Cao thủ võ Việt bất bại và đòn hiểm Ngọc Trản Thần Công khiến đối thủ ngoại quốc tàn phế

ĐẠT VÕ, Theo PL&BĐ 14:49 22/11/2021

“Ba hiệp đầu tiên, hắn ra đòn như búa bổ và chiếm ưu thế. Đến hiệp thứ 4, tôi tung chiêu vừa hư vừa thực, lướt nhanh vào người hắn, cố tình hở bộ thủ để hắn ra đòn…”.

Trải qua hàng trăm trận thượng đài, võ sư Phi Long Vịnh chưa một lần nhận thất bại. Thậm chí, ông còn từng bất đắc dĩ phải dùng đến tuyệt chiêu “độc” của môn phái khiến đối thủ ngoại quốc phải chịu cảnh bị tàn phế.

VỊ VÕ SƯ VỚI TUYỆT CHIÊU MÚA VÕ NHƯ RỒNG BAY

Nhắc đến những lò võ trứ danh tại vùng đất “xứ nẫu” Bình Định, chắc hẳn nhiều người không thể bỏ qua võ đường của vị võ sư năm nay đã ngoài 85 tuổi. Ông chính là Phi Long Vịnh (tên thật là Trương Văn Vịnh) sinh năm 1935 tại xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định.

Vốn xuất thân trong gia đình có truyền thống võ thuật, ông nội của võ sư Vịnh từng là thầy dạy võ cho 3 anh em nhà Quang Trung Nguyễn Huệ cũng như phần lớn các quan văn võ dưới triều đại Tây Sơn.

Thừa hưởng nền tảng đó, ngay từ nhỏ, võ sư Trương Văn Vịnh được người cha Trương Văn Cẩn truyền thụ cho nhiều thế võ độc đáo của gia đình. Đến năm lên 9 tuổi, ông tiếp tục được hai người bác là võ Trương Xuân Ba và Trương Hoàng chỉ giáo thêm nhiều tuyệt thế võ công xuất thần. Theo thời gian, võ sư Vịnh miệt mài luyện tập và thành thạo hầu hết tinh hoa võ học mà các bậc tiền bối đã truyền dạy.

Cao thủ võ Việt bất bại và đòn hiểm Ngọc Trản Thần Công khiến đối thủ ngoại quốc tàn phế - Ảnh 1.

Chân dung võ sư Trương Văn Vịnh (Phi Long Vịnh)

Theo võ sư Vịnh, trong số những chiêu thức mà ông được học, độc đáo nhất phải kể đến Ngọc Trản Thần Công. “Để lĩnh hội hết ý nghĩa bài quyền pháp này, ai tinh thông lắm cũng mất vài chục năm. Ngọc Trản Thần Công khi đánh là đánh liên hoàn, quyền nhiều hơn cước, đánh nhau trong phạm vi hẹp. Mỗi khi xung trận, chỉ còn một con đường là đánh gục đối phương. 

Không được phép nương tay khi đối phương chưa gục ngã xuống đài. 28 thế của Ngọc Trản Thần Công vì thế phải nhuần nhuyễn từ đầu đến cuối mới sử dụng. Bằng không thì rất có hại cho bản thân. Vì thế, mỗi khi ra đòn, bắt buộc người học võ phải vận đủ 10 thành công lực”, võ sư Vịnh mô tả về sự lợi hại của Ngọc Trản Thần Công.

Cũng theo võ sư Vịnh kể lại, trong một chương trình giao lưu võ thuật quốc tế vào năm 1970, ông dùng tuyệt kỹ Ngọc Trản Thần Công biểu diễn trên một chiếc chiếu nhỏ và được nhiều người khen là Phi Long, tức múa võ như rồng bay.

Từ đó, tên gọi Phi Long gắn liền với cuộc đời của ông cho đến ngày nay. Tên gọi Phi Long cũng được ông đặt cho võ đường của mình về sau đổi tên thành Phi Long Vịnh và phát triển rộng rãi, đào tạo ra hàng loạt tên tuổi thượng đài nổi danh trong nước.

TRẬN ĐẤU KHIẾN ĐỐI THỦ NGOẠI QUỐC TÀN PHẾ

Vốn xuất thân trong dòng dõi nổi tiếng về võ học nên từ năm lên 18 tuổi, võ sư Phi Long Vịnh đã bắt đầu tham gia vào các trận đấu đài. Trải qua hàng trăm trận đấu nhưng võ sư Vịnh chưa một lần nếm mùi thất bại.

