Ta không nhất thiết phải chờ đợi nỗi đau liền sẹo thì mới là gọi là vượt qua. Đôi khi, để vượt qua, ta phải tự thu xếp cho cuộc sống và tinh thần của mình trở lại.
    Chúng ta rồi sẽ ổn thôi - Không phải là chấm dứt hết nỗi đau, mà là tạm cho mình bình yên sau những giông bão - Ảnh 1.

    “Chúng ta rồi sẽ ổn thôi" - Đó là câu an ủi người ta thường nói nhiều nhất khi chia tay. Đôi khi, đó còn là câu ta tự an ủi chính mình.

    Trang, 30 tuổi, vừa kiệt quệ bước ra sau một tình yêu thất bại và nhiều căng thẳng. Trong suốt nhiều tuần, người ta chỉ thấy cô đi đi về về như một cái bóng. Gương mặt giống như thể niềm vui đã tắt, luôn luôn chỉ ghé những quán rượu sau giờ làm việc. 

Nỗi đau đến một cách bất khả kháng. Dù biết mình đang ở trong một giai đoạn kinh khủng và tồi tệ nhất của cuộc đời, Trang cũng chẳng cách nào cố gắng để vực dậy nổi. Mọi lời khuyên trở nên vô ích. Trái tim cứ hành hạ con người theo cách mà nó muốn. Chẳng một ai hay một lời nói nào có thể giúp nỗi đau vơi bớt, thậm chí còn khiến người ta cảm thấy khó chịu.

Chúng ta rồi sẽ ổn thôi - Không phải là chấm dứt hết nỗi đau, mà là tạm cho mình bình yên sau những giông bão - Ảnh 2.

Ai đó nói với Trang: “Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi.” Cô mỉm cười gượng gạo. Chính người nói ra cũng tự cảm thấy câu nói đó trở nên thừa thãi.

Sau khi tổn thương, dù mạnh mẽ cách mấy, người ta cũng phải hứng chịu những dư chấn nặng nề. Thế nhưng, đúng là chúng ta rồi sẽ ổn thật. Tôi nghĩ vậy. Đến một giai đoạn nào đó của nỗi buồn, ta sẽ phải chạm đáy và tìm cách ngoi lên mặt nước. Trong chính cái khoảnh khắc ta chạm đáy và sực tỉnh ấy, cũng sẽ chính là cái khoảnh khắc ta hiểu ra mình không thể bị chết đuối, để mà vượt lên đi tìm bình yên cho chính mình.

Chúng ta rồi sẽ ổn thôi - Không phải là chấm dứt hết nỗi đau, mà là tạm cho mình bình yên sau những giông bão - Ảnh 3.

 “Ổn" là một từ dễ khiến cho người ta cảm thấy nhầm lẫn.

Thoạt đầu, “ổn” nghe giống như mọi sóng gió đã qua rồi, những nỗi buồn đã ở lại đằng sau, mình đã thật sự vượt qua được cái tình huống buồn bã này rồi.

Ngồi nghĩ lại, “ổn" lại là một trạng thái gì đấy rất bấp bênh. Người ta thường nói “ổn” khi vừa trải qua một quãng thời gian nhiều khó khăn của bản thân. Lấy lại thăng bằng, có thể bắt đầu bước tiếp trên con đường trước mặt.

Thế nhưng, “ổn" không phải là chấm dứt hết những nỗi đau. “Ổn” là tạm cất những gì buồn bã nhất, giấu đi khoảng thời gian mệt mỏi, kìm nén những cảm xúc đau buồn lại … để bản thân không bị đắm chìm trong những nỗi xót xa ấy, mà cứ lùi dần về đằng sau.

“Ổn" - tưởng nghe là lạc quan, hoá ra lại có nghĩa là “giấu đi một nỗi buồn", là tạm cho mình bình yên sau những sóng gió.

Chúng ta rồi sẽ ổn thôi - Không phải là chấm dứt hết nỗi đau, mà là tạm cho mình bình yên sau những giông bão - Ảnh 4.
Chúng ta rồi sẽ ổn thôi - Không phải là chấm dứt hết nỗi đau, mà là tạm cho mình bình yên sau những giông bão - Ảnh 5.

Đến một ngày nọ, Trang quyết định dọn dẹp lại cuộc sống. Mỉm cười nhiều hơn, ăn những món ăn ngon, lên kế hoạch mới cho tương lai. Chủ động gặp gỡ nhiều bạn bè.

“Tao ổn". Trang nói trong buổi gặp đầu tiên khi quay lại.

Bạn bè hỏi: “Mày đã vượt qua chuyện đó như thế nào?”

“Tao nghĩ mình xứng đáng có một cuộc sống tốt hơn". Cô nói. “Tao vẫn buồn lắm chứ. Nghĩ đến, vẫn thấy đau ở lồng ngực. Cảm giác chưa hề vơi bớt đi. Thế nhưng, tao nghĩ rằng mình cần phải sống tiếp. Nếu cứ đắm chìm trong nỗi đau thì được gì? Tao cần bước ra ngoài, cần tìm lại bản thân mình, cần phải sống, cần được bình yên. Bởi vì sau những nỗi buồn, sau những chuỗi ngày mệt mỏi như thế, tao thấy mình xứng đáng được bình yên. Thế nên, tao phải cố đi tìm bình yên cho mình".

“Tao ổn, nhưng chỉ là ổn thôi. Không phải đã hết sạch nỗi buồn hay sẵn sàng hoàn toàn cho một tình yêu mới. Nỗi buồn vẫn ở đây, tao chỉ cất nó sang một bên để sống. Bởi ta đều xứng đáng có một cuộc sống tốt hơn sau mỗi nỗi đau”.

