn sơ sinh cực kỳ quan trọng khi sự phát triển trí não của các bé chiếm 80%, mình chăm sóc các bé trong giai đoạn này tốt nhất thì vô cùng tuyệt vời đối với tương lai. Chị là người thích thử thách, nên mới bén duyên rồi làm luôn ở hồi sức, rồi hồi sức sơ sinh, đến nay cũng gần 20 năm tuổi nghề rồi…", BS. Thiện chia sẻ.

Chuyện của nữ bác sĩ ở khoa không ngủ: Sự sống và cái chết gói gọn trong 2 tiếng yêu thương - Ảnh 2.

20 năm theo đuổi đam mê, niềm vui của BS. Thiện chính là sự khỏe mạnh, hồi phục của các bệnh nhi

Để có thể làm việc trong môi trường đầy áp lực, nhất là giành giật sự sống cho các em bé sơ sinh, BS. Thiện tự lên dây cót tinh thần cho mình cũng như động viên, chia sẻ với các y bác sĩ trong khoa. Chỉ cần có một cơ hội để cứu được em bé, bằng mọi giá BS. Thiện đều không từ bỏ.

"Mỗi lần cứu được những em bé nhỏ, vui lắm nha, chị nhớ có em bé cân nặng chỉ 500gram thôi, khi đó cứ nghĩ bé sẽ không qua khỏi, ba mẹ stress khóc dữ lắm. Nhưng nhờ sự nỗ lực của tất cả mọi người, động viên ba mẹ em bé, giờ thằng nhóc đã 3 tuổi rồi. Nhìn hình hay các clip quay dễ thương của các bé mà ba mẹ gửi, mình càng có thêm động lực, khiến bản thân mình phải cố gắng, cố gắng hơn nữa để làm sao cứu chữa được nhiều em bé nhất có thể", BS. Thiện tâm sự.

Chuyện của nữ bác sĩ ở khoa không ngủ: Sự sống và cái chết gói gọn trong 2 tiếng yêu thương - Ảnh 3.

Sự dễ thương của các bệnh nhi là động lực để BS. Thiện cố gắng giành giật sự sống cho từng em

Dám làm, dám chịu, dám xông pha

Mặc dù là một trong những khoa non trẻ tại BV Nhi Đồng 2 nhưng Hồi sức sơ sinh là chốt chặn cuối cùng để giúp những em bé sơ sinh nguy kịch có cơ hội sống tiếp.

Trong môi trường đầy sự khắc nghiệt, dù có nhiều kinh nghiệm, bản lĩnh nhưng cũng không ít lần BS. Nguyễn Thanh Thiện phải tiếc nuối, tự dằn vặt chính bản thân mình vì "chưa đủ giỏi, chưa đủ bản lĩnh" để cứu các em.

"Hồi trước có một em bé sinh non bên Từ Dũ chuyển qua, ai cũng nghĩ em bé sẽ mất vì khi đó em bé tím tái, nguy kịch. Dù các y bác sĩ cũng nỗ lực để cứu em qua giai đoạn nặng, tuy nhiên em bé bị tắc mạch, nghẽn mạch máu, phải cắt bỏ một phần cánh tay, sau đó bé ăn uống lại không được…, mà tình trạng này kéo dài thì nguy cơ sẽ tử vong. Lúc đó gia đình có liên hệ được với bệnh viện bên Singapore nhưng các y bác sĩ vẫn nghĩ khó có thể cứu em bé đó. Nhưng khi qua bên đó điều trị 4 tháng, tốn kém khá nhiều, em bé khỏe mạnh về với gia đình… điều đó làm cho chị trăn trở. Bởi lúc đó chị đã nghĩ sẽ buông tay em bé rồi nhưng tại sao họ lại làm được, nó buộc chị phải suy nghĩ, tìm tòi để làm sao phải cố gắng hoàn thiện bản thân, cứu chữa cho các bé", BS. Nguyễn Thanh Thiện nói.

Chuyện của nữ bác sĩ ở khoa không ngủ: Sự sống và cái chết gói gọn trong 2 tiếng yêu thương - Ảnh 4.

