Bức ảnh đeo kính thực tế ảo trong trường học gây tranh cãi vì HS đang dần quên đi thực tế?

Duy Won, Theo Helino 19:12 16/03/2018

Bên cạnh những lợi ích vượt trội trong ngành giáo dục khi giúp học sinh hứng thú và hiểu bài nhanh hơn, kính thực tế ảo cũng gây ra tranh cãi vì khiến học sinh dần quên đi thực tế... thực và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.

Ngày 15/3, bức hình các em học sinh tiểu học đang đeo kính thực tế ảo (VR) trong lớp tại Xiangxi Tujia và Miao Autonomous Prefecture, tỉnh Hunan, Trung Quốc trở thành hình ảnh hot nhất trong ngày, được nhiều trang báo lớn đưa tin.

Bức ảnh đeo kính thực tế ảo trong trường học gây tranh cãi vì HS đang dần quên đi thực tế? - Ảnh 1.

MC Thùy Minh chia sẻ trên trang cá nhân: "Bạn thấy tương lai của giáo dục? Khi mà công nghệ giúp chuyện học hành trở nên sinh động? Hay bạn thấy bọn trẻ con thay vì đeo kính, giờ sẽ... cận thị thực tế ảo, quên đi một thực tế... thực mà đáng lẽ chuyện học hành và những chuyến đi sẽ đem tặng cho chúng?"

Nhiều cư dân mạng cũng đã để lại bình luận, bày tỏ quan điểm của bản thân về hình ảnh học đường đang gây ra nhiều tranh cãi này.

Thành viên pitshus: "Học sinh sẽ bị ảnh hưởng đến cổ và mắt vì phải ngước nhìn như thế này."

Người dùng ticklishteresa: "Thạc sĩ chứng loạn thần kinh ở trường tôi nếu thấy điều này chắc thầy ấy sẽ khóc mất."

Thành viên nicholejort: "Kính thực tế ảo nên dành cho học sinh từ 12 tuổi trở lên."

Công nghệ thực tế ảo từ trước đến nay được biết với khả năng tạo ra thế giới của trí tưởng tượng: phá vỡ các ranh giới trong giáo dục truyền thống.

Hiện nay, các trường đại học như Carnegie Mellon (Mỹ), Imperial College (Anh), Công nghệ Nanyang (Singapore) và hàng trăm các tổ chức học thuật trên toàn thế giới đã và đang đưa VR vào để làm mới các giáo trình.

Một trong những ứng dụng phổ biến nhất của VR trong giáo dục là mô phỏng môi trường học và những bài tập giả định.

Bức ảnh đeo kính thực tế ảo trong trường học gây tranh cãi vì HS đang dần quên đi thực tế? - Ảnh 2.

Ngồi trước màn hình máy tính và đeo kính thực tế ảo, sinh viên có thể đặt mình vào bất kì môi trường học tập giả định nào

Tiến sĩ Shafi Ahmed, người đã thực hiện cuộc phẫu thuật trực tiếp trên VR lần đầu tiên trên thế giới cho một bệnh nhân ung thư đại tràng tại một bệnh viện ở London cho biết: "Trong tương lai gần, VR sẽ giúp các sinh viên y khoa cảm thấy được một cơ thể sống thông qua thế giới ảo. Họ sẽ có được cảm giác đang cầm một con dao mổ vững chắc thông qua việc đeo găng tay phát ra những dao động. Sinh viên sẽ cảm nhận trung thực nhất về từng đường mổ, máu và nhịp thở của bệnh nhân chỉ với hệ thống VR đơn giản".

Các nghiên cứu của Virtalis, một công ty chuyên về VR hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh chỉ ra rằng gần một nửa số sinh viên theo học các môn về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học cảm thấy chán nản và trượt trong các bài kiểm tra.

Một trong những khiếu nại đưa ra đối với 4 môn học trên là giáo trình dựa quá nhiều vào lý thuyết và không cung cấp kinh nghiệm thực tiễn cho sinh viên, đặc biệt là các nước đang phát triển. Học tập trong một môi trường thật mà ảo, ảo mà thật như hệ thống VR sẽ mở ra một chân trời mới, những cơ hội mới cho việc giảng dạy các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học với những bài giảng mới và thú vị hơn.

Bức ảnh đeo kính thực tế ảo trong trường học gây tranh cãi vì HS đang dần quên đi thực tế? - Ảnh 3.

Chương trình giảng dạy dựa trên VR cho các hệ thống trường học sẽ đưa các em học sinh đặt chân tới những hành tinh khác nhau và các giai đoạn lịch sử tại chính lớp học, giúp họ hiểu bài nhanh hơn, có hứng thú học tập hơn.

Trong tương lai, công nghệ thực tế ảo được nhiều chuyên gia đánh giá là bước đột phá cho ngành giáo dục, góp phần thay đổi ngành giáo dục, phá bỏ các rào cản gặp phải về mặt kinh tế và địa lý. 

VR cho phép con người trên khắp thế giới có thể tương tác với nhau một cách dễ dàng, từ đó nâng cao trình độ và khả năng giao tiếp tiếng Anh của những nước không sử dụng tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ như Việt Nam.

Bức ảnh đeo kính thực tế ảo trong trường học gây tranh cãi vì HS đang dần quên đi thực tế? - Ảnh 4.

Nhật Bản áp dụng công nghệ VR vào giảng dạy

Bức ảnh đeo kính thực tế ảo trong trường học gây tranh cãi vì HS đang dần quên đi thực tế? - Ảnh 5.

Chỉ cần ngồi trong lớp, học sinh cũng có thể tham quan trực tiếp trường học