Cậu bé 8 tuổi lấy trộm gần 400 nghìn đồng, bố biết được chỉ nói bóng gió 1 câu mà con kinh hồn bạt vía: Từ nay chừa thói táy máy!

Ứng Hà Chi, Theo Pháp luật và Bạn đọc 12:46 09/04/2022

Cách giáo dục con của ông bố nhận được nhiều lời khen ngợi từ mọi người.

Khi phát hiện ra con trộm tiền, nhiều bố mẹ thường phạt con bằng cách mắng mỏ, đánh đòn. Họ muốn con sợ hãi, ghi nhớ thật lâu để lần sau không tái phạm. Nhưng thực tế, cách này lại phản tác dụng, không những không loại bỏ được tật trộm vặt mà còn khiến trẻ tiếp tục hành vi xấu vào lần sau.

Muốn giải quyết triệt để vấn đề trộm cắp của con, bố mẹ không nên giáo dục bằng đòn roi cùng những lời quát mắng. Tuỳ vào hoàn cảnh xảy ra sự việc và tính cách của con, bố mẹ nên lựa chọn phương pháp phù hợp, giúp con nhận ra lỗi lầm và không dám tái phạm. Dưới đây là cách xử trí thông minh của một ông bố khi phát hiện ra con trai có tật táy máy.

Đậu Đậu (Trung Quốc) là học sinh lớp 2 tại một trường tiểu học. Đậu Đậu chỉ được tiêu tiền vào dịp Tết Nguyên đán - khi có lì xì. Còn ngày thường, trong túi cậu bé không bao giờ có tiền. Bố mẹ cậu không cho tiền tiêu vặt bởi sợ con không biết chi tiêu hợp lý.

Điều này khiến Đậu Đậu luôn cảm thấy bức bối trong người. Trong khi các bạn tụ tập ăn uống sau giờ học thì cậu chỉ có thể đứng từ xa nhìn bằng ánh mắt thèm thuồng. Có nhiều lúc quên đồ dùng học tập, cậu cũng không có tiền để mua đồ mới. Trước nhiều thứ cám dỗ, Đậu Đậu đã làm một điều sai trái đầu tiên trong cuộc đời, đó là ăn trộm tiền.

Cậu bé 8 tuổi lấy trộm gần 400 nghìn đồng, bố biết được chỉ nói bóng gió 1 câu mà con kinh hồn bạt vía: Từ nay chừa thói táy máy! - Ảnh 1.

Có nhiều đứa trẻ thường xuyên lấy trộm tiền khi bố mẹ không để ý (Ảnh minh hoạ)

Sau khi ăn cơm tối xong, Đậu Đậu để ý thấy bố treo áo khoác trong phòng tắm bèn lấy chiếc ví bên trong và bí mật rút ra tờ 10 NDT (khoảng 35 nghìn đồng). Cậu bé sung sướng đến trường vào ngày hôm sau và mua đồ ăn vặt mình yêu thích. Thấy việc trộm tiền quá dễ dàng, cậu tiếp tục thực hiện hành vi trên vào những lần sau với mệnh giá cao hơn.

Lòng tham ngày càng tăng, để mua được món đồ chơi lắp ráp chiến binh, Đậu Đậu quyết định lấy tiếp 100 NDT (gần 400 nghìn đồng) từ ví bố. Số tiền lần này khá lớn khiến Đậu Đậu luôn cảm thấy bất an, lo sợ bị bố phát hiện.

Trong bữa tối hôm ấy, khi cả nhà đang ngồi ăn cơm, bố Đậu Đậu đã hỏi vợ: "Em à, anh vừa đếm số tiền hôm nay và thấy thiếu gần 400 nghìn, em có lấy trong túi anh không?". Nghe vậy, mẹ cậu liền phủ nhận. "Vậy không lẽ nhà chúng ta có trộm?", bố Đậu Đậu nói.

Nghe bố nói câu ấy, Đậu Đậu sợ đến mức toát mồ hôi nhưng vẫn giả vờ không biết, cố gắng ăn cho xong bữa. Sau khi ăn xong, đợi bố mẹ ra ngoài phòng khách xem TV, Đậu Đậu liền bí mật bỏ số tiền đã lấy vào ví bố. Bố Đậu Đậu ngồi bên ngoài đã thấy hành động của con trai nhưng giả vờ như không biết.