Sự trăn trở của nữ bác sĩ yêu nghề, hết lòng vì con trẻ

Với nhiều người rất sợ khi nhắc đến sai lầm nhưng với BS. Nguyễn Thanh Thiện thì không. Đối với BS. Thiện, bệnh nhân là người thầy, có những thứ sách vở, trường lớp không dạy được, khi điều trị cho bệnh nhân là cơ hội để bác sĩ học hỏi để hoàn thiện mình.

"Chị có một câu chuyện buồn, dù nó đã qua khá lâu rồi nhưng khiến chị vẫn day dứt khi nhắc lại. Bệnh nhi khi đã tím tái, ngưng thở thì được chuyển vô hồi sức để thở oxy, phải đặt ống trợ thở.

Lúc đó chị và một bác sĩ khác không có cách nào đặt, xử lý được ca em bé… Nửa tiếng sau em bé thiếu oxy nặng rồi mất. Chị bị tâm lý suốt một tháng trời, không đặt nội khí quản được dù trước đó chị rất thành thạo chuyện này. Dù nguyên nhân dẫn đến việc em bé mất, nó không phải lỗi của chị, nhưng mình cứ trách mình sao không đủ giỏi để cứu con…", BS. Thiện xúc động.

Công việc áp lực tại khoa Hồi sức Sơ sinh khi xung quanh các bé toàn máy thở, ống kim tiêm

Chuyện của nữ bác sĩ ở khoa không ngủ: Sự sống và cái chết gói gọn trong 2 tiếng yêu thương - Ảnh 6.

BS. Thiện tỉ mỉ xử lý từng công việc, từ tâm sự, chia sẻ với gia đình bệnh nhi đến quản lý, hỗ trợ đồng nghiệp

Ngoài mặt chuyên môn, chịu được áp lực, để có thể bám trụ và cống hiến hết mình cho khoa Hồi sức sơ sinh, các y bác sĩ cần phải có sự tỉ mỉ, kiên trì, đặc biệt là tình yêu thương vô điều kiện với trẻ nhỏ.

"Chị luôn dặn các em đồng nghiệp phải coi những em bé ở đây như con của mình. Mình phải đặt mình vô tâm thế của những thân nhân ở đây để mình biết họ nghĩ thế nào, phải mở lòng và lắng nghe họ. Nếu mình không có thời gian để dành cho người ta thì làm sao hiểu được người ta và làm sao người ta hiểu được mình", BS. Thiện nói.

Với tính chất đặc thù của khoa Hồi sức Sơ sinh, chi phí để các bé nằm tại khoa thường rất lớn, có nhiều khoản bảo hiểm không thể chi trả khiến BS. Thiện cùng các y bác sĩ tại khoa phải cân đo, đong đếm rất nhiều.

Chuyện của nữ bác sĩ ở khoa không ngủ: Sự sống và cái chết gói gọn trong 2 tiếng yêu thương - Ảnh 7.

Hình ảnh một em bé nằm ngoan ngoãn ngủ trong phòng Hồi sức

"Mỗi lần chị làm gì đều đắn đo nếu tốn kém chi phí của gia đình, nhưng nghĩ lại tuy tiền bạc là một rào cản nhưng sinh mệnh một người là vô giá. Nếu người nhà không có khả năng chi trả thì mình phải kiếm các nguồn làm sao để có thể cứu em bé, không có tiền thì mình xin tiền lo cho bé, không có sữa thì xin sữa, không có tã thì xin tã…, mọi thứ đặt tính mạng em bé lên trên hết, chăm sóc hết mức cho các con, làm cái gì đều không ngại khó. Ở đây mình gọi là liều, dám làm, vì nếu mình hổng làm thì em bé sẽ mất… Tụi chị chỉ biết cố gắng hết mức để làm sao không bỏ một em bé nào dù chỉ còn một tia hi vọng sống", BS. Thiện trải lòng.

Dù luôn mở lòng để đón nhận tất cả, chia sẻ khó khăn cùng với gia đình bệnh nhân nhưng nhiều lúc, BS. Thiện cùng đồng nghiệp gặp phải những câu chuyện buồn lòng.

"Có những nhà có con nặng, họ đòi về, mình thuyết phục ở lại tiếp tục điều trị thì họ nói: "Bác sĩ có đảm bảo bác sĩ cứu con tôi sống không. Bác sĩ nếu không làm được điều đó tui vô đây tui xử từng người".

