Chấm thi THPT Quốc gia 2019: Nỗi lòng "khăn gói" xa nhà vì học sinh thân yêu

Cẩm Mịch - Công Luân, Theo Người đưa tin 20:21 07/07/2019

Chỉ còn một tuần nữa là đến ngày công bố kết quả thi THPT Quốc gia 2019, các thí sinh sẽ không còn phải thấp thỏm âu lo hay mong chờ mòn mỏi. Để có được những điểm số công bằng và chuẩn xác nhất, chính là nhờ bàn tay, khối óc của những thầy cô đã cặm cụi với hàng trăm, hàng nghìn bài thi...

Ngay sau khi những môn thi cuối cùng kết thúc, cánh cổng trường tại các điểm thi hé mở, thí sinh ùa ra như "ong vỡ tổ" và rạng rỡ vì đã qua một kỳ thi căng thẳng, thì lại đến lượt những "thí sinh lớn tuổi" lặng lẽ "khăn gói" bước vào khu vực chấm thi, bắt đầu một hành trình bên những trang giấy thi.

Lúc này, đã có không ít sĩ tử reo lên sung sướng vì vượt qua được kỳ thi quan trọng, một nấc thang để lại dấu ấn khá lớn trong cuộc đời, và có thể xả hơi cùng gia đình, bạn bè. Còn những "thí sinh lớn tuổi" mới chính thức bước vào "kỳ thi" của mình.

Đã hơn một tuần qua, kể từ ngày 28/6, ngày đầu tiên mà hầu hết các hội đồng chấm thi đồng loạt khởi động, những thầy cô chấm bài tự luận vẫn đang từng ngày, từng giờ "cân não" bên những trang văn muôn màu muôn vẻ, hay có, dở có, khuôn thước có mà cả sáng tạo cũng có luôn. Có ban chấm thi mà mỗi thầy cô phải giữ "tinh thần thép" để chấm đến hơn 40 bài thi môn Ngữ văn mỗi ngày.

Nhưng hạnh phúc là các thầy cô ở ban chấm thi tự luận vẫn có thể về thăm gia đình, còn các thầy cô trong ban chấm thi trắc nghiệm - hầu hết là các giảng viên từ các trường đại học - nhận nhiệm vụ là "xách va-li lên và đi", tạm biệt gia đình đến gần hai tuần chưa về nhà.

Có thầy còn nói vui: "Tôi đi biền biệt thế này, có khi về đến nhà, vợ còn chẳng nhận ra".

Chấm thi THPT Quốc gia 2019: Nỗi lòng khăn gói xa nhà vì học sinh thân yêu - Ảnh 1.

Có ban chấm thi tự luận, mỗi thầy cô phải chấm hơn 40 bài thi Ngữ văn mỗi ngày.

Chia sẻ về nhiệm vụ tại hội đồng chấm thi tỉnh Vĩnh Phúc, TS. Lê Ngọc Hoàn, trường đại học Lâm nghiệp, Phó Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm cho biết: "Chúng tôi bắt đầu tiến hành chấm trắc nghiệm từ ngày 28/6 và vừa kết thúc công việc vào ngày 6/7. Nếu nói là chấm xong thì thực ra chúng tôi đã xong từ ngày 5/7, thậm chí sớm hơn, nhưng với phương châm "nhanh nhưng không vội mà Bộ chỉ đạo", chúng tôi phải rà soát thật kỹ lưỡng, đến ngày 6/7 mới chính thức hoàn thành. Còn về các đĩa CD ghi dữ liệu thì chúng tôi đã thực hiện in sao và bàn giao theo đúng quy định".

Bài thi trắc nghiệm tại hội đồng thi tỉnh Vĩnh Phúc không có quá nhiều lỗi, chỉ có một vài thí sinh sơ suất nhỏ trong việc tô số báo danh và mã đề, còn về tổng thể, cơ bản ổn và không có vấn đề gì xảy ra. "Chúng tôi cũng khá quen công việc này rồi nên cảm thấy không hề gặp chút khó khăn, trở ngại gì", ông chia sẻ.