Ông nói rằng: “Võ phái của tôi có quan niệm nếu thấy đánh thắng được thì sẽ đánh, còn không chắc thắng thì sẽ hoãn lại, về nhà tìm hiểu kỹ đòn thế đối phương để đánh được rồi mới đánh. Người học võ phải có trí, chứ xông vào đánh bừa thì mất mạng như chơi”.

Cao thủ võ Việt bất bại và đòn hiểm Ngọc Trản Thần Công khiến đối thủ ngoại quốc tàn phế - Ảnh 2.

Võ sư Phi Long Vịnh nổi danh với đòn Ngọc Trản Thần Công

Dấu ấn về những lần thượng đài khiến võ sư Phi Long Vịnh không thể nào quên được trận đấu với đối thủ người Miên nặng đến hơn 80kg:

Đó là vào năm 1962, tôi đang dạy võ tại Vũng Tàu. Ông này dạy Boxing cũng ở đó, cao 1,8 mét, nặng ngoài 80kg đến thách đấu tôi. Hắn ta tỏ vẻ khinh Võ vổ truyền Bình Định và thách tôi đánh 5 hiệp với hắn. Ba hiệp đầu tiên, hắn ra đòn như búa bổ và chiếm ưu thế. 

Đến hiệp thứ 4, tôi tung chiêu vừa hư hư vừa thực thực, lướt nhanh vào người hắn, cố tình hở bộ thủ để hắn ra đòn. Ngay lập tức, một loạt liên hoàn quyền trong 'Ngọc Trản Thần Công' được tui tống vào thái dương hắn. Sau trận đó, hắn trở nên tàn phế. Nhưng mỗi khi đã ra loại đòn độc này là không thể nương tay. Nếu không, mình sẽ tự giết mình”, võ sư Vịnh thuật lại.

Ngoài trận đấu đó, cuộc đối chiêu với cao thủ Taekwondo tứ đẳng huyền đai của Hàn Quốc vào năm 1968 cũng để lại cho võ sư Phi Long Vịnh ấn tượng khó quên. Đó là trận đấu diễn ra tại Gia Lai. Đối thủ người Hàn Quốc lúc đó đang huấn luyện võ thuật cho sư đoàn Mãnh Hổ. Trận này, võ sư Vịnh sử dụng tuyệt kỹ “hổ trảo” - cũng là một chiêu độc trong bộ Ngọc Trản Thần Công.

Ông kể: “Đối thủ cậy vào thế liên hoàn cước của Taekwondo mà quên mất rằng bộ thủ của hắn rất hở. Taekwondo chỉ giỏi đánh đòn xa nên tôi áp sát rồi sử dụng hổ trảo móc vào mạn sườn, sau đó kéo xuống bụng, đánh vào gan khiến hắn gục trên sàn đấu. Đòn này tôi cũng phải dùng hết sức và tối kỵ việc nương tay nếu đối phương chưa gục ngã. Đây là những đòn độc, nếu không hạ được đối phương ắt sẽ tự giết mình”.

Cao thủ võ Việt bất bại và đòn hiểm Ngọc Trản Thần Công khiến đối thủ ngoại quốc tàn phế - Ảnh 3.

Theo võ sư Vịnh thì đó cũng là trận đấu hiếm hoi mà ông buộc phải sử dụng đến đòn hiểm độc của môn phái để so tài với đối thủ. Về sau, ông ít khi nào sử dụng những tuyệt chiêu này khi thượng đài mà chỉ thỉnh thoảng biểu diễn ở các sự kiện võ thuật lớn trong nước hoặc quốc tế.

Hiện nay, võ sư Phi Long Vịnh đã ngoài 85 tuổi nhưng vẫn đủ sức khỏe và sự dẻo dai để truyền dạy võ nghệ cho các môn sinh tại làng Kỳ Sơn. Gia đình của ông có 5 người con từ trai đến gái đều biết võ thuật, có người cũng đã thành danh võ sư và mang lại nhiều vinh quang cho võ thuật Bình Định.

Nói về nghiệp võ của mình, võ sư Phi Long Vịnh quan niệm rằng: “Đối với người nhà hay người ngoài, tôi không hề giấu giếm hay che đậy điều gì về môn võ cổ truyền này. Võ học là sự chọn lựa và chắt lọc, chỉ có những ai đủ khả năng, đủ sức mới có thể lĩnh hội được. Vì võ thuật là dùng đúng lúc, đúng người, với những kiến thức cần độ chín muồi thì càng cần cẩn trọng để chọn người mà chỉ dạy. Cái này gọi là đạo đức của nghề”.