Cần bật điều hòa ít nhất bao lâu? Thực hiện không đúng vừa không mát, vừa tốn điện

Thu Phương, Theo Trí Thức Trẻ 19:00 06/06/2023

Là một thiết bị quen thuộc trong nhiều gia đình song không phải ai cũng biết sử dụng điều hòa đúng cách để vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm.

Quạt máy và điều hòa là 2 thiết bị hỗ trợ làm mát hàng đầu, được sử dụng nhiều nhất vào mùa hè và hầu hết trong mọi gia đình đều trang bị. Trong 2 thiết bị, điều hòa được đánh giá là đem lại hiệu quả làm mát tốt hơn, bởi thay vì chỉ đem lại luồng gió, thiết bị này phả ra không gian khí lạnh, giúp duy trì nhiệt độ phòng chỉ ở mức khoảng 20 - 27 độ C.

Đã xuất hiện và được sử dụng phổ biến từ rất lâu tuy nhiên có những thông tin về điều hòa, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động, khả năng tiết kiệm điện cũng như tuổi thọ của thiết bị nhưng không phải người dùng nào cũng biết.

Một trong số đó chính là thông tin về con số: Điều hòa cần bao nhiêu lâu để làm mát không gian và thiết bị nên được bật tối thiểu trong khoảng thời gian như thế nào?

Con số thực sự về thời gian theo các chuyên gia

Nhiều gia đình có thói quen bật điều hòa chỉ trong khoảng 10 -15 phút rồi nhanh chóng tắt đi, khí lạnh vẫn sẽ được giữ tương đối trong phòng kín, từ đó giúp vừa làm mát không gian, vừa tiết kiệm điện. Nhưng đây là một việc làm cực kỳ sai lầm. Bởi trong khoảng thời gian trên, điều hòa thậm chí còn chưa chạy được hết một chu kỳ để làm mát tới nhiệt độ mà người dùng cài đặt.

Theo các chuyên gia, tính trung bình, một chiếc điều hòa sẽ cần tối thiểu 15 - 20 phút để đảm bảo cung cấp khí lạnh cho toàn không gian. Con số này còn có thể tăng lên đến 40 phút, khi nhiệt độ ngoài trời lúc này cao hơn, thời tiết nắng nóng hơn, điều hòa lâu ngày không được bảo dưỡng, điều hòa bị rò điện hoặc diện tích không gian làm mát quá lớn.

Chính vì vậy, thói quen bật điều hòa trong một thời gian ngắn rồi tắt đi sẽ vô tình khiến việc làm mát không đạt hiệu quả. Thậm chí, nó còn khiến thiết bị tiêu tốn điện năng nhiều gấp 3 lần. Người dùng nên bật điều hòa ít nhất khoảng 1 giờ đồng hồ để thiết bị đạt hiệu quả tốt nhất.

Cần bật điều hòa ít nhất bao lâu? Thực hiện không đúng vừa không mát, vừa tốn điện - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Sở dĩ có điều này là bởi cơ chế hoạt động của thiết bị. Khi mới khởi động, điều hòa sẽ cần vận hành tối đa công suất, gấp 3 lần bình thường, để đạt tới nhiệt độ được cài đặt. Cứ mỗi lần tắt đi bật lại, đặc biệt trong thời gian ngắn, quãng thời gian giữa bật và tắt quá sát nhau, thì thiết bị cứ phải lặp đi lặp lại quá trình này nhiều lần.

Những hành động vô tình làm điều hòa "ngốn" điện hơn

Trong quá trình sử dụng hàng ngày, không chỉ có việc tắt đi bật lại điều hòa nhiều lần trong thời gian nhanh chóng, mà còn nhiều thói quen khác vô tình khiến thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng hơn. Dưới đây là một số ví dụ để độc giả tham khảo và hạn chế thực hiện.

1. Bật/điều chỉnh nhiệt độ không phù hợp

Để làm làm mát nhanh và mát nhất có thể, nhiều người dùng thường để điều hòa ở nhiệt độ rất thấp, đôi khi dưới 20 độ C. Tuy nhiên cách làm này sẽ khiến thiết bị phải hoạt động liên tục với công suất tối đa, vì vậy sẽ gây tốn nhiều điện năng hơn. Đồng thời nó cũng có thể khiến máy nén dễ hỏng vì hoạt động quá công suất trong thời gian dài.

Chính vì vậy các chuyên gia khuyên rằng, dù có nóng đến thế nào, người dùng cũng chỉ nên bật điều hòa ở khoảng 22-23 độ C khi mới bắt đầu, sau đó thay đổi và duy trì ở mức 25-26 độ C. Nếu bật qua đêm, nhiệt độ lý tưởng là khoảng 27 độ C, kết hợp với quạt chạy ở số nhẹ.

Cần bật điều hòa ít nhất bao lâu? Thực hiện không đúng vừa không mát, vừa tốn điện - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Trong suốt quá trình sử dụng, cũng không nên tăng giảm nhiệt độ liên tục, đột ngột, bởi điều này cũng tương tự như việc người dùng tắt đi bật lại thiết bị trong thời gian ngắn, nó có thể làm đảo lộn quá trình vận hành thông thường của máy.

2. Sử dụng điều hòa quá cũ

Nhiều chứng minh đã cho thấy, điều hòa càng cũ thì càng dễ bị hao mòn các động cơ bên trong, từ đó có thể khiến chúng tiêu tốn nhiều điện năng hơn bình thường khi hoạt động. Ngoài ra, một chiếc điều hòa có tuổi thọ quá cao cũng sẽ làm mát không hiệu quả, bởi động cơ của thiết bị lúc này đã yếu, không còn hoạt động được đảm bảo nữa.

Chính vì vậy, dù có muốn tiết kiệm chi phí mua một chiếc điều hòa mới cho mùa hè bằng cách mua điều hòa thanh lý, người dùng cũng nên cân nhắc và tham khảo thật kỹ. Tốt hơn hết chỉ nên mua lại 1 chiếc điều hòa cũ có thời gian sử dụng chưa vượt quá 5 năm.

Cần bật điều hòa ít nhất bao lâu? Thực hiện không đúng vừa không mát, vừa tốn điện - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

3. Không để điều hòa có thời gian nghỉ

Không chỉ gây ra con số "khổng lồ" trên hóa đơn tiền điện cuối tháng, việc bật điều hòa liên tục cả ngày, 24/24, tiềm ẩn nguy cơ khiến cho thiết bị quá tải, có thể dẫn tới chập điện hay cháy nổ.

Chính vì vậy các chuyên gia khuyến cáo, tối đa các gia đình chỉ nên sử dụng điều hòa 20 tiếng mỗi ngày, vào những ngày nắng nóng cao điểm. Những ngày thông thường, có thể phân bổ thời gian sao cho thiết bị có quãng nghỉ. Ví dụ như bật 3 tiếng buổi trưa rồi tắt, sau đó đến tối, ngủ qua đêm rồi bật đến sáng.

Có như vậy, thiết bị vừa đảm bảo hiệu quả hoạt động, điện năng gia đình cũng được tiết kiệm.

4. Để ánh nắng trực tiếp chiếu quá nhiều vào nhà khi bật điều hòa

Thói quen nhỏ nhưng vô tình khiến điều hòa tiêu tốn nhiều năng lượng hơn cũng như khiến không gian phòng được làm mát kém hiệu quả đó là để quá nhiều ánh nắng trực tiếp chiếu vào phòng.

Nếu gia đình có nhiều cửa sổ đón nắng, tốt nhất hãy dùng rèm cửa che lại. Biện pháp này ngay cả khi không bật điều hòa cũng có thể khiến nhiệt độ không gian được cải thiện tốt hơn.

5. Không vệ sinh, bảo dưỡng điều hòa

Dùng điều hòa đã lâu song không phải gia đình nào cũng nhớ tới việc cần vệ sinh, bảo dưỡng điều hòa. Có 2 bộ phận rất quan trọng của điều cần được vệ sinh định kỳ đó chính là tấm lưới lọc và cục nóng điều hòa.

Cần bật điều hòa ít nhất bao lâu? Thực hiện không đúng vừa không mát, vừa tốn điện - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Khi cả 2 thiết bị này bẩn, hơi lạnh phả ra không gian sẽ không đạt được hiệu quả làm mát tốt nhất, từ đó vô tình gây lãng phí điện năng. Các chuyên gia khuyên rằng, đối với tấm lưới lọc, gia đình sử dụng thường xuyên điều hòa thì hãy chủ động vệ sinh tại nhà, khoảng 4-6 tháng 1 lần. Còn với cục nóng điều hòa thì nên gọi thợ vệ sinh, sửa chữa chuyên nghiệp để được đảm bảo an toàn, hiệu quả nhất.