Những ngày qua, nhiều người vẫn tỏ ra quan ngại và nghi ngờ về tính bảo mật của những chiếc máy chấm trắc nghiệm, khi nghe có trường hợp, cán bộ chấm thi giúp thí sinh khắc phục lỗi trên bài thi, thì liệu có xảy ra tiêu cực?

Trước những băn khoăn đó, thầy Hoàn đã phân tích cơ chế hoạt động của phần mềm chấm trắc nghiệm: "Đối với một bài thi bình thường, khi đưa vào máy quét, phần mềm sẽ tự mã hóa và ẩn đi; còn những bài thi nào có lỗi thì phần mềm mới báo lỗi ra, cán bộ chấm thi phải kiểm tra và xác minh lại, trong quá trình xác minh lại có sự giám sát chặt chẽ của Thanh tra và cán bộ an ninh".

Sau khi quét bài vào thì xuất ra đĩa CD0, gửi Chủ tịch hội đồng thi 01 đĩa, Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm 01 đĩa và gửi về bộ GD&ĐT 01 đĩa; hoạt động tiếp theo là chạy kiểm dò, báo lỗi, nếu phần mềm báo lỗi phần nào, chỉ lấy được phần đó ra, cán bộ chấm thi hoàn toàn không biết bài nào của thí sinh nào.

Ví dụ, khi phần mềm chấm báo lỗi số báo danh thì cán bộ chấm thi chỉ được phép lấy phần phiếu chứa số báo danh ra, còn phần bài làm sẽ không được xem lại.

Phiếu nào bị lỗi ở phần bài làm (tô đáp án trả lời), ví dụ tô hai đáp án hoặc tô mờ, hoặc không tô, thì phần mềm sẽ báo lỗi phiếu đó, cán bộ chấm thi chỉ có thể lấy ra phần phiếu chứa bài làm (phần phiếu chứa số báo danh đã được giấu đi) để kiểm dò.

Theo thầy Hoàn, việc để các trường đại học tự chủ chấm thi trắc nghiệm sẽ đảm bảo công khai, minh bạch và hoàn toàn không có vấn đề gì cả. Các trường đại học chấm thi thì chỉ cần chạy tốt phần mềm là ổn vì người chấm không bị ràng buộc gì về yếu tố "địa phương", mà đặc biệt năm nay Bộ đã chỉ đạo rất chặt chẽ hoạt động thanh tra, giám sát, còn nếu để các địa phương tự túc mới có chuyện "vừa đá bóng vừa thổi còi", tuy nhiên có những tỉnh vẫn làm tốt kể cả tự túc.

Năm nay, hội đồng chấm thi tỉnh Vĩnh Phúc thuê hẳn một khu "biệt lập" và thực hiện công tác chấm thi gói gọn trong hai khu vực. Các cán bộ chấm thi khi ra vào đều được kiểm soát nghiêm ngặt, rà quét xem có mang USB, điện thoại hay những vật dụng không liên quan vào không.

Giữa những ngày khí hậu biến đổi khắc nghiệt, nắng đỏ lửa rồi lại bất chợt đổ cơn mưa, khiến không ít thầy cô gặp vấn đề về sức khỏe. Nhưng nào có hề gì, đó chỉ là một con sóng nhỏ, sao ngăn được những con đò chở tri thức cập bến, sao ngăn được những người lái đó bắc nối những nhịp cầu nâng bước cho sĩ tử tiến xa hơn. Mỗi cán bộ chấm thi đều tự nhủ trong lòng mình "Tất cả vì học sinh thân yêu", mà hoàn thành tốt nhiệm vụ.

PGS.TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường đại học Luật TP.Hồ Chí Minh cho biết: "Năm nay đoàn trường đại học Luật TP.Hồ Chí Minh được giao chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại hội đồng chấm thi tỉnh Sóc Trăng. Trường cử một ekip gồm 26 thầy cô, bao gồm cả cán bộ chấm thi cả thư ký, nhận nhiệm vụ đi từ ngày 28/6 và hoàn thành nhiệm vụ, trở về từ tối 4/7".

