Câu chuyện về bộ tộc có thủ tục mai táng rùng rợn

Billy Cipher, Theo Trí Thức Trẻ 17:45 29/10/2017

May mắn là truyền thống của bộ tộc này đã được chấm dứt từ rất nhiều năm trước.

Ăn thịt người là một khái niệm rất kinh khủng mà ngay từ thời xa xưa, xã hội của chúng ta đã không chấp nhận điều đó. Thế nhưng, đối với người Wari xưa - một bộ tộc thiểu số tại khu vực Nam Mỹ thì điều này càng linh thiêng, đáng trân trọng. 

Người Wari và thủ tục mai táng bằng cách... ăn xác chết

Wari là một bộ tộc cổ xưa, từng tồn tại song hành với nhiều nền văn hóa Trung cổ vĩ đại khác từ những năm 600 sau CN. Đế chế Wari xưa tồn tại ở khu vực Nam Mỹ, giáp Thái Bình Dương. Mãi đến thế kỉ 19, do chiến tranh, họ di dời đến sống ở lưu vực sông Amazon, thuộc Brazil cho đến ngày nay.

Câu chuyện về bộ tộc có thủ tục mai táng rùng rợn - Ảnh 1.

Như mọi bộ tộc lớn khác từ xa xưa - họ hình thành nền văn hóa với những quan niệm riêng về thế giới. Một trong số đó là cách vô cùng đặc biệt mà họ dùng để mai táng những người đã khuất - ăn xác người chết.

Tang lễ của người Wari diễn ra theo những nghi thức rất trang nghiêm.

Trong một vài ngày sau khi ai đó qua đời, tất cả gia đình, bạn bè sẽ khóc thương và hát ca để tưởng nhớ. Hết thời gian đó (thường là 2- 3 ngày), thời điểm mà cơ thể đã phân hủy nhẹ, họ bắt đầu quá trình mai táng của mình.

Người tiến hành nghi lễ phải thực hiện một cách cẩn thận bằng cách dùng que xiên chứ tuyệt đối không được chạm tay vào thịt. Những thành viên thân cận nhất trong gia đình là cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái sẽ không tham gia vào nghi lễ - việc này bị cấm. Chỉ những người trong họ (họ bố, họ mẹ, họ vợ chồng,…) và có quan hệ họ hàng xa mới thực hiện nghi lễ này.

Câu chuyện về bộ tộc có thủ tục mai táng rùng rợn - Ảnh 2.

Phải nhấn mạnh rằng người Wari giữ tập tục này rất lâu như một nét văn hóa. Họ thực hiện như một sự bày tỏ niềm tôn kính dành cho người đã khuất.

Đôi khi những xác chết đã phân hủy quá mạnh, đến nỗi gần như không thể ăn được thì nghi lễ vẫn cứ phải tiến hành, nhưng chỉ theo kiểu tượng trưng.

Và quy tắc bất di bất dịch là: trái tim và lá gan sẽ được ăn hết. Cũng cần biết rằng mọi thứ sẽ được chế biến chứ không ăn sống.

Câu chuyện về bộ tộc có thủ tục mai táng rùng rợn - Ảnh 3.

Hình minh họa

Cuối cùng những phần còn lại (xương, tóc…) được hỏa thiêu và tang lễ kết thúc.

Quan niệm lí giải cho tục lệ kì lạ này có lẽ không giống với phán đoán của chúng ta

Điều này đối với chúng ta nghe có vẻ hơi man rợ và khó chấp nhận. Nhưng khác hẳn những gì chúng ta tưởng, nghi thức quan trọng này mang rất nhiều ý nghĩa đặc biệt với cả người đã khuất và thân nhân còn sống.

Trước hết, họ cho rằng đem thân xác người chết chôn xuống đất là để mặc họ trong sự ẩm ướt, bẩn thỉu, lạnh lẽo. Thay vào đó, người Wari chọn cách của mình để giữ lại phẩm chất, trí tuệ - những gì tinh hoa nhất của người chết.

Thứ hai, họ tin rằng để linh hồn người chết được giải phóng thật sự khỏi cái vỏ bọc đã chết thì cơ thể cũ phải mất đi. Linh hồn kia sau đó mới có để đi đến một kiếp sống mới, trở thành một sinh vật khác. Đó có thể tiếp tục là con cháu của bộ lạc, có thể là những con vật mang đến cho họ cái ăn – phù trợ và nâng đỡ cuộc sống của họ khỏi khó khăn.

Hơn thế, nghi lễ này giúp cho người còn sống thoát khỏi sự thương nhớ và đau buồn. Những tình cảm và sự kính trọng sâu sắc nhất đã được gửi đến người đã khuất và không cần phải nghĩ quá nhiều đến nỗi mất mất nữa.

Hiện nay tục lệ này còn không?

Cho đến khoảng sau thập niên 60 thế kỉ 20 trở đi, chính phủ thắt chặt về luật pháp với lệnh cấm thực hiện hủ tục này, người Wari buộc phải chấm dứt nó trong sự miễn cưỡng. Người trong tộc - đặc biệt là các bô lão lớn tuổi thường hoài cổ về tục lệ xưa, và cho rằng nó "tốt hơn, tình cảm hơn, ấm cúng hơn" với người đã khuất.

Hiện nay người Wari cũng cử hành tang lễ như phần đông còn lại của thế giới.

Câu chuyện về bộ tộc có thủ tục mai táng rùng rợn - Ảnh 4.

Nguồn: Anthropology & The Human Condition, Sevenponds, Anthropology of Religion