Những tin nhắn phản hồi, những câu chuyện dễ thương... là động lực để BS. Thiện cùng mọi người cùng nhau cố gắng cứu sống nhiều em nhỏ hơn nữa

Rồi có nhiều ba mẹ vô trách nhiệm, đưa con vô đây rồi để hết cho mình chăm sóc. Đến lúc em bé khỏe chuyển ra khoa ngoài (bên ngoài thì đâu có nhân viên chăm sóc như trong này) thì lúc đó họ quay ngược lại la mắng mình, hỏi tại sao chuyển con họ ra để họ phải chăm sóc? Nhưng trái lại, cũng có rất nhiều người họ dễ thương. Chị luôn nghĩ nếu muốn được người khác đối xử với mình như thế nào thì mình hãy đối xử với người khác như vậy", BS. Thiện bộc bạch.

Có lẽ trong suốt 20 năm đồng hành và gắn bó với bệnh nhi sơ sinh, đối mặt với muôn vàn áp lực từ mọi phía, động lực lớn nhất mà BS. Nguyễn Thanh Thiện có được là nhìn thấy những em bé khỏe mạnh, hồi sinh từ phòng hồi sức. Tất cả sự sống và cái chết đều gói gọn trong 2 chữ "yêu thương".

Chuyện của nữ bác sĩ ở khoa không ngủ: Sự sống và cái chết gói gọn trong 2 tiếng yêu thương - Ảnh 9.

20 năm gắn bó với công việc yêu trẻ và chăm trẻ, điều BS. Nguyễn Thanh Thiện - Trưởng khoa Hồi sức Sơ Sinh, BV Nhi đồng 2, TP.HCM mong muốn chính là sự bình an, khỏe mạnh của tất cả bệnh nhi, nhất là đất nước ta vừa trải qua giai đoạn đau thương nhất của đại dịch Covid-19.

BS.CK2 Bùi Hải Trung: Người hồi sinh các thiên thần nhỏ từ cõi chết

Sau ca ghép gan tự chủ đầu tiên diễn ra đầu tháng 12/2021, tính đến nay BS. Bùi Hải Trung cùng các đồng nghiệp đã thực hiện thành công 3 ca phẫu thuật, mở ra một hành trình mới cho các em nhỏ cần ghép gan tại Việt Nam.

So với trước đây, ngày 27/2 năm nay với BS. CK2 Bùi Hải Trung - Khoa Gan - Mật - Tụy, BV Nhi đồng 2, TP.HCM trở nên đặc biệt hơn. Dù đã có thời gian dài theo đuổi chuyên ngành Ngoại Nhi và Ghép Gan Nhi, trải qua thời gian học tập, rèn luyện ở nước ngoài nhưng phải đến đầu tháng 12/2021, BS. Trung cùng với Ê-kíp mới có thể thực hiện thành công ca ghép gan 100% "made in Việt Nam" cho Gia Hân - đứa trẻ 7 tuổi tại huyện Nhà Bè.

Chuyện của nữ bác sĩ ở khoa không ngủ: Sự sống và cái chết gói gọn trong 2 tiếng yêu thương - Ảnh 10.

BS. Bùi Hải Trung trải lòng về sự cấp thiết của việc ghép gan trước nhu cầu quá lớn từ những đứa trẻ

Theo BS. Trung, dù cho trẻ em teo đường mật, xơ gan giai đoạn cuối có chỉ định ghép gan hiện nay ở phía Nam khoảng 200 em nhưng tính từ năm 2005 đến trước ca phẫu thuật tự chủ đầu tiên, BV Nhi đồng 2 chỉ mới thực hiện được 13 ca do khi muốn thực hiện cần phải có sự hỗ trợ của các giáo sư nước ngoài.

Nhìn sự sống của những đứa nhỏ phải chờ đợi vào giáo sư đã thôi thúc BS. Trung cùng Ê-kíp tìm tòi, quyết tâm đẩy mạnh chương trình ghép gan cho trẻ em, nhất là trong khoảng thời gian dịch Covid-19 bùng phát, các giáo sư nước ngoài không thể qua khiến nhiều em nhỏ đã mãi mãi ra đi.

Ngày 1/12/2021, sau hơn 12 giờ trong phòng mổ, ca phẫu thuật ghép gan cho Gia Hân từ một phần lá gan của người cha thành công đã mở ra một hành trình mới cho đứa trẻ 7 tuổi. Đồng thời đánh dấu sự tự chủ trong việc ghép gan ở khu vực phía Nam, không cần sự hỗ trợ từ Ê-kíp nước ngoài.

