Bùng nổ phong trào chống nữ quyền của thanh niên Hàn Quốc: Áp lực xã hội dẫn đến tâm lý nạn nhân, đứng lên đòi công bằng cho nam giới?

Đại Lâm Mộc, Theo Pháp Luật & Bạn Đọc 04:00 09/10/2021

Phong trào chống nữ quyền của thanh niên Hàn Quốc đang trở nên bùng nổ hơn bao giờ hết khi họ cảm thấy bản thân không nhận được sự quan tâm từ xã hội.

Áp lực tài chính ngày càng tăng cao

Theo CNN, những năm trở lại đây, thanh niên Hàn Quốc cảm thấy vô cùng tức giận khi có cảm giác bản thân bị bỏ lại phía sau trong phong trào bình đẳng giới, cho rằng phụ nữ đang được đề cao thái quá, đơn cử như sự nổi dậy mạnh mẽ của phong trào #MeToo.

"Đổ dầu vào lửa" cho vấn đề này còn đến từ sự cố xảy ra mới đây nhất. Trò chơi "Lost Ark" ở Hàn Quốc đã khiến nam giới nước này "nóng mặt" khi sử dụng hình ảnh được cho là mỉa mai kích thước bộ phận sinh dục của họ. Cụ thể, biểu tượng thủ thế "OK" vốn là hình ngón trỏ đặt lên ngón cái, thế nhưng Lost Ark lại khiến 2 ngón tay khép hờ vào nhau, vô tình tạo thành dấu hiệu mang tính kỳ thị đàn ông. Hồi tháng 8 vừa qua, rất nhiều người chơi "Lost Ark" đã yêu cầu trò chơi chỉnh sửa biểu tượng ấy.

Bùng nổ phong trào chống nữ quyền của thanh niên Hàn Quốc: Áp lực xã hội dẫn đến tâm lý nạn nhân, đứng lên đòi công bằng cho nam giới? - Ảnh 1.

Hình ảnh được cho là mỉa mai kích thước bộ phận sinh dục của đàn ông trong trò chơi "Lost Ark"

Ngoài ra, việc đàn ông ở xứ sở kim chi quyết định đứng lên, chống lại nữ quyền còn đến từ nhiều lý do khác, chẳng hạn như tình trạng thất nghiệp. Được biết, Hàn Quốc thường duy trì tỷ lệ thất nghiệp khoảng 4% nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở những người dưới 30 tuổi, vốn là 7-8% trong những năm 2000, bắt đầu tăng lên hơn 9% vào năm 2014 và vẫn giữ nguyên mức đó cho đến hiện tại. Nếu tính cả những người trẻ đang phải làm công việc bán thời gian, sống chật vật với đồng lương ít ỏi và không có công việc ổn định thì tỷ lệ này lên tới 21,8%.

Bùng nổ phong trào chống nữ quyền của thanh niên Hàn Quốc: Áp lực xã hội dẫn đến tâm lý nạn nhân, đứng lên đòi công bằng cho nam giới? - Ảnh 2.

Giới trẻ Hàn Quốc ngày nay chịu rất nhiều áp lực về tài chính. Thu nhập bình quân đầu người tại khu vực thành thị giảm xuống chỉ còn 2.000 USD (45,5 triệu đồng) /tháng trong khi giá nhà trung bình tại nhiều khu vực như thủ đô Seoul tăng tới 670.000 USD (15,2 tỷ đồng). Giá nhà tăng chóng mặt khiến mong muốn sở hữu một ngôi nhà cho riêng mình của người trẻ Hàn Quốc trở thành một ước mơ xa xỉ.

Bùng nổ phong trào chống nữ quyền của thanh niên Hàn Quốc: Áp lực xã hội dẫn đến tâm lý nạn nhân, đứng lên đòi công bằng cho nam giới? - Ảnh 3.

Chính điều này cộng thêm cơ hội việc làm ngày càng giảm và những chính sách hỗ trợ nữ giới được chính phủ đưa ra càng khiến đàn ông xứ kim chi thêm phẫn nộ với nữ quyền.

Hai khuynh hướng bên lề

Nhưng yếu tố kinh tế vẫn chưa thể giải thích đầy đủ vì sao lại có khoảng cách lớn về giới tính như vậy dù thị trường việc làm khắc nghiệt, ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới.

Các chuyên gia của Hàn Quốc đã tập trung vào vấn đề này và chỉ ra 2 khuynh hướng ở nam thanh niên đất nước này: Tôn thờ chế độ nhân tài (một triết lý chính trị cho rằng quyền lực nên được trao cho các cá nhân có khả năng và sở hữu tài năng) và kỳ thị nữ giới. Những người trẻ Hàn Quốc sinh vào cuối những năm 1990, khi đất nước đang phát triển thành một nền dân chủ tự do phồn vinh, hầu như không hiểu về những cuộc đấu tranh lịch sử. Thay vào đó, cuộc đấu tranh đối với họ là các kỳ thi: Thi vào phổ thông, thi đại học và thi vào các công ty để làm việc được trả lương cao, công việc ổn định.

Đây là thế hệ đã dành phần lớn cuộc đời tham gia hoặc chuẩn bị cho các kỳ thi, học hành vất vả trong hệ thống trường luyện thi khét tiếng khắc nghiệt. Kết quả là thanh niên Hàn Quốc đã tiếp thu sự logic của sự kì thị và nâng nó thành một kiểu nhận thức méo mó về đạo đức, nơi người giàu phải chịu trách nhiệm về những đau khổ của họ.

Bùng nổ phong trào chống nữ quyền của thanh niên Hàn Quốc: Áp lực xã hội dẫn đến tâm lý nạn nhân, đứng lên đòi công bằng cho nam giới? - Ảnh 4.

Nhà khoa học xã hội Oh Chan-ho - tác giả quyển sách We are in Favor of Discrimination (Tạm dịch: Chúng tôi ủng hộ phân biệt đối xử) vào năm 2013 - nhớ lại cảm giác choáng váng bởi phản ứng của các sinh viên mình dạy đối với thảm họa năm 2009 tại quận Yongsan, Seoul. Trận hỏa hoạn xảy ra khi chủ các doanh nghiệp nhỏ phản đối việc họ bị đuổi khỏi một tòa nhà, khiến 6 người thiệt mạng, 28 người bị thương.

Thay vì tập trung vào những khó khăn kinh tế nghiêm trọng của các chủ doanh nghiệp hoặc việc cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức, các sinh viên của Oh đã nói rằng các chủ doanh nghiệp "yêu cầu quá nhiều" và "phải chấp nhận rủi ro" bị đuổi khỏi tòa nhà.

Trong quyển sách Nam giới ở tuổi đôi mươi xuất bản năm 2019 của nhà báo Cheon Gwan-yul và nhà khoa học dữ liệu Jeong Han-wool đã nêu lên cuộc khảo sát chuyên sâu về các giá trị của người đàn ông Hàn Quốc ở tuổi đôi mươi. Các tác giả cho rằng thế hệ trẻ Hàn Quốc tôn thờ chủ nghĩa nhân tài trong khi không quan tâm đến các yếu tố nội tại (như động lực và nỗ lực trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực của bản thân) và các yếu tố bên ngoài (như tầng lớp kinh tế xã hội). Mặc dù công bằng là một từ khóa quan trọng đối với giới trẻ Hàn Quốc nhưng trên thực tế, với họ sự công bằng là dạng cực đoan, ưu thế luôn thuộc về kẻ mạnh hơn.

Một đặc điểm khác của nam giới Hàn Quốc ở độ tuổi 20 là tính hiếu chiến. Chắc chắn rằng phân biệt giới tính đã là một vấn đề tồn tại từ lâu ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, ở thế hệ này có sự khác biệt với thế hệ trước. Nếu những người đàn ông Hàn Quốc lớn tuổi coi mình là những người gia trưởng, giám sát phụ nữ thì thanh niên Hàn Quốc thời nay lại coi mình là nạn nhân của chủ nghĩa nữ quyền.

Sự phân biệt giới tính ở thế hệ này thể hiện sự thù ghét quá mức đối với nữ quyền khi 58,6% nam giới Hàn Quốc ở độ tuổi 20 cho biết họ phản đối mạnh mẽ nữ quyền, 25,9% xác định mức độ phản đối của họ là 12 trên thang điểm từ 0 đến 12.

Bùng nổ phong trào chống nữ quyền của thanh niên Hàn Quốc: Áp lực xã hội dẫn đến tâm lý nạn nhân, đứng lên đòi công bằng cho nam giới? - Ảnh 5.

Trong khi đó, phụ nữ Hàn Quốc vẫn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử đáng chú ý. Ví dụ, một cuộc khảo sát gần đây của Economist cho thấy Hàn Quốc đứng vị trí cuối cùng trong số các quốc gia công nghiệp phát triển về chỉ số rào cản vô hình như khoảng cách giới tính trong giáo dục, thu nhập và các vị trí quản lý.

Tuy nhiên, phụ nữ trẻ Hàn Quốc vẫn đạt được những thành tựu ổn định trong nhiều năm gần đây, ví dụ tỷ lệ nữ sinh đậu đại học đã chiếm ưu thế kể từ năm 2009. Những phụ nữ trẻ có trình độ học vấn đã mang đến nguồn năng lượng mới cho phong trào nữ quyền của Hàn Quốc, đỉnh điểm là phong trào nữ quyền của nước này vào đầu năm 2018 do Seo Ji-hyeon – một nữ công tố viên đã khui vụ quấy rối tình dục của một công tố viên cấp trên mà cô phải chịu đựng. Bất chấp những điều đó, đàn ông trẻ Hàn Quốc lại coi nữ giới ở nước họ là mối đe dọa.

Bùng nổ phong trào chống nữ quyền của thanh niên Hàn Quốc: Áp lực xã hội dẫn đến tâm lý nạn nhân, đứng lên đòi công bằng cho nam giới? - Ảnh 6.

Phong trào chống nữ quyền của đàn ông Hàn Quốc còn trở nên mạnh mẽ hơn với các hành động thực tiễn. Giáo sư Choi Jae Seob của trường đại học Nam Seoul cho biết nam giới là bộ phận khách hàng đầy tiềm năng, thường thực hiện những chi tiêu lớn trong xã hội Hàn Quốc song giờ đây, họ lại từ chối mua những sản phẩm ủng hộ chủ nghĩa nữ quyền.

"Giữa các thương hiệu thì tôi sẽ chọn nhãn hàng nào không ủng hộ chủ nghĩa nữ quyền", một nam sinh viên tên Ha nói với hãng tin CNN. Ha cho biết không chỉ bản thân anh mà nhiều bạn bè của anh cũng cảm thấy họ bị bỏ rơi và xúc phạm trong suốt nhiều năm qua đến hiện tại.

Bùng nổ phong trào chống nữ quyền của thanh niên Hàn Quốc: Áp lực xã hội dẫn đến tâm lý nạn nhân, đứng lên đòi công bằng cho nam giới? - Ảnh 7.

CNN cho biết, nhiều nhóm phản đối bình đẳng giới của đàn ông đã được thành lập rất nhiều trên mạng xã hội. Đơn cử như trường hợp của nữ cung thủ An San, người đã xuất sắc trở thành vận động viên (VĐV) đầu tiên giành được 3 HCV ở Olympic Tokyo 2020 diễn ra hồi tháng 7 vừa qua.

Thành công của An San đã trở thành niềm tự hào của cả Hàn Quốc nhưng một bộ phận nam giới nước này lại không cảm thấy vậy. Thay vì gửi lời chúc mừng đến thành tích của An San thì họ lại quay sang chỉ trích mái tóc của cô, cho rằng nữ VĐV trẻ này để tóc ngắn là để thể hiện ủng hộ nữ quyền.

Bùng nổ phong trào chống nữ quyền của thanh niên Hàn Quốc: Áp lực xã hội dẫn đến tâm lý nạn nhân, đứng lên đòi công bằng cho nam giới? - Ảnh 8.

Nữ cung thủ An San bị lôi kéo vào phong trào chống nữ quyền của một bộ phận nam thanh niên Hàn Quốc.

Mọi chuyện bắt đầu từ một bài đăng trên mạng xã hội với tiêu đề: "90% người học trường nữ và cắt tóc ngắn đều ủng hộ chủ nghĩa nữ quyền" nhằm ám chỉ An San khi cô đang theo học trường nữ sinh Gwangju và sở hữu mái tóc được cắt tém gọn gàng.

Bên dưới bài đăng là hàng nghìn bình luận thể hiện sự đồng thuận, đơn cử như: "Bạn có chắc An San không theo chủ nghĩa nữ quyền không? Cô ấy hội đủ những yếu tố của một nhà nữ quyền đấy", thậm chí có người còn kêu gọi tước huy chương vàng của An San chỉ bởi vì mái tóc của cô.

Lee Wonjae, giáo sư phân tích mạng xã hội tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc cho biết, những người nổi tiếng thường trở thành mục tiêu công kích của những người chống nữ quyền ở Hàn Quốc. An San đã trở thành tâm điểm chú ý bởi vì thành tích đáng nể mà cô đạt được ở Thế vận hội Tokyo 2020.

Ryu Hyeong-rim, một nhà hoạt động bình đẳng giới tại nhóm công dân Womenlink, cho biết: "Tóc dài là biểu tượng nữ tính của người phụ nữ trong xã hội Hàn Quốc. Vì vậy, khi một người phụ nữ để tóc ngắn, cô ấy bị một số người coi là 'vi phạm' ý tưởng của xã hội về việc một người phụ nữ phải trông như thế nào". Đây chính là lý do một bộ phận dân mạng nổi đóa với mái tóc "không đúng chuẩn mực" của VĐV An San.

Trong khi đó, Moon, người lãnh đạo nhóm Dang Dang We đòi quyền bình đẳng cho nam giới Hàn Quốc, cho biết anh đã thành lập tổ chức này vào năm 2020 khi phong trào #MeToo của phụ nữ đi lệch khỏi những ý tưởng ban đầu.

"Phong trào bình đẳng giới cho phụ nữ ngày nay chẳng còn mang ý nghĩa như hồi đầu nữa. Chúng đang dần trở thành sự phân biệt giới tính với những động thái ngày càng bạo lực và mang sự thù ghét hơn trong xã hội", Moon nói.

Bùng nổ phong trào chống nữ quyền của thanh niên Hàn Quốc: Áp lực xã hội dẫn đến tâm lý nạn nhân, đứng lên đòi công bằng cho nam giới? - Ảnh 9.
Nguồn: Tổng hợp