Chờ lương cao mới tiết kiệm thì bao giờ giàu?

Tô Diệp - Thiết kế: Huyền Trang, Theo Phụ nữ Việt Nam 14:31 16/02/2023

Nhiều người chủ động tiết kiệm, siết chặt chi tiêu trong thời buổi khó khăn.

Tiết kiệm tiền yêu cầu rất nhiều trong tính kỷ luật của mỗi người. Việc kiểm soát chi tiêu rất khó nhưng ''vung tay'' tiêu nhiều hơn kế hoạch ban đầu thì rất dễ. Do vậy, để luôn luôn tiết kiệm quá nửa thu nhập luôn là mục tiêu của nhiều người trẻ.

Tiết kiệm 50% lương từ ngày bắt đầu đi làm

Quốc Khánh (1999, Hà Nội) cho biết thời gian đầu đi làm 8 tiếng/ngày, cậu bạn thường xuyên phải uống cà phê để duy trì hiệu suất làm việc. Tiền uống cà phê mỗi tháng đôi lúc còn nhiều hơn cả tiền phụ cấp nhận được. ''Thỉnh thoảng cũng vác máy tính ra quán nước làm việc. Một buổi cũng tiêu tốn cả trăm nghìn mà chưa chắc đã thu được ích lợi gì. Cả việc mua sắm theo trend hay do đồng nghiệp giới thiệu. Mang tiếng đi làm văn phòng nhưng nhiều khi chi tiêu còn hơn cả tiền lương nhận được''.

Để kiểm soát chi tiêu cũng như học cách sống tối giản, Quốc Khánh đã quyết định chọn uống 1 ly nước chanh tươi vào buổi sáng để tỉnh táo hơn, làm việc có giờ giấc, chăm tập thể dục, học cách ăn uống lành mạnh. Việc này giúp tối giản chi tiêu hàng hàng. Có những ngày, Quốc Khánh theo dõi sát sao chi tiêu cũng chỉ hết 70 nghìn, không tính tiền nhà hay chi phí cố định. Nó bao gồm cốc smoothie đầy đủ chất dinh dưỡng chỉ tốn khoảng 20 nghìn tự làm ở nhà; 1 bữa ăn trưa tự tay chuẩn bị khoảng 30 nghìn, buổi tối thường sẽ ăn nhẹ bằng rau củ quả và sinh tố để nhẹ bụng khoảng 20 nghìn.

''Rau củ do bố mẹ gửi lên, vì mình muốn ăn rau sạch, không có chất kích thích, cũng tiết kiệm được một khoản khá. Còn những chi phí như tiền nhà, tiền điện, Internet, tiền phòng tập, các chi phí phát sinh nằm ở phần chi tiêu cố định. Tháng nào cũng sẽ tốn khoảng 1/3 tiền lương", Quốc Khánh chia sẻ.

Chờ lương cao mới tiết kiệm thì bao giờ giàu? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ (Pinterest)

Đối với nhiều người việc tiết kiệm hơn nửa lương sẽ phụ thuộc vào số tiền nhận được hàng tháng. Tức là chỉ khi thu nhập 20-30 triệu mới có khả năng tiết kiệm được nhiều như vậy. Tuy nhiên, Hoa Phạm (36 tuổi, kinh doanh tự do) không cho là vậy. Với cô, việc dành bao nhiêu phần trăm thu nhập cho tiết kiệm phụ thuộc vào mức độ chi tiêu của mỗi cá nhân, không phụ thuộc nhiều vào mức thu nhập. Lương 5-10 triệu vẫn có thể tiết kiệm được 1/2 nếu biết cách lên kế hoạch cụ thể, chi tiết và thực hiện đúng các "cam kết" với chính mình.

Đối với Hoa Phạm, để tiết kiệm 50% lương sẽ có 2 mục chính mà mọi người cần tập trung để cải thiện, đó là tối ưu những khoản chi bắt buộc và đa dạng hóa nguồn thu nhập. Có thể bắt đầu bằng những cách rất đơn giản như thuê chung nhà với người khác để giảm được tiền thuê nhà. Tự mua đồ về nấu sẽ giúp giảm đi rất nhiều chi phí trong ăn uống. "Mình sử dụng xe máy để đi làm cho phù hợp với tính chất công việc. Cho đến giờ, mình vẫn chưa mua xe ô tô vì cảm thấy chưa thực sự cần thiết. Khi cần di chuyển, mình đặt xe công nghệ. Thời gian đi trên xe, mình có thể làm việc hoặc nghỉ ngơi", Hoa Phạm chia sẻ.

Bên cạnh việc tiết kiệm, cô cũng nhấn mạnh rằng nên luôn tìm cách cải thiện thu nhập, không nên chỉ phụ thuộc vào một nguồn thu. "Năm thứ 3 sau khi ra trường, bên cạnh việc làm tại cơ quan, mình có nhận thêm việc ở bên ngoài để làm vào buổi tối hoặc ngày nghỉ. Dần dần, nguồn thu nhập thứ 2 này đã giúp mình có thể tiết kiệm nhiều hơn. Từ thu nhập 4-5 triệu, mình nâng dần lên 7- 8 triệu rồi 10 triệu - 15 triệu. Dù ở mức thu nhập nào, mình cũng luôn giữ đúng 'cam kết' dành 1/2 cho việc tiết kiệm dài hạn".