Ngày hôm sau, trước khi đưa các con đi học, bố Đậu Đậu nói to với vợ nhưng mục đích để con trai nghe thấy: "Hôm nay anh đếm lại thấy đủ tiền rồi. Dạo này đầu óc nghễnh ngãng quá nên chắc tối qua đếm nhầm". Đậu Đậu nghe vậy bèn thở phào nhẹ nhõm. Từ đó về sau, cậu không bao giờ dám lấy trộm tiền nữa.

Thực tế, hành vi trẻ trộm cắp tiền không phải là hiếm thấy. Đối với trường hợp này, nhiều bố mẹ bình tĩnh xử lý vấn đề nhưng cũng không ít người nóng giận, làm ầm ĩ mọi chuyện. Cách xử lý của bố Đậu Đậu rất khéo léo, vừa không làm ảnh hưởng đến lòng tự trọng vừa giúp con nhận ra sai lầm. Các ông bố bà mẹ khác nên học hỏi để biết cách giải quyết nếu không may rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Cậu bé 8 tuổi lấy trộm gần 400 nghìn đồng, bố biết được chỉ nói bóng gió 1 câu mà con kinh hồn bạt vía: Từ nay chừa thói táy máy! - Ảnh 3.

Khi phát hiện con trộm tiền, bố mẹ cần bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân (Ảnh minh hoạ)

Dưới đây là những nguyên nhân dẫn đến hành vi trộm cắp, táy máy của trẻ:

Nguyên nhân 1: Do tâm lý so sánh của trẻ. Khi đến trường, những đứa trẻ thường so sánh với các bạn về những điều như: Điểm số, trang phục, đồ chơi, đồ dùng học tập,… Khi trẻ có tâm lý so sánh, trẻ sẽ tìm mọi cách để bản thân nổi trội hơn người khác. Trong vài điều so sánh không thể tách rời khỏi tiền bạc, dẫn đến việc trẻ lén lút lấy tiền của bố mẹ.

Nguyên nhân 2: Do bố mẹ không cho con tiền tiêu vặt. Nhiều phụ huynh không cho con tiền tiêu vặt bởi sợ con hư hỏng hoặc tiêu xài lãng phí. Suy nghĩ của bố mẹ là hoàn toàn đúng nhưng họ quên rằng những đứa trẻ cũng cần tiền để tiêu. Trẻ cũng có các hoạt động trong trường, hoạt động ngoài xã hội nên cần sử dụng một số tiền nhất định. Khi bố mẹ không cho tiền sẽ dẫn đến việc trẻ mắc sai lầm, hình thành thói quen trộm cắp.

- Nguyên nhân 3: Có thể do trẻ bị bắt nạt ở trường. Trong trường học luôn có một nhóm học sinh cá biệt, thường xuyên bắt nạt bạn bè. Những đứa trẻ hư sẽ doạ nạt, đánh đập để lấy tiền của các bạn yếu hơn. Chúng còn doạ không được mách bố mẹ, thầy cô nếu không muốn bị trả thù. Điều này khiến trẻ vô cùng sợ hãi, bất an dẫn đến hành vi lấy trộm tiền để nộp cho kẻ xấu.

Khi phát hiện ra con mình lấy trộm tiền, bố mẹ không nên đánh mắng con. Hành động này không giải quyết được vấn đề, chỉ khiến con tổn thương thể diện, tạo nên rào cản tâm lý khiến con khó vượt qua. Hãy bình tĩnh tìm hiểu rõ nguyên nhân. Sau đó, bố mẹ nên nhắc khéo để con tự hiểu mọi chuyện. Nếu con vẫn tiếp tục tái diễn, lúc này bố mẹ mới đưa ra bằng chứng để con không chối cãi được.

Trộm cắp tiền bạc là thói quen rất xấu. Nếu bố mẹ không xử lý tinh tế sẽ gây ra nhiều tác hại, ảnh hưởng đến quá trình hình thành tính cách của con.

https://kenh14.vn/cau-be-8-tuoi-lay-trom-gan-400-nghin-dong-bo-biet-duoc-chi-noi-bong-gio-1-cau-ma-con-kinh-hon-bat-via-tu-nay-chua-thoi-tay-may-20220409124648139.chn