Ca phẫu thuật tự chủ đầu tiên của BS. Trung cùng Ê-kíp y bác sĩ tại BV Nhi đồng 2 đã mở ra một hành trình mới cho những đứa trẻ chờ ghép gan

Chuyện của nữ bác sĩ ở khoa không ngủ: Sự sống và cái chết gói gọn trong 2 tiếng yêu thương - Ảnh 12.

Gia Hân - cô bé 7 tuổi hoàn toàn khỏe mạnh sau ca ghép gan đầu tháng 12/2021

Nhớ lại giây phút ca phẫu thuật được thành công, BS. Trung xúc động: "Nó rất là sung sướng, thoải mái khi mình đạt được cái mốc rất quan trọng cho cả BV và bản thân. Nhi đồng 2 là BV nhi duy nhất ở phía Nam có chương trình ghép gan, nếu các bé suy gan giai đoạn cuối mà không ghép thì sẽ không qua khỏi. Vì vậy, mỗi lần chọn lựa 1 ca ghép gan, các bác sĩ phải hội chẩn nhiều lần với đầy đủ các thành viên trong Hội đồng Ghép Tạng và các giáo sư nước ngoài. Khi nhìn thấy những bé không được ghép gan rồi từ từ mất, mình không làm được gì, nó rất đau lòng".

Theo BS. Trung, mặc dù đã tự chủ được việc ghép gan nhưng với số lượng các em bé chờ ghép gan lớn, trong khi đó mỗi năm BV Nhi đồng 2 chỉ có thể thực hiện khoảng hơn 12 ca ghép cũng là điều khiến BS. Trung trăn trở.

"Chi phí cho mỗi ca ghép gan sẽ dao động từ 400-500 triệu, nhiều gia đình không gồng gánh nổi chi phí như vậy. Hơn nữa, việc kết hợp với một bệnh viện khác để phẫu thuật lấy gan từ người lớn cũng là một trở ngại. Chưa kể đến nguồn nhân lực và cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu để thực hiện nhiều ca ghép…", BS. Trung chia sẻ.

Chuyện của nữ bác sĩ ở khoa không ngủ: Sự sống và cái chết gói gọn trong 2 tiếng yêu thương - Ảnh 13.

BS. Trung mong rằng việc ghép gan sẽ ngày càng phát triển và nhân rộng để có thêm nhiều em nhỏ được cứu sống

Để thực hiện một ca ghép gan rất phức tạp và gặp không ít khó khăn nhưng với BS. Trung, chỉ cần nhìn thấy một em bé được cứu sống, hồi sinh từ cõi chết đã là điều may mắn, hạnh phúc nhất mà BS. Trung mong muốn có được.

Hơn 10 năm theo đuổi, hết mình cho việc ghép gan, BS. Trung hi vọng ngày càng có thêm nhiều cầu nối để các em bé xơ gan giai đoạn cuối có cơ hội được thực hiện ghép gan, viết tiếp ước mơ của mình. Và nếu được, một quỹ riêng dành cho trẻ ghép gan ra đời sẽ mở ra một hành trình trọn vẹn hơn cho những em bé không may mắn mang trong mình căn bệnh "tử thần".

"Anh mong chương trình Ghép gan ngày càng được đẩy mạnh , các em bé khó khăn tài chính sẽ được hỗ trợ nhiều hơn từ cộng đồng, số lượng ca ghép gan đáp ứng nhu cầu để không bỏ sót hay dập tắt bất cứ một hi vọng sống nào của những đứa trẻ kém may mắn", BS. Bùi Hải Trung trải lòng.

Chuyện của nữ bác sĩ ở khoa không ngủ: Sự sống và cái chết gói gọn trong 2 tiếng yêu thương - Ảnh 14.

Có lẽ với BS. Trung, ngày 27/2 năm nay sẽ là ngày đặc biệt nhất đối với BS, bởi hành trình dành cho những trẻ em xơ gan, teo đường mật giai đoạn cuối đã có thêm ánh sáng và niềm tin

https://kenh14.vn/chuyen-cua-nu-bac-si-o-khoa-khong-ngu-su-song-va-cai-chet-goi-gon-trong-2-tieng-yeu-thuong-20220226233146837.chn