Chờ lương cao mới tiết kiệm thì bao giờ giàu? - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ (Pinterest)

Gia đình thu nhập 20 triệu/tháng nhưng vẫn tiết kiệm được ⅓ lương

Vũ Trinh 26 tuổi hiện đang sống cùng gia đình tại Hà Nội. Gia đình cô gồm 4 thành viên, vợ chồng Vũ Trinh, mẹ chồng và con gái 1 tuổi. Thu nhập cố định của 2 vợ chồng khoảng 20 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng trước khi lập ngân sách gia đình, Vũ Trinh sẽ tự động trích ra một khoản tiết kiệm trước. Gia đình cô sẽ tích lũy 35% thu nhập tức là 8 triệu đồng. Sau khi có lương, cô sẽ tự động trừ tiết kiệm và các khoản chi tiêu cố định 6,4 triệu đồng.

Trong đó tiền thực phẩm của cả gia đình chỉ có 4 triệu/tháng do mua thực phẩm từ quê lên nên rẻ hơn khá nhiều, trong đó 1 triệu là tiền đi siêu thị mua thêm sản phẩm cần thiết. Do con gái mới 1 tuổi cho nên phần lớn khoản này sẽ dành cho con. Bao gồm tiền bỉm và giấy lau, 1 tháng tầm 2 bịch do bà nội ban ngày sẽ cho bé bỏ bỉm, khoảng 600 nghìn/tháng. Tiền mua đồ ăn dặm và sữa tươi hoa quả cho con là 2 triệu/tháng. Tiền đi đám ma chay, cưới hỏi khoảng 1 triệu/tháng và khoản chi dự phòng cho 2 vợ chồng là 2 triệu/tháng.

Nói về cách tích lũy, Vũ Trinh chia sẻ rằng bản thân sẽ tiết kiệm trước rồi chi tiêu sau để không bị vỡ kế hoạch do chi tiêu quá tay. Khó để tháng nào cũng tiết kiệm 8 triệu đồng bởi vì có những tháng sẽ phát sinh nhiều khoản chi hơn. Song, Vũ Trinh sẽ cố gắng cân đối chi tiêu những tháng sau đó, sao cho khi tính cả năm tiết kiệm được 35% thu nhập. Ví dụ tháng này tiêu nhiều hơn tháng sau sẽ bớt lại để bù thiếu hụt tháng trước. 

Ngoài ra, Vũ Trinh cùng chồng cũng cố gắng để ''tiền đẻ ra tiền'' từ đầu tư chứng khoán và mua đất. Số tiền này sẽ được lấy từ khoản tiết kiệm chung của vợ chồng cô nếu mua tài sản chung. Ngoài khoản thu nhập cố định 20 triệu, Vũ Trinh cùng chồng cũng có nhận thêm công việc ngoài. Do vậy sẽ có tháng có thêm thu nhập và có tháng không. Toàn bộ số tiền này thường sẽ đầu tư tự do, hoặc nếu thị trường không thuận lợi sẽ dồn vào tiết kiệm.

Chờ lương cao mới tiết kiệm thì bao giờ giàu? - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ (Pexels)

Bên cạnh đó, là dân văn phòng đã có gia đình, Nguyễn Khanh (27 tuổi, Bình Dương) cho biết cô đề cao khoản tiết kiệm và không vay nợ: "Mình là người quản lý tài chính trong gia đình, cũng chưa có con cái nên cuộc sống khá thoải mái, không cần quá chắt bóp. Tiền hai vợ chồng làm ra hiện tại cũng dùng để tiết kiệm và đầu tư là chính. Vì mình quan niệm rằng: Tiết kiệm - Đầu tư trong tương lai. Chồng mình lại thuộc kiểu kiếm được tiền nhưng không có nhu cầu xài tiền. Ví dụ như kiếm được 50 triệu mỗi tháng, anh cũng chỉ tiêu 2-3 triệu. Số còn lại đưa hết cho vợ giữ, và đầu tư một số hạng mục nhỏ về bảo hiểm và góp vốn kinh doanh''.

Tiền lương hàng tháng, Nguyễn Khanh và chồng đặt ra mức chi tiêu tối đa là 1/3 tổng thu nhập 2 vợ chồng. Còn lại 2/3 nhét hết vào sổ tiết kiệm để lấy vốn đầu tư. Trong số tiền tiết kiệm đó, lúc nào cũng phải có một khoản riêng cố định để phòng trừ rủi ro.

Chỉ cần thay đổi một số thói quen hàng ngày chẳng hạn như Quốc Khánh cắt giảm đi số tiền uống cà phê ngoài đã giúp tiết kiệm được rất nhiều. Việc tiết kiệm không quá khó, miễn là mỗi cá nhân đều có ý thức trong câu chuyện chi tiêu của riêng mình như Vũ Trinh hay Nguyễn Khanh luôn trích khoản tiết kiệm trước khi chi tiêu.

Chờ lương cao mới tiết kiệm thì bao giờ giàu? - Ảnh 4.