Choáng với hàng loạt vụ nữ sinh đánh nhau: Làm sao để tự "cứu mình"?

Đỗ Hợp, Theo Tiền phong 16:10 27/10/2022

Vài ngày gần đây, hàng loạt vụ nữ sinh bị đánh, tát tới tấp. Trong khi đó, nhiều nữ sinh khác đứng xung quanh không can ngăn, thậm chí còn hô hào, cười đùa khi chứng kiến cảnh nữ sinh bị đánh tàn bạo như vậy.

2 ngày 3 trận, bị đánh tới tấp đến ngất xỉu

Sáng 26/10, ông Hoàng Ngọc Thanh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Thông Thụ thông tin vụ việc đánh nhau xảy ra vào tối ngày 23/10 tại cầu Nậm Piệt, bản Lốc, xã Thông Thụ (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An).

Một đoạn clip ghi lại cảnh một nhóm nữ sinh đánh bạn ngoài đường, giữa đêm tối, khi được đăng tải lên mạng xã hội đã gây xôn xao dư luận. Mâu thuẫn ban đầu là do các nữ sinh cãi nhau trên mạng xã hội.

Theo như đoạn clip, một nhóm nữ sinh khoảng 3 - 4 người liên tiếp dùng tay túm tóc, tát, đánh liên tiếp vào mặt một nữ sinh khác. Nạn nhân lúc đó chỉ biết van xin nhưng vẫn tiếp tục bị đánh. Trong khi đó, nhiều nữ sinh khác đứng xung quanh không can ngăn, thậm chí còn hô hào, cười đùa khi chứng kiến cảnh nữ sinh bị đánh, tát tới tấp.

Được biết, nạn nhân bị đánh trong đoạn clip nói trên là nữ sinh lớp 7, đang học tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Thông Thụ (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An).

Choáng với hàng loạt vụ nữ sinh đánh nhau: Làm sao để tự cứu mình? - Ảnh 1.
Choáng với hàng loạt vụ nữ sinh đánh nhau: Làm sao để tự cứu mình? - Ảnh 2.

Sáng 25/10, một lãnh đạo Trường THCS Nguyễn Du (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) xác nhận có việc nhóm nữ sinh của trường đánh hội đồng một nữ sinh khác. Những người đánh và bị đánh đều là học sinh lớp 9 của trường. Sự việc xảy ra vào ngày 24/10, bên ngoài nhà trường.

Trước đó, đoạn clip dài hơn 1 phút ghi lại cảnh một nữ học sinh mặc quần xanh áo trắng, đeo khăn quàng, trên vai còn mang chiếc cặp đã bị một nhóm nữ nữ sinh khác dùng mũ bảo hiểm đánh tới tấp vào đầu.

Tiếp đó, một nữ sinh khác cũng lao lại nắm tóc, dùng tay đánh nhiều cái vào đầu nạn nhân. Khi nữ sinh bị đánh đang đứng cột lại tóc thì 2 người nữ tiếp tục dùng mũ bảo hiểm ném, đánh nhiều cái vào đầu, người nạn nhân. Một nữ sinh khác tiếp tục nhặt mũ bảo hiểm dưới đất lên ném vào nạn nhân rồi nhảy chân sáo trước.

Cũng trong ngày 25/10, nữ sinh L. (lớp 7C, trường THCS K’Đơn, Lâm Đồng) nhập viện lúc 7h ngày 24/10 trong tình trạng bị choáng, chấn thương vùng đầu, mặt; mắt phải bị phù nề, trên đầu có vết rách.

Theo lời kể của nạn nhân, đêm 23/10, khi đang ăn tối tại nhà thờ K’Đơn, em bị N.H (lớp 7A cùng trường), chị gái của N.H là Huyền (lớp 10 trường THPT P’Ró), L.H.T.Tr (lớp 10 Trung cấp Nghề Đơn Dương) và một số học sinh khác gọi ra góc khuất đánh hội đồng bằng tay, chân và mũ bảo hiểm.

Một vài bạn đi cùng muốn can ngăn nhưng nam sinh tên là X.T (ngụ xã Tu Tra, Đơn Dương) cầm dao đe dọa “đứa nào vào can tao giết”.

Tiếp đó, L. bị lôi ra sân bóng và bị nhóm học sinh lớp 10 đánh tới tấp đến ngất xỉu. Chỉ khi có người lớn phát hiện, chạy tới can ngăn, nhóm học sinh có hành vi đánh người mới bỏ đi. Đến khoảng 20h30 cùng ngày, L. được bạn đưa về nhà trong tình trạng tinh thần hoảng loạn, lên giường trùm kín mền, không dám kể lại chuyện bị hành hung với cha mẹ.

Trước đó, ngày 22/10, do mâu thuẫn, một nhóm nữ sinh THCS ở Quảng Ngãi đã chặn đường, đánh bạn cùng trường dã man.

Làm sao để nữ sinh có khả năng ứng phó?

Theo TS Vũ Thu Hương, nhà nghiên cứu giáo dục độc lập cho rằng, học sinh đánh nhau, quay lại rồi tung lên mạng xã hội thể hiện lỗ hổng về kỹ năng sống như thiếu kỹ năng ứng phó, giải quyết các tình huống.

Bà Hương cho rằng, những hậu quả của những vụ bạo lực này quá khủng khiếp nhưng mọi người chỉ nhìn nhận từng vấn đề rất nhỏ. Các hậu quả chỉ đương nhìn nhận dưới dạng của "nhà người ta sẽ bị" chứ không bao giờ xảy ra ở gia đình, bản thân mình.

“Vì vậy, gia đình và nhà trường cần phối hợp chặt chẽ hơn trong việc giáo dục ý thức cho học sinh. Trong đó nhấn mạnh kiến thức và những quy định của luật pháp liên quan đến hành vi xâm phạm thân thể, làm nhục người khác”- bà Hương nhấn mạnh.

Để có giảm thiểu những vụ bạo lực học đường như trên, bà Hương cho rằng, trước mắt, nhà trường phải có các phòng tâm lý học đường, đủ sức phát hiện ra các vụ việc dưới dạng nguy cơ. Từ đó, họ sẽ có các kế hoạch giải quyết mâu thuẫn và kết nối bạn bè để các vụ việc không trở thành nghiêm trọng.

Ngoài ra, giáo dục cách sống hòa đồng cũng là 1 nội dung cần có trong nhà trường.

Gần đây, nhiều cuộc đánh nhau của nữ sinh là do mâu thuẫn trên mạng xã hội. "Tôi cho rằng mạng ảo Việt Nam tiến quá nhanh so với sự phát triển xã hội thực. Các kiến thức và kĩ năng sử dụng mạng xã hội chưa được đào tạo tới từng đứa trẻ thì trên tay các con đã có những thiết bị đăng nhập mạng"- bà Hương nói.

Chính vì thế, khi các vụ việc xảy ra, mọi người chỉ có cảm giác bất lực. Cuộc sống diễn ra với xã hội thực tế chứ không trên mạng ảo. Bên cạnh việc cho con đến trường, cha mẹ cần phải dành nhiều thời gian rèn luyện kĩ năng và trau dồi đạo đức để con tham gia tốt trong xã hội thực.

“Khi đó, các con sẽ có đầy đủ để đối phó với những hậu quả trên không gian ảo”- bà Hương nhấn mạnh.

Cần có sự thay đổi trong giáo dục

Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà cho rằng, học sinh khi bị bắt nạt hay bị đánh mà không có khả năng phòng vệ thì bản thân các em có vấn đề tâm lý lo lắng và sợ hãi. Sự lo lắng và sợ hãi khiến cho các bạn hiện tại cũng như về sau bị ám ảnh. Sau này, các em sẽ không có khả năng tự bảo vệ bản thân nữa.

Điều này bắt nguồn sâu xa từ trong giáo dục. Trong giáo dục của bố mẹ, nhà trường mà không lắng nghe quan điểm của con trẻ mà thường có yêu cầu hay áp đặt thì việc bày tỏ hay phản kháng của một đứa trẻ rất khó khăn. Trẻ thường làm theo hoặc không có cơ chế phòng vệ hay phản ứng lại với những điều có thể làm tổn hại tinh thần của các con. Vì vậy, trong những trường hợp như thế diễn biến tâm lý như chịu đựng, ám ảnh kéo dài suốt cuộc đời của các em.

Cũng có cách khác, ám ảnh đấy làm cho các em thấy yếu đuối hơn và không có cơ chế giải quyết vấn đề tốt hơn.

Vì thế, chúng ta cần có một số vấn đề để hỗ trợ các em giải quyết vấn đề.

Thứ nhất , trong giáo dục cần phải có sự thay đổi trong giáo dục như cần sự lắng nghe, khuyến khích sự chia sẻ và trả lời từ phía học sinh cũng như con trẻ.

Thứ hai , chúng ta phải nói cho con trẻ những nguy cơ cũng như ảnh hưởng sức khỏe về thể chất cũng như sức khỏe về tinh thần. Dạy trẻ biết cách trong hoàn cảnh đấy các con trẻ phải biết nói lại, trao đổi, chia sẻ với người lớn hơn để đồng hành cùng giải quyết.

Thứ ba, dạy cho các em kĩ năng sống để các em có cách giải quyết, hướng tới tự bảo vệ mình. Tuy nhiên, với các kĩ năng sống này ngoài thực hiện thường xuyên thì hướng tới sự chủ động học tập vì kĩ năng sống nhiều trong cuộc sống, qua mạng internet nhưng tự chủ động học để trở thành người sống có trách nhiệm, độc lập thì mới có thể giải quyết tới những việc xung quanh xảy ra với chúng ta. Việc bạo hành về thể chất, tinh thần thường để lại "di chứng" suốt cuộc đời.

Đỗ Hợp (ghi)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày