"Bùng nổ" trà sữa ở Hà Nội, khách hàng bối rối với hàng loạt thương hiệu na ná tên nhau

Thu Hường, Theo Thời Đại 07:04 15/04/2017

Thị trường trà sữa phát triển bùng nổ, trên cùng một con phố, thực khách có tới dăm bảy thương hiệu khác nhau, thậm chí có những thương hiệu lại có tên gọi mà mới chỉ đọc lên đã thấy tựa tựa giống nhau.

Loạn thương hiệu trà sữa với nhiều cái tên "na ná" giống nhau

Trà sữa vốn là thức đồ uống nổi tiếng tại Đài Loan và khi du nhập vào Việt Nam, nó cũng nhanh chóng chiếm được cảm tình của giới trẻ, trở thành loại nước giải khát được ưa chuộng hàng đầu trong danh sách hàng loạt lựa chọn khác nhau.

Clip: Khách hàng nói gì về chuyện "bùng nổ" hàng loạt thương hiệu trà sữa ở Hà Nội.

Nhìn lại hơn 16 năm "xâm lấn" thị trường Việt, trà sữa thực sự đã tạo nên một cơn sốt và phát triển với tốc độ chóng mặt. Những ai thuộc thế hệ 8X đời cuối, 9X đời đầu hẳn vẫn chưa quên cốc trà sữa ngày mới xuất hiện tại Hà Nội. Nó đơn giản chỉ là thứ đồ uống được pha chế từ bột sữa cộng thêm hương vị trái cây hay chocolate, thả ít trân châu và lõng bõng thạch thuỷ tinh. Vì không cầu kỳ nên giá thành của chúng cũng khá rẻ, cỡ chỉ 6-8 nghìn, nhiều lắm thì 10 nghìn với các hương vị đặc biệt.

Lúc đó, thương hiệu trà sữa dù chỉ có vài loại nhưng vẫn đủ khiến nhiều bạn trẻ mê mẩn. Nổi tiếng nhất khi đó phải kể tới Feeling Tea, Uy Roóng. Thế rồi bẵng đi mất vài năm, không còn ai nhắc tới trà sữa. Nó giống như việc ở Hà Nội, giới trẻ bùng phát nhiều trào lưu rồi cơn sốt ấy lại nhanh chóng hạ nhiệt.

Bùng nổ trà sữa ở Hà Nội, khách hàng bối rối với hàng loạt thương hiệu na ná tên nhau - Ảnh 2.

Trà sữa Uy Roóng - một trong những nhãn hiệu trà sữa đầu tiên ở Hà Nội.

Bùng nổ trà sữa ở Hà Nội, khách hàng bối rối với hàng loạt thương hiệu na ná tên nhau - Ảnh 3.

Bao bì những ly trà sữa đời đầu khá mộc mạc, đơn giản.

Nhưng cục diện đã nhanh chóng thay đổi từ cuối năm 2013, khi thương hiệu Dingtea bắt đầu bước chân vào thị trường trà sữa. Từ một thức đồ uống bình dân, trà sữa dần được "sang chảnh hóa" với bao bì, thiết kế quán đẹp mắt hơn, vị trà phong phú, topping, pudding đa dạng và được pha chế khéo léo hơn.

Thành công của Dingtea đã mở ra một cuộc chạy đua nâng cao chất lượng trà sữa. Sau đó, tại Hà Nội rầm rộ xuất hiện hàng loạt thương hiệu trà sữa khác nhau như Chatime, CoCo, Trà sữa Tiên Hưởng, Toco Toco, Gong Cha, Bobapop, Chago, Goky, Chevi...

Bùng nổ trà sữa ở Hà Nội, khách hàng bối rối với hàng loạt thương hiệu na ná tên nhau - Ảnh 4.

Giờ đây ở Hà Nội, thực khách có vô vàn lựa chọn khi muốn mua một ly trà sữa.

Chỉ trong 1 vài năm trở lại đây, thị trường trà sữa tại Hà Nội phát triển đến mức khiến nhiều người phải ngỡ ngàng. Những con phố trà sữa bắt đầu mọc lên, chẳng hạn như đoạn đường Ô Chợ Dừa dù rất ngắn nhưng cũng có tới hàng chục quán trà sữa khác nhau hay Giảng Võ cũng là một con phố tụ hội rất nhiều thương hiệu trà sữa lớn như Gong Cha, Dingtea, Feeling Tea... Và, ở tất cả các tuyến phố lớn, hầu như đâu đâu cũng có ít nhất vài quán trà sữa.

Khi thị trường trà sữa phát triển, tất nhiên, người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn. Nhưng đôi khi chính vì sự "bùng nổ" ấy mà người ta đâm ra rối trí, không biết chọn loại nào, nhất là khi tên gọi của chúng lại "na ná" giống nhau.

Chẳng hạn đã có Gong Cha rất nổi tiếng, Hà Nội mới đây lại có thêm thương hiệu IGong Cha hay Gongcha Hongkong. Nhiều bạn trẻ mê mẩn trà sữa Chago cũng khá bất ngờ khi biết Thủ đô còn có quán trà sữa na ná tên như vậy là Chachago. Chúng ta có Toco Toco rồi lại có CoCo, có Xingcha và lại có Jingcha, có Dingtea rồi lại có Kingtea... Nếu không phải người rành về trà sữa, hẳn những cái tên này đủ khiến bạn điên đầu.

Bùng nổ trà sữa ở Hà Nội, khách hàng bối rối với hàng loạt thương hiệu na ná tên nhau - Ảnh 5.

Những tên thương hiệu thoạt nghe đã thấy khá giống nhau...

Bùng nổ trà sữa ở Hà Nội, khách hàng bối rối với hàng loạt thương hiệu na ná tên nhau - Ảnh 6.

... Khiến nhiều người tiêu dùng cảm thấy bối rối như lạc vào "ma trận".

Không chỉ có tên na ná giống nhau mà hương vị trà sữa cũng thường xuyên lặp lại. Chẳng hạn vị trà Alisan có thể tìm thấy ở cả Gong Cha hoặc Bobapop hay những vị cơ bản như xanh sữa, trà nhài, ô long hay hồng trà... có thể tìm thấy ở nhiều quán khác nhau. Các loại topping như chân trâu đen/ trắng, trà xanh thì hầu hết các quán trà sữa đều có.

Khách hàng bối rối khi lựa chọn thương hiệu

Quá nhiều quán trà sữa mọc lên với đủ loại thương hiệu khác nhau và phần lớn đều "khoác áo" nguồn gốc từ Đài Loan. Điều này khiến nhiều người cảm thấy bối rối khi quyết định "chọn mặt, gửi tiền" để mua một ly trà sữa, nhất là trong bối cảnh nhiều thương hiệu đình đám cũng đã từng phải đối mặt với vấn đề không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Những cái tên na ná, dễ gây nhầm lẫn nhưng thực sự mỗi cái tên lại là một thương hiệu với phong cách khác nhau. Chính vì sự khác biệt ấy nên chỉ cần "nhầm một ly là đi một dặm". Cùng một giá tiền nhưng từ tên gọi vị trà cho đến hương vị, chất lượng đều có sự cách biệt khá lớn.

Chẳng hạn trong khi Xingcha được quảng cáo mang phong cách trà sữa Đài Loan thì Jingcha lại được giới thiệu là thương hiệu trà sữa Thái Lan đầu tiên ở Hà Nội. Gần giống tên nhau nhưng thực đơn của Gong Cha toàn những cái tên nhẹ nhàng và khá trẻ trung như Alisan, trà xanh Gongcha, Earl Grey... thì IGong Cha lại toàn tên gọi đậm chất Trung Quốc, vừa dài vừa hoa mỹ như Vương trà kim phong pho mát, trà váng sữa Ái vương đào trắng, trà Quế viên mùa đông, trà sữa đậu tương tư...

Bùng nổ trà sữa ở Hà Nội, khách hàng bối rối với hàng loạt thương hiệu na ná tên nhau - Ảnh 7.

Menu đồ uống với những cái tên dài ngoằng, hoa mỹ của IGong Cha.

Bùng nổ trà sữa ở Hà Nội, khách hàng bối rối với hàng loạt thương hiệu na ná tên nhau - Ảnh 8.

Nhìn qua bảng giá này có thể thấy về giá cả, IGong Cha nhỉnh hơn Gong Cha một chút.

Bùng nổ trà sữa ở Hà Nội, khách hàng bối rối với hàng loạt thương hiệu na ná tên nhau - Ảnh 9.

Hay Gongcha Hongkong cũng có giá niêm yết không hề rẻ. Ảnh: Foody.

Rắc rối từ sự trùng lặp vị trà hay tên gọi dễ gây nhầm lẫn... có lẽ không đủ để làm khó những tín đồ trà sữa nhưng đối với những người ít dùng loại đồ uống này, họ đôi khi cảm thấy bối rối như bị lạc vào ma trận.

"Mình không hay uống trà sữa lắm nên không biết đến các thương hiệu lạ và không có ý định thử vì chưa biết nguồn gốc, chất lượng thế nào mà giá cả có khi còn đắt hơn cả các thương hiệu nổi tiếng", Ngọc Anh (23 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.

Chị Thủy (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại tâm sự: "Mình không thích mạo hiểm nên không hay khám phá, trải nghiệm các thương hiệu mới mà chỉ quen uống những loại quen thuộc. Mình thấy vị trà ở nhiều nơi cũng na ná nhau nên không có ý định thử hết các quán trà sữa ở Hà Nội làm gì. Hơn nữa các thương hiệu mới chưa biết chất lượng thế nào. Có lẽ đợi khi các hãng này nổi tiếng hoặc bạn bè mình review tốt thì mình mới dám thử".

Bùng nổ trà sữa ở Hà Nội, khách hàng bối rối với hàng loạt thương hiệu na ná tên nhau - Ảnh 10.

Những thương hiệu có tên đọc lên nghe gần giống nhau.

Bùng nổ trà sữa ở Hà Nội, khách hàng bối rối với hàng loạt thương hiệu na ná tên nhau - Ảnh 11.

Có lẽ sẽ không làm khó những "tín đồ" am hiểu trà sữa nhưng sẽ khiến nhiều người ít dùng loại đồ uống này phải cảm thấy hoang mang.

Trong khi đó, Thùy Linh (sinh viên ĐH Thương mại) cho biết: "Vị trà hay tên gọi quán na ná giống nhau nên đôi khi mình uống rồi mà cũng không nhớ". Theo Linh, chính vì sự bùng nổ nhanh chóng của hàng loạt thương hiệu trà sữa khác nhau nên người tiêu dùng có quá nhiều lựa chọn. Thị trường tuy chưa đến mức bão hòa nhưng có lẽ, những thương hiệu mới ra cũng sẽ không dễ dàng gì để ghi được dấu ấn trong lòng thực khách.

"1-2 năm trước thì mình chỉ nghe nói đến Dingtea, Feeling Tea, Toco Toco... nhưng bây giờ thì nhiều quá, có nhiều hãng mình uống rồi lại quên, không nhớ nổi, chỉ ấn tượng tên gọi mấy thương hiệu nổi tiếng mà ai cũng biết", Linh nói thêm.

Bùng nổ trà sữa ở Hà Nội, khách hàng bối rối với hàng loạt thương hiệu na ná tên nhau - Ảnh 12.

Ngoài trà sữa Đài Loan, một số thương hiệu trà sữa Nhật Bản cũng bắt đầu xâm nhập thị trường Việt Nam.

Nhiều người có tính tò mò, thích khám phá các thương hiệu lạ cũng từng thử qua một số hãng có tên gần giống nhau như Gong Cha, IGong Cha, Xingcha, Jingcha. Tuy nhiên, sau một hồi lặn ngụp như vậy, cuối cùng họ lại quay về các thương hiệu thực sự nổi tiếng, được nhiều người tin dùng với những vị trà cơ bản, quen thuộc.

"Có những quán na ná tên thương hiệu nổi tiếng nhưng chất lượng rồi cách phục vụ rất chán. Mặc dù giá niêm yết khá đắt nhưng họ lại thường xuyên chạy khuyến mãi nên rẻ hơn các hãng nổi tiếng. Đôi khi mình cũng tò mò uống thử nhưng rồi lại nhanh chóng bỏ qua để quay về những lựa chọn cũ", chị Trang (Cầu Giấy) tâm sự.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày