"Chảy máu chất xám": Nhân tài Trung Quốc tốt nghiệp trường TOP nhưng đầu quân sang Mỹ làm việc, con số lên tới 200.000 và rất nhiều người chưa từng về nước

Phương Thúy, Theo Nhịp sống kinh tế 21:47 20/08/2021

Hiện tượng "chảy máu chất xám", đặc biệt là nhân tài trong công nghệ đã khiến không ít người Trung Quốc phải "cay đắng" nhận xét: Những con gà họ chăm sóc đã đẻ trứng vàng, nhưng lại đẻ ở phía bên kia đại dương.

【1】

Vào tháng 6 năm 2020, Đại học Công nghiệp Tây Bắc đã đưa ra một thông báo trên website chính thức của mình: Huawei sẽ hợp tác với nhà trường để mở lớp đào tạo!

Đây là một trong những ngôi trường thuộc dự án trọng điểm hàng đầu Trung Quốc. Tuy nhiên, so với đại học Thanh Hoa, ngôi trường TOP 1 cả nước, thì Đại học Công nghiệp Tây Bắc vẫn có sự chênh lệch lớn. Chính vì vậy, việc Huawei bỏ qua đại học Thanh Hoa để lựa chọn hợp tác với ngôi trường này đã khiến dư luận bàn tán xôn xao.

Theo bảng xếp hạng của US News năm 2021, chuyên ngành máy tính của Đại học Thanh Hoa có chất lượng đứng thứ tư trên thế giới, chỉ xếp sau Stanford, MIT và Đại học Carnegie Mellon nổi tiếng.

Vậy tại sao Huawei bỏ qua sự lựa chọn hàng đầu như vậy? Rất nhiều lý do được đưa ra, trong đó, tình trạng "chảy máu chất xám" ở đây được chú ý nhiều nhất.

Nếu nhìn theo tỷ lệ của biểu đồ sau, số người trở về đất nước (màu đỏ) vẫn chiếm một phần khá lớn trong tổng số người ra nước ngoài mỗi năm (màu xám). Tuy nhiên, nếu tính theo số lượng, số người không trở về sau khi đi du học nước ngoài vẫn luôn dao động ở mức 100.000 - 160.000 người.

Chảy máu chất xám: Nhân tài Trung Quốc tốt nghiệp trường TOP nhưng đầu quân sang Mỹ làm việc, con số lên tới 200.000 và rất nhiều người chưa từng về nước - Ảnh 1.

Số liệu tham khảo từ Bộ giáo dục Trung Quốc, theo Sohu

Đặc biệt, trong số hàng trăm nghìn người này, nhiều người là sinh viên tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu trong nước như Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh, cũng có nhiều nhân tài cấp cao có bằng tiến sĩ trở lên.

Lấy năm 2019 làm ví dụ, tỷ lệ Cử nhân, Thạc sĩ hay Tiến sĩ của Thanh Hoa đi du học và ở lại nước ngoài lên tới 16,3%. Đây là số liệu sau khi tỷ trọng du học giảm dần trong những năm gần đây. Theo ông Shi Yigong, Hiệu trưởng Đại học Tây Hồ, con số của giai đoạn trước còn lớn hơn hẳn.

Cụ thể, năm 1985, Thanh Hoa có 2,251 sinh viên tốt nghiệp thì khoảng 1.700 người đã đến Mỹ. Sau đó, hầu hết trong số họ hiện vẫn đang sinh sống, làm việc tại Mỹ, chưa có ý định trở về định cư ở quê hương.

Sau nhiều thập kỷ tích lũy, sinh viên đến từ Đại học Thanh Hoa đang sống ở Mỹ đã trở thành một tập thể khổng lồ. Thống kê từ California cho biết, từ năm 1978 đến 2015, chỉ riêng Thung lũng Silicon đã thu hút gần 20.000 sinh viên tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa.

Trên cả nước Mỹ nói chung, có khoảng 200.000 sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp từ các trường cao đẳng và đại học trọng điểm. Đa số đều đang làm việc trong các lĩnh vực công nghệ cao ở quốc gia này.

Có thể thấy, nhiều nhân tài được Trung Quốc vun đắp đang trở thành lực lượng xây dựng và phát triển cho các quốc gia khác.

【2】

Chủ tịch của Advanced Micro-Fabrication Equipment - một đơn vị chuyên sản xuất thiết bị làm chip bán dẫn, ông Doãn Chí Nghiêu đã khẳng định rằng: Người Trung Quốc đã đóng một vai trò rất quan trọng trong lịch sử hình thành mạch tích hợp của Mỹ.

Cách đây không lâu, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền, vị tiến sỹ 77 tuổi này đã tiết lộ: Năm 1984, khi ông đến Intel làm việc thì phát hiện ra, hầu hết các trưởng nhóm và quản lý phụ trách R&D tại đây đều là người Trung Quốc.

Chảy máu chất xám: Nhân tài Trung Quốc tốt nghiệp trường TOP nhưng đầu quân sang Mỹ làm việc, con số lên tới 200.000 và rất nhiều người chưa từng về nước - Ảnh 2.

Hình ảnh ông Doãn Chí Nghiêu (Ảnh: Sohu)

Sau này, càng làm việc trong ngành và tiếp xúc nhiều doanh nghiệp khác ở Mỹ, ông càng nhận ra xung quanh mình có rất nhiều đồng hương xuất sắc.

Bản thân ông cũng có thành tựu không nhỏ khi là phó chủ tịch Applied Materials trong suốt 13 năm, trở thành một huyền thoại ở Thung lũng Silicon. Sau khi về nước khởi nghiệp, ông Doãn là người Trung Quốc đầu tiên chinh phục được công nghệ 5nm trong lĩnh vực bán dẫn.

Bên cạnh đó, theo thống kê của Thomson Reuters, đã có thời điểm sáu trong số mười nhà khoa học vật liệu hàng đầu thế giới đều là người Trung Quốc. Trong lĩnh vực AI, theo một báo cáo trên New York Times, một phần ba các nhà khoa học AI hàng đầu ở Mỹ cũng đến từ Trung Quốc.

Có thể thấy rằng, quốc gia này đã sản sinh ra nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới, nhưng không ít người đang đầu quân cho doanh nghiệp Mỹ và giúp khoa học Mỹ đạt được nhiều bước tiến phát triển, vượt xa Trung Quốc. Một số cái tên có thể kể đến là nhà khoa học máy tính Li Fei Fei - Giáo sư Khoa học Máy tính Sequoia Capital tại Đại học Stanford và là Đồng Giám đốc của Viện Stanford về Trí tuệ nhân tạo; hay ông Shen Xiangyang - Phó chủ tịch điều hành của AI & Nghiên cứu tại Microsoft...

Trong 40 năm qua, khoảng 5,5 triệu người Trung Quốc đã có những đóng góp không thể xóa nhòa cho sự phát triển của Thung lũng Silicon. Và nhiều người Trung Quốc đã bối rối nhận ra rằng: "Những con gà họ chăm sóc đã đẻ trứng vàng, nhưng lại ở phía bên kia đại dương".

Theo Sohu