Chấm thi tốt nghiệp THPT 2022: Cho điểm 10 phải chính xác

Hà Linh, Theo Tiền Phong 12:10 16/07/2022

“Chúng ta không sợ cho bài thi điểm 10 nhưng phải đảm bảo đúng, công bằng, khách quan, phản ánh đúng chất lượng, năng lực học sinh...”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ yêu cầu như vậy khi dẫn đầu Đoàn kiểm tra số 1 kiểm tra chấm thi tại Hà Tĩnh và Nghệ An, ngày 15/7.

Tại Hà Tĩnh, từ ngày 11-22/7 giám khảo sẽ hoàn thành chấm thi tự luận. Tất cả các phòng đều có camera giám sát và lực lượng công an trực bảo vệ 24/24 phòng chứa bài thi tự luận. Về bài thi trắc nghiệm, Ban chấm thi gồm 27 người sẽ hoàn thành trước 22/7.

Chấm thi tốt nghiệp THPT 2022: Cho điểm 10 phải chính xác - Ảnh 1.

Đoàn kiểm tra chấm thi do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu kiểm tra tại Nghệ An và Hà Tĩnh

Ông Nguyễn Hồng Cường, Trưởng ban chấm thi tự luận tại Hà Tĩnh cho biết, với 8 phòng chấm bài đến nay đã xong được 136 túi/577 túi bài thi. Còn 20 túi bài thi chưa chấm vòng nào. Đến thời điểm này, đa số giám khảo chấm đều tay, số bài tự luận lệch nhau từ 1-1,5 điểm rất ít. Từ chiều 15/7, bắt đầu nhập điểm cho thí sinh. Hà Tĩnh dự kiến 21/7 sẽ hoàn thành chấm bài thi tự luận.

Một giám khảo chấm thi tại Hà Tĩnh cho biết, trước đó tất cả giám khảo dành 1 ngày chỉ để chấm chung 10 bài, thống nhất cách chấm cụ thể đến từng chi tiết. Sau đó, mỗi ngày chấm khoảng 2 túi, mỗi túi 30 bài thi. “Trong quá trình chấm cho thấy vẫn có những bài giữa giám khảo 1 và giám khảo 2 chênh lệch trong mức cho phép từ 0,25 đến 0,75 điểm; có 2 bài chênh hơn 1 điểm”, giám khảo này nói.

“Tuyệt đối không chủ quan, lơ là ở tất cả các khâu chấm thi, nhất là khâu cộng điểm; tránh sai sót, thiếu tờ, thiếu điểm của thí sinh. Nếu làm không cẩn thận, khâu thống nhất giám khảo 1 và giám khảo 2 sẽ có sự “thoả hiệp” điểm cho thí sinh. Sau này thí sinh phúc khảo, chấm lại không chính xác sẽ mất niềm tin của xã hội”

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ


Ông Nguyễn Đình Sơn, Thanh tra Bộ GD&ĐT cho hay, trong ngày đầu tiên chấm thi, kiểm tra cho thấy có giám khảo quen tay ghi điểm từng ý bên phải (thay vì bên trái bài thi). Điều này không ảnh hưởng đến điểm thi nhưng không đúng quy định nên đoàn kiểm tra đã trao đổi tức thời với Trưởng ban chấm thi để chấn chỉnh.

Chấm công bằng cho tất cả các bài thi

Tại Nghệ An, lượng thí sinh dự thi lớn (36.743 thí sinh), tuy nhiên do điều động lượng giám khảo lớn nên dự kiến sẽ hoàn thành chấm thi trong ngày 17/7 tới.

Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Thái Văn Thành cho biết, địa phương lựa chọn cán bộ chấm thi đều là lực lượng giỏi, cốt cán, có kinh nghiệm trong chấm thi và đề cao tính trung thực. Trước khi chấm thi, Hội đồng có buổi tập trung để quán triệt quy chế, tổ chức chấm chung để thống nhất đáp án, đảm bảo chấm công bằng cho tất cả các bài thi.

Phó trưởng Ban chấm thi tự luận Nguyễn Thị Thu Hường cho biết, sau 4 ngày chấm, đến nay 100% bài thi chấm xong tay 1, 140 tập bài thi đang chấm tay 2. Qua thống kê cho thấy, có 607 bài thi có mức độ chênh lệch điểm và được đề xuất chấm tay 3 để đảm bảo khách quan, không có bài nào phải đưa ra chấm chung. “Tỉ lệ chênh lệch điểm không cao, điều đó thể hiện đã trao đổi, thống nhất đáp án rõ ràng, hướng dẫn chấm thi của Bộ GD&ĐT tường minh. Hiện có 180 bài đã ráp điểm hoàn chỉnh”, bà Hường cho biết.

Để đảm bảo chặt chẽ, Bộ GD&ĐT yêu cầu chấm kiểm tra tối thiểu 5% số lượng bài thi. Nghệ An điều động 22 giám khảo chấm kiểm tra. Đến nay, đã chấm được 1.427 bài thi trên tổng số hơn 36.000 bài (đạt tỉ lệ hơn 5%), trong đó những bài chấm kiểm tra được rút ngẫu nhiên hoặc rút bài cao để chấm lại. Bài kiểm tra được chấm từ vòng 1 đến vòng 3 để đảm bảo giám sát các tay chấm có đều hay không.

Một giám khảo ở Tổ chấm kiểm tra cho biết, ngày đầu chấm cho thấy trong một tập bài có thể có khoảng 10 bài chênh trong mức độ cho phép từ 0,25 - 0,75 điểm và có 1-2 bài chênh 1 điểm. Tuy nhiên, những ngày sau đó giám khảo 1, giám khảo 2 chấm đều tay hơn.

Kiểm tra các khâu chấm thi, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá các địa phương đã tổ chức chấm nghiêm túc, bám sát hướng dẫn của Bộ. Ban làm phách được bố trí nơi độc lập, đảm bảo an ninh, an toàn cho bài thi.

Trao đổi với các giám khảo chấm thi, Thứ trưởng Độ yêu cầu môn Ngữ văn phải bám sát hướng dẫn chấm, điểm chênh lệch giữa các tay chấm chỉ ở trong khoảng cách an toàn từ 0,25 đến 0,5 điểm. “Nếu chênh đến 1 điểm phải mời giám khảo đối chất. Chúng ta không sợ cho bài thi điểm 10 nhưng phải đảm bảo đúng, công bằng, khách quan, phản ánh đúng chất lượng, năng lực học sinh”, ông Độ yêu cầu.

Thứ trưởng lưu ý, địa phương phải kiểm soát chặt chẽ cả khâu thống nhất điểm cũng như tăng cường chấm kiểm tra. “Quy định chấm kiểm tra 5%, tuy nhiên cần cá biệt hoá từng đối tượng, đặc biệt những bài cao từ 9 trở lên hoặc bài điểm thấp xem giáo viên đã chấm đúng hay chưa?”, ông Độ yêu cầu.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các Ban chấm thi đảm bảo tiến độ, tuy nhiên “nhanh nhưng không vội”, tránh sai sót. Các lực lượng tăng cường thanh tra, giám sát lẫn nhau, trong đó khâu thống nhất điểm phải có người giám sát. “Chỉ khi công bố điểm thi, không có bài thi sửa điểm sau khi thí sinh phúc khảo mới được đánh giá chấm thi thành công”, ông Độ nói thêm.