"Chấm thi là một công việc không quá quan trọng chuyện "chạy đua" thời gian, bởi sẽ còn phụ thuộc nhiều yếu tố: thứ nhất phải đủ số lượng cán bộ chấm thi; thứ hai, số lượng bài thi có nhiều hay không, nên đối với chúng tôi, không có chuyện "câu nệ" nhanh chậm. Thực chất, chấm nhanh chưa chắc đã tốt, mà phải chấm thật kỹ, nhất là khi chúng ta vẫn còn thời gian", ông Hải bày tỏ.

Trong một tuần qua, đội ngũ 26 giảng viên đại học Luật TP.Hồ Chí Minh đã tạm thời "cắm chốt" tại Sóc Trăng để hoàn thành việc chấm hơn 15.000 bài thi trắc nghiệm cho các thí sinh.

Chấm thi THPT Quốc gia 2019: Nỗi lòng khăn gói xa nhà vì học sinh thân yêu - Ảnh 2.

Các thầy cô giữ tinh thần thép và gánh trác nhiệm trên vai.

Tại hội đồng chấm thi THPT Quốc gia 2019 tỉnh Bắc Kạn, PGS.TS Vũ Ngọc Khiêm, Phó Hiệu trưởng trường đại học Công nghệ Giao thông vận tải, Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm cho biết, trong quá trình chấm hơn 8.000 bài thi trắc nghiệm, cũng đã phát hiện khoảng 5-7% số bài thi có lỗi tô sai, tô nhầm của thí sinh.

Ban chấm thi trắc nghiệm gồm 12 giảng viên từ trường đại học Công nghệ Giao thông vận tải đã chuẩn bị hành trang lên Bắc Kạn chấm thi trong suốt một tuần.

Tổ chấm thi đã được tập huấn kỹ càng nên mọi khâu xử lý khá trơn tru. Đối với một số lỗi cơ bản thường gặp ở các thí sinh, như tô nhầm, tô trùng số báo danh, mã đề, thậm chí có một vài trường hợp thí sinh tô hơi mờ phần đáp án đều đã được đội ngũ "tinh nhuệ" xử lý nhanh gọn.

Hiện nay, công tác chấm thi vẫn đang được thực hiện theo đúng quy trình tại các địa phương. Các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật tại khu vực chấm thi được bảo đảm, hệ thống camera hoạt động ổn định, lực lượng an ninh túc trực 24/24 giờ.

Chấm thi THPT Quốc gia 2019: Nỗi lòng khăn gói xa nhà vì học sinh thân yêu - Ảnh 3.

An ninh khu vực chấm thi vẫn luôn được siết chặt những ngày qua 24/24.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã đặc biệt lưu ý đối với các cán bộ chấm thi, phải hết sức cẩn thận, không được phép chủ quan, lơ là ở tất cả các công đoạn; trong đó có công đoạn nghiệm thu từ người này, sang người khác phải thực hiện đầy đủ các bước và có xác nhận bằng chữ ký. Đây là điều bắt buộc phải làm trong một quy trình trên nguyên tắc đúng việc, đúng người.

Bộ GD&ĐT đã chỉ rõ, "làm đến đâu, phải chắc và chuẩn đến đấy", để mang đến một kết quả đảm bảo an toàn, chính xác, trung thực và khách quan, để những bài điểm cao phải thực sự xứng đáng vì đó là công sức và là niềm tự hào của thí sinh.

Tương lai của gần 900.000 thí sinh sẽ được bật mí sau một tuần nữa, vì vậy, trong giai đoạn này, các cán bộ chấm thi tự luận và ban chấm thi tại một số địa phương cũng đang "ráo riết" bám sát tiến độ để công bố kết quả theo đúng kế hoạch của Bộ.

Không chỉ góp phần phản ánh đúng mục đích xét tốt nghiệp THPT cho học sinh, những thầy cô còn làm nhiệm vụ xây bức tường bằng "vàng ròng", để các trường đại học, cao đẳng yên tâm, tin tưởng mà lựa chọn xét tuyển.