Chúng ta rồi sẽ ổn thôi - Không phải là chấm dứt hết nỗi đau, mà là tạm cho mình bình yên sau những giông bão - Ảnh 6.

Thoạt nghe thì có vẻ dễ, nhưng có điều gì mà chẳng đánh đổi bằng khó khăn. Trang vẫn thấy xót xa khi nghĩ lại những gì mình trải qua. Nhưng mãi nhấn chìm mình trong nỗi đau thì được gì, cứ chờ đợi nó tự vơi bớt thì lại thêm một ngày trăn trở. Mạnh mẽ có nghĩa là cất đi những nỗi buồn ấy để bước đi, để tìm ra một con người mới cho mình, để lớn lên, để học cách yêu khác đi những lần kế tiếp. Tại sao chúng ta cứ kéo dài nỗi đau của bản thân một cách khổ hạnh. Cả một chuỗi ngày mệt nhoài về tinh thần, về ý chí, về cảm xúc, tại sao ta cứ cố bấu víu vào những buồn bã ấy chỉ vì ta nghĩ rằng trái tim mình chưa hồi phục, nỗi buồn chưa chịu ra đi?

Ta không nhất thiết phải chờ đợi nỗi đau liền sẹo thì mới gọi là vượt qua. Đôi khi, để vượt qua, ta phải tự thu xếp cho cuộc sống và tinh thần của mình trở lại. Để ít nhất, ta “ổn". “Ổn” với bản thân mình, “ổn" để tĩnh tâm nhìn nhận lại những vấn đề ta gặp phải, “ổn” để bình yên mà bước đi.

Chúng ta rồi sẽ ổn thôi - Không phải là chấm dứt hết nỗi đau, mà là tạm cho mình bình yên sau những giông bão - Ảnh 7.

Tôi từng đọc trong cuốn Ăn, cầu nguyện, yêu của Elizabeth Gilbert - vốn đã quá nổi tiếng rồi. Trong giây phút tuyệt vọng nhất của cuộc hôn nhân không lối thoát, nữ tác giả đã trốn vào phòng tắm của mình, gục xuống sàn, trút hết nỗi thống khổ qua nước mắt và những tiếng khóc. Thế rồi, trong một khoảnh khắc, một tiếng nói vang lên trong đầu cô: “Hãy đi ngủ đi".

Những đoạn sau, cô nói rằng trong chính khoảnh khắc đấy - cuộc đời của cô đã lật sang trang mới, đã được thắp sáng. Trong chính khoảnh khắc đấy, một cuộc đối thoại với bản thân đã diễn ra, đã khiến cô bừng tỉnh khỏi trạng thái chạm đáy của những gì tồi tệ nhất. Đêm hôm ấy, cô đi ngủ lại, như một dấu hiệu đầu tiên của việc phục hồi. Và những gì sau đấy, là một tinh thần đã sẵn sàng đặt nỗi đau sang một bên, để trái tim có thể hàn gắn, và là khởi đầu của một hành trình để thật sự vượt qua thất bại đớn đau đầu tiên trong hôn nhân.

Sau mỗi cuộc chia tay, sau mỗi biến cố, chúng ta thường có thói quen tự nhấn chìm mình trong những nỗi đau. Oán trách, khóc lóc, thẫn thờ về những điều đã qua là những cảm xúc bình thường. Nỗi đau đến mà ta không làm cách nào để tránh xa, ta buộc phải chấp nhận chặng đường xót xa ấy của bản thân mình như một lẽ dĩ nhiên của cuộc sống.

Nhưng nỗi đau đến cũng là để ta trưởng thành hơn. Ta nhận ra mình không thể là đứa trẻ, cứ mãi chạy theo những cảm xúc tiêu cực và ủ dột, để rồi bỏ lỡ một cơ hội để sống tiếp. Trải qua nỗi đau là những trải nghiệm thay đổi cuộc sống, thay đổi góc nhìn, thay đổi suy nghĩ của riêng bản thân mỗi người.

Nỗi đau là để ta lớn lên, để ta học cách gạt bỏ những thứ không thuận trong cuộc đời sang một bên và cố gắng để sống hạnh phúc với những gì ta đang có.

Nỗi đau - cũng là cái để ta biết yêu bản thân mình hơn. Để ta thấy rằng mình thật sự xứng đáng một cuộc đời tươi đẹp hơn, thật sự cần được yêu thương, cần được mỉm cười hạnh phúc.

Trang cuối cùng cũng đã vượt qua nỗi đau của cuộc chia tay, một cách thật sự, và trọn vẹn. Những ngày tháng đau khổ giúp cô nhìn thấy mình đã sai thế nào trong mối quan hệ cũ, giúp cô nhận ra những điều mình cần thay đổi, giúp cô biết rõ mình cần một cuộc sống như thế nào, một người mới ra sao. Mỗi ngày, Trang đều cố gắng sống vui vẻ và làm những điều mình thích, cô đã mạnh mẽ hơn, và sẵn sàng để viết tiếp câu chuyện của mình.

Sau những giông bão, cuối cùng Trang cũng mỉm cười và nói: “Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Nếu chưa ổn, thì nó vẫn chưa phải là kết thúc".

Chúng ta rồi sẽ ổn thôi - Không phải là chấm dứt hết nỗi đau, mà là tạm cho mình bình yên sau những giông bão - Ảnh 8.
Phạm Quang Minh
Tất Sỹ
Jordy
Theo Trí Thức Trẻ